Khoa học nói gì về bí ẩn cận tử - Kỳ 2: Bác sĩ ngừng thở hơn chín phút nhìn thấy gì?
Khoa học nói gì về bí ẩn cận tử - Kỳ 2: Bác sĩ ngừng thở hơn chín phút nhìn thấy gì?
'Tôi ra ngoài và ào một cái, tôi di chuyển với vận tốc gần với vận tốc âm thanh phía trên cây cối...', bác sĩ kể lại giây phút cận tử mà mình trải qua.

Khoa học nói gì về bí ẩn cận tử - Kỳ 1: Hành trình vào cõi chết và hồi sinh

Cuối năm 1943, binh nhì George Ritchie (20 tuổi) đóng quân tại căn cứ huấn luyện Barkeley gần thành phố Abilene (bang Texas, Mỹ). Ngày 20-12, anh trở lại Richmond để hoàn thành nốt chương trình học tại Đại học Y khoa Virginia. 

Thế nhưng anh đã bỏ lỡ chuyến tàu vì phải nhập viện cấp cứu do viêm phổi.

Những hình ảnh lạ lùng được giấu kín 10 năm

Hơn một tuần sau, bệnh tình của Ritchie ngày càng xấu. 24 tiếng sau khi lên cơn sốt đến 41oC, anh không còn dấu hiệu sự sống. Lời khai có tuyên thệ của nhân viên bệnh viện khẳng định bệnh nhân đã chết. 

Thế nhưng hơn chín phút sau, người này cứ nghĩ mình hoa mắt khi nhìn thấy Ritchie nhúc nhích. Bác sĩ nhận định lần nữa bệnh nhân đã chết nhưng vẫn tiêm adrenalin vào tim anh. Các dấu hiệu sinh tồn dần dần xuất hiện.

Sau khi hồi tỉnh, anh cho biết đã chứng kiến nhiều biểu hiện kỳ lạ như có cảm giác bình yên, nghe có tiếng ồn, thoát xác, nhìn thấy sinh vật sáng lòa, nhìn thấy toàn cảnh cuộc đời. 

Bác sĩ George Ritchie thời trẻ. Ảnh: Int

Một bác sĩ đã ghi thêm ý kiến bổ sung: "Tiếng đánh thức ảo rời bỏ cái chết và hồi phục sức khỏe mạnh mẽ của anh Ritchie cần được giải thích bằng các từ ngữ khác ngoài lẽ tự nhiên".

Sau đó, dù Ritchie đã trở thành bác sĩ y khoa và nhà tâm thần học nhưng suốt 10 năm ông không hề kể cho ai nghe trải nghiệm cận tử đã trải qua lúc bạo bệnh, trừ vợ và mẹ kế ông. Vợ ông nghe nhưng cũng chẳng tin. Rồi một ngày ông tuyên bố, trong lúc chết lâm sàng vào năm 1943, bản thân ông đã chứng kiến trải nghiệm cận kề cái chết.

Ông kể lại trên tờ báo uy tín The Washington Post: "Tôi ngồi một bên giường trong căn phòng cách ly nhỏ. Trong lúc cố tìm quân phục, tôi quay lại nhìn trên giường và thấy có một người nằm ở đó. Nhưng tôi không có thời gian suy nghĩ về điều đó. Tôi biết mình đã lỡ chuyến tàu, tôi biết mình phải quay lại Richmond. Khi tôi đi ra ngoài định quay lại Richmond thì nhìn thấy điều dưỡng viên mang chiếc khay đến. Tôi còn quay sang hỏi người này đi đâu...".

Ông tiếp tục nhớ về ký ức: "Bây giờ tôi biết chuyện đó có vẻ nực cười. Tôi ra ngoài và ào một cái, tôi đang di chuyển với vận tốc gần với vận tốc âm thanh phía trên cây cối từ 30 - 150m. Đột nhiên tôi băng qua con sông lớn và thấy một thị trấn nhỏ. Có anh chàng đi một mình xuống phố. Có quán cà phê ở góc đường mở cửa thâu đêm. 

Tôi dừng lại trên vỉa hè để hỏi anh ta tôi đang ở đâu, nhưng anh ta không nghe và không nhìn thấy tôi. Tôi suy nghĩ rồi vỗ vào má anh ấy để anh ấy chú ý. Và tôi đi xuyên qua anh ấy... Tôi nhanh chóng quay trở về như lúc ra đi...".

Ông kể ông đã nhìn thấy nhiều hình ảnh rất lạ lùng. Nhiều binh lính nằm trên giường đắp chiếc mền quân đội màu nâu và tất cả đều cắt cùng kiểu tóc quân nhân. Thân thể ông nằm trên giường phủ tấm trải có đeo chiếc nhẫn kỷ niệm khóa học. Bàn tay ông trắng bệch giống hệt bàn tay ông nội đã mất ba năm trước. 

Một bóng đèn nhỏ 15W đột ngột sáng bừng như hàng triệu ngọn đèn hàn. Ông nói: "Sau đó, các bức tường bệnh viện biến mất. Mọi thứ từng xảy ra với tôi từ lúc chào đời hiện ra toàn cảnh với đầy đủ mọi chi tiết...".

Một năm sau, Ritchie đi qua thị trấn ấy và nhận ra khung cảnh quen thuộc đã từng nhìn thấy trong lúc cận kề cái chết. Ông nói với người lái xe nếu đi thêm một dãy nhà trên con phố sẽ nhìn thấy có quán cà phê mở cửa thâu đêm. Thực tế đúng như vậy, thị trấn đó chính là Vicksburg.

Người đầu tiên khai phá hiện tượng cận kề cái chết

Thời bấy giờ câu chuyện ngưng thở hơn chín phút của bác sĩ Ritchie đã đặt ra nhiều nghi vấn không thể giải thích, song nhiều người vẫn tin vì uy tín của bác sĩ này và vì nghiên cứu sau đó của TS Raymond Moody cho thấy rất nhiều người chết lâm sàng sau khi hồi tỉnh đã kể lại câu chuyện tương tự.

TS triết học - bác sĩ y khoa Raymond Moody lớn lên ở Georgia. Ông bộc bạch trên trang Mediapart (Pháp): "Năm 1962, tôi phát hiện trải nghiệm cận kề cái chết sau khi đọc tác phẩm Cộng hòa của triết gia Hy Lạp Plato, trong đó có đoạn nói về hiện tượng này. Đến năm 1965, tôi gặp bác sĩ tâm thần Ritchie, người đầu tiên mà tôi biết có trải qua trải nghiệm như vậy".

TS triết học - bác sĩ y khoa Raymond Moody, người nghiên cứu nhiều về cận tử - Ảnh: Guide Post

Sau khi tốt nghiệp, Moody dạy triết học tại Đại học Bắc Carolina. Một ngày nọ, một sinh viên đã kể cho ông nghe về trải nghiệm kỳ lạ mà bà nội mình trải qua khi cận kề cái chết. Trong buổi học tiếp theo, ông kể lại và ngạc nhiên khi nhiều sinh viên đã kể những chuyện như thế. 

Năm 28 tuổi, ông học tại Đại học Augusta (bang Georgia) để trở thành bác sĩ tâm thần. Ông vẫn bị hiện tượng thời khắc cận kề cái chết kỳ lạ ám ảnh nên thuyết trình đề tài này trước hội sinh viên y khoa. Ông chờ đợi phản ứng bác bỏ của tầng lớp cử tọa vốn đam mê khoa học hiện đại, song họ lại kể thêm nhiều câu chuyện tương tự.

Tin đồn bắt đầu lan ra về một giáo sư triết - sinh viên tâm thần học quan tâm đến hiện tượng cận kề cái chết vốn ít được nghiên cứu. Một nhà xuất bản nhỏ ở Atlanta đặt hàng ông viết sách về trải nghiệm cận kề cái chết. 

Ông tiến hành khảo sát trong bệnh viện và thu thập lời kể của các bệnh nhân sống sót. Năm 1975, cuốn sách Life After Life của ông được xuất bản với lời đề tựa của bác sĩ y khoa Elisabeth Kübler-Ross, một bác sĩ tâm thần nổi tiếng ở Mỹ. Cuốn sách thành công bất ngờ đến mức ông phát hoảng.

TS Moody được xem là người đầu tiên khai phá hiện tượng cận kề cái chết. Bản thân ông cũng là người từng qua trải nghiệm này sau khi suýt chết vì chứng bệnh tuyến giáp nghiêm trọng (cơ thể sản sinh kháng thể phá hủy các tuyến giáp). 

Ông định nghĩa trải nghiệm cận kề cái chết là một hình thức ý thức cao độ xảy ra đối với người ở ngưỡng cái chết. Ông nhận ra không có hai trải nghiệm hoàn toàn giống nhau nhưng hai trải nghiệm có thể có nhiều điểm tương đồng với nhau.

Hầu hết bệnh nhân kể lại dường như họ rời khỏi thân thể để quan sát cơ thể họ từ trên cao. Họ đi qua đường hầm tối tăm và bước ra luồng sáng rực rỡ, ấm áp và yêu thương. Họ gặp những người thân yêu đã khuất. Họ quan sát toàn cảnh hoặc theo thứ tự thời gian về cuộc sống của họ giống như nhân chứng nhìn từ bên ngoài.

Tuy nhiên ngoài yếu tố kỳ bí, các nhà khoa học cùng giới y học cũng đã và đang tập trung nghiên cứu để tìm lời giải khoa học cho những hiện tượng cận tử kỳ lạ này...

Đôi lúc người ngoài cuộc cũng có thể chia sẻ trải nghiệm cận kề cái chết của người thân. Đây là điều TS Moody chưa thể giải thích. Một bác sĩ phẫu thuật ở Ý kể với ông trong ca phẫu thuật cho một nam thanh niên khá trẻ và có sức khỏe tốt, bệnh nhân bị ngưng tim và hồi sức không thành công.

Đột nhiên cửa phòng mổ mở ra, vợ bệnh nhân xuất hiện nói: "Tôi đang ở phòng chờ thì chồng tôi đến bảo tôi vào nói với bác sĩ rằng anh ấy chưa chết". Bác sĩ bèn tiếp tục cố hồi sức, cuối cùng tim bệnh nhân đập trở lại. Câu đầu tiên bệnh nhân thốt lên là: "Tôi đã ở trên cơ thể của tôi và cố nói với bác sĩ rằng tôi chưa chết nhưng bác sĩ không nghe nên tôi phải ra nói với vợ tôi".

Đọc tiếp: Khoa học nói gì về bí ẩn cận tử - Kỳ 3: Cận tử, từ đường hầm đến hiện tượng thoát xác

 Theo T.trẻ

Tags: