Những năm 1950, nhà tâm lý học người Anh Donald Winnicott là người tiên phong nghĩ ra cách giảm thiểu sự tham vọng và thói cầu toàn của con người. Ông là chuyên gia giải quyết các vấn đề tâm lý về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Trong những nghiên cứu lâm sàng của mình, ông thường gặp các bậc phụ huynh - những người cảm thấy thất bại vì một số lý do sau: con họ không vào được trường điểm, con họ không nghe lời trong bữa ăn hay bọn trẻ thiếu ngăn nắp.
Winnicott cho rằng sự thất vọng của các bậc phụ huynh đều xuất phát từ một lý do: họ đặt quá nhiều kì vọng. Phải chăng, nỗi thất vọng ấy là kết quả phản tác dụng của thói cầu toàn? Để giúp cha mẹ cải thiện tình trạng này, Winnicott đưa ra một lý thuyết xoay quanh cụm từ “Cha mẹ đủ tốt” (the good enough parents).
Thực tế là, con trẻ không cần mẫu hình cha mẹ lý tưởng tới mức hoàn hảo. Chúng cần người cha người mẹ bình thường, tử tế, biết lắng nghe; đôi khi cha mẹ có thể cáu giận nhưng họ vẫn là người hiểu lý lẽ, biết đúng biết sai. Winnicott tất nhiên không áp đặt các bậc phụ huynh phải theo khuân mẫu nào, nhưng hình mẫu cha mẹ cầu toàn tới mức khắt khe với con cái chắc chắn sẽ khiến con mệt mỏi và khổ sở.
Vậy nên thay vì thất vọng và mắng mỏ con cái – những đứa con không giỏi giang như kì vọng, các bậc phụ huynh nên tự thất vọng về chính mình vì họ đang vượt xa khỏi sự bình thường, ôn hòa, lý trí mà bậc làm cha mẹ nên có.
Hình mẫu “Đủ tốt” (good enough) là một phát minh thoát ra khỏi cái bóng của sự cầu toàn đáng sợ. Hình mẫu này không chỉ áp dụng được trong quan hệ cha mẹ - con cái mà còn cần thiết trong nhiều mặt của đời sống, như công việc hay tình yêu.
Trong tình yêu, một mối quan hệ vẫn được coi là “đủ tốt” (good enough) dù bạn và người ấy có những lúc giận hờn, cãi vã. Đôi khi, cô đơn hay xa cách chẳng khiến ta đau buồn, nó chính là thử thách và là chất xúc tác của tình yêu!
Một công việc được gọi là “đủ tốt” (good enough) có những lúc khiến bạn thấy buồn chán vì sếp chưa công nhận khả năng của bạn hay chẳng có lấy một cơ hội thăng tiến rõ ràng nào. Nhưng công việc ấy cho bạn những người đồng nghiệp tốt, bạn làm việc say mê và kết thúc một ngày với những lời khen ngợi, khích lệ từ xung quanh.
Chúng ta, chắc chắn phải vô cùng bản lĩnh để điều khiển cuộc sống đi đúng quỹ đạo cân bằng, cân bằng giữa tình yêu, công việc, con cái và đứng vững trước những khó khăn của cuộc đời. Đôi khi, cần chậm lại một bước để nhận thấy mình đang mơ mộng quá hão huyền.
Hãy tập thỏa mãn trong thời đại đòi hỏi, đừng quá tham vọng, đừng quá cầu toàn bởi cuộc sống đã “đủ tốt” rồi. Có thể sống an nhàn và tận hưởng hạnh phúc đích thực chẳng phải là một thành tích lớn hay sao?
Trạm Đọc (Read Station)
Theo The book of life