Li kì hành trình bình thường hóa mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ
Li kì hành trình bình thường hóa mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ
Trích đoạn trong cuốn Bùi Kiến Thành - Người mở khóa lãng du

 

 

Bùi Kiến Thành giữ liên lạc với phó Vụ trưởng Vụ Mĩ châu Nguyễn Xuân Phong và Thứ trưởng Lê Mai của Bộ Ngoại giao. Lê Mai là người trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến quan hệ Việt - Mĩ. Nhằm bình thường hóa quan hệ hai nước, một vấn đề then chốt mà phái bộ Mĩ tại Bangkok (Thái Lan) đặt ra là cần xử lý khối tài sản của Việt Nam bị Mĩ tịch thu và tài sản của Mĩ bị Việt Nam tịch thu. Chưa tìm được hướng đi, Lê Mai nhờ Bùi Kiến Thành thu thập thông tin dữ liệu xem hai bên còn giữ của nhau những gì. Ông Thành liên hệ với Bộ Ngoại giao Mĩ, được Bradshaw, người phụ trách về Việt Nam trong khu vực châu Á Thái bình Dương (East Asia Pacific - EAP), giới thiệu cho luật sư Lawrence Serra ở San Diego, California. Ở Mĩ, một số vấn đề Bộ Ngoại giao không giải quyết mà có những văn phòng luật sư được Chính phủ trao trách nhiệm xử lí.

“Bác Thành tới gặp trực tiếp anh Serra. Ảnh đem hết tài liệu cho mình xem. Sau khi chiến tranh kết thúc, Chính phủ Mĩ đưa ra quốc hội một nghị định để tất cả những người Mĩ có tài sản bị mất mát, bị tịch thu ở Việt Nam trước 30/4/1975 làm tờ khai. Cơ quan Foreign Assets Claims của Bộ Tài chính Mĩ được thành lập để theo dõi, triển khai, giám định tất cả những tài liệu khai báo. Chính phủ Mĩ tổng hợp lại, đại diện cho những người đó đi thương lượng với Việt Nam. Bác xem danh sách khai báo theo thứ tự A, B, C, bên kia là giá trị tài sản. Họ khai ra mấy trăm cái nhưng chỉ khoảng hơn chín mươi cái được phê duyệt thôi. Nó có những số tiền khác nhau, 1.000 USD, 2.000 USD, mấy chục nghìn USD… Qua anh Serra, cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm1992 mình mời một số luật sư có năng lực qua Việt Nam phỏng vấn và nhận nhiệm vụ giải quyết.”

“Cách giải quyết của mình như thế nào hả bác?”

“90% tài sản được xét duyệt nằm trong năm, sáu anh dầu khí lớn, cộng với khoảng 67 triệu USD của Chính phủ Mĩ cho Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thời Nguyễn Văn Thiệu vay để nhập khẩu hàng nông sản về bán, tính trượt giá đến thời điểm đó là hơn 200 triệu USD. Giải quyết được mấy khoản lớn đó là xong thôi. Mĩ cũng đưa ra danh sách tài sản của Việt Nam mà họ tịch thu, ví dụ như villa đại sứ quán của Chính quyền miền Nam Việt Nam ở Mĩ, rồi bao nhiêu tài sản vàng, USD ngân hàng Trung ương Mĩ giữ từ thời ngân hàng Quốc gia Việt Nam gửi qua, thông tin rất chi tiết. Sau khi xem xét và định giá thì số tài sản ấy cũng xấp xỉ 300 triệu USD. Hai con số của hai bên gần gần như nhau, Chính phủ Hà Nội nói rằng, chúng tôi không có lí do gì trả tiền Mĩ thay cho ngụy quyền. Mĩ hỏi lại, bây giờ nhà villa của sứ quán Việt Nam Cộng hòa bên Washington thì ông có lấy không? Vàng và USD của họ gửi bên ngân hàng Trung ương Mĩ ông có lấy không? Tài sản của người ta thì lấy mà cái người ta thiếu nợ thì ông không chịu trả là sao? Tài sản của Hà Nội bị Mĩ tịch thu không có là bao. Bác Thành đề nghị với Chính phủ nên giải quyết cho xong, họ đề nghị thế nào thì mình nên chấp nhận. Bác cũng nói với bên Mĩ rằng, phía Mĩ có đòi thì Việt Nam cũng không có để trả đâu, xây dựng nền ngoại giao quan trọng hơn chuyện tranh cãi số tiền đó. Phía Mĩ nói, chúng tôi không thể ra Quốc hội Mĩ nói các ông không nhận được, các ông cứ nhận đi, chúng tôi không đòi đâu, chúng tôi sẽ để số tiền đó lại để tài trợ phát triển văn hóa của Việt Nam, ví dụ đưa những người Việt Nam qua Mĩ du học...”

Thời gian này khi trở về Việt Nam, Bùi Kiến Thành được sắp xếp gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Hai người ngồi trò chuyện ở căn nhà gần cổng vào vườn cây Phủ Chủ tịch phía đường Hoàng Hoa Thám.

“Có lúc thì có thêm một hai anh ngồi nghe, chẳng hạn Nguyễn Ngọc Trân, Trưởng Ban Việt Kiều Trung ương; Vũ Đức Đam, rất trẻ, thư kí cho ông Kiệt khi ấy; hay là anh Nguyễn Thiệu, thành viên Ban Tiền tệ... Ông Kiệt nói, mình đang gặp khó khăn vì một công ty Mĩ tên là Crestone kí hợp đồng với Chính phủ Trung Quốc để khai thác lô dầu khí 134 trên hải phận Biển Đông Việt Nam. Mình nói, Việt Nam không dùng quân lực được thì phải dùng luật pháp. Ông Kiệt bảo bác Thành qua Bộ Ngoại giao xin cuốn Sách Trắng do Lê Văn Lựu viết, nghiên cứu chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa. Nhưng đây chỉ là tài liệu do Việt Nam nghiên cứu, chứ không đủ cơ sở luật pháp quốc tế để đem ra nói chuyện. Mình cũng muốn đưa ra tòa án quốc tế để xử Trung Quốc và Mĩ vi phạm lãnh thổ nhưng nếu muốn đưa ra tòa án quốc tế thì cần có cả sự chấp nhận của bên Bị, nên không đưa ra được tòa án quốc tế. Bác Thành mới nói với ông Kiệt, tại sao mình không tương kế tựu kế, thuê một công ty luật hàng đầu của Mĩ nghiên cứu cơ sở pháp lí cho mình?”

“Chúng ta làm được việc ấy khi vẫn đang bị Mĩ cấm vận sao?”

“Trong trường hợp này, ông Kiệt xử lý rất khéo léo. Ổng nói anh Nguyễn Xuân Phong viết một tài liệu về lập trường của Chính phủ Việt Nam đối với vấn đề tìm người Mĩ mất tích, mang sang gặp Bộ Ngoại giao Mĩ. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho Chính phủ Mĩ tìm người Mĩ mất tích trên tinh thần nhân đạo, không phải chính trị, cũng không phải là sự nhượng bộ. Bác Thành nói: 'Đây là tài liệu chính thức của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng vì chưa có quan hệ ngoại giao để chuyển cho các anh nên họ nhờ tôi chuyển.' Đó là sự giới thiệu bác Thành với Chính phủ Mĩ rằng mình làm việc có sự ủy quyền thật sự. Sau khi họ cảm ơn bác Thành mới nhân tiện trình bày vấn đề Chính phủ Việt Nam muốn giải quyết xung đột Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Họ ngạc nhiên lắm, trợn mắt không tin vào tai mình: 'Ông nói gì? Nói lại được không?' Mình nói lại rồi họ bảo: 'Thú vị! Lần đầu tiên tôi nghe thấy Chính phủ Hà Nội muốn giải quyết xung đột, tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.' Bác Thành nói: 'Nhưng chúng tôi cần nghiên cứu nghiêm túc cơ sở pháp lí về chủ quyền của mình trên thềm lục địa Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Để làm việc này, Chính phủ Việt Nam muốn kí hợp đồng thuê một công ty luật của Mĩ, nhưng Việt Nam đang bị Mĩ cấm vận nên không làm được.' Vấn đề ở chỗ, để Việt Nam thuê được công ty luật của Mĩ thì Mĩ phải giải tỏa một phần cấm vận. Bộ Ngoại giao Mĩ tỏ ý ủng hộ, nhưng cái đó Bộ Ngoại giao không được quyết mà phải hỏi ý kiến Tổng thống. Bộ Ngoại giao Mĩ đánh giá cao một số việc Việt Nam đã giúp như mời Hun Sen ngồi vào bàn họp hay tìm kiếm người Mĩ mất tích, nên họ làm tờ trình qua bên Nhà Trắng, không lâu sau họ cho biết Tổng thống đồng ý.”

Tiếp đó, Bùi Kiến Thành đề nghị Bộ Ngoại giao Mĩ giới thiệu một văn phòng luật sư để giúp Việt Nam thì Bộ Ngoại giao Mĩ trả lời rằng họ không được phép chỉ định đích danh một văn phòng luật sư nào vì như vậy không công bằng đối với các văn phòng khác. Ông bèn đề nghị họ giới thiệu cho một số văn phòng luật hàng đầu của Mĩ. Bộ Ngoại giao Mĩ cung cấp cho phía Việt Nam một danh sách các công ty luật bao gồm:

Baker and McKenzie

Sullivan & Cromwell

Covington & Burling

Morgan, Lewis & Bockius

Steptoe & Johson

Whitman & Ransom

Kaplan, Russin & Vecchi

Từ danh sách này, Bùi Kiến Thành chọn ra ba công ty mời sang Việt Nam phỏng vấn. Phụ trách phỏng vấn là Hà Huy Thông, người của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Công ty được kí hợp đồng là Covington & Burling. Chính công ty này đã xin nới lỏng cấm vận cho Việt Nam, và vấn đề này được các bên thỏa thuận trước. Việt Nam cử hai chuyên gia Ban Biên giới Chính phủ là Vụ phó Trần Công Trục và luật sư Huỳnh Minh Chính qua Mĩ phối hợp nghiên cứu, tham khảo, tập hợp thông tin.

Năm 1992, con trai út của Bùi Kiến Thành là Bùi Kiến Thái cũng về nước, tham gia giúp bố trong một số công việc.

Tôi đề nghị Bùi Kiến Thành nói thêm về việc tìm người Mĩ mất tích.

“Ngay lần đầu về Hà Nội, theo đề nghị của Bộ Ngoại giao Mĩ, bác Thành đã tới gặp phái bộ tìm người Mĩ mất tích xem giúp họ như thế nào. Trưởng đoàn của phái bộ là Đại tá Donovan. Trong cuộc họp còn có Đại tá Robert De State, người của Trung ương Tình báo Bộ Quốc Phòng Mĩ (Defense Intelligence Agency - DIA), từng làm việc trong Nam và rất thạo tiếng Việt. Ảnh nói: 'Chúng tôi biết rằng trong Bảo tàng Quân đội Việt Nam có hàng nghìn tài liệu người ta ghi chép đầy đủ về những người Mĩ bị bắt và máy bay bị rớt. Nếu có được những tài liệu đó thì chúng tôi sẽ biết được tọa độ chỗ nào chỗ nào, máy bay rớt ở đâu... Có tài liệu thì sẽ tìm được người mất ở xung quanh chỗ đó. Nhưng chúng tôi không được truy nhập. Các anh có cách nào giúp được không?'

Hồ sơ về người Mĩ mất tích tại Việt Nam là tài liệu tối mật được cất trong Bảo tàng Quân Đội, không phải ai cũng có quyền lấy ra xem. Cân nhắc mãi rồi cuối cùng người ta cũng có được sáng kiến. Cách xử lí là Bộ Quốc Phòng Việt Nam thuê một anh phóng viên Mĩ viết lịch sử chiến tranh và quân đội Việt Nam qua các thời kì. Anh đó nhận nhiệm vụ của Quân đội Việt Nam nên trở thành người của Chính phủ Việt Nam, của quân đội Việt Nam, có thể truy xuất các tài liệu cần thiết. Ảnh xem rồi báo cáo lại cho Chính phủ Việt Nam biết rằng có tìm được những tài liệu có ích cho việc Chính phủ Việt Nam giúp Chính phủ Mĩ có thông tin tìm người Mĩ mất tích trên quan điểm nhân đạo như đã bày tỏ.

 

 

Trung tâm tìm kiếm người Mĩ mất tích xin phép scan hơn 4.000 tài liệu dưới sự giám sát của Việt Nam. Văn phòng Trung tâm nằm ở khu Quần Ngựa bây giờ. Một hôm, Donovan mời bác Thành tới văn phòng, các cơ quan bên Mĩ đang nóng ruột như ngồi trên đống lửa, cứ điện qua điện lại. Đó là thời điểm lịch sử để Mĩ xác nhận giải tỏa một phần cấm vận cho Việt Nam. Tổng thống Bush đang họp bên Hawaii. Bác Thành ngồi đó nghe cuộc đàm thoại giữa Đại tá Donovan và trợ lí của Tổng thống Bush. 'Thế nào? Anh chắc chắn có tất cả những tài liệu đó ở trong hộp chưa?' 'Chúng tôi đã có đủ.' 'Anh chắc chắn không? Anh chịu trách nhiệm đó nha!' 'Vâng thưa ngài.' Bên này, Donovan xác nhận tài liệu đã được chuyển thì lập tức Bush đồng ý giải tỏa một phần cấm vận cho Việt Nam. Tiếp đó là tính cách làm sao đưa những tài liệu mật đã scan qua hải quan sân bay về Mĩ. Bác Thành điện cho anh Nguyễn Xuân Phong của Bộ Ngoại giao. Anh Lê Mai, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao mới xin ý kiến ông Võ Văn Kiệt. Cuối cùng họ dàn xếp anh Nguyễn Xuân Phong - Vụ phó Vụ Mĩ châu, người đặc trách theo dõi chương trình tìm kiếm người Mĩ mất tích tại Việt Nam, cùng đi với sĩ quan Mĩ, hộ tống tài liệu ra sân bay, tới tận máy bay quân sự Mĩ để chuyển về Mĩ. Sau đó việc tìm kiếm người Mĩ mất tích tiến triển rất nhanh. Qua đó, Mĩ thấy được thiện chí của Việt Nam. Những tài liệu được scan đặt trong chiếc hộp đó đã tháo gỡ được nhiều vấn đề hệ trọng, trong đó có Hợp đồng nguyên tắc với AIG ở Đình Vũ mà bác sẽ kể cho các cháu nghe sau.”

Việc nới lỏng cấm vận cho phép các công ty Mĩ được quyền kí hợp đồng nguyên tắc với Việt Nam, nhưng phải đợi đến sau khi giải tỏa cấm vận hoàn toàn mới được thực hiện.

Ngày 11/6/1993, Bùi Kiến Thành nhờ Đại sứ Việt Nam tại Pháp là Trịnh Ngọc Thái chuyển cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt lá thư với tiêu đề Dầu khí và vấn đề quan hệ với Hoa Kì nhân chuyến viếng thăm Pháp của Võ Văn Kiệt, trong đó có đoạn:

Vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1992 tôi có tổ chức đưa một phái đoàn luật sư Mĩ về làm việc với Bộ Ngoại giao để nghiên cứu giải quyết vấn đề tài sản cấm vận, giải tỏa những tài khoản của Việt Nam bị Mĩ phong tỏa, bảo vệ biên giới biển trên thềm lục địa. Đồng thời nghiên cứu một loạt các chương trình kinh tế lớn, hạ tầng cơ sở, và nhất là dầu khí.

Ngày 14/12/1992, Tổng thống Bush ban hành quyết định nới rộng lệnh cấm vận, cho phép các công ty Mĩ kí hợp đồng với Việt Nam. Người phát ngôn của Nhà Trắng cho biết bước đầu này sẽ dẫn đến nhiều bước khác nhau nữa khi Tổng thống Bush rời chức vụ, và chờ đợi phản ứng tích cực bên phía Việt Nam.

Ngày 24/12/1992, Việt Nam kí tắt cho công ty Úc BHP trúng thầu khu Đại Hùng.

Phía Mĩ đánh giá việc này như một tín hiệu tiêu cực. Đáng lí ra Tổng thống Bush còn đi thêm nhiều bước nữa nhưng cánh cửa Tổng thống Bush vừa hé mở “dường như đã bị Việt Nam vô tình đóng ầm lại.

Vấn đề dầu khí có một tiềm năng chiến lược lớn trong chính sách ngoại giao và quốc phòng của Mĩ. Việc Hoa Kì gửi quân đánh giặc Vịnh không chỉ vì tự do, dân chủ, nhân quyền mà vì nguồn dầu khí của Trung Đông. Bề ngoài Hoa Kì tỏ ra thờ ơ đối với khả năng dầu khí Việt Nam, là để trấn an Trung Quốc, nhưng kì thật Mĩ đánh giá rất cao nguồn dầu khí có tánh chất chiến lược trên thềm lục địa Việt Nam. Trong cuộc tranh chấp kinh tế toàn cầu hiện nay, vấn đề nguyên liệu chiến lược là then chốt. Chiến tranh Nhật-Mĩ trong Đệ nhị Thế chiến cũng khởi sự bằng vấn đề nguyên liệu cho kĩ nghệ Nhật.

Cũng vì lẽ đó cho nên Mĩ đã ngấm ngầm cho phép Covington & Burling, văn phòng luật sư đầu ngành về luật biên giới biển sang làm việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để củng cố lập trường pháp lí của Việt Nam trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Trong hành động này Mĩ đã kín đáo báo hiệu cho Việt Nam là Mĩ đã đi bước đầu để giúp cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên thềm lục địa, một bước rất quan trọng về chiến lược của Mĩ trong khu vực.

Trong khi Mĩ cộng tác bảo vệ cho cả thềm lục địa của Việt Nam, Mĩ rất ngạc nhiên trước phản ứng của Việt Nam xem nhẹ bước giải tỏa từng phần cấm vận ngày 14/12/1992 và kí hợp đồng cho công ty Úc BHP được trúng thầu khai thác khu mỏ Đại Hùng.

Cơ chế Hợp chúng quốc Hoa Kì buộc Chánh quyền Mĩ có bổn phận bảo vệ quyền lợi của các công ty xí nghiệp và công dân Mĩ trên mọi địa bàn, nếu Việt Nam khéo tổ chức quan hệ kinh tế với Mĩ, nhất là về dầu khí, Chánh phủ Mĩ sẽ có căn cứ pháp lí để hỗ trợ cho Việt Nam bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.”

Bộ ngoại giao Việt Nam cũng cho biết phía Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc đối thoại với phía Mĩ.

“Mấy anh bên Bộ Ngoại giao hỏi mình là tại sao phía Mĩ khó thế, cứ tới nói chuyện lưng chừng rồi bỏ về không nói chuyện nữa, không có cách nào cả. Bác Thành mới đem vấn đề đó hỏi Bộ Ngoại giao Mĩ, thì bên đó mới nói, anh về nhắn giùm Chính phủ Việt Nam rằng tại sao khi ra Liên Hiệp Quốc bất kì vấn đề gì liên quan đến Palestine và Israel thì Việt Nam cũng đều bỏ phiếu cho Palestine và chống Israel. Chúng tôi biết rằng ông thân thiện với Palestine, họ ủng hộ ông trong thời kì kháng chiến nhưng bây giờ thời kì đó qua rồi, muốn mở quan hệ với Mĩ thì các ông phải xem có chìa khóa nào mà mở nó.

Vì Mĩ có 5% dân số là người Do Thái nhưng 5% dân số đó lại nắm trong tay 90% tài chính, 90% các cơ quan truyền thông lớn. Không một ông Tổng thống Mĩ nào có thể đắc cử nếu cộng đồng Do Thái quyết liệt chống đối. Không bỏ phiếu cho Israel tức là kẻ thù của Do Thái. Cộng đồng Do Thái chưa bật đèn xanh thì Chính phủ Mĩ không được làm. Nếu anh không ủng hộ tôi thì ít nhất anh cũng không được chống tôi. Trong trường hợp nào đó thì không bỏ phiếu, trong trường hợp nào đó thì bỏ phiếu trắng chứ Việt Nam đâu bắt buộc bỏ phiếu chống Israel. Ngay lập tức bác Thành đề nghị Chính phủ Việt Nam thay đổi cách ứng xử với Israel, Bộ Ngoại giao trình bày và được Bộ Chính trị phê duyệt.”

Ngày 12/7/1993, Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong thời kì cấm vận, bất kì sản phẩm nào có bằng sáng chế của Mĩ thì Mĩ đều không cho phép bán cho Việt Nam. Ví dụ có đợt Đại tá Lê Đông Hải, con Đại tướng Lê Trọng Tấn nhờ bác Thành qua Mĩ hỏi công ty Bell mua một số bộ phận máy bay lên thẳng và những trang thiết bị có thể hợp nhất truyền tin giữa lực lượng xe tăng quân đội nhân dân và lực lượng xe tăng Mĩ để lại Sài Gòn vì hai hệ khác nhau. Công ty Bell không bán được vì lệnh cấm vận, nhưng lại chỉ mình qua bên Israel. Cuối cùng mình mời một đoàn chuyên gia Israel qua giúp. Mỗi lần Việt Nam hỏi cái gì mà Israel giúp được là sang giúp ngay. Israel rất thiện cảm với Việt Nam, đất nước nhỏ mà đánh đông dẹp bắc, họ rất cảm phục. Thậm chí ông Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng Moshe Dayan đã viết nhiều bài về chiến thuật, chiến lược 'chiến tranh nhân dân', 'quân đội nhân dân' của Việt Nam. Israel cũng áp dụng chiến tranh nhân dân mới thắng được Ả Rập, đi cày mà mang súng trên vai. Sau đó quan hệ giữa Israel với Việt Nam rất chặt chẽ.”

Mỗi mục tiêu đều có những con đường mà chúng ta cần tìm cách mở. Bình thường hóa quan hệ Việt - Mĩ là một hành trình gian nan, có ý nghĩa quan trọng tới sự phát triển kinh tế Việt Nam ngày hôm nay, nhưng có lẽ rất ít người Việt Nam biết được câu chuyện của những năm tháng ấy.

 

 

Trích đoạn bạn vừa đọc thuộc chương Mĩ - Việt: Từ lạnh nhạt đến bắt tay trong cuốn Bùi Kiến Thành - Người mở khóa lãng du. Cuốn sách là bản hồi ký chứa đầy những thước phim tư liệu chân thực, giàu cảm xúc về những năm tháng hào hùng, thăng trầm của Việt Nam do người trong cuộc kể lại, cùng những mẩu truyện nhẹ nhàng, lôi cuốn của chính cuộc đời tác giả - một chứng nhân lịch sử hiếm hoi đã trải qua ba đời Tổng thống. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Thống nhất Đất nước và 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ, BestBooks ra mắt ấn bản đặc biệt mà bạn đọc có thể sở hữu ngay tại đây: https://bestbooks.com.vn/sach/bui-kien-thanh-nguoi-mo-khoa-lang-du-hoi-ky/

Đọc thêm review về cuốn sách tại đây: http://tramdoc.vn/tin-tuc/bui-kien-thanh-nguoi-mo-khoa-lang-du-n3pgeW.html?
Tags: