Khát vọng sống và tình yêu giữa những ám ảnh về cái chết
Khát vọng sống và tình yêu giữa những ám ảnh về cái chết
Trong "Shosha", nhà văn Do Thái đoạt giải Nobel 1978 Isaac Bashevis Singer đã bao quát được nỗi ước vọng rất con người hướng đến hạnh phúc, tình yêu dù trên bờ vực của tận diệt.

Về Shosha, cuốn tiểu thuyết về Warsaw thời kỳ tiền chiến, Singer viết: “Cuốn tiểu thuyết này hoàn toàn không có ý thức phác họa toàn bộ cộng đồng Do Thái Ba Lan vào thời kì trước Hitler. Đây là câu chuyện của vài nhân vật cụ thể trong những hoàn cảnh đặc biệt”.

Bối cảnh của cuốn tiểu thuyết là thập niên 1930 ở Warsaw, thủ đô của Ba Lan - những năm tháng chứng kiến quyền lực của Hitler dần gia tăng và trở thành nỗi ám ảnh thực sự. Tác giả chọn điểm nhìn của nhân vật xưng “tôi”, Aaron Greidinger, thường được gọi thân mật là Tsutsik, một nhà văn trẻ đầy tham vọng và những bạn bè của anh, những tri thức theo đuổi lối sống tự do phóng túng, không theo khuôn phép của xã hội, nổi bật trong đó là triết gia Morris Feitelzohn.

Mở đầu cuốn tiểu thuyết, độc giả sẽ bắt gặp Aaron - một cậu bé sớm phát triển về tư duy sống trong một khu phố Do Thái ở Warsaw trong những năm trước Thế chiến thứ nhất. Cậu bé nảy sinh những tơ vương, cảm xúc đặc biệt với cô bé hàng xóm Shosha vốn bị suy giảm trí tuệ và thể chất. Aaron và Shosha say sưa trong những câu chuyện con trẻ cho đến khi gia đình di dời và những đứa trẻ mất liên lạc.

Nhiều năm trôi qua, Aaron trở về Warsaw như một nhà văn trẻ đầy tham vọng và những thôi thúc nghệ thuật. Anh phát hiện ra rằng khu phố Do Thái cũ của mình đã trở thành một điểm nóng của bệnh tật, tội ác. Aaron dấn thân vào một loạt các cuộc phiêu lưu tình ái, bao gồm cả cuộc tình với một doanh nhân người Mỹ.

Đúng lúc đó, anh gặp lại Shosha, vào một ngày mùa xuân, khi đi qua con đường Krochmalna thời thơ ấu. Cô ấy chẳng hề thay đổi, khiến Aaron bị quyến rũ và rơi vào lưới tình, sau đó, quyết định đi đến hôn nhân - một cuộc hôn nhân giữa không khí ngột ngạt của ám ảnh về cái chết.

“Isaac Bashevis Singer tán dương nhân phẩm con người, những bí nhiệm cùng những niềm vui bất ngờ của đời sống gắn với nghệ thuật và nhiệt thành nhiều hơn bất kỳ nhà văn nào còn sống”, Peter R. Prescott bình luận trong tờ Newsweek. "Ông quan tâm đến tất cả những chủ đề chính, cái thiện và cái ác, tín ngưỡng và hoài nghi, hành động và suy tưởng, bản chất của mê muội, ảo mộng và niềm vui của xác thịt, trần thế".

Shosha là một thiên chiêm nghiệm, suy tưởng sâu sắc về đời sống, về bản chất của chiến tranh, về suy tư thẳm sâu nhất trong những khuất nẻo tâm hồn của con người. Những câu hỏi dấy lên không dứt. “Cuộc sống thì là gì, xét cho cùng?” Tại sao chiến tranh? Thượng đế ở đâu trong những thời khắc, lằn ranh cùng quẫn? Đấng cứu thế ở đâu trong những thời khắc đẫm máu và đen tối này của lịch sử nhân loại?

“Mỗi lần tôi bước chân vào thư viện, một hy vọng lại lóe lên trong tôi - có lẽ ở một trong những quyển sách kia có chỉ dẫn về cách thức mà một con người có tính khí như tôi, với thế giới quan như tôi có thể sống yên bình với bản thân. Tôi đã không tìm ra được nó - ở cả Tolstoy, Kropotkine, Spinoza, William James, Schopenhauer cũng như trong Kinh thánh. Chắc chắn, các nhà tiên tri rao giảng về một đạo đức cao vời, nhưng những lời hứa của họ về những mùa màng phì nhiêu, cây ô liu trĩu quả, rồi thì nho và sự bảo vệ chống lại kẻ thù chẳng hề thu hút tôi. Tôi biết rằng thế giới vẫn luôn và sẽ mãi mãi giống như lúc này. Những gì các nhà luân lý gọi là cái ác trên thực tế chính là trật tự của mọi vật”.

Vào thời điểm của suy tàn, khi lưỡi hái của tử thần treo lơ lửng, nhãn quan của những tri thức Do Thái ở Ba Lan ánh xạ được rất nhiều trăn trở suy tư. Nhưng Shosha là câu chuyện của những người ở lại chứ không phải những người trốn chạy và thích nghi: Aaron đã hai lần từ chối đi khỏi Warsaw, tiếp tục ở lại cho đến khi không còn cơ hội cứu rỗi nào nữa. Phải chăng thích nghi cũng là một dạng thức của tha hóa, trong trường hợp này?

Khi đấng cứu thế không đến, khi ý định khiến con người hạnh phúc không nằm trong kế hoạch của Người, các nhân vật trở nên bé mọn trong cuộc hiện sinh, phải vật lộn để lay lắt qua ngày, trong sợ hãi và tình yêu, trong những đớn đau và niềm vui bất chợt:

“Nơi đây, bầu trời xanh lơ mùa hè, cây cối hai bên đường thì rậm lục, phụ nữ mặc váy, đội mũ, đi giày, cầm những cái xắc mốt mới nhất. Đàn ông thì đưa ánh mắt sành sỏi ngắm nhìn các cặp chân bọc trong tất nylon, chúng hứa hẹn những khoái thú bất khả xâm nhập. Còn tôi, cũng bị kết án như những người khác, tôi cũng liếc nhìn những hông, những bắp vế, những bộ ngực, những cần cổ. Thế hệ tới sau chúng tôi, tôi tự nhủ, hẳn sẽ tưởng tượng tất cả chúng tôi đã đi đến cái chết với sự sám hối… Trên thực tế, mỗi người trong chúng tôi sẽ chết với cùng dục vọng mà người ấy từng có để sống”.

Tiểu thuyết của nhà văn Do Thái đoạt giải Nobel năm 1978 chắc chắn sẽ âm vang và được đón đọc trong nhiều năm tới, dù chiến tranh đã trôi xa.

Theo Zing News
Tags: