Nghệ thuật mà chỉ dùng mỗi cái đầu thì không có gì đặc sắc
Nghệ thuật mà chỉ dùng mỗi cái đầu thì không có gì đặc sắc
“Chúng ta không biết mình lấy những ý tưởng đó từ đâu. Nhưng chúng ta biết chắc chắn là không lấy chúng ra từ máy tính.” - John Cleese
Nghệ thuật "đánh cắp" ý tưởng
(2 lượt)

Nhà làm phim hoạt hình yêu thích của tôi, Lynda Barry, từng nói: “Trong thời đại kỹ thuật số, đừng quên sử dụng những chữ số của bạn!” Hai bàn tay của bạn chính là những thiết bị kỹ thuật số nguyên gốc đấy. Hãy dùng chúng đi.

Mặc dù tôi yêu chiếc máy tính của mình, tôi lại tin rằng máy tính đã cướp đi của chúng ta cái cảm giác rằng ta đang thực sự tạo nên thứ gì đó. Chúng ta chỉ đang gõ vào bàn phím và click chuột, và đó chính là lý do tại sao thứ được gọi là công việc tri thức nghe thật trừu tượng. Nghệ sỹ Stanley Donwood, người làm toàn bộ bìa cho album cho ban nhạc Radiohead, cho rằng máy tính cô lập chúng ta vì chúng đặt một tấm kính giữa chúng ta và những thứ đang diễn ra. “Bạn sẽ chẳng bao giờ được chạm vào bất kỳ thứ gì bạn đang làm trừ khi bạn in nó ra,” Donwood nói.

Hãy cứ nhìn bất kỳ ai đang dùng máy tính mà xem. Họ tĩnh lặng và bất động. Bạn không cần một nghiên cứu khoa học (thứ cũng không có quá nhiều) để biết rằng việc ngồi trước máy tính cả ngày đang dần giết chết cả bạn lẫn công việc của bạn. Chúng ta cần được di chuyển, để cảm thấy rằng ta đang tạo nên thứ gì đó bằng cả cơ thể mình, chứ không chỉ bằng đầu óc.

Những thành quả chỉ đến từ trí óc thực ra không tốt chút nào. Hãy nhìn một người nhạc sỹ giỏi chơi một bản nhạc. Nhìn một nhà lãnh đạo vĩ đại trình bày một bài phát biểu. Bạn sẽ hiểu tôi đang nói gì.

Bạn cần phải tìm cách đưa cơ thể mình vào công việc bạn làm. Hệ thần kinh của chúng ta không hề hoạt động một chiều – cơ thể cũng có thể chi phối não bộ nhiều như cách não bộ điều khiển được cơ thể vậy. Bạn biết câu nói, “going through the motions” không? Nghĩa bóng của nó là “làm lấy lệ”, làm mà không hứng thú hay nghĩ nó quan trọng. Nhưng nghĩa đen của nó chính là thứ cho thấy sự tuyệt vời của công việc sáng tạo: Nếu chúng ta làm một động tác nào đó, nếu ta gẩy một dây đàn, lật qua lật lại mẩu giấy nhớ trên bàn ở một buổi hội thảo hay bắt đầu nặn đất sét, bộ não sẽ được khởi động cho việc suy nghĩ.

“Tôi đã nhìn chằm chằm vào cái màn hình phẳng sáng chói của máy tính đủ lâu rồi. Hãy cho bản thân  thêm thời gian để làm những việc ngoài đời thực... như trồng một cái cây, đưa chó đi dạo, đọc một cuốn sách hay đi nghe hòa nhạc.” -Edward Tufte

Phải đến lúc tôi bắt đầu quay về dùng những thứ dụng cụ thủ công thì công việc sáng tạo mới trở nên thú vị trở lại và những tác phẩm của tôi mới bắt đầu có cải thiện.

[...]

Làm việc trên máy tính sẽ thuận lợi hơn cho việc chỉnh sửa những ý tưởng của bạn, cho việc chau chuốt chúng trước khi “trình làng”, nhưng lại không tốt cho việc tạo ra ý tưởng. Bạn có quá nhiều cơ hội để nhấn nút xóa. Máy tính đánh thức những con người cầu toàn trong mỗi chúng ta – khiến chúng ta chỉnh sửa các ý tưởng kể cả trước khi nghĩ ra chúng. Nhà làm phim hoạt hình Tom Gauld nói rằng ông ấy tránh xa máy tính cho đến khi đã nghĩ xong phần lớn ý tưởng của mình, vì một khi có sự tham gia của máy tính, “mọi thứ đều được đẩy đến con đường trước sau gì cũng xong. Trong khi trong cuốn sổ vẽ của tôi còn đó mọi khả năng vô tận.”

[...]

Tôi có hai chiếc bàn ở công ty – một chiếc cho việc thủ công, một chiếc làm việc kỹ thuật số. Chiếc bàn “thủ công” chẳng có gì ngoài vài chiếc bút dạ, bút mực, bút chì, giấy, báo và thẻ chỉ mục. Không có dấu vết của điện tử trên chiếc bàn đó. Đây là nơi sinh ra phần lớn tác phẩm của tôi, nơi trải đầy những mẩu tin, những dư lượng và dấu vết của quá trình sáng tạo. (Khác với ổ cứng, giấy tờ chẳng bao giờ bị đơ cả.) Bàn làm việc còn lại của tôi là bàn kỹ thuật số, nơi tôi để máy tính bàn, máy tính xách tay, máy quét và bảng vẽ điện ktử. Đây là nơi tôi chỉnh sửa và xuất bản các tác phẩm của mình.

Hãy thử làm mà xem: nếu bạn có đủ không gian, hãy bố trí hai bàn làm việc khác nhau, một bàn thủ công và một bàn kỹ thuật số. Đối với bàn làm việc thủ công, hãy loại bỏ toàn bộ đồ điện tử. Hãy bỏ ra 10 đô-la, đến cửa hàng văn phòng phẩm gần nhất và mua một ít giấy, bút cùng giấy nhớ. Khi trở về với bàn làm việc thủ công, hãy tưởng tượng rằng bạn đang trong giờ học lắp ráp. Nguệch ngoạc vài nét trên giấy, cắt chúng ra rồi dán lại. Hãy đứng khi bạn làm những việc đó. Đính mọi thứ lên tường và tìm ra các mô-típ hay lặp lại trong số những ý tưởng thoáng qua. Trải tài liệu  của bạn ra khắp nơi và dần dần lọc qua chúng.

Một khi đã bắt đầu lên được các ý tưởng, bạn có thể chuyển sang làm việc tại bàn kỹ thuật số và dùng máy tính để triển khai và xuất bản chúng. Mỗi khi bạn cảm thấy bản thân đang hụt đà, hãy trở lại chiếc bàn thủ công và vui đùa.

- Trích dẫn từ cuốn sách "Nghệ thuật đánh cắp ý tưởng" - Austin Kleon - 

Tags: