Trực giác của chuyên gia: Khi nào đáng tin?
Trực giác của chuyên gia: Khi nào đáng tin?
Tư Duy Nhanh và Chậm (Tái bản 2022)
(1889 lượt)

Trực giác hay giác quan thứ 6 là khả năng đưa ra quyết định của một người mà không dựa vào việc phân tích, lý luận,... Ngay cả các chuyên gia hàng đầu trên thế giới cũng sử dụng trực giác để đưa ra quyết định chứ không dựa 100% vào nghiên cứu, phân tích. Ví dụ điển hình về trực giác có thể kể đến câu chuyện các chuyên gia dựa vào trực giác phát hiện ra bức tượng Kouros giả mạo một cách không thể nào lý giải được hay quyết định bầu cử Tổng thống thứ 29 của Mỹ cũng chỉ bằng trực giác. Nhưng quan trọng nhất là kết quả của hai quyết định trên hoàn toàn trái ngược dẫn đến những băn khoăn rằng trực giác của chuyên gia khi nào thì thật sự đáng tin

Trên thực tế, các chuyên gia cũng có rất nhiều những quan điểm trái chiều nhau và bộc lộ những mặt tồi tệ trong giới học thuật. Đương nhiên điều này chẳng tốt đẹp gì, nhất là khi báo chí thỉnh thoảng lại đưa tin về quan điểm, bài phê bình của một nhà nghiên cứu nào đó kèm theo những phản hồi, ý kiến của một số người khác nữa. Chẳng dễ dàng gì khi đặt lên bàn cân xem trực giác của ai chính xác hơn. Nhưng nhìn chung, các chuyên gia không phải lúc nào cũng đưa ra quyết định đúng đắn. Hai ví dụ trái ngược được kể đến về trực giác của các chuyên gia như sau:  

Câu chuyện thứ nhất của các chuyên gia nghệ thuật khi phải đối diện với một bức tượng Kouros từ thế kỷ XV bị cho là giả mạo. Bảo tàng J Paul Getty tại Malibu (California - Hoa Kỳ) đã trả 7 triệu đôla cho bức tượng khoả thân Hy Lạp, được xác định là một kiệt tác từ thế kỷ VI trước Công nguyên. Dù trải qua nhiều lần kiểm chứng nhưng Kouros vẫn bị cho là không phải bức tượng thật. Các chuyên gia thừa nhận rằng họ biết tác phẩm điêu khắc đó là giả nhưng không biết làm sao để chứng minh điều đó - đây chính là câu chuyện nhằm tôn vinh trực giác. 

Câu chuyện thứ hai liên quan đến Tổng thống thứ 29 của Mỹ - Warren G. Harding. Ông Harding từng được nhiều người tín nhiệm và bầu cử vì trông có “tướng” Tổng thống, một chiếc cằm vuông và dáng người cao lớn của ông là hình tượng tuyệt vời cho một nhà lãnh đạo. Nhiều chuyên gia và cả những người dân tin vào trực giác của mình là như vậy và quyết đoán bầu cử cho ông không cần dựa vào phẩm chất nào khác. Nhưng sự tin tưởng của họ đổi lại là một nhiệm kỳ đầy tai tiếng của ông Harding với đầy rẫy những bê bối về cán bộ cấp cao tham nhũng, vô đạo đức,... và cả những vấn đề đời tư của ông như những cuộc ngoại tình, thứ vui xa xỉ,... Ắt hẳn chẳng có ai muốn tin vào trực giác trong trường hợp này.

Hai câu chuyện trên được nêu ra trong cuốn sách bán chạy Trong chớp mắt của Malcolm Gladwell và có ảnh hưởng đến quá trình viết cuốn Tư duy nhanh và chậm của tác giả Daniel Kahneman. Ông cho rằng trực giác như là nhận thức và hoàn toàn có thể rèn luyện kỹ năng liên quan đến trực giác. Cuốn sách đề cập đến mô hình “Quyết định Nhận thức Mồi” (Recognition-Primed Decision Process - RPD) của nhà tâm lý học  Gary Klein. Quá trình RPD được dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ để hành động, thực hiện quyết định. Các tình huống cấp bách thực chất chỉ là sự gợi ý cho các chuyên gia nhớ lại, tiếp cận với nguồn thông tin đã được lưu trữ trong bộ nhớ của chính họ. Từ đó, họ sẽ nhận được thông tin cung cấp câu trả lời. Trực giác không phải là cái gì khác mà chính là sự nhận thức. Thậm chí, một số kiểu trực giác cụ thể có thể được tôi luyện để quá trình tiếp xúc với bộ nhớ trở nên suôn sẻ hơn và đạt được hiệu quả nhanh chóng, ngay cả sợ hãi cũng có thể được tôi luyện - thực tế là khá dễ dàng.                   

Vậy thông tin làm thế nào để hỗ trợ trực giác truy cập được “những gì được lưu trữ trong bộ nhớ”? Những trường hợp cụ thể có khả năng tôi luyện trực giác là gì? Các chuyên gia thực tiễn đã sử dụng chúng ra sao? Tìm đọc ngay cuốn sách Tư duy nhanh và chậm của tác giả Daniel Kahneman để hiểu thâm về tư duy, trực giác và những bí mật thú vị của não bộ con người.

Tags: