“Lịch sử tư tưởng Trung Quốc” của Anne Cheng: Giữa tư duy châu Âu và Trung Quốc
“Lịch sử tư tưởng Trung Quốc” của Anne Cheng: Giữa tư duy châu Âu và Trung Quốc
Cuốn sách khác biệt ở chỗ thể hiện góc nhìn phương Tây của một học giả người Pháp gốc Hoa đủ độ uyên thâm về truyền thống Hán học, từ đó thâu thái được những điểm tinh hoa của hai nền học vấn Đông - Tây.
Lịch sử tư tưởng Trung Quốc luôn là chủ đề trọng điểm của nền Hán học và Trung Quốc học ở cả Trung Quốc và nước ngoài. Phạm vi quan tâm của lịch sử tư tưởng rất rộng lớn, trong đó tập trung vào cái lõi là tư tưởng triết học, mở rộng ra là tư tưởng chính trị, xã hội, tôn giáo, văn hóa, đồng thời cũng bao gồm hệ thống quan niệm trong các lĩnh vực khoa học chuyên ngành. Lịch sử tư tưởng có thể coi là lịch sử của tư duy lý luận và hoạt động nhận thức của con người về tự nhiên, xã hội và về bản thân con người.
 
Trong các công trình nghiên cứu về lịch sử tư tưởng Trung Quốc gần đây, cuốn Lịch sử tư tưởng Trung Quốc (Histoire de la pensée chinoise) của Giáo sư Anne Cheng, trình bày và thảo luận về lịch sử tư tưởng Trung Quốc từ khởi thủy đến đầu thế kỷ XX, có vai trò rất quan trọng.
 
“Cảm hứng của cuốn sách này bắt nguồn từ tinh thần cả phê phán lẫn thấu cảm (theo nguyên nghĩa), đứng từ góc độ của cả người trong cuộc và ngoài cuộc. Công trình này cơ bản chỉ mang tính gợi dẫn, không có chủ ý mang đến một lượng tri thức như là các chân lý định sẵn mà hy vọng khơi dậy tâm lý tò mò và hứng thú cho người đọc: đó là những ‘chìa khóa’, những cuốn sách có giá trị và hữu ích đối với độc giả nhằm giúp cho họ tôi rèn được ‘chìa khóa’ của riêng mình. Tác giả không hề có chút cao vọng là sẽ hoàn thành một công trình mang tính quyết định mà chỉ có một mong muốn là cùng độc giả chia sẻ niềm vui được viếng thăm những nhà tư tưởng lỗi lạc, chia sẻ một góc nhìn được tạo dựng từ cá nhân tác giả, một người sở hữu hai nền văn hóa [phương tây và Trung Quốc].”
 
Câu cuối đoạn trích trên đã nói chủ ý của tác giả về lối tiếp cận phối hợp giữa tư duy châu u và Trung Quốc để quan sát lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Đây có lẽ là sở trường của tác giả, cũng chính là điều then chốt tạo ra sức hút của cuốn sách đối với độc giả ở cả phương Tây và phương Đông. Độc giả có thể nhận ra những so sánh, liên hệ giữa tư tưởng Trung Quốc với tư tưởng phương Tây, để giúp độc giả hiểu đối tượng nghiên cứu hơn là chỉ trình bày các vấn đề nội tại của tư tưởng Trung Quốc mà không có so sánh.
 
Độc giả không khó nhận thấy tư duy khái niệm và trừu tượng được trình hiện ra một cách phổ biến trong toàn bộ cuốn sách. Tác giả căn cứ trên cơ sở tri nhận các khái niệm của tư tưởng Trung Quốc bằng một tư duy theo kiểu Trung Quốc rồi lại tái hiện bằng ngôn ngữ và cách diễn đạt từ góc độ tiếp cận của một học giả phương Tây.
Ảnh: Omega+
Ở đây thiết nghĩ cũng cần nhìn lại lịch sử, từ thời cận đại trở đi, khi Trung Quốc dần được phương Tây biết đến nhiều hơn, thì giới học thuật Hán học dần được biết đến một cách thức từng được gọi là “lạ hóa các khái niệm quen thuộc”. Ví dụ ở Việt Nam, chúng ta thường nói tới các phạm trù Nhân, Nghĩa, Tâm, Đức… như là những phạm trù không cần giải thích, vì chúng nằm sẵn trong ngữ vựng của mỗi người. Nhưng đó thường chỉ là cái vỏ ngôn ngữ, mà chúng ta ít khi thao tác khóa khái niệm, còn nội hàm của khái niệm thì khó hiểu hơn chúng ta nghĩ, và thậm chí còn thay đổi theo dòng lịch sử hoặc trên những phạm vi không gian khác nhau, tùy biến theo cả hai góc độ lịch đại và đồng đại. Còn khi tiếp cận các khái niệm tư tưởng ‑ triết học như vậy, giới học thuật phương Tây không tri nhận ngay được thuật ngữ đó thông qua vỏ ngữ âm của nó, bởi từ ngữ đó vốn không nằm trong ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Từ đó, giới học thuật phương Tây đã đào sâu được vào lịch sử khái niệm, lịch sử tư tưởng, lịch sử các học thuyết, tìm ra không ít điều mới mẻ, khiến cho giới Hán học Trung Quốc phải kính nể và học hỏi.
 
Hai trích đoạn dưới đây chứa đựng nhiều luận điểm có tính trừu tượng và khái quát hóa cao độ, có thể khiến cho không ít độc giả giật mình với cách hiểu có phần đơn giản của mình về một số đặc điểm trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, vì thế, dù dài cũng xin trích dẫn:
 
“tư tưởng Trung Quốc chủ yếu áp dụng phương thức biện luận theo hình xoắn ốc chứ không phải tuyến tính hay biện chứng. Nó nêu ra luận đề, nhưng không ngay lập tức đưa ra định nghĩa tổng thể mà luận bàn xoay quanh luận đề, từng vòng từng vòng siết chặt dần. Điều đó không hề chứng tỏ kiểu tư tưởng này là mơ hồ không sáng rõ mà chỉ cho thấy nó có ý muốn đào sâu nội hàm chứ không phải xác định rõ ràng ngay một đối tượng hoặc khái niệm tư tưởng. Đào sâu nội hàm có ý chỉ việc để cho nó lắng tới mức sâu nhất vào bản ngã, trong bản thể, ý nghĩa của một bài học (do siêng năng đèn sách dùi mài kinh văn mà lĩnh ngộ được), điều chỉ dạy (do thầy giáo nêu ra), hay một trải nghiệm (từ đời sống cá nhân). Trong giáo dục truyền thống của Trung Quốc, văn bản cũng được sử dụng theo cách như vậy: chúng là mục tiêu của thực tiễn chứ không phải tài liệu đọc hiểu đơn giản. Học trò trước hết phải đọc và ghi nhớ, sau đó bình chú, thảo luận, phản biện, nghiền ngẫm không ngừng. Kinh văn với tư cách là chứng nhân cho lời giảng của thầy giáo, không chỉ nhắm vào tri thức mà hướng đến tổng thể con người; chúng không phải là lý thuyết suông mà cần cả thực hành, trong giao tiếp và tóm lại là để ứng dụng vào cuộc sống đời thường. Bởi vì mục đích cuối cùng được tìm kiếm ở đây không phải để thỏa mãn về tinh thần, vui thú với những ý tưởng hay phiêu lưu trong tư tưởng mà hướng tới việc kiếm tìm cảnh giới. Tư tưởng Trung Quốc không truy cầu suy lý mà là mong muốn con người sống đúng với bản ngã của mình trong sự hài hòa với thế giới tự nhiên.” (trích Dẫn nhập)
 Ảnh: INT
 
“Vậy nên, không có gì lạ khi tư tưởng Trung Quốc không được cấu thành từ các lĩnh vực như nhận thức luận và logic học vốn được xây dựng trên tín niệm là: thực tế có thể trở thành đối tượng miêu tả của lý luận, cấu trúc của thực tế song hành cùng cấu trúc của tư duy con người. Việc phân tích nó thông thường bắt đầu bằng việc kéo giãn khoảng cách giữa chủ thể và khách thể nhằm phê bình và kiến tạo lại. Tư tưởng Trung Quốc lại hoàn toàn dung hợp, đắm mình vào trong thực tế: lý (lý thuyết) không thể tách rời thế (đời sống).” (trích Dẫn nhập)
Về mặt triển khai cấu trúc sách, một cuốn sách thông sử tư tưởng Trung Quốc thường đặt tên Phần gắn với các triều đại, các giai đoạn, hoặc các thế kỷ tiếp nối. Anne Cheng lại chọn cách đặt tên mỗi Phần chỉ gồm vài từ có tính khái quát cao, “toát yếu” được nội dung căn bản của phần đó. Bên trong mỗi Chương là các Mục thường có đề mục là các chủ đề tư tưởng, khái niệm hoặc quan điểm, trào lưu tư tưởng, nhân vật hoặc trước tác quan trọng. Những vấn đề này được sắp xếp và trình bày theo tuyến lịch sử của chúng trong mối quan hệ biện chứng và tuyến tính với nhau. Với cách cấu trúc ấy, cuốn sách trở nên hấp dẫn với độc giả ngay từ khi đọc Mục lục.
 
Ở đây cần nhấn mạnh chủ trương của tác giả đặc biệt coi trọng vai trò của Phật giáo đối với lịch sử tư tưởng Trung Quốc, điều này thể hiện rõ qua việc cấu trúc sách thành 6 Phần thì có 2 Phần được định danh gắn với Phật giáo: Phần IV nhan đề “Đại chấn động Phật giáo” và Phần V nhan đề “Tư tưởng Trung Quốc sau khi dung hội Phật giáo”. Sự truyền nhập, tiếp thu, phát dương Phật giáo chính là động lực tiếp sức để lịch sử tư tưởng, triết học, tôn giáo và văn hóa Trung Quốc được đẩy lên một tầm cao mới sau thời kỳ “Bách gia tranh minh”. Tiếp nhận tích cực những cái ngoại lai để tự nâng tầm bản thân mình chính là con đường phát triển có tính phổ biến của các nền văn hóa tiến bộ, văn minh tầm cao trong lịch sử.
 
Đối với độc giả tiếng Việt, đến nay đã có một số bộ thông sử tư tưởng Trung Quốc được xuất bản để tham khảo, gồm sách do tác giả Việt Nam biên soạn và sách dịch từ ngoại văn, mà nhìn vào đó, có thể nhận thấy rằng độc giả tiếng Việt đang đọc lịch sử tư tưởng Trung Quốc thông qua quan điểm của giới học thuật Trung Quốc, hoặc một phiên bản gần giống như vậy với ít nhiều điều giản lược đi.
 
Bản dịch sách Lịch sử tư tưởng Trung Quốc của Anne Cheng giúp độc giả tiếng Việt có cơ hội thưởng thức một ấn phẩm có nhiều ưu điểm so với các bộ sách thông sử tư tưởng Trung Quốc bằng Việt ngữ đã xuất bản trước:
(1) góc nhìn phương Tây của một học giả người Pháp gốc Hoa đủ độ uyên thâm về truyền thống Hán học, từ đó thâu thái được những điểm tinh hoa của hai nền học vấn Đông - Tây;
(2) bút pháp thiên về biện giải, phân tích, xâu chuỗi, trừu tượng hóa, chứ không phải là khảo cứu tư liệu ngữ văn, mô tả tác phẩm và hành trạng nhân vật;
(3) tri thức và ảnh hưởng của Phật giáo được coi trọng như là một tác nhân thúc đẩy sự phát triển của dòng lịch sử tư tưởng;
(4) các giai đoạn lịch sử tư tưởng được trình bày một cách cân đối, toàn diện, có hệ thống lớp lang, có tính xâu chuỗi và gắn kết để tạo thành dòng mạch tư tưởng một cách thông suốt.
 
Theo Nguyễn Tuấn Cường - Khoa học phát triển
Tags: