Khoa học nói gì về bí ẩn cận tử - Kỳ 3: Cận tử, từ đường hầm đến hiện tượng thoát xác
Khoa học nói gì về bí ẩn cận tử - Kỳ 3: Cận tử, từ đường hầm đến hiện tượng thoát xác
Một tài xế xe tải (55 tuổi) phải chịu phẫu thuật bắc cầu mạch vành cấp cứu. Sau ca mổ, bệnh nhân đã kể lại với TS Bruce Greyson câu chuyện trải nghiệm cận tử rất kỳ lạ.

Lúc người này được gây mê toàn thân và các bác sĩ đã mở ngực, ông có cảm giác rời khỏi cơ thể của mình và nhìn xuống từ trên cao quan sát ca mổ. Ông đã thấy bác sĩ phẫu thuật vỗ vỗ khuỷu tay như thể đang cố bay lên.

12 biểu hiện cơ bản được đúc kết

TS Bruce Greyson chuyên nghiên cứu tâm thần học và khoa học hành vi thần kinh tại Đại học Virginia (Mỹ), hiện nay là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về hiện tượng cận kề cái chết. Ông đã nghiên cứu hiện tượng cận tử kỳ lạ này trong hơn bốn thập niên.

Ông kể lại câu chuyện người tái xế xe tải nêu trên trên tạp chí Newsweek và khẳng định câu chuyện bệnh nhân mô tả hoàn toàn đúng sự thật. 

Ông nói: "Sau khi bệnh nhân đồng ý, tôi đã trò chuyện với bác sĩ phẫu thuật của ông ấy và bác sĩ xác nhận điều đó là chính xác. Bác sĩ này có thói quen mang phong cách riêng. Khi bước vào phòng mổ, do không muốn chạm vào bất cứ thứ gì không vô trùng nên bác sĩ này đặt lòng bàn tay áp vào ngực rồi hướng dẫn cho các trợ lý bằng cách vỗ khuỷu tay".

Ông nhận xét: "Bạn có thể suy luận bệnh nhân đã nghe bác sĩ phẫu thuật nói đã làm điều đó hoặc ai đó nói lại điều đó với bệnh nhân, song như vậy không hợp lý. Đây là ca phẫu thuật cấp cứu. Bệnh nhân chưa từng gặp bác sĩ phẫu thuật trước đó và không biết gì về bác sĩ này. Thế nhưng ngay sau khi tỉnh dậy sau ca mổ, bệnh nhân đã biết và mô tả tường tận ca mổ".

 

Bác sĩ Pim van Lommel - Ảnh: trouw.nl

 

Trong tuyển tập Le Bon Passage dày 422 trang (NXB Presses Universitaires de Bordeaux thuộc Đại học Bordeaux Montaigne, Pháp) gồm nhiều tác giả, nhà nghiên cứu Christophe Pérez ghi nhận trải nghiệm cận kề cái chết được chia thành nhiều loại. Trường hợp phổ biến nhất và rõ ràng nhất được TS Raymond Moody xác lập bao gồm 12 biểu hiện như sau:

- Nhân chứng cho rằng ngôn ngữ thông thường không thể diễn đạt trung thực hoàn toàn trải nghiệm mà họ đã trải qua.

- Ban đầu nhân chứng cảm thấy bình yên và thanh thản. Nỗi đau thể xác hoàn toàn biến mất.

- Nhân chứng ý thức mình đã chết.

- Đôi lúc nhân chứng nghe tiếng ồn như tiếng vo ve.

- Hiện tượng thoát xác xảy ra. Nhân chứng cho rằng đã ở trên cơ thể và chứng kiến quá trình hồi sức của chính mình.

- Nhân chứng bị hút vào không gian tối mịt thường được mô tả như đường hầm hoặc đôi khi là thung lũng.

- Ở cuối đường hầm, nhân chứng bước vào một luồng ánh sáng. Ở đây họ cảm nhận được tình yêu vô điều kiện và sự thông hiểu về ý nghĩa của tồn tại.

Trong luồng ánh sáng ấy, một số người kể đã gặp người thân và cha mẹ đã qua đời, đã nhìn thấy phong cảnh tuyệt vời hoặc nghe tiếng nhạc véo von.

- Và rồi tầm nhìn toàn cảnh về quá khứ xuất hiện. Nhân chứng nhìn thấy toàn bộ quá trình cuộc sống diễn ra như đoạn phim.

- Nhân chứng cảm nhận được có một biên giới, một giới hạn mà vượt qua đó sẽ không thể quay lại được nữa.

- Cuối cùng nhân chứng quay trở lại thân xác của mình.

- Khi tỉnh dậy, nhân chứng tỏ ra thất vọng vì được hồi sinh và vì đã rời bỏ chốn tươi đẹp như mơ.

Càng trẻ càng có thể qua trải nghiệm cận kề cái chết

Sau TS triết học - bác sĩ y khoa Raymond Moody ở Mỹ, các nghiên cứu về trải nghiệm cận kề cái chết gia tăng trên thế giới. Bác sĩ tim mạch Michael Sabom ở Florida (Mỹ) ban đầu hoài nghi hiện tượng cận kề cái chết. Ông nảy ra ý tưởng phỏng vấn trực tiếp các bệnh nhân sống sót sau khi ngừng tim trong bệnh viện. 

Ông tiến hành khảo sát từ năm 1976-1980 và công bố nghiên cứu vào năm 1982. Ông là một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội quốc tế về nghiên cứu cận kề cái chết (IANDS) ra đời ở Mỹ vào năm 1981.

TS Bruce Greyson đã từng nghiên cứu trải nghiệm cận kề cái chết trên 1.595 bệnh nhân tại khoa tim Bệnh viện Đại học Virginia vào năm 2003. Cuối cùng là hai nghiên cứu lớn về trải nghiệm này ở Anh, một do TS Sam Parnia thực hiện vào năm 2001 và một do TS Penny Sartori thực hiện vào năm 2006.

 

Đường hầm với luồng ánh sáng chói lọi theo mô tả của người đã trải nghiệm cận kề cái chết - Ảnh: Adobe Stock

Các nghiên cứu cho thấy trải nghiệm cận kề cái chết xảy ra đối với mọi độ tuổi dù già trẻ bé lớn, tuy nhiên tuổi càng trẻ, xác suất xảy ra trải nghiệm này cao hơn. 

TS Janice Holden (Mỹ) giải thích người sống sót có nhiều khả năng gặp trải nghiệm này thường là người sợ chết hoặc người đã từng sống với những trải nghiệm sâu sắc khác như có thời gian quá đỗi đau buồn hay đã từng ngồi thiền quá lâu. Bà hiện là chủ tịch IANDS và tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu cận kề cái chết trực thuộc IANDS.

Nổi tiếng nhất là nghiên cứu ở Hà Lan do bác sĩ y khoa Pim van Lommel thực hiện. Nghiên cứu được chia làm hai giai đoạn với bảy bệnh viện tham gia. Giai đoạn đầu dài bốn năm (năm 1988-1992) nghiên cứu lời kể của các bệnh nhân sống sót sau ngừng tim. Giai đoạn hai dài tám năm (năm 1992-2000) nghiên cứu những thay đổi trong hành vi và cách nhìn nhận cuộc sống ở các bệnh nhân đã qua trải nghiệm cận kề cái chết.

Ở giai đoạn một, 344 bệnh nhân đã trải qua 509 lần hồi sức (tất cả đều đã chết lâm sàng) được phỏng vấn. 82% không nhớ gì hết và 18% cho biết có qua trải nghiệm cận kề cái chết (62 bệnh nhân). 

Ở giai đoạn hai, nhóm bệnh nhân đã qua trải nghiệm cận kề cái chết ở giai đoạn một đã thay đổi lối sống rất rõ ràng so với nhóm bệnh nhân không qua trải nghiệm này. Ví dụ số bệnh nhân quan tâm đến tâm linh đã tăng 42% ở nhóm đầu và giảm 41% ở nhóm sau. 

Nghiên cứu của Hà Lan đã được công bố trên tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet (Anh) vào tháng 12-2001, đã có tác động trên toàn thế giới và giành được nhiều giải thưởng khoa học. 

Chưa chứng minh được có cuộc sống khác sau chết
TS Raymond Moody khẳng định trải nghiệm cận kề cái chết không chứng minh được có cuộc sống khác sau khi chết. Ông giải thích trải nghiệm này chủ yếu dựa vào lời kể của các nhân chứng sống sót, tuy nhiên cần phân biệt rạch ròi giữa lời kể với sự thật. Bệnh nhân sống sót có thể là người thành thật, họ kể lại những gì đã nhìn thấy song lời kể chưa chắc đúng sự thật. Ví dụ người đi trong sa mạc nhìn thấy vũng nước nhưng sự thật đó chỉ là ảo giác.
Một số bệnh nhân sống sót thừa nhận có nói dối về việc đã trải qua trải nghiệm cận kề cái chết, vậy làm sao phân biệt ai nói thật và ai nói dối? Theo TS Moody, người thực sự đã qua trải nghiệm này thường có thái độ khiêm tốn, trầm tĩnh và sẵn sàng thừa nhận có nhiều điều họ không biết trong khi kẻ nói dối chỉ lo tập trung kể những câu chuyện khoe khoang chính cá nhân họ.

Đọc tiếp: Khoa học nói gì về bí ẩn cận tử - Kỳ 4: Sống tốt hơn sau lần đến ngưỡng cửa cái chết

Theo T.trẻ

Tags: