Chúng ta phải thực tế về điều này, nhưng không quá bi quan. Những phán đoán và quyết định của chúng ta thường sẽ bị đẩy sang các hướng khác nhau bởi nhận thức và ký ức bị bóp méo.
May thay, chúng ta có thể giảm thiểu các khuynh hướng này bằng cách tìm hiểu về những sự biến dạng này và cách chúng hoạt động. Chúng ta có thể cân bằng chúng, nhưng trước tiên cần định nghĩa và giải thích từng thuật ngữ quan trọng.
Niềm tin
Niềm tin là một phần quan trọng trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều có niềm tin sẵn có về sự vật, con người và ý tưởng, và thế hệ này sẽ truyền lại chúng cho thế hệ sau thông qua học tập xã hội. Đôi khi, chúng ta chỉ tin những gì mình muốn tin bất chấp bằng chứng chống lại nó; chúng ta có thể coi đó là mơ tưởng.
Vậy những niềm tin sai lệch bắt nguồn từ đâu? Bộ não không cố ý lừa dối con người, nhưng biết sự thật không phải lúc nào cũng là mối quan tâm chính của nó. Niềm tin sai lệch là sản phẩm phụ từ quá trình thích ứng tâm lý trong học tập xã hội. Học tập xã hội hỗ trợ nhiều nhiệm vụ hữu ích, chẳng hạn như học tiếng mẹ đẻ. Là loài có tính xã hội, con người cần kết nối xã hội cũng như chia sẻ kinh nghiệm, và chúng ta bắt đầu chú ý đến người khác (đồng thời có khả học hỏi từ họ) từ khi còn nhỏ. Vì vậy, thật tự nhiên khi chúng ta cởi mở tiếp thu ý kiến trực tiếp từ người khác, đặc biệt là những người mình tin tưởng.
Thông tin thứ cấp có nhiều khả năng dẫn đến niềm tin sai lệch hoặc bị bóp méo. Con người thích kể những câu chuyện hay, và người kể chuyện có thể nêu bật một số khía cạnh nhất định và bỏ qua những khía cạnh khác để khiến câu chuyện trở nên thú vị hơn hoặc nhấn mạnh một số điểm nhất định.
Đổi lại, những niềm tin sẵn có có thể dẫn đến nhận thức sai lệch về con người, sự vật và sự kiện, do đó ảnh hưởng đến nhận thức và kinh nghiệm trong tương lai. Mọi người sau đó có thể truyền những niềm tin mang thiên kiến này cho người khác. Điều này có thể khiến bạn nhớ đến trò chơi “tam sao thất bản”, trong đó mọi người xếp thành một hàng dài, người trước thì thầm một thông điệp nào đó với người sau. Đến cuối cùng, thông điệp đã không còn giống như ban đầu nữa.
Một khía cạnh khác về niềm tin là chúng ta có xu hướng tin những gì mình muốn tin, và điều này bao gồm cả niềm tin về bản thân. Chúng ta có xu hướng áp dụng những niềm tin được xã hội chấp nhận để tránh bị người khác bác bỏ. Giống như nhiều xu hướng tâm lý, điều này không có vấn đề gì, nhưng đôi khi nó có thể cản trở tư duy phản biện.
Cảm xúc
Cảm xúc xã hội, như sự tin tưởng hay mong muốn được chấp nhận, có thể ảnh hưởng đến điều chúng ta tin, nhưng cảm xúc nói chung lại có tác động vô cùng lớn đến nhận thức. Các nhà tâm lý học đã ghi nhận những tác động đồng thời của tâm trạng đối với bộ nhớ và sự chú ý.
Điều này có nghĩa là mọi người thường sẽ chú ý và ghi nhớ thông tin phù hợp với tâm trạng hiện tại của mình; nếu chú ý, bạn có thể thấy hiện tượng này thường xuyên trong cuộc sống thường nhật. Ví dụ, khi cảm thấy vui vẻ, ta sẽ thích thú hơn với cảnh đẹp hoặc thấy bữa ăn ngon so với khi có tâm trạng bình thường. Do đó, cảm xúc của chúng ta không chỉ phụ thuộc vào các thông tin đầu vào mà cả cách trí óc xử lý chúng.
Trong các thí nghiệm có đối chứng, một người đang sợ hãi hoặc buồn bã nhiều khả năng sẽ nhìn nhận vẻ mặt của người khác theo hướng tiêu cực. Ngược lại, một người đang có tâm trạng vui vẻ, phấn chấn lại rất dễ cho rằng khuôn mặt đó là thân thiện.
Người thứ nhất dễ nhớ lại những sự kiện khó chịu, trong khi người thứ hai thường nhớ tới những trải nghiệm vui vẻ hơn.
Ví dụ này cho thấy việc truy xuất bộ nhớ là một quá trình chủ động; bộ nhớ của bạn không giống thư viện và không cung cấp cho bạn cùng một ký ức vào mọi thời điểm. Thay vào đó, hệ thống nhận thức sẽ tái cấu trúc các ký ức tùy theo thời điểm.
Ngụy biện
Thuật ngữ ngụy biện thường dùng để chỉ những niềm tin sai lệch nhưng phổ biến, bao gồm một số ví dụ về kiến thức dân gian. Chẳng hạn, nhiều người tin rằng trẻ sơ sinh được sinh ra nhiều hơn vào thời điểm trăng tròn. Sự thật là (sự thật này có thể xác minh, đáng tin cậy, tôi hứa đấy!) trẻ sơ sinh ra đời vào lúc trăng tròn không nhiều hơn bất kỳ pha nào khác của Mặt trăng.
Những ngụy biện dựa trên niềm tin sai lệch có thể ảnh hưởng đến quá trình lập luận nếu chúng ta cho rằng những kiến thức mình nhận được là đúng mà không kiểm tra chi tiết hơn.
Thuật ngữ này cũng bao hàm ngụy biện logic.Đây là những lỗi lập luận thường được gọi là lập luận không logic. Để lập luận đúng, chúng ta phải đảm bảo các kết luận được rút ra một cách logic từ các lập luận. Vô số lỗi ngụy biện logic tồn tại và đã được nghiên cứu từ lâu.
Tự nghiệm và thiên kiến
Thiên kiến là một đặc điểm quan trọng khác của hệ thống nhận thức ảnh hưởng đến cách bộ não tiếp thu và xử lý thông tin. Thiên kiến có chủ đích khiến chúng ta chú ý đến hoặc lờ đi những điều nhất định. Khi đánh giá và đưa ra quyết định, chúng ta cũng sẽ gặp phải các thiên kiến không chủ đích.
Một loại thiên kiến thú vị cần lưu ý là thiên kiến vị kỷ, trong đó vị kỷ có nghĩa là “hướng tới bản thân”. Mọi người luôn đánh giá khả năng của bản thân ở mức trên trung bình”. Bạn có thấy gì sai không? Theo định nghĩa, hầu hết mọi người không thể thể hiện được khả năng trên mức trung bình vì mức trung bình rơi vào khoảng giữa. Các nhà khoa học đã quan sát được hiệu ứng này trong mọi tình huống từ việc tự đánh giá phẩm chất lãnh đạo đến khả năng mắc bệnh ung thư, và ở mọi đối tượng từ sinh viên đến giáo sư.
Chúng ta phải hiểu về thiên kiến, vì chúng có thể trực tiếp dẫn đến ngụy biện và cũng có thể hỗ trợ cho những niềm tin sai lệch.
Tự nghiệm là các lối tắt tinh thần. Tự nghiệm sẵn có (availability heuristic) là một ví dụ, là khi chúng ta sử dụng thông tin sẵn có nhất để giải quyết một vấn đề nhất định. Chúng ta cũng có thế gọi tự nghiệm là những quy tắc ngón tay cái: các phương pháp nhanh chóng để giải quyết vấn đề mà không cần tính toán hoặc sử dụng logic quá nhiều. Tự nghiệm rất hữu ích, nhưng chúng cũng dẫn đến các câu trả lời gần đúng và khiến chúng ta mắc lỗi.
Trong một số tình huống, tự nghiệm có thể dẫn đến những thiên kiến hệ thống. Đây là một vấn đề rất tai hại vì nó khiến ta bỏ qua các thông tin liên quan khác.
Vậy tại sao ta có các tự nghiệm? Tổ tiên của chúng ta cần các giải pháp nhanh và hiệu quả cho nhiều vấn đề trong quá trình tiến hóa, nhưng các giải pháp này lại phải chính xác. Họ đã tồn tại và thành công; nếu không, họ sẽ không phải là tổ tiên của chúng ta. Kết quả là, bộ não của chúng ta thoải mái dựa vào các lỗi sai, miễn là những gì chúng ta biết đủ hiệu quả trong thực tế, ngay cả khi kinh nghiệm hàng ngày hoàn toàn trái ngược với tự nghiệm.
- Theo cuốn sách: Giải phóng sức mạnh tư duy phản biện - Giải mã 10 kiểu ngụy biện, triệt tiêu chiêu trò lừa đảo va hiểu chính xác về ngụy khoa học