Mộc mạc một nỗi nhớ Hà Nội
Mộc mạc một nỗi nhớ Hà Nội
Đã đành, người đi xa Hà Nội không thể nguôi quên mảnh đất mình gắn bó nhiều năm, hay người phương khác đến Hà Nội đôi lần cũng vương vấn với thành phố “gây thương nhớ” ấy. Nhưng, lại có những người, vẫn loanh quanh trong lòng Hà Nội đấy thôi mà vẫn nhớ.

Đang thời hiện tại lại hoài niệm về Hà Nội trong quá khứ. Chuyển về ngoại ô lại nhớ về những tháng ngày nội đô, nghe một bài hát, ngắm một công trình nhà cao tầng đang xây, hay bất chợt bắt gặp nhành bằng lăng tím đều khiến một nỗi nhớ Hà Nội ùa về. Ở trong lòng Hà Nội mà thao thiết nhớ Hà Nội. Cái nỗi nhớ “kỳ lạ và rất khó tả” ấy, tôi đã bắt gặp trong tập sách “Phố Phở phố có nhà to” của nhà văn Phạm Ngọc Tiến.

 Phạm Ngọc Tiến tự nhận mình là “người hoài cổ”, khi về hưu “cứ hay lẩn mẩn nghĩ lại những chuyện từ thời con trẻ”. Ông nhớ “những rạp chớp bóng của Hà Nội giờ đã dần mai một”, ông viết “tản mạn về xe đạp”, ông kể chuyện về “một thời quốc lủi”, về “nước máy Hà Nội”, về “hàng phố”...

Với Phạm Ngọc Tiến, đó không đơn giản là nhớ về “một quá vãng chẳng thể quên”, mà còn để ngẫm ngợi chuyện nay. Nào hồ Tây lâm nạn cá chết, nào “phố mới về làng”, hay có những thứ chỉ “mang nặng trên mình nghĩa vụ thời cuộc có thể làm Hà Nội xấu đi ít nhiều” như những chiếc cầu vượt lắp ghép, nhưng “cũng không thể chối bỏ nó”. Bởi nhà văn cho rằng, những chiếc “cầu vồng” ấy thực sự là giải pháp cho bài toán giao thông hiện tại. Rồi một ngày không xa, cầu vượt “sẽ chỉ còn trong hồi ức”.

Một mảng đề tài quan trọng trong nỗi nhớ Hà Nội của Phạm Ngọc Tiến là ẩm thực. Nhà văn bộc bạch rằng: “Mỗi người mỗi vẻ không ai giống ai. Riêng tôi chẳng hiểu sao chỉ nhớ những gì thuộc về ăn uống. Một que kem Hàng Vôi bốc khói ngày đại hàn. Hay là ngày hè có tiền chơi sang vào hàng giải khát làm vại sen dừa. Chao ôi cái âm thanh thìa khuấy khiến những viên đá lạnh va vào thành cốc kêu lanh canh ám ảnh tôi kể cả khi nằm trùm chăn trong võng đếm mưa rơi giữa rừng già Trường Sơn vẫn nhớ vẫn thèm về nó. Đấy, nỗi nhớ Hà Nội đôi khi chỉ là đơn giản như thế”.

Viết về ẩm thực Hà Nội, với Phạm Ngọc Tiến không chỉ là miếng ăn ngon mà còn là “thưởng thức về cách ăn của người Hà Nội”, là sự giữ gìn bản sắc của ẩm thực truyền thống mà có lẽ nhờ thế, dù Hà Nội “du nhập quá nhiều thứ bên ngoài của thời hiện đại, dù vật đổi sao dời với bao biến thiên thì vẫn là một Hà Nội kinh kỳ truyền thống”.

Chọn cách viết mộc mạc, tản văn của Phạm Ngọc Tiến tạo cảm giác chân thật và gần gụi với nhiều độc giả. Song, viết tản mạn có lẽ chỉ là cách trải lòng của nhà văn Phạm Ngọc Tiến khi nhớ về Hà Nội. Đời văn của ông ghi dấu ấn ở lĩnh vực truyện ngắn và tiểu thuyết với nhiều tập sách như “Cố hương”, “Thằng mõ trâu”, “Người cha buôn hàng chuyến”...

Trong đó, nhiều tác phẩm được đánh giá cao, đem về các giải thưởng như Giải nhì Cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội 1990 - 1991 với truyện ngắn "Chạy trốn", Giải B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 về đề tài chiến tranh với tập truyện ngắn "Họ đã trở thành đàn ông", Giải thưởng 5 năm Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội 1991 - 1996 với tiểu thuyết "Tàn đen đốm đỏ", Giải B của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1996 với tập truyện ngắn "Những sinh linh bé bỏng".

Bên cạnh đó, Phạm Ngọc Tiến cũng hướng đến độc giả thiếu nhi với các tập truyện vừa “Kho báu của người điên”, truyện dài “Đợi mặt trời” - tác phẩm đã được nhận Giải A Cuộc thi viết về thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng (1993 - 1995) và liên tục được tái bản trong những năm vừa qua.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến sinh năm 1956, tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhiều năm là biên tập viên Hãng phim Truyền hình Việt Nam - Đài Truyền hình Việt Nam. Ông được công chúng biết đến nhiều hơn qua các kịch bản phim truyện và phim truyền hình như “Chuyện làng Nhô”, “Đất và người”, “Ma làng”, “Đàn trời", “Gió làng Kình”, “Sinh tử”.
Tags: