Khắc kỷ không khắc khổ
Khắc kỷ không khắc khổ
Đây chính là một thông điệp mà tác giả Ngô Di Lân muốn gửi tới các độc giả trẻ thông qua cuốn sách đầu tay "1% mỗi ngày" mới ra mắt của anh.

C thân mến,

Hôm trước em có hỏi anh tại sao dạo này đọc nhiều sách về chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) đến thế? Vậy khắc kỷ có liên quan gì đến khắc khổ không? Anh nghĩ câu trả lời là có một chút, nhưng không đáng kể.

Có lẽ nếu đại dịch Covid 19 không ập đến thì giờ này anh vẫn chưa biết hai chữ khắc kỷ có nghĩa là gì. Nhưng nó đã xảy ra và khiến cho nhất nhiều người trong đó có anh cảm thấy hoang mang và bất lực.

Chúng ta phải xử trí thế nào trước một kẻ địch vừa vô hình, vùa có khả năng gây xáo trộn cuộc sống của hàng tỉ người trên thế giới? Phải làm thế nào để sống một cách “bình thường nhất có thể” trong thời gian giãn cách xã hội, khi chúng ta cảm thấy thiếu thốn sự giao tiếp giữa người và người một cách trầm trọng? Chủ nghĩa khắc kỷ đã đem đến cho anh câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa đó.

Khác với nhiều trường phái triết học nổi tiếng khác, cha đẻ của chủ nghĩa khắc kỷ không phải là một học giả mà là một người lái buôn. Zeno xứ Citium là người buôn thuốc nhuộm vải và trong một cuộc hành trình nọ trên biển Địa Trung Hải, con tàu trở đầy thuốc nhuộm màu tím quý giá của ông đã gặp nạn. Zeno may mắn sống sót nhưng mất hết cả gia sản của mình.

Em có thể tưởng tượng được cảm giác đau buồn và thất vọng mà ông ấy phải trải qua lúc đó không? Cả cơ ngơi tan thành mây khói chỉ vì cơn thịnh nộ của trời đất. Chính tình huống bất khả kháng đó đã khiến Zeno tìm đến triết học để chữa lành cho bản thân. Và bằng một cách nào đấy, ông không những được chữa lành mà còn sáng lập ra trường phái Khắc kỷ như một “bài thuốc” để giúp chữa trị cho cả những người kém may mắn khác nữa. Quả là kỳ diệu, phải không em?

Nhưng nếu như người Hy Lạp có công sáng lập ra chủ nghĩa khắc kỷ thì các thế hệ triết gia người La Mã mới là nhân tố khiến cho trường phái triết học này trở nên hoàn thiện hơn, khoa học hơn và thực sự nổi tiếng.

Những gì hậu thế chúng ta biết được về chủ nghĩa khắc kỷ tại thời điểm này chủ yếu dựa trên những ghi chép và bài giảng của người nô lệ thông thái Epictetus, Nghị sĩ Seneca trứ danh và Hoàng để Marcus Aurelius - một trong những caesar anh minh nhất trong lịch sử của La Mã cổ đại.

 

Cha đẻ của chủ nghĩa khắc kỷ
Và dù họ có những quan điểm hơi khác nhau trong một số vấn đề, những nhà hiền triết này đều đồng ý rằng sự vui sướng hay buồn khổ trong cuộc sống của mỗi người chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào cách ta nhìn nhận diễn mọi việc.

 

Anh sẽ đưa ra một ví dụ cụ thể để em thấy mọi thứ không quá trừu tượng. Giả sử mình đang ở trong một mối quan hệ và người kia quyết định chia tay. Thường thì mọi người sẽ đau buồn, không chỉ đơn giản vì cảm giác mất mát, mà bởi họ còn cảm thấy mình đã bị phản bội hoặc cảm thấy bản thân kém cỏi. Phải chăng người ấy rời bỏ vì mình đã đối xử không đủ tốt hay mình không đủ giàu có?

Ngược lại, có những người vượt qua nỗi đau này rất nhanh bởi họ nhận ra rằng người kia rời đi có nghĩa là họ có điều kiện để đi tìm một người bạn đời phù hợp hơn. Như vậy thì việc chia tay là một sự may mắn chứ không phải đen đủi. Em thấy đấy, cùng một sự việc nhưng có hai cách để diễn giải với hai hệ quả vô cùng khác nhau!

Điểm mấu chốt của triết lý khắc kỷ là trong cuộc sống luôn có những thứ nằm ngoài quyền kiểm soát của chúng ta. Để tìm được hạnh phúc và sự bình yên thì chỉ có cách tôi rèn lý trí và học cách phớt lờ những gì mình không thể tác động đến. Một khi không còn bận tâm tới những gì không thể thay đổi được, ta sẽ sẵn sàng đối phó với mọi nỗi thất vọng và tai ương có thể xảy ra.

 

Cuốn sách "1% mỗi ngày" của tác giả Ngô Di Lân
Đọc đến đây chắc hẳn em sẽ muốn biết làm thế nào để ứng dụng triết lý khắc kỷ vào cuộc sống thường nhật đúng không? Thực ra nó không phức tạp như chúng ta vẫn tưởng, em chỉ cần ghi nhớ rằng mọi sự xảy ra trong cuộc sống, từ thứ nhỏ nhặt nhất cho đến kinh thiên động địa đều có thể được xếp vào một trong ba nhóm sau:
 
Nhóm thứ nhất gồm những thứ mình tuyệt đối không thể kiểm soát được. Ví dụ như mưa bão, cảm xúc của bản thân, hay những phản xạ vô điều kiện. Việc mình chảy nước mắt khi bị ai đấy tát không nằm trong khả năng kiểm soát của chúng ta. Có những thứ phải chấp nhận là nó như vậy thôi.
 
Nhóm thứ hai là những thứ mình có thể kiểm soát được hoàn toàn. Trong nhóm này có các mục tiêu ta đề ra cho bản thân, ví dụ như tối nay ăn nhiều hay ăn ít, viết bài văn này ngắn gọn hay sẽ triển khai thành hàng nghìn từ, sáng mai ngủ dậy lúc mấy giờ, v.v. Trừ phi có ai đó đang dí súng vào đầu chúng ta (theo nghĩa đen), còn không thì chúng ta luôn có sự tự do để đưa ra lựa chọn cho chính mình.
 
Nhóm cuối cùng chính là những thứ mình chỉ kiểm soát được một phần. Gần như tất cả mọi thứ có ít nhiều liên quan tới những người xung quanh sẽ rơi vào nhóm này. Hình ảnh của ta trong mắt họ, sự thăng quan tiến chức, đánh giá của mọi người về món ăn mà ta nấu, ví dụ như vậy.
 
Chỉ cần những gì chúng ta làm chịu sự tác động của ít nhất một người nữa thì ta sẽ đánh mất sự kiểm soát tuyệt đối. Khi đó, kết quả sẽ không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí và kỷ luật của chúng ta, nó còn phụ thuộc vào suy nghĩ, lợi ích, tính cách... của những người còn lại. Khi đó em không còn là giám đốc trong công ty “một thành viên” của mình nữa, mà chỉ là một trong nhiều cổ đông của một tập đoàn lớn. Em có thể làm hết sức ý mình nhưng kết quả vẫn sẽ không như ý muốn.
 
Và anh học được rằng để mỗi tối có thể leo lên giường ngủ một cách thanh thản và nhẹ nhõm thực ra không khó. Mình chỉ việc... gạt tất cả những thứ hoàn toàn không kiểm soát được sang một bên và coi đó là “ý trời”. Ý trời mà đã quyết, ta không thể làm gì, và đã không thể làm gì thì không nên bận tâm. Như vậy nhẹ đầu và tốt cho sức khỏe hơn nhiều!
 

Dồn toàn tâm toàn ý cho những thứ hoàn toàn nằm trong quyền kiểm soát của chúng ta. Cố gắng dậy đúng giờ, ăn sáng đầy đủ, làm việc nghiêm túc và đối xử với những người xung quanh thật tử tế. Những cái đó không ai ngăn cản được chúng ta.

Với những việc mà ta chỉ kiểm soát được một phần, quan trọng nhất là học cách bằng lòng với những gì ta đã làm được thay vì kết quả chung cuộc. Chỉ cần ta đã nỗ lực hết sức mình, vậy là được. Kết quả tốt hay dở còn phụ thuộc vào những người xung quanh nữa kia mà!

Sẽ cần tập luyện nhiều để làm được như vậy nhưng không có gì là không thể nếu chúng ta rèn luyện mỗi ngày, em ạ.

Theo Ngô Di Lân - 1% mỗi ngày

Tags: