Đã bao giờ, bạn thử hỏi sống có nghĩa lý gì chưa? Matthew Crawford, một triết gia lỗi lạc kiêm thợ sửa xe mô tô, đã đưa ra một câu trả lời khá chắc chắn. Với ông, sống là để rơi vào những thử thách tự nhiên đã được định sẵn trong thế giới này. Sống và tự do, theo ông, bao gồm xử trí khéo léo những thử thách và bế tắc của thực tại, cũng giống như việc chơi nhạc cụ, sửa chữa động cơ, nuôi trẻ, hay chèo thuyền.
Trong cuốn sách đầu tiên của mình “Shop Class as Soulcraft”, Crawford thuật lại chi tiết cuộc “đổi đời” từ một dân công sở sang một thợ sửa chữa mô tô. Ông coi trọng những vướng bận của ta với trần thế này bởi vì, theo ông, đây là cách chúng ta thực sự trải nghiệm thanh cao. Trong cuốn sách mới “The World Beyond Your Head” (tạm dịch: Thế Giới Bên Ngoài Tâm Trí Bạn), ông viết : “Đối mặt với mọi thứ theo cách này khá là khêu gợi” vì “Cái đẹp sẽ khiến tâm hồn ta thoát xác"
Phần lớn chúng ta có thiên hướng đồng ý với điều này, ít nhất ở chừng mực nào đó. Những kỳ nghỉ xa xỉ tượng trưng cho một cuộc sống lý tưởng, thường ở chốn hoang sơ biển rừng mà ta rút về ở ẩn, xen kẽ với một số các hoạt động thử thách thú vị khác như lặn biển, tập yoga, đánh gôn, hay câu cá. Tuy vậy, dù thèm muốn lối sống như dân phượt này, chúng ta thường nghiêng về tái thiết lập trật tự cuộc sống thường ngày để rồi lại xóa bỏ gần hết những mới lạ đó. Chúng ta muốn cuộc sống tươi mới và hứng khởi, nhưng chúng ta cũng ao ước một cuộc sống dễ dàng với việc nấu ăn nhanh gọn, du lịch không mệt mỏi, những mối quan hệ êm xuôi, mà không nhận ra nội tại nó có những mâu thuẫn rành rành.
Đã đôi lần tôi từng ngẫm nghĩ về nghịch lý này. Trong cuốn sách mới nhất của mình, Crawford lý giải nó một cách bất ngờ: ông đỗ lổi cho thời kỳ Khai Sáng. Nói đúng hơn, ông tin rằng, chúng ta bị nô lệ hóa mà không hề hay biết bởi một ý niệm trừu tượng về tự do mà ông gắn với triết gia Immanuel Kant. Nghe như trò đùa khi đổ lỗi cho Kant tất cả mọi thứ ngoại trừ nỗi buồn tẻ. Nhưng tất nhiên, chúng ta thường bị điều khiển bởi những ý tưởng được số đông chấp nhận và hấp thụ chúng một cách không hoài nghi, cũng không nhận thức được tầm ảnh hưởng thực sự của chúng.
Theo Crawford, nếu hiểu rằng tự do nghĩa là tối đa hóa lựa chọn thì những điều khiến thế giới này và cuộc sống thú vị của chúng ta sẽ chẳng còn mấy. Chúng ta quá thần thánh hóa ý niệm tự do nghĩa là sống theo cách mà không một ai hay thể chế nào khuyên bảo ta. Bất kể tư tưởng này quan trọng đến mức nào ở thế kỷ 18, Crawford nghĩ rằng chúng ta đã đi quá xa khi đòi hỏi rằng mình phải có quyền quyết định tất cả mọi thứ, kể cả nhà vua hay bất cứ ai, bất cứ thứ gì, bao gồm cả các thiết bị công nghệ cũng được nhúng mũi vào.
Ông cố tìm những dấu hiệu tinh tế cho mức ảnh hưởng khắp mọi nơi của chân lý này, ví dụ như ở xu hướng hiện thời khi con người đòi hỏi một sự hòa hợp ở trong bất cứ môi trường chung đụng nào. Ví dụ, ông như thể bị tra tấn trong một phòng gym trường đại học khi họ phát nhạc Muzak, và một người bạn tập nói với ông rằng đó là cách để tránh áp đặt lựa chọn lên ai đó. Điều này với ông là nhạt nhẽo ra vẻ là “tự do”.
Crawford có niềm căm ghét đặc biệt với những chiếc xe kếch xù hiện đại thời nay. Ông thấy chúng tạo ra sự cách biệt giữa người cầm lái với môi trường xung quanh khi di chuyển hơn 60 dặm một giờ. “Mô hình sống động lý tưởng” của xe hơi ngày nay, theo như ông viết, là “người cầm lái trở thành một người quan sát tách rời, xuyên mình qua thế giới các vật thể được hiển thị như trên một màn hình”.
Những kiểu xe như thế, Crawford cho rằng, khiến việc cầm lái nhàn rỗi như thể việc nhà và rốt cục dẫn đến không còn mục đích làm việc. Chúng ta có thể lái tới bất kỳ đâu, nhưng vẫn mãi là người xa lạ với con đường. Đôi lúc tôi tự hỏi liệu lời phàn nàn của Crawford tới Kant chỉ là chuyện cá nhân: với tất cả những hiểm nguy từ việc lái xe mô tô, suy đoán của tôi là ông thích “bùng cháy” hơn là sống cuộc đời của một triết gia, một cuộc đời mà nghe chừng nhàm chán nhất trong lịch sử trước nay. Một người đàn ông hay phát biểu về tự do nhưng lại bị đồn thổi rộng rãi là chưa từng một lần làm tình thì còn gì có thể nói được nữa đây?
Với Crawford, những hoạt động ý nghĩa nhất của cuộc đời chính là dẹp đi các lựa chọn và đối mặt với những kìm hãm của thế giới vật chất. Nghĩ thử mà xem, ví dụ, làm thế nào để có thể chèo thuyền hoặc chơi ghita.
Khác với Ipad và xe hàng hiệu, bạn không thể đơn giản cứ muốn cái gì thì ấn vào nút đấy. Tôi thích chèo thuyền, nhưng đó đôi khi là một trải nghiệm gian nan và kể cả chán nản nhưng có cái gì đó cứ sai sai ở đây.
Đàn ghita và thuyền rõ ràng rõ ràng không mang đến tự do theo nghĩa là sự tối đa hóa trong lựa chọn, thậm chí bạn có thể nói rằng, người chơi ghita hoặc chèo thuyền còn bị giới hạn, cầm tù hoặc bí bách vì chiếc thuyền không xuôi theo chiều gió hay người chơi ghita không dễ gì cho ra những giai điệu bắt tai.
Nhưng, như Crawford chỉ ra, việc chấp nhận những giới hạn ấy và chấp nhận sự điều khiển của những thiết bị công nghệ khó chiều lại thường kết thúc trong cảm giác viên mãn. Không ai đòi hỏi phải được chôn với chiếc Ipad của mình.
Thành tựu của Crawford trong cuốn sách “The World Beyond Your Head” là đã vạch ra rõ ràng quan niệm của chúng ta về tự do mập mờ như thế nào, dù cho cách hiểu của ông về Kant có thể sẽ bị bác bỏ bởi các môn đồ của triết gia này.
Cuốn sách của ông nên được đọc cùng với “Out of Our Heads” (tạm dịch: Bên ngoài Bộ óc của Chúng ta) của Alva Noe vì cả hai giống như một đòn tấn công triết học kép lên cái mà Noe gọi là “ý niệm của chúng ta ở thế kỷ 17 về một con nguời như một hòn đảo cá nhân mắc kẹt trong đầu họ”.
Crawford thì không thành công như Noe trong việc lý giải mối liên hệ giữa sự tự do với sự tập trung, hoặc đúng hơn, thứ mà Crawford ghét là việc quảng cáo và những xao nhãng liên tục tấn công con người hiện đại. Tôi cho rằng ý tưởng đó có thể hiểu là nếu quý trọng việc đắm mình sâu hơn vào thế giới vật chất, chúng ta sẽ không dễ gì trở thành con mồi ngon ăn như vậy. Nhưng tôi nghĩ bạn cũng cần phải hiểu rằng sự chú tâm của con người đã bị công nghiệp hóa thế nào suốt thể kỷ qua và vì thế tôi nghĩ bạn không thể nào khiển trách mình Kant được.
Đẩy mọi thứ đi hơi quá đà là phong cách của Crawford. Ý tưởng khá nam tính và vật chất về phong cách sống này có thể ngụ ý rằng: ai đó giống Stephen Hawking khi phải bó mình trong xe lăn thì đang sống cuộc đời vô nghĩa. Phần lớn những gì Crawford viết như ám ý chỉ rằng cuộc sống của tâm trí là không đáng sống, mà, cùng lúc đó, Crawford là vừa là tác gia, vừa là triết gia. Có lẽ, những cuốn sách của ông có chủ đích chỉ như là tín hiệu cảnh báo cho người đọc để tránh mắc phải những thứ quá đỗi ngớ ngẩn và vô vị như ngồi soạn bản thảo. Trong trường hợp này thì ông chính là người tử vì đạo.
Tuy vậy, những luận điểm trên có thể gác sang một bên vì những gì tôi cho là điểm nhấn ở Crawford chính là sự diễn thuyết của ông về một hệ tư tưởng với lối đi thực sự khác lạ, một phản ứng trước cái chết mòn của thời đại chúng ta mà thường không được đưa ra suy xét một cách thấu đáo.
Ngày nay thật hiếm khi tìm thấy một người vừa theo chủ nghĩa truyền thống mà không bảo thủ, vừa là một nhà nhân văn mà không theo chủ nghĩa tự do. Ông có thể phê phán những người theo tự do chủ nghĩa đã thất bại trong việc nhận ra rằng chúng ta thực sự bị cai trị bởi ai.
Ông cũng có thể chê trách những người theo chủ nghĩa tự do đã không có một tầm nhìn về sự phát triển của con người mà có thể sâu sắc hơn việc tôn trọng lẫn nhau và nhạc Muzak.
Crawford đang đề xuất một thứ mà các nhà đạo đức học người Hy Lạp đã từng nhắm tới: hiểu thế nà là một cuộc sống mĩ mãn, vừa có nền tảng triết lý, vừa được duỗi gọt qua trải nghiệm. “The World Beyond Your Head” tuy không phải là tác phẩm duy nhất muốn ta “đòi lại cái có thật”, nhưng đây lại là một trong số hiếm lý giải tại sao chúng ta khó có thể làm điều đó.
Trạm Đọc (Read Station)
Theo New Yoker