Mặc cảm thấp kém và vị trí chiếu dưới của phụ nữ trên mâm cơm chính trị
Mặc cảm thấp kém và vị trí chiếu dưới của phụ nữ trên mâm cơm chính trị
Freud cho rằng mỗi em gái đều có những lúc mơ ước làm trai; có lẽ điều ấy trong xã hội xưa chỉ đúng với những người đàn bà có tài. Mơ ước làm đàn ông, theo Freud, ở thời thơ ấu là có được "Con chim", tôi nghĩ rằng mơ ước chủ yếu là có một sự nghiệp giữa xã hội, cho nên lúc còn ngây thơ thì mơ được có "con chim". Trong một xã hội do phụ nữ ngự trị, có lẽ đàn ông sẽ mơ ước có bộ ngực nở nang…

Ngày hôm nay, tôi có vô tình đọc được một câu hỏi về việc tại sao nữ giới lại ít quan tâm đến các vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội, thậm chí là các vấn đề hết sức cơ bản như thủ tướng nước mình là ai, sự tồn tại của chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979, ai là Tổng thống Mỹ,… Hầu hết đây không phải là các vấn đề cao siêu, chỉ cần xem thời sự hằng ngày là thấy. Và tôi thấy những người phụ nữ hằng ngày trong bữa cơm gia đình vẫn ngồi xem Thời sự cùng chồng, vậy tại sao họ lại không biết?

Không biết vì không cần biết những gì không cần thiết.

Đây là câu trả lời được đề cập nhiều nhất dưới câu hỏi phía trên. Dĩ nhiên không phải ai cũng trả lời thế, mà là với đại ý như vậy. Câu trả lời làm tôi liên tưởng đến mẹ tôi, người luôn xem thời sự cùng bố nhưng không bao giờ nhớ được gì. Đơn giản vì bà không để tâm, vì những kiến thức “không cần thiết”.

 

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, đại dương, bầu trời, ngoài trời và nước

 

Bản thân phụ nữ đã không cho mình cái quyền biết và được biết sự đa dạng và kì diệu trên thế thế gian này. Quay lại với câu trả lời trên một chút: Đồng ý là mỗi người có một niềm quan tâm riêng, bạn có thể không quan tâm đến chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử hay bất kì một lĩnh vực cụ thể to tát nào khác. Nhưng ít nhất phải có một thứ gì đó, dù là nhỏ bé đúng không? Và trong trường hợp này, trong trường hợp của những người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam và Châu Á nói chung, đó là gia đình, và hoài bão chỉ mãi loanh quanh nơi xó bếp.

“Chăm con còn không có thời gian hơi đâu bàn chuyện chính trị”

“Ăn rau muống bàn chuyện quốc gia làm gì cho nhức đầu”

 

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

 

Như chú voi bị xích chân từ bé, dù lớn lên chỉ bị buộc bằng xích chó, cũng không bao giờ nghĩ đến việc dứt xích về rừng. Bản thân những người phụ nữ ấy đều không muốn thoát ra khỏi cái kìm kẹp, định kiến và những khuôn khổ của xã hội bởi những quan điểm đã thâm căn cố đế trong đầu óc từ lâu.

Đây không phải một xã hội phong kiến, nơi phụ nữ không bao giờ được làm gì, cũng không bao giờ dám làm gì. Bởi thế, đừng mang định kiến xã hội để đặt tên cho những bất công mà phụ nữ phải chịu. Ở miền núi, dân tộc, nhà quê thì lý do ấy còn có thể tạm giải thích cho một số trường hợp được, nhưng tại sao ở những thành phố lớn, nơi người ta được tiếp cận bình đẳng với nhau về mọi nguồn thông tin, mà “tham vọng” của phụ nữ vẫn là quá nhỏ?

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Đàn bà sợ mình giỏi quá sẽ khổ. Ngày xưa chị em Thúy Kiều Thúy Vân cùng chung gia cảnh, chỉ có mình Kiều là khổ. Vì Kiều tài giỏi, biết suy nghĩ. Còn Vân chẳng lo nghĩ  gì, an phận làm người đàn bà, cả một nền giáo dục, lễ nghi tín ngưỡng đã tạo cho Vân một tâm lý an phận, gặp được bố mẹ nhân từ, chồng thành đạt, con ngoan là thỏa mãn không ước mơ gì hơn. Xã hội cũ phân chia phần, xếp ghế đâu đấy cho mỗi người, ai chấp nhận cái tôn ti trật tự ấy là sống yên ổn, không dằn vặt, trăn trở. Chỉ có những người đàn bà có tài mới khổ. Bởi thế mới có câu “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”.

Đàn bà phong kiến mang cái suy nghĩ ấy truyền từ đời này qua đời khác. Đời mẹ yên phận học đủ con chữ mà vẫn cơm ăn ba bữa quần áo mặc cả ngày, sống đến quá lục tuần rồi mới thăng thiên, đời con còn mong muốn gì hơn nữa? Một sinh vật, suy cho cùng mục đích tồn tại cũng chỉ là “duy trì nòi giống”.

Đấy, suy cho cùng cũng chỉ tự phụ nữ kìm kẹp nhau. Ngày xưa cả một chế độ đè nén, nên bây giờ tự do rồi, phần nào công bằng rồi, vẫn chỉ là kiềng canh nóng mà thổi rau nguội.

 

Không có văn bản thay thế tự động nào.

 

Vì quá sợ hãi, mà không dám nghĩ lớn. Thực ra đây không phải vấn đề của riêng một giới, là vấn đề của cả một xã hội. Người Việt Nam giỏi, nhưng thiếu sự đột phá. Tuy vậy, nếu hầu như người đàn ông nào cũng dám thất bại trong đời mình, người nhát thì một, hai lần, người dũng cảm có khi dám thất bại cả trăm lần, thì phụ nữ lại không. Chỉ một hai cái khó khăn đã dễ dàng cản lối đi. Đàn ông đến 40 tuổi lấy vợ chẳng sao, đàn bà 25 tuổi đã sợ “hết xuân”. Quanh đi quẩn lại, tư duy vẫn chỉ loanh quanh căn nhà, dãy phố, chẳng dám nghĩ đến non sống, đất nước, và vẫn tiếp tục đổ lỗi cho chế độ, xã hội, truyền thống, đàn ông.

Tại sao, số phận mình lại tự đặt vào tay người khác?

Làm chủ đời mình còn chưa làm được, lấy cơ sở nào để làm chủ đất nước?

 

Hôm nay, kỉ niệm 5 năm ngày mất của Bà đầm thép Margaret Thatcher (08/04/2013 – 08/04/2018)  –

người giữ vị trí thứ 16 trong danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất thuộc mọi thời đại, người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ Thủ tướng Anh, là người nắm giữ vị trí Thủ tướng Anh liên tiếp 2 nhiệm kì, kéo dài hết thập niên 1980 (1979-1990) và cũng là người có thời gian đương nhiệm dài nhất kể từ năm 1827, xin gửi đến độc giả, nhất là các độc giả nữ cuốn “Magaret Thatcher – Hồi ký bà đầm thép”. Cuốn sách là tác phẩm tóm tắt lại cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của bà, và hi vọng cũng sẽ trở thành niềm cảm hứng để những người phụ nữ Việt Nam dứt bỏ đi gông cùm trong chính bản thân mình.

Đàn ông và phụ nữ mãi mãi không bao giờ có thể bình đẳng, nhưng đó chỉ là sự bất bình đẳng về mặt sinh học, không bao giờ là sự bất bình đẳng trong xã hội. Nguồn năng lượng quý giá mà những người phụ nữ đang tự giam giữ trong bản thân mỗi người chính là những gì mà đất nước, thế giới và nhân loại này cần. Trước hết, hãy giải phóng bản thân mình.

 Phanh

Trạm Đọc.

Tham khảo, trích đoạn: Nguồn Tạp chí Tri thức trẻ, 24/08/2009

 

 

Tags: