Trong năm 2020, ngành công nghiệp xuất bản tốt hơn so với dự đoán khi đại dịch mới xuất hiện. Dù có nhiều thách thức, một số doanh nghiệp và phân khúc của ngành sách gặp khó khăn, nhiều đơn vị xuất bản đã có một năm tài chính tốt, thậm chí doanh số tăng.
Tạp chí Publishers Weekly đã nhìn lại năm 2021 và nhận định ngành xuất bản đang trong trạng thái chờ đợi bình thường mới.
Với các hiệu sách, những chương trình như hội sách ảo, giao lưu trực tuyến đã trở nên quen thuộc trong năm 2020. Ngành phát hành hy vọng chương trình trực tiếp sẽ trở lại vào năm 2021. Nhưng phần lớn kế hoạch trực tiếp đã phải hủy bỏ trong suốt nửa đầu năm nay.
Giữa năm, các hiệu sách bắt đầu thử nghiệm chương trình ra mắt tác phẩm, giao lưu tác giả trực tiếp. Đây thường là sự kiện tổ chức ngoài trời, hạn chế số người tham gia. Khi thời tiết lạnh hơn, cùng sự xuất hiện của biến thể khác nhau, các chương trình trực tiếp đã kết thúc.
Nhiều hiệu sách ở Mỹ nỗ lực thực thi những quy định như bán hàng trong điều kiện đeo khẩu trang, có chứng nhận tiêm vaccine… Doanh số bán hàng tại các hiệu sách thực tế đã tăng trưởng.
Đến tháng 10/2021, doanh số bán sách tại cửa hàng trực tiếp là 7,12 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh số cả năm 2021 đạt khoảng 10 tỷ USD. Doanh thu tăng một phần do việc các cửa hàng độc lập và chuỗi cửa hàng đều áp dụng bán sách trực tuyến.
Chuỗi hiệu sách Barnes & Noble, sau khi buộc phải đóng cửa trong vài tuần khi bắt đầu đại dịch, đã đẩy nhanh kế hoạch cải tạo không gian và phục hồi hoạt động bán sách. Nhiều chương trình, hoạt động bên lề đã được tổ chức. Đơn vị này tiếp tục phát triển nền tảng sách điện tử Nook.
Tại Canada, chuỗi cửa hàng Indigo Books & Music có doanh thu trong quý thứ hai, kết thúc vào tháng 10/2021, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020. Cuối năm 2020, chuỗi hơn 200 cửa hàng này phải tuân thủ lệnh đóng cửa trong thời gian dài, khi mở cửa lại đã có kết quả khả quan. Doanh thu bán sách trực tuyến của chuỗi cửa hàng này có bước nhảy vọt, năm 2021 cao hơn 85% so với trước đại dịch.
Một số hội sách quốc tế lớn đối mặt với thử thách của đại dịch. Hội sách thiếu nhi Bologna buộc phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Hội sách London được tổ chức với hình thức trực tuyến, sau khi sự kiện trực tiếp phải hủy bỏ vào phút cuối.
Hội sách Quốc tế Bắc Kinh phải hoãn ngày khai mạc, cuối cùng cũng diễn ra vào tháng 9 với hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tháng 10, sự trở lại của Hội sách Frankfurt diễn ra với hình thức trực tiếp, quy mô chỉ bằng 20% so với những năm trước đây. Hội sách Quốc tế Sharjah (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) diễn ra trực tiếp, thu hút 1,7 triệu người với 1.632 nhà xuất bản tham dự.
Sự chuyển đổi sang hình thức ảo của hội sách có tác động trực tiếp đến bộ phận bán bản quyền. Nhiều đơn vị nhượng quyền (thường dựa vào các hội sách như London, Frankfurt… để tổ chức những cuộc gặp mặt quan trọng) đã chuyển hướng sang làm việc trực tuyến. Các đại lý bản quyền bỏ qua hội sách, chuyển sang tổ chức các chương trình ảo để quảng bá, chào hàng, xúc tiến bản quyền với ngành sách quốc tế.
BookEpo - một hội sách thương mại lớn của Mỹ - ngừng tổ chức từ năm 2020, đến nay chưa có dấu hiệu quay lại. Một số tổ chức nỗ lực thực hiện chương trình mới để kết nối nhà xuất bản và đơn vị phát hành, trong đó có Triển lãm Sách Mỹ (do Publishers Weekly thực hiện) với hình thức trực tuyến.
Chuỗi cung ứng, một khía cạnh của xuất bản thường không được nhắc tới trước đây, trở thành tâm điểm chú ý của năm 2021. Từ giữa năm, hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng đã diễn ra ở hầu hết ngành, đặc biệt là những sản phẩm được sản xuất ở các quốc gia khác nhau.
Tại Mỹ, tình trạng thiếu tài xế xe tải, tắc nghẽn tại cảng biển, chi phí container tăng vọt gây áp lực lên khả năng giao sách. Trầm trọng hơn, tình trạng thiếu lao động trên diện rộng khiến Amazon, Ingram và các công ty vận hành các kho hàng lớn khác gặp khó khăn.
Ngành công nghiệp xuất bản cũng đối mặt vấn đề tìm kiếm công nhân lành nghề, thiếu giấy… Tất cả kết hợp lại ảnh hưởng đến công suất in vào nửa cuối năm 2021; các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng in ấn sẽ tăng cao vào năm 2022.
Để giải quyết vấn đề trước mắt là có sách lên kệ vào dịp năm mới 2022, các nhà xuất bản đã tập trung vào việc phân phối kịp thời các đầu sách lớn, trì hoãn phát hành các cuốn sách ít quan trọng hơn. Các nhà bán lẻ sách cùng phương tiện truyền thông khuyên người tiêu dùng mua sách sớm trong kỳ nghỉ lễ.
Nhiều chuyên gia cho rằng ngành sách cần tự động hóa nhiều hơn, tìm nguồn cung nguyên liệu, nhân công. Tại nhiều nơi, kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng vào đầu năm 2022 đang bị phá hỏng bởi những biến thể virus. Dự đoán, nhân viên xuất bản sẽ làm việc theo phương pháp kết hợp, một số ngày tới văn phòng, một số ngày làm việc từ xa.
Theo Zing News