Không giống hầu hết các bức ảnh về đồ ăn mà tôi đã đăng trong những năm vừa qua (bây giờ thì những bức ảnh đã sáng hơn và đẹp hơn rất nhiều), đó là bức ảnh về chiếc bánh tôi không hề ăn. Đương nhiên là tôi muốn ăn, nhưng ngày đó tôi bị mắc chứng bệnh rối loạn ăn uống lành mạnh. Nếu không được phép ăn bánh, thì ít nhất tôi cũng sẽ vờ như mình đã thưởng thức nó rồi.
Dạo gần đây, không có gì lạ khi những địa điểm phục vụ mục đích “đăng lên Instagram” lại được thiết kế trong các nhà hàng và các cửa hàng bán đồ ăn. Cũng bởi nhận thức ngày càng tăng nên đối với nhiều người, hành động chụp đồ ăn là một việc không thể thiếu. Một đồng nghiệp của tôi đã từng một lần thú nhận rằng nhận được lượng like lớn ở ảnh đồ ăn khiến cô ấy cảm thấy được công nhận.
“Lượng calo cũng chẳng là gì nếu không thể chụp được ảnh thật đẹp đăng lên Instagram”, cô ấy nói với tôi.
Bạn có thể tưởng tượng chuyện này sẽ góp phần hình thành một nền văn hóa ăn uống khuyên chúng ta không nên ăn uống gì cả.
Lauren Canonico - nhà tâm lý trị liệu - đã khuyên bảo phụ nữ và người thuộc giới tính thứ 3 rằng: “Do ảnh hưởng sâu sắc của trào lưu ăn kiêng, nhiều người trong số chúng ta vẫn nghĩ đồ ăn là “xấu” và phải nhận được sự đồng ý thì mới ăn (có lẽ thông qua những lượt thích và bình luận trên Instagram). Tôi nghĩ chúng ta đã đem các lựa chọn của mình lên Instagram. Thế nhưng cũng giống như tất cả các phương tiện truyền thông xã hội, thứ ta thấy luôn là thứ nổi bật nhất và không đại diện cho điều thực sự xảy ra hàng ngày.”
Carol Guizar, chuyên gia dinh dưỡng của dịch vụ Eathority, lại cho rằng bình luận trên Instagram có thể khuyến khích mọi người quản lý trang cá nhân của mình với những thực phẩm có lợi cho sức khỏe.
“Trong thế giới mà mọi người luôn bị ám ảnh về vấn đề sức khỏe, khen ngợi thường phải đi kèm với hành động”, Guizar nói. “Đăng tải một bức ảnh cũng giúp làm giảm cảm giác tội lỗi của một người trót ăn phải đồ ăn “không lành mạnh” bởi vì những bức ảnh đó sẽ thu hút những bình luận mang tính chất tha thứ.”
Mọi thứ không phải lúc nào cũng giống như trên ảnh. Instagram có thể đã khởi đầu như một nền tảng chia sẻ hình ảnh cá nhân với gia đình và bạn bè, tuy nhiên lâu dần, nó còn trở thành một trong những công cụ marketing hiệu quả nhất. Điều đó là không thể phủ nhận. Vậy nên, những bức ảnh này chủ yếu dùng để: Marketing.
Điều làm cho Instagram phát triển mạnh mẽ là khả năng kết hợp nội dung quảng cáo và nội dung “gốc” một cách liền mạch. Thường là các KOL được trả tiền để quảng bá cho thương hiệu theo cách thật tự nhiên như đăng ảnh bữa ăn sáng. Với KOL có ảnh hưởng về cả mặt sức khỏe và thực phẩm, họ sẽ làm cả hai việc cùng một lúc.
Bức ảnh một cốc sinh tố đầy màu sắc thật xinh đẹp có thể được gắn kèm với hashtag của nhà tài trợ, thế nhưng lại đạt được sự hài lòng gần như ngay lập tức mà không hề tẻ nhạt hay phản cảm – điều thường thấy ở các hình thức quảng cáo khác. Thêm vào đó, Instagram đề xuất nội dung tương tự dựa trên những bức ảnh ta ấn thích, những tài khoản ta theo dõi, và thế là trang chủ của chúng ta trở thành một biển quảng cáo vô tận.
Những ngày mà căn bệnh rối loạn ăn uống lành mạnh của tôi trở nặng nhất, tôi thường vào Instagram để xem thứ gì “lành mạnh” hoặc được xã hội “cho phép” ăn. Nhưng tại sao lại thế? KOL không phải là chuyên gia dinh dưỡng; mà rộng hơn, họ đăng ảnh để tăng tương tác chứ không phải để đưa ra lời khuyên hữu ích cho người theo dõi mình. Bài báo của Health Men UK năm 2017 đã than phiền rằng “Với một số lượng lớn KOL được ủng hộ - dù không cần thiết lắm – trở thành các “chuyên gia dinh dưỡng”, bạn nên tin ai đây?” Bài báo năm 2015 của tờ The Guardian đã tạo tiếng vang khi tuyên bố KOL trên Instagram cùng lời khuyên về sức khỏe của họ “thường là thông tin sai lệch và đang khuyến khích mọi người ám ảnh về việc ăn uống hàng ngày. Xét cho cùng, ám ảnh về việc phải ăn uống lành mạnh thực ra không hề tốt đối với sức khỏe.”
“Rất nhiều chủ tài khoản Instagram về đồ ăn không thực sự ăn những thứ mà họ đã chia sẻ, hoặc tệ hơn, họ đăng ảnh chỉ bởi vì trông nó đẹp chứ không phải vì nó ngon”, Christine Yi – chủ tài khoản về đồ ăn tên @cy_eats chia sẻ. “Thông thường sẽ đăng ảnh vì nội dung, đặc biệt là nội dung phải thật hấp dẫn, chứ không phải vì đồ ăn đâu.”
Jeff Woo, chủ tài khoản @foodmento, nói rằng không phải lúc nào anh ấy cũng đăng ảnh các món ăn mà mình thích. Khi tài khoản bắt đầu có danh tiếng, “các nhà hàng và các công ty PR bắt đầu liên hệ với tôi, tôi đã ăn thử và không phải lúc nào những thứ tôi chia sẻ cũng là những món tôi thấy ngon”, anh nói. “Ăn uống có thể nhanh chóng thu hút mọi người hơn khi mà tài khoản ngày một trở nên có sức ảnh hưởng.”
Aaron Hutcherson, đầu bếp và nhà phê bình ẩm thực với tài khoản Instagram của riêng mình, đã nói thẳng thừng: “Chẳng có ai lại ngồi một mình ăn cả đống hamburger phô mai và pizza được cả. Phần thức ăn thừa cần thiết cho một bức ảnh đẹp tuyệt vời đó thường sẽ kết thúc ở trong thùng rác.”
Vì thế, nhiều bức ảnh với đồ ăn trông vừa đẹp mắt vừa nhiều thực ra chỉ để phục vụ cho sự thèm ăn của người xem mà thôi. Tôi đã nói chuyện với Katy Zanville, sinh viên tốt nghiệp từ chương trình về dinh dưỡng của Hunter College đang mong muốn trở thành chuyên viên dinh dưỡng, và thấy rằng cô ấy có quan điểm rất hay.
“Khi chúng ta bị ngập trong chế độ ăn uống và cần tín hiệu từ bên ngoài để xác định xem nên ăn gì, chúng ta bị mất kết nối với chính cơ thể mình như thể chúng ta đang ăn theo trực giác mách bảo vậy” Zanville nói.
Cô ấy gợi ý một cách: “Ta nên để ý cách mình lướt Instagram và chặn bất cứ cá nhân nào có thể gây ảnh hưởng đến mình. KOL khiến bản thân bạncảm thấy cơ thể mình thật tệ hại cũng như cách lựa chọn đồ ăn của mình chưa tốt thì nên chặn đi.”
Hầu hết những thứ tôi đăng lên Instagram bây giờ vẫn là liên quan đến đồ ăn, thế nhưng bây giờ tôi đã biết tôi có thể chụp ảnh những chiếc bánh, và lựa chọn ăn hay không ăn tùy thuộc vào chính mình.
Theo Medium
Kim