Lo âu là một trạng thái dễ khiến cho con người ta rơi vào một vòng luẩn quẩn. Đặc biệt là với những người trẻ hiện nay - được mệnh danh là thế hệ lo âu hiểu rõ hơn ai hết về việc giãi bày hết mối lo này đến mối lo khác có thể nhấn chìm suy nghĩ, lấn át lý trí, hành động và thật khó để thoát ra khỏi đó. Tệ hơn là tình trạng thường xuyên tưởng tượng ra tai hoạ hay những bi kịch khủng khiếp nào đó sắp xảy đến. Bạn có bắt gặp mình trong đó không?
Đôi khi bạn sẽ chẳng biết được mình lại có thể rơi vào những nỗi lo lớn đến thế, khiến bạn phải tự thốt lên rằng “Tôi đang lo lắng ư?”. Và để có thể xua tan âu lo, trước hết bạn cần biết nỗi lo của bạn trông như thế nào.
Ẩn sau câu hỏi “Tôi đang lo lắng ư?” của bạn là trạng thái cảnh giác đối với nguy hiểm tiềm tàng hay nói cách khác, những mối lo âu là yếu tố kích thích trạng thái cảnh giác. Khi nỗi sợ kích hoạt xúc cảm, sự lo lắng một phần sẽ hưởng đến mối đe dọa trước mắt, buộc tâm trí bạn phải suy nghĩ cách xử lý và bỏ qua tất cả các sự kiện khác trong thời điểm đó. Theo một khía cạnh nào đó, nhiệm vụ của lo lắng là đưa ra những biện pháp tích cực xử lý biến cố cuộc sống bằng cách lường trước những nguy hiểm trước khi chúng xuất hiện. Nhưng những vấn đề về cảm xúc âu lo hoàn toàn có thể dẫn đến chứng lo âu mãn tính.
Làm thế nào để biết được bạn có phải là người mắc chứng lo âu mãn tính hay không? Biểu hiện của một người mắc chứng này là tự nói chuyện với bản thân, giãi bày hết mối lo này sang mối lo khác, thường xuyên tưởng tượng ra tai hoạ hay bi kịch khủng khiếp nào đó sắp xảy đến. Cảm giác lo âu sẽ xuất hiện trong 1 phút hoặc đôi khi chỉ vài giây, sau đó bị đẩy lên cực hạn trở thành suy nghĩ kiểu như “Tôi sẽ không bao giờ có được hạnh phúc”, mặc dù sự thật chưa chắc đã tồi tệ đến mức đó.
Bạn chỉ có thể ngăn được lo lắng bằng cách suy nghĩ thấu đáo, bình tĩnh và phân tích khách quan dưới nhiều góc độ và đưa ra những giải pháp phù hợp. Còn khi lo lắng đã tồn tại trong suy nghĩ của bạn, cách duy nhất để xua tan nó là tập trung vào cảm giác thư giãn hay hướng sự chú ý tới vấn đề khác.
Nhưng đáng buồn thay, hầu hết những người đang mắc chứng rối loạn âu lo lại không thể làm được điều này. Bởi họ luôn trong tình trạng bị lún sâu vào những suy nghĩ âu lo gần như chẳng thể xảy ra và những trở ngại mà người khác hoàn toàn không chú ý đến. Điều vô ích nhất với người âu lo mãn tính là nói với họ rằng “Hãy ngừng lo lắng” hoặc “Đừng lo nữa, hãy vui lên đi”. Thay vào đó, bước đầu tiên người rối loạn âu lo cần làm là nắm bắt những suy nghĩ ấy ngay khi chúng le lói xuất hiện. Tiếp đến là tự phân tích về dấu hiệu xuất hiện của âu lo (như trong hoàn cảnh nào, thời gian nào,...). Sau đó hãy tự phản biện với bản thân mình xem: Sự kiện đáng sợ đó có diễn ra thật không? Có ngăn chặn được tình huống xấu mình đang nghĩ không? Lo lắng về điều này có giải quyết được gì không?...
Việc kết hợp giữa tỉnh thức và sự hoài nghi một cách tích cực có ích hơn bạn tưởng, nó đóng vai trò như một yếu tố ngăn cản kích hoạt thần kinh dẫn đến lo lắng. Đừng chỉ thư giãn vì thư giãn thôi là chưa đủ để xua tan những âu lo ngày càng lớn hơn trong suy nghĩ của bạn.
Nếu bạn đang thấy mình cũng có mối lo như trên, bạn cũng nên thận trọng trong việc dùng thuốc để làm gián đoạn chu kỳ lo lắng. Mặc dù việc tái tạo mạch não xúc cảm thông qua trị liệu là cần thiết nhưng nên tìm hiểu thật kĩ trước khi thực hiện.
Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về cơ chế của âu lo, cách chế ngự u sầu và cải thiện tâm trạng qua cuốn sách Trí tuệ xúc cảm của tác giả Daniel Goleman.