Mã Vân Có Ảnh Hưởng Lớn Nhất  Đến Quyết Định Lập Nghiệp Của Tôi
Mã Vân Có Ảnh Hưởng Lớn Nhất Đến Quyết Định Lập Nghiệp Của Tôi
Không đơn thuần là một cuốn tiểu sử viết về cuộc đời doanh nhân, Mã Vân giày vải còn muốn gửi gắm tinh thần lập nghiệp, dám dấn thân vì lý tưởng và mơ ước từ hình mẫu con người Mã Vân đến các nhà sáng nghiệp, những người đang ấp ủ trong mình những hoài bão lớn lao, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Cho đến nay, Mã Vân vẫn đi giày vải. Đó là một loại giày rất thoải mái và tiện lợi, chắc chắn và thoáng khí, giúp người đi luôn trong trạng thái tối ưu để kiểm soát cơ thể, và còn có thể chuyển động nhanh bất cứ lúc nào mà không gây ra cảm giác khó chịu cho đôi bàn chân. Giày vải chính là phong thái thường trực của cuộc đời Mã Vân, còn giày da chỉ là chút điểm xuyết không thể thiếu trong những trường hợp bắt buộc. Bởi vậy, cuốn sách này lấy tên là Mã Vân giày vải.
Vương Lợi Phân
 
 

Năm 2009, sau khi từ chức ở Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, tôi bắt đầu bước vào con đường chinh chiến lập nghiệp giống như Mã Vân. Tháng 9 năm đó, tôi quyết định dứt áo ra đi, khi tham dự Đại hội các doanh nghiệp kinh doanh online của Alibaba, khi ngồi ăn cùng Mã Vân trong nhà hàng Khải Duyệt nằm bên cạnh Tây Hồ, tôi đã nói với anh rằng, tôi sắp rời khỏi Đài truyền hình Trung ương để tự thân lập nghiệp. Anh nói: “À, vậy ra chị định làm to rồi!” Tôi nói: “Anh đã lập ra trang Taobao, chuyên kinh doanh những thứ vật chất hữu hình, giờ tôi muốn làm một trang web kinh doanh những kinh nghiệm và trí tuệ trong đầu, anh thấy đấy, trang web này của tôi không cần đến nguyên liệu hậu cần, chẳng có chút phiền phức nào cả!” Nghe tôi nói xong, Mã Vân không bình luận gì nhiều, chỉ kể rằng anh đang chuẩn bị triển khai điện toán đám mây, nói rằng 5 năm nữa chắc chắn sẽ là thời đại của điện toán đám mây. Hôm nay, khi tôi viết cuốn sách này, đã cách thời điểm đó được gần 5 năm, điện toán đám mây giờ đã trở thành một cụm từ hot nhất hiện nay. Giờ đây khi nhìn lại, tôi mới biết rằng những thứ mà trong đầu anh đang nghĩ đến vượt xa mười vạn dặm so với những thứ tôi đang nghĩ trong đầu, đại đa số những điều anh nói tôi đều nghe mà không hiểu, và những gì tôi nói thì hoàn toàn không ở cùng đẳng cấp với anh. Kỳ thực nhiều khi những người trong ngành truyền thông thực sự nghe không hiểu lời của những người trong giới kinh doanh, họ thường đứng từ góc độ nông hẹp nhất để giải thích các vấn đề một cách đại chúng hóa.


Thế nhưng, hành trình lập nghiệp của Mã Vân quả thực đã mang đến cho tôi rất nhiều khích lệ cũng như cảm hứng. Tôi xuất thân từ khoa văn, căn bản không liên quan gì tới công nghệ. Đương thời, những nhân tài thành công trong ngành internet Trung Quốc như Vương Chí Đông, Trương Triều Dương, Đinh Lỗi, Mã Hóa Đằng, Sử Ngọc Trụ, Lý Ngạn Hoành đều từng theo học những chuyên ngành có liên quan tới máy tính hoặc có quan hệ mật thiết với internet, và thành công của họ với internet cũng không hề liên quan gì tới một người giống như tôi. Tổng giám đốc Liễu mà tôi quen biết cũng xuất thân từ một viện khoa học, ông ấy đang công tác trong một ngành cũng rất xa lạ với tôi đó là nghiệp vụ IT. Vì vậy, dù việc lập nghiệp trong lĩnh vực công nghệ luôn khiến người khác vô cùng ngưỡng mộ, nhưng tôi vẫn thấy đó là một chuyện chẳng hề liên quan đến mình. Kể cả khi ngành công nghiệp truyền hình suy thoái, tôi cũng chẳng có cách nào để bước vào ngành internet này cả. Thế nhưng, sự thành công của Mã Vân trong ngành internet với tư cách là một giáo viên tiếng Anh không hiểu biết gì về công nghệ lại khiến tôi thay đổi quan điểm này một cách triệt để, tôi nghĩ rằng một người học tiếng Anh có thể làm trong ngành internet, vậy một kẻ học ngữ văn như tôi cũng có thể thử một phen xem sao. Ba năm liền Mã Vân đều là giám khảo của cuộc thi Win in China, quá trình lập nghiệp của anh tôi nắm rất rõ, điều quan trọng là tôi vô cùng ngưỡng mộ sự phấn đấu vì cái mà mình đã lựa chọn, cũng như phương thức dùng ánh sáng trí tuệ của kinh doanh để thực hiện giá trị và hoàn thiện cuộc sống của anh. Từ con người của anh tôi có thể nhìn thấy, chính nhờ sự hội nhập với tương lai, chính nhờ sự tin tưởng vào ngày mai, sự nỗ lực của cả tập thể, anh sẽ có thể tự tay xây dựng và hoàn thiện một cuộc sống đúng với tính chất “tìm tòi – phát hiện”. Anh không chỉ đảm nhiệm vai trò giám khảo vòng chung kết trong 3 mùa cuộc thi Win in China, mà còn làm giám khảo của vòng 36 chọn 12, và 12 chọn 5, trong quá trình này, tôi có điều kiện tiếp xúc với anh rất nhiều. Nếu như tấm gương của bạn ở ngay bên cạnh bạn, cường độ tác động và sức ảnh hưởng của tấm gương ấy sẽ luôn lớn hơn rất nhiều so với tác động đến từ những minh tinh thần tượng mà bạn vốn hoàn toàn không hiểu và không được tiếp xúc.


Tôi quen Mã Vân trong Diễn đàn Kinh tế thế giới được tổ chức ở Davos vào tháng 1 năm 2005, khi đó Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Trung Quốc – Chu Dân (hiện đang đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế) đã mời những quan khách người Trung Quốc cùng dùng bữa trưa. Bữa trưa hôm ấy rất đặc biệt, diễn ra trong một nhà hàng nằm trên sườn đồi của một thị trấn nhỏ vùng Davos, Thụy Sĩ, bên ngoài tuyết rơi lác đác, đưa tay ra là có thể chạm đến, 7-8 người chúng tôi đều ăn uống rất vui vẻ. Trong bữa ăn Mã Vân rất kiệm lời, dáng vẻ ngại ngùng, dường như sau này tôi không bao giờ còn trông thấy bộ dạng đó của anh nữa. Tôi hỏi anh, thu nhập một năm của Alibaba là bao nhiêu? Anh quanh co hồi lâu, không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi. Cuối năm 2004, hệ thống Taobao vận hành dưới trướng của Alibaba bắt đầu đốt tiền, thu nhập của B2B cũng chỉ đạt 359 triệu nhân dân tệ. Giờ đây khi mới chân ướt chân ráo lập nghiệp, tôi mới biết rằng thu nhập của một công ty vào năm thứ năm sau khi thành lập mà có thể đạt tới quy mô như vậy là không hề dễ dàng chút nào, nhưng ở một nơi mà những nhân vật lãnh đạo cộm cán và CEO của 500 doanh nghiệp mạnh nhất thế giới cùng tề tựu như ở Davos, có lẽ anh cho rằng từng đó thu nhập của Alibaba là không đủ để thể hiện thực lực của anh, hoặc có thể còn có nguyên nhân nào khác, dẫu sao thì anh cũng không nói ra.


Năm 2005 tôi từ Mỹ trở về, dự định sản xuất một chương trình lấy tên là Win in China, và hẹn anh một buổi cà phê. Sau khi tôi nói rõ giá trị quan và ý tưởng mà Win in China theo đuổi, anh nhận lời một cách sảng khoái. Giá trị quan là một thứ mà người ta thường không mấy coi trọng trong cuộc sống, thế nhưng anh thì hoàn toàn ngược lại. Đối với một chương trình truyền hình mà nói, nếu không có sự dẫn dắt của giá trị quan, chương trình đó coi như không có linh hồn. Khi đó, nếu như không vì thống nhất về mặt ý tưởng, sẽ không bao giờ có chuyện anh ấy dành nhiều thời gian như vậy trong 3 năm liền của cuộc thi. Sau khi lập nghiệp tôi mới thực sự cảm nhận rằng, đối với một nhà sáng lập của một doanh nghiệp mà nói, có thể đặt mình vào một chương trình truyền hình dài hơi đến vậy là một điều không hề dễ dàng.


Giờ đây nhìn lại, khi mời Mã Vân làm giám khảo, kỳ thực tôi cũng không hoàn toàn nhận ra hết giá trị của anh ấy. Điều này cũng giống như khi tôi sản xuất chương trình Win in China 3 mùa liền, tổng cộng có tới hơn 500 doanh nhân nổi tiếng tham gia đánh giá chấm điểm, vậy mà tôi vẫn không hiểu biết gì nhiều về doanh nghiệp vậy.


Tôi chỉ thực sự nhận ra giá trị của Mã Vân từ sau khi lập nghiệp. Trong những thời điểm tương đối khó khăn của giai đoạn đầu lập nghiệp, tôi thường xem đi xem lại các bài diễn giảng liên quan đến vấn đề lập nghiệp của anh ở trên mạng, phát hiện ra những điều trước kia hoàn toàn không hiểu, hoặc nếu có hiểu thì cũng chỉ là ở trên bề nổi câu chữ, chỉ đến khi tự thân trải qua những giây phút nước sôi lửa bỏng của thuở đầu lập nghiệp, những thứ mà anh giảng liên quan đến tài chính, tập thể, quản lý, đàm phán, thất bại, tầm nhìn doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, chiến lược và nhân tài… tôi mới thực sự lắng nghe và thấm thía đến tận xương tủy. Những bài diễn giảng vừa lạ lẫm vừa quen thuộc kia đã cho tôi sức mạnh trong những lúc gian nan. Khi đó tôi cũng ý thức được rằng, có rất nhiều thứ chúng ta có vẻ như đã hiểu rồi, nhưng thực ra vẫn chưa hoàn toàn hiểu thấu. Nhớ về trang web trước khi rời khỏi Đài truyền hình Trung ương tôi từng cao hứng kể với Mã Vân, kỳ thực sau khi vận hành chưa đầy 3 tuần tôi đã phải đóng cửa. Nguyên nhân là tôi chẳng thể nắm bắt được những kỹ thuật trong lĩnh vực internet, chỉ dựa vào một bầu nhiệt huyết rồi lập tức lao vào, kỹ thuật “kết nối điểm” trên video và kỹ thuật âm tần hoàn toàn không thể đáp ứng được những dịch vụ mà khách hàng yêu cầu. Cho đến tận bây giờ, kỹ thuật đó vẫn là một thử thách rất lớn đối với các doanh nghiệp mới thành lập.


Nếu so sánh trên hành trình lập nghiệp của tôi và Mã Vân thì chẳng khác nào so kiến với voi, tôi đang trong trạng thái phải vật lộn để sinh tồn, còn anh thì đang trù tính về điện toán đám mây, để anh giải quyết những vấn đề của tôi thật chẳng khác nào lấy pháo cao xạ bắn ruồi. Vì vậy sau khi lập nghiệp, dù có cơ hội gặp anh vài lần trong một năm, tôi cũng rất ít khi thỉnh giáo anh, bởi tôi nghĩ một vấn đề nhỏ như vậy chắc chắc sẽ làm anh lãng phí thời gian, và chắc cũng chẳng đáng để anh bận tâm. Một kẻ chẳng hiểu biết gì về công nghệ nhưng cũng liều mình dấn thân lập nghiệp trong lĩnh vực internet như tôi, lại chỉ quen biết một mình anh, thế là tôi đành xem lại chương trình Win in China, lục lại những phân đoạn diễn giảng liên quan đến chủ đề lập nghiệp của anh, đọc các cuốn sách và báo cáo liên quan đến Alibaba, hy vọng có thể tìm thấy những điều tôi cần từ trong đó. Tôi tìm được một số điều cần thiết, nhưng lại mất rất nhiều thời gian, chẳng khác gì đãi cát tìm vàng, vì có quá nhiều những bài báo về anh, và những cuốn sách viết về anh cũng đã gần trăm cuốn. Mã Vân đã trở thành thần tượng cho cả một thế hệ thanh niên Trung Quốc, chắc chắn sẽ có rất nhiều người lập nghiệp giống như tôi đang hy vọng rằng sẽ hiểu hơn về trí tuệ kinh doanh của anh trong giai đoạn đầu lập nghiệp, và trí tuệ của anh đều được trui rèn qua những cột mốc sinh tử của Alibaba. Vì vậy tôi nghĩ, nếu có thể nghiêm túc đúc kết lịch sử 15 năm của Alibaba, chúng ta nhất định sẽ có thể chắt lọc ra được những điều hữu ích và tiết kiệm được vô khối thời gian cho những nhà sáng nghiệp.


Tôi đã mời Lý Tường, một nhân tài của ngành truyền thông cùng tôi chọn lựa và đánh giá những mốc thời gian quan trọng này. Tôi tiến hành đánh giá trên góc độ lập nghiệp, còn Lý Tường đánh giá trên góc độ truyền thông. Quá trình khởi nghiệp của Mã Vân giống như một thời kỳ khai sáng, cần phải bắt tay vào hướng dẫn cho người sử dụng sử dụng internet, tin tưởng vào internet, vì vậy chúng ta có thể thấy những cột mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp của anh ấy đều có những góc độ về báo cáo truyền thông, mở đường truyền thông, và góc độ truyền thông chắc chắn là một góc nhìn vô cùng đặc sắc. Tôi hy vọng những đánh giá này sẽ đưa Mã Vân và Alibaba ngược về với từng giai đoạn trong lịch sử phát triển của mình, chứ không phải nhìn vào thành công của Mã Vân ngày nay, rồi thần thánh hóa những phán đoán và lựa chọn của anh ấy trong một giai đoạn lịch sử nào đó. Trong rất nhiều ấn phẩm liên quan đến Mã Vân, ta có thể thấy không thiếu những mỹ từ tung hô tán thưởng và nhiều hơn cả là sự thần thánh hóa. Những câu chữ đó khiến Mã Vân và các nhà sáng nghiệp cách xa nhau nghìn trùng, những văn tự đó khiến cho tất cả những ai đang ấp ủ mơ ước của riêng mình không dám lên đường, những ngôn từ đó khiến cho chúng ta cảm thấy Mã Vân quá xa vời, đúng là huyền thoại và dường như là người ngoài hành tinh. Hy vọng hình ảnh Mã Vân được viết trong cuốn sách này sẽ gần gũi với Mã Vân của hiện thực. Năm 1995, bên lề bức ảnh cho chuyên đề Không gian sống: Mã Vân thư sinh mà phóng viên Phàn Hinh Mạn của CCTV chụp cùng Mã Vân có một dòng chú thích, đại ý vào buổi tối hôm Mã Vân đang chạy đôn chạy đáo để quảng bá biện pháp hạn chế niên giám trang vàng của Trung Quốc, anh ngồi trên xe lặng im trầm mặc, ánh đèn đường hắt lên le lói, khiến khuôn mặt anh như đượm vẻ cảm thương. Năm 2005, khi tôi mời anh làm giám khảo chương trình Win in China, anh đã kể cho tôi nghe cuộc sống bươn chải ở Bắc Kinh khi đó, thậm chí anh từng phải ngủ trên nền đất, anh bảo rằng khi rời khỏi Bắc Kinh đã tự thề với chính mình rằng: “Bắc Kinh! Khi nào tôi trở lại, Bắc Kinh nhất định không được đối xử với tôi như thế này nữa!” Ánh mắt của anh khi nói ra hai câu này, cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ, rất bồi hồi, rất kích động, dù cho không gian trong quán café khi đó rất tối tăm, nhưng dường như tôi vẫn có thể nhìn thấy anh không hề nhỏ một giọt nước mắt nào. Ánh mắt đó lại càng thôi thúc tôi làm thật tốt chương trình Win in China, để có thể thực sự truyền đạt lại tiếng nói từ trái tim cho những nhà sáng nghiệp. Ca từ bài hát chủ đề cuộc thi Win in China – Ở trên đường do tôi viết, trong đó có một câu như sau: “Nỗi chua xót trong tim trên con đường lập nghiệp len lỏi lên đôi mắt tôi.” Tôi nghĩ, câu nói này đã hiện lên rất nhiều lần trong đầu tôi, kể từ sau khi nhìn thấy ánh mắt kia của Mã Vân.


Sở dĩ viết ra hai bối cảnh này là vì tôi muốn khẳng định rằng: anh hoàn toàn là một người bình thường, một người phàm trần. Sự kiệt xuất của anh là bởi anh đã nhìn thấy và tin tưởng tương lai; là bởi sau khi đã tin tưởng, anh còn dấn thân khám phá cùng cả một tập thể; và trong quá trình dấn thân khám phá đó, dù phải đối mặt với rất nhiều gian nan thử thách, anh cũng quyết không từ bỏ. Anh từng nói rằng, dù có phải quỳ xuống cũng phải bắt bong bóng internet cùng quỳ. Tôi không tin tưởng vào học thuyết thành công, nhưng tôi tin rằng ai có thể làm được những điều này cũng đều có thể thành công.


Trong cuốn sách này, tôi đã bày tỏ những suy nghĩ và cách nhìn nhận của mình một cách rõ ràng thẳng thắn, bởi tôi không muốn dùng bất cứ một câu từ văn vẻ hoa mỹ nào (đương nhiên một phần cũng vì trong thời kỳ lập nghiệp không có quá nhiều thời gian để chỉnh lý câu chữ sao cho tinh tế trang nhã) để viết về một Mã Vân người trần mắt thịt thành một kiểu thần thánh hay huyền thoại nào đó.


Theo lời tài xế của Mã Vân, hiện tại phần lớn thời gian Mã Vân đều đi giày vải, chỉ khi phải tham dự những sự kiện chính thức mới đổi sang giày da, nhưng khi xong việc trở về xe, anh lại lập tức xỏ vào đôi giày vải. Câu nói này khiến tôi mãi chẳng thể quên, nguyên nhân có lẽ vì đây là một hình ảnh có thể thể hiện rõ nhất phong thái của Mã Vân. Đó là một loại giày rất thoải mái và tiện lợi, chắc chắn và thoáng khí, giúp người đi luôn trong trạng thái tối ưu để kiểm soát cơ thể, và còn có thể chuyển động nhanh bất cứ lúc nào mà không gây ra cảm giác khó chịu cho đôi chân. Giày vải chính là phong thái thường trực của cuộc đời Mã Vân, còn giày da chỉ là chút điểm xuyết không thể thiếu trong những trường hợp bắt buộc. Bởi vậy, cuốn sách này lấy tên là Mã Vân giày vải.


Trong quá trình viết cuốn sách, không ít lần tôi cảm thấy khó khăn. Bởi với một người mới lập nghiệp được 4 năm như tôi, dùng tâm thái của một nhà sáng nghiệp để tiếp cận Mã Vân là điều khá dễ dàng. Thế nhưng, khi Alibaba đã trở thành một hệ thống sinh thái thương mại điện tử, một doanh nghiệp dịch vụ với lượng dữ liệu khổng lồ, từ đó tiến lên một tầm cao mới và tiến vào ngành chế tạo, bảo vệ môi trường văn hóa lành mạnh của Trung Quốc và các lĩnh vực khác, muốn tôi có thể đưa ra được những góc nhìn chuẩn xác e là lực bất tòng tâm. Bởi vì con đường này tôi chưa từng đi qua, những kinh nghiệm thu thập được cũng chỉ là gián tiếp, nhưng tôi vẫn cứng đầu tiếp tục viết. Bởi khi tìm tòi khám phá những cột mốc phát triển của một doanh nghiệp, mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận riêng. Hy vọng các độc giả đọc cuốn sách sẽ bao dung cho những thiếu sót mà tôi còn mắc phải. Thật may mắn vì trong cuốn sách này còn có những lời đánh giá của Lý Tường, nên một số thiếu sót đó của tôi cũng được bù đắp ít nhiều.


Quá trình nghiên cứu và viết về 27 cột mốc của Alibaba quả thực là một quá trình học hỏi, câu nói này không hề khách sáo chút nào. Quá trình viết sách lần này thực chất cũng là một quá trình học hỏi tốt nhất, tôi thực sự rất mừng khi bản thân đã đưa ra lựa chọn này. Đồng thời, tôi cũng hy vọng độc giả, đặc biệt là những nhà sáng nghiệp có thể thu hoạch được nhiều điều bổ ích giống như tôi.

Trích: Mã Vân Giày Vải

Tags: