Khi xã hội loài người bắt đầu phát triển nông nghiệp, những thời kỳ đói kém này dần dần được giảm bớt và cuối cùng bị loại bỏ. Tuy nhiên, người cổ đại, như người Hy Lạp, đã nhận ra rằng có điều gì đó sâu sắc, có lợi về việc nhịn ăn định kỳ. Khi thời kỳ đói kém không tự nguyện dần mất đi, các nền văn hóa cổ đại thay thế chúng bằng các thời kỳ nhịn ăn tự nguyện. Đây thường được gọi là thời gian “làm sạch”, “giải độc” hoặc “thanh lọc”. Những ghi chép sớm nhất trong lịch sử về Hy Lạp cổ đại cho thấy người dân có niềm tin kiên định vào sức mạnh của phương pháp này. Thật vậy, nhịn ăn là một truyền thống chữa bệnh lâu đời và phổ biến nhất trên thế giới. Nó đã được thực hành bởi hầu hết mọi nền văn hóa và tôn giáo. Nhịn ăn là một truyền thống xa xưa và được thử thách theo thời gian.
Nhịn ăn vì mục đích tâm linh
Nhịn ăn được thực hành rộng rãi vì mục đích tâm linh, và vẫn là một phần của hầu hết mọi tôn giáo lớn trên thế giới. Ba trong số những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử thế giới, Chúa Jesus, Đức Phật và Nhà tiên tri Muhammad đều có chung một niềm tin vào khả năng chữa bệnh của việc nhịn ăn. Về mặt tâm linh, việc đó thường được gọi là làm sạch hoặc thanh lọc, nhưng đó cũng là thực tế.
Thực hành nhịn ăn được hình thành độc lập giữa các tôn giáo và nền văn hóa khác nhau, không phải như một thứ có hại mà là điều có lợi cho cơ thể và tinh thần. Nhịn ăn không phải là một phương pháp điều trị bệnh tật mà là một phương pháp cải thiện sức khỏe. Việc thường xuyên áp dụng nhịn ăn giúp mọi người phòng tránh bệnh tật và giữ cho họ cảm thấy khỏe mạnh.
Trong câu chuyện của Adam và Eva, hành động duy nhất bị cấm trong Vườn Địa Đàng là ăn trái cấm, và Eva đã bị con rắn cám dỗ để phản bội lòng tin này. Do đó, nhịn ăn là một hành
động quay lưng lại với cám dỗ và trở lại với Đức Chúa Trời. Trong Kinh Thánh, Matthew 4:2 nói rằng, “Khi ấy Chúa Jesus được Thánh Linh dẫn vào đồng vắng để bị ma quỷ cám dỗ. Sau khi nhịn ăn 40 ngày 40 đêm, người bị đói”.
Theo truyền thống Kitô giáo, nhịn ăn và cầu nguyện thường là những phương pháp thanh tẩy và đổi mới tâm hồn. Nói một cách hình tượng, các tín đồ làm trống linh hồn của họ để họ có thể sẵn sàng tiếp nhận Chúa. Nhịn ăn không phải là quá trình tự phủ nhận bản thân mà là hướng vào tâm linh để có thể giao tiếp với Đức Chúa Trời và nghe tiếng Ngài. Bằng cách nhịn ăn, bạn đặt thân thể mình dưới sự quy phục Đức Thánh Linh, hạ mình trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời, và sẵn sàng được nghe tiếng Chúa.
Các tín đồ Cơ đốc chính thống Hy Lạp có thể nhịn ăn từ 180 đến 200 ngày trong năm. Nhà nghiên cứu dinh dưỡng nổi tiếng Ancel Keys thường coi Crete là điển hình cho chế độ ăn Địa Trung Hải lành mạnh. Tuy nhiên, có một yếu tố cực kỳ quan trọng trong chế độ ăn uống của họ mà ông đã hoàn toàn bác bỏ: hầu hết dân số Crete tuân theo truyền thống nhịn ăn của dòng Hy Lạp Chính thống. Điều này có thể đã góp phần vào tuổi thọ khỏe mạnh của dân số này.
Các nhà sư Phật giáo được biết là tránh ăn sau buổi trưa, nhịn ăn cho đến sáng hôm sau. Ngoài ra, có thể có những lần nhịn ăn chỉ uống nước trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Họ nhịn ăn để dập tắt những ham muốn của con người, điều này giúp họ vượt lên trên mọi ham muốn để đạt được Niết bàn và chấm dứt mọi đau khổ. Điều này phù hợp với niềm tin cốt lõi của họ về sự điều độ và thắt lưng buộc bụng.
Ấn Độ giáo ủng hộ việc nhịn ăn với niềm tin rằng tội lỗi của chúng ta sẽ giảm bớt khi cơ thể phải chịu đựng nỗi khổ. Nó cũng được coi là một phương pháp trau dồi khả năng kiểm soát ham muốn và hướng dẫn tâm trí hướng tới sự bình an: các nhu cầu vật chất của cơ thể bị từ chối vì lợi ích tinh thần. Những ngày nhất định trong tuần được chỉ định để nhịn ăn trong Ấn Độ giáo, cũng như những ngày nhất định trong tháng. Nhịn ăn cũng phổ biến tại các lễ hội.
Y học Vệ đà truyền thống cũng quy định nguyên nhân của nhiều bệnh tật là do sự tích tụ các chất độc trong cơ thể và quy định việc nhịn ăn để làm sạch các chất độc này. Người Hồi giáo nhịn ăn từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn trong tháng lễ Ramadan. Theo Qur’an, nhà tiên tri Muhammad nói: “Ramadan là một tháng được ban phước, tháng mà Allah yêu cầu phải nhịn ăn”. Nhà tiên tri Muhammad cũng khuyến khích nhịn ăn vào thứ Hai và thứ Năm. Có thể coi Ramadan là hình mẫu tốt nhất cho khoảng thời gian nhịn ăn, nhưng nó khác với nhiều chế độ nhịn ăn ở chỗ không được uống nước, dẫn đến giai đoạn mất nước nhẹ.
Những người tiên phong về nhịn ăn
Một trong những người đầu tiên ủng hộ việc nhịn ăn là Hippocrates ở Cos (c. 460 – c. 370 TCN), được coi là cha đẻ của y học hiện đại. Trong cuộc đời của ông, mọi người đã nhận ra rằng béo phì là một căn bệnh đang phát triển và nghiêm trọng. Hippocrates đã viết: “Đột tử thường xảy ra ở những người béo hơn là những người gầy.” Ông khuyên rằng điều trị béo phì nên bao gồm gắng sức sau bữa ăn và ăn một chế độ ăn nhiều chất béo, nhưng “chỉ nên ăn một lần một ngày”.
Nói cách khác, kết hợp nhịn ăn 24 giờ hàng ngày (nhịn ăn 24 tiếng rồi ăn, sau đó lại nhịn tiếp 24 tiếng nữa, liên tục như thế) thậm chí còn được công nhận là rất có lợi trong việc điều trị bệnh béo phì. Một lần nữa chứng minh rằng Hippocrates đáng để chúng ta tôn kính, ông cũng công nhận những lợi ích của việc tập thể dục và ăn nhiều chất béo lành mạnh trong lối sống lành mạnh.
Nhà văn, nhà sử học Hy Lạp cổ đại Plutarch (c. 46 – c. 120) đã lặp lại những quan điểm này. Ông viết, “Thay vì sử dụng thuốc, tốt hơn là hãy nhịn ăn ngay hôm nay.” Nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại nổi tiếng Plato và học trò của ông là Aristotle cũng là những người ủng hộ trung thành của việc nhịn ăn.
Người Hy Lạp cổ đại tin rằng các phương pháp điều trị có thể được quan sát từ thiên nhiên, và bởi con người, giống như hầu hết các loài động vật, thường tránh ăn khi bị bệnh, họ tin rằng nhịn ăn là một phương pháp chữa bệnh tự nhiên. Trên thực tế, nhịn ăn có thể được coi là một bản năng, vì tất cả động vật – chó, mèo, gia súc, cừu và cả con người – đều tránh ăn khi bị bệnh. Hãy nghĩ về lần gần nhất bạn bị cúm hay cảm lạnh. Chắc chắn bạn chẳng muốn ăn. Vì vậy, nhịn ăn có thể được coi là bản năng chung của con người để xử lý nhiều loại bệnh tật. Bản năng đó là một di sản sâu sắc của nhân loại, và cũng lâu đời như chính nhân loại.
Người Hy Lạp cổ đại cũng tin rằng nhịn ăn cải thiện tinh thần và khả năng nhận thức, và nhận ra họ có thể giải quyết các vấn đề và câu đố tốt hơn trong quá trình nhịn ăn. Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Hãy nghĩ về lần cuối bạn ăn một bữa lớn như trong dịp Lễ Tạ ơn. Bạn có cảm thấy tràn đầy năng lượng và tinh thần minh mẫn hơn sau đó không? Hay cảm thấy hơi mơ màng và buồn ngủ? Hầu hết chúng ta đều cảm thấy buồn ngủ. Sau một bữa ăn lớn, máu được dồn đến hệ tiêu hóa để đối phó với lượng thức ăn khổng lồ, làm giảm lượng máu lên não. Kết quả là gì? Căng da bụng, chùng da mắt. Rất có thể bạn cần ngủ một chút. Bây giờ hãy nghĩ về khoảng thời gian mà bạn đã không ăn trong nhiều giờ. Bạn có thấy mệt mỏi thể chất và uể oải tinh thần không? Chưa chắc.
Có nhiều khả năng bạn cảm thấy nhạy bén và hoàn toàn hòa hợp với môi trường của bạn. Điều đó không phải là ngẫu nhiên. Trong thời kỳ đồ đá cũ, chúng ta cần tất cả các khả năng tinh thần và giác quan nhạy bén để tìm kiếm thức ăn. Khi thức ăn khan hiếm, sự tỉnh táo và tập trung tinh thần sẽ tăng lên một cách tự nhiên.
Nhiều trí giả vĩ đại khác trong lịch sử cũng là những người ủng hộ việc nhịn ăn. Paracelsus (1493–1541), một bác sĩ người Đức gốc Thụy Sĩ, người sáng lập ngành độc chất học với câu nói nổi tiếng “Liều lượng tạo nên chất độc”. Ông đã nghiêm túc quan sát thế giới tự nhiên và đặt nền móng cho các phương pháp khoa học hiện đại. Những khám phá của ông đã cách mạng hóa y học. Là một bác sĩ phẫu thuật quân sự, ông bác bỏ thói quen cũ là bôi phân bò lên vết thương mà thay vào đó khẳng định các vết thương cần được giữ sạch sẽ và bảo vệ. Ông cũng phản đối việc thực hành rút máu để chữa bệnh. Thay vì đi theo những cách làm thông thường này, ông đã tiên phong trong chẩn đoán lâm sàng và áp dụng các phương pháp điều trị cụ thể. Ông cũng viết: “Nhịn ăn là phương thuốc vĩ đại nhất – là thầy thuốc bên trong”.
Benjamin Franklin (1706– 1790), một trong những người thế giới về kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực. Ông là một nhà khoa học, nhà phát minh, nhà ngoại giao và tác giả hàng đầu. Biến thiên tài của mình thành y học, ông đã từng viết, “Điều tốt nhất của tất cả các loại thuốc là nghỉ ngơi và nhịn ăn.”
Và cuối cùng, Mark Twain (1835–1910), một trong những nhà văn và nhà triết học hàng đầu của Mỹ, từng viết: “Một chút đói khát có thể giúp ích nhiều cho một người bệnh bình thường hơn là những loại thuốc tốt nhất và những bác sĩ giỏi nhất”.
Nhịn ăn thời hiện đại
Điều thú vị là vào cuối Thế kỷ 19 và đầu Thế kỷ 20, đã có những người nhịn ăn chuyên nghiệp thậm chí nhịn ăn vì mục đích giải trí. Một người có thể nhịn ăn trong 30 ngày và uống nước tiểu của chính mình. (Và họ coi việc bỏ đói đó là giải trí!) Truyện ngắn “Người nghệ sĩ đói” của Franz Kafka được dựa trên một câu chuyện như vậy. Mốt đó cũng sớm tàn lụi và chẳng bao giờ quay lại. Bởi xem người nào đó không ăn có lẽ cũng chẳng mang nhiều tính giải trí đến vậy. Nhịn ăn bắt đầu xuất hiện trong các tài liệu y học vào đầu Thế kỷ 20. Năm 1915, một bài báo trên Journal of Biological Chemistry đã mô tả nhịn ăn như “một phương pháp hoàn toàn an toàn, vô hại và hiệu quả để giảm cân cho những người bị béo phì”. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầy rẫy nghèo đói, bệnh truyền nhiễm và chiến tranh, béo phì hầu như không phải là vấn đề như ngày nay. Tình trạng thiếu lương thực trầm trọng xảy ra trong suốt hai cuộc Thế chiến và Đại suy thoái. Điều trị béo phì đương nhiên không được ưu tiên.
Vào cuối những năm 1950, tiến sĩ W. L. Bloom đã khơi dậy mối quan tâm đến việc nhịn ăn ngắn hạn như một biện pháp điều trị, nhưng thời gian dài hơn cũng đã được mô tả rõ ràng trong tài liệu. Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 1968, tiến sĩ I. C. Gilliland đã chia sẻ trải nghiệm của ông với 46 bệnh nhân sử dụng “việc giảm ăn bắt đầu với chế độ nhịn ăn tiêu chuẩn tuyệt đối trong 14 ngày”.
Sau khi những năm cuối của thập niên 60 đi qua, mối quan tâm đến nhịn ăn để chữa bệnh dường như lại giảm dần, chủ yếu là vì béo phì vẫn không phải là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn. Bệnh mạch vành là mối quan tâm y tế lớn vào thời điểm đó, và các nghiên cứu dinh dưỡng tập trung vào chất béo và cholesterol trong chế độ ăn. Lợi ích thương mại cũng trở nên phổ biến và như bạn có thể đoán, các tập đoàn thực phẩm lớn sẽ không ủng hộ bất kỳ sự can thiệp nào đe dọa đến sự tồn tại của họ. Vì vậy, việc nhịn ăn với mục đích hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng bắt đầu giảm dần. Mặc dù thực tế là nhịn ăn đồng nghĩa với ít chất béo, hay đúng hơn là ít mọi thứ, nó vẫn gần như biến mất hoàn toàn vào những năm 1980.
Mặc cho truyền thống lâu đời, lợi thế và hiệu quả của nó, nhịn ăn như một công cụ điều trị đã bị tuyệt chủng trong hơn 30 năm qua. Ngay cả việc đề cập đến nó cũng có xu hướng mang lại sự chế nhạo. Nhưng, trên thực tế, ý tưởng này rất đơn giản. Nếu các bệnh chuyển hóa như bệnh tiểu đường type 2 là do ăn quá nhiều, thì theo logic, giải pháp là ăn ít đi để cân bằng lại. Còn gì có thể đơn giản hơn thế?
-----------------------
- Trạm Đọc -