Jon Fosse nói về “ngôn ngữ không thể nói thành lời”
Jon Fosse nói về “ngôn ngữ không thể nói thành lời”
“Tôi thường nói rằng có hai ngôn ngữ: Những từ tôi viết, những từ bạn có thể hiểu, và đằng sau đó còn có một ngôn ngữ không thể nói thành lời.”

Khi tác giả đoạt giải Nobel Jon Fosse lên 7 tuổi, một tai nạn đã ảnh hưởng đến cuộc đời sáng tác của ông.

Một ngày nọ, ở nhà tại trang trại nhỏ của gia đình ở Strandebarm, một ngôi làng nằm giữa vịnh hẹp phía tây Na Uy, Fosse đang mang theo một chai nước trái cây thì bị trượt chân trên băng trong sân. Khi chạm đất, cái chai vỡ tan và một mảnh thủy tinh cắt vào động mạch ở cổ tay ông. Cha mẹ của Fosse đã đưa ông đến gặp bác sĩ và, trong xe hơi, Fosse nhớ lại, ông đã có một trải nghiệm vượt ngoài cơ thể hiện tại: “Tôi nhìn thấy chính mình từ bên ngoài.” - Fosse nói trong một cuộc phỏng vấn. Ông cho rằng mình sắp chết, nhưng ông cũng nhận thấy một “luồng sáng lấp lánh”.

Fosse thuật lại: “Mọi thứ đều rất yên bình, tôi không cảm thấy buồn bã, mà đúng hơn, tôi cảm giác rằng có ‘vẻ đẹp, vẻ đẹp trong mọi thứ’.

Fosse nói rằng việc cận kề cái chết thời thơ ấu đã ảnh hưởng đến tất cả tác phẩm văn học của ông: tiểu thuyết, kịch và thơ, những tác phẩm đã giúp ông nhận được giải Nobel Văn học năm 2023. Fosse giải thích, viễn cảnh mà ông nhìn thấy vào thời điểm xảy ra tai nạn, đã được đưa vào những gì ông viết: “Tôi thường nói rằng có hai ngôn ngữ: Những từ tôi viết, những từ bạn có thể hiểu, và đằng sau đó còn có một ngôn ngữ không thể nói thành lời.” Và chính trong “ngôn ngữ không thể nói thành lời” ấy, ý nghĩa thực sự có thể bị bóp méo. 

Trong một bài phát biểu ở Stockholm, một nghi thức mà tất cả những người đoạt giải Nobel đều tuân theo trước khi nhận giải, Fosse đã mở rộng một chút về ý tưởng về” ngôn ngữ không thể nói thành lời”. Ông nói: “Chỉ trong sự im lặng bạn mới có thể nghe được tiếng Chúa. Có lẽ vậy.” 

Đối với những người hâm mộ Fosse, các khía cạnh tâm linh và hiện sinh là điều tạo nên sức hấp dẫn trong các tác phẩm của ông. Anders Olsson, chủ tịch ủy ban Nobel đã trao giải cho Fosse, nói rằng tác phẩm của Fosse đã gây ra những cảm xúc và câu hỏi “vượt ra ngoài ranh giới của ngôn ngữ” ở độc giả. Olsson nói: “Cảm giác sâu sắc về điều không thể diễn tả được” trong các vở kịch và tiểu thuyết của Fosse đưa người đọc “đi sâu hơn vào trải nghiệm về thần thánh”.

Những tác phẩm của Fosse chỉ mới nổi lên gần đây trong cộng đồng nói tiếng Anh với cuốn sách “Septology”, một tác phẩm gồm bảy phần được kể một phần như dòng ý thức từ tâm trí của một họa sĩ già. Năm ngoái, các phần của “Septology” đã được đề cử cho Giải Sách Quốc gia và Giải Sách Quốc tế tại Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có “A Shining” - cuốn tiểu thuyết ngắn về một người đàn ông lạc trong rừng tuyết được an ủi bởi một ánh sáng bí ẩn, được xuất bản ở Anh vào ngày công bố giải Nobel và sau đó ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, ở châu Âu, Fosse đã là một ngôi sao trong nhiều thập kỷ, không phải nhờ tiểu thuyết mà là các vở kịch, được so sánh với các vở kịch của Samuel Beckett và Henrik Ibsen và chúng được biểu diễn tại một số nhà hát danh giá nhất. 

Sarah Cameron Sunde, một nghệ sĩ sống ở Hoa Kỳ, người đã dịch các vở kịch của Fosse sang tiếng Anh và đạo diễn một số vở kịch ở New York, nói rằng việc khán giả Mỹ không đón nhận Fosse có lẽ bởi chủ đề của ông: Những gì ông viết thường mô tả các nhân vật bị bao vây bởi sự cô đơn, khao khát kết nối và suy tính về cái kết, và nhiều vở kịch của ông liên quan đến việc tự tử. Cô nói: “Mọi người ở đây đều rất sợ cái chết.”

Trong cuộc phỏng vấn kéo dài hai giờ ở Oslo tuần trước, Fosse, 64 tuổi, nói rằng khi còn nhỏ ông không có ý định trở thành nhà văn. Cha ông điều hành trang trại nhỏ của gia đình và quản lý cửa hàng trong làng, còn mẹ ông là một người nội trợ. Fosse nhớ lại thời trẻ, ông thích nhạc rock hơn là đọc sách. Ông nuôi tóc dài và vẫn buộc tóc đuôi ngựa và chơi ghi-ta với các ban nhạc trong các buổi khiêu vũ ở trường (hình ảnh này được ông coi là khá tệ). Nhưng ở tuổi 14, vì những lý do không thể giải thích được, ông “ngưng chơi, thậm chí ngừng nghe nhạc” mà tập trung làm thơ, truyện. Ông nói rằng lối viết của mình nhịp nhàng, lặp lại như thể đang cố gắng níu kéo mối liên hệ với quá khứ âm nhạc. Mọi chuyện đã như vậy suốt 40 năm.” Fosse nói.

Những cuốn sách đầu tiên của ông, bao gồm cả tác phẩm đầu tay năm 1983, “Raudt, Svart” (tiếng Anh, “Red, Black”), đầy đau đớn”,  thường kể về các nhân vật bị mắc kẹt trong những khoảnh khắc thiếu quyết đoán. Chẳng hạn, cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông, “Stengd Gitar” (“Closed Guitar”) kể về một người phụ nữ vô tình nhốt mình khỏi căn hộ của mình trong khi đứa con của cô ấy đang ngủ bên trong, sau đó đau khổ không biết phải làm gì tiếp theo. Vào thời điểm ông đang viết những cuốn sách đầu tiên này, ở độ tuổi 20, Fosse là một người vô thần và xung quanh là những người cũng không theo tôn giáo nào. Ông giảng dạy tại một học viện viết văn ở thành phố Bergen, Na Uy, nơi ông được bao quanh bởi “trí thức, sinh viên và nghệ sĩ trẻ”, những người theo chủ nghĩa cộng sản tận tâm và cho rằng nghệ thuật và văn học phải mang tính chính trị. (Karl Ove Knausgaard là một trong những học trò của ông.)

Nhưng Fosse không đồng ý. Ông nói: “Văn học phải gắn liền với chính nó”, thay vì cố gắng đạt được mục tiêu chính trị, xã hội hay thậm chí là tôn giáo. Fosse cho biết khi viết nhiều hơn, chính quá trình này đã khiến ông bắt đầu đặt câu hỏi về chủ nghĩa vô thần của mình. Ông chưa bao giờ lên kế hoạch trước cho một câu chuyện hay một bài thơ - nhưng khi những từ ngữ vừa thốt ra, ông bắt đầu tự hỏi tất cả những điều đó đến từ đâu.  Ông bắt đầu khám phá tôn giáo, bao gồm cả việc tham dự các cuộc họp của giáo phái Quaker, và “một kiểu hòa giải, hay hòa bình” đã xuất hiện trong những gì ông viết. Cecilie Seiness, biên tập viên của Fosse trong thập kỷ qua tại Det Norske Samlaget, một nhà xuất bản ở Na Uy, nói rằng mối quan tâm của ông đối với tôn giáo đã vượt xa niềm tin cá nhân của ông. Seiness cho biết, vào những năm 1990, trong một thời gian ngắn, Fosse đã xuất bản một một tạp chí văn học “về việc đưa Chúa vào viết lách, đối lập với văn bản chính trị thời đó”.

Tuy nhiên, bà nói thêm rằng tiểu thuyết và vở kịch của Fosse chưa bao giờ mang tính mô phạm. Seiness nói: “Nó không cố gắng làm bạn thay đổi, hoàn toàn không. Đó chỉ là việc cởi mở với những bí ẩn của cuộc sống.”

Mặc dù có sức viết đều đặn - thường là một cuốn sách một năm - nhưng sự nghiệp của Fosse chỉ thực sự khởi sắc vào giữa những năm 1990 khi ông chuyển hướng sang sân khấu. Chẳng bao lâu, ông đã giành được những giải thưởng lớn cho những vở kịch xuất sắc của mình, bao gồm “I Am the Wind”, có hai nhân vật được gọi đơn giản là “The One”“The Other”“Deathvariations”, kể về một cặp vợ chồng xa cách đối mặt với việc con gái họ tự sát.

Milo Rau, một trong những đạo diễn sân khấu nổi tiếng nhất Châu Âu, cho biết vào đầu những năm 2000, thế giới sân khấu ở một số vùng ở Châu Âu đã bị cuốn hút bởi “sự cường điệu của Fosse”. Rau nói: “Cả nhà hát bị choáng ngợp bởi tâm hồn, sự tối giản, sự nghiêm túc và u sầu của anh ấy. Ông nói thêm rằng các vở kịch của Fosse “có cảm giác vừa mới vừa lỗi thời.”

Fosse cho biết ông uống rượu để có cảm hứng cho những vở kịch vòng quanh thế giới. Ông cho biết có thời điểm vào năm 2012, ông uống một chai vodka mỗi ngày và hầu như không ăn gì. Cuối cùng, ông kiệt sức vì ngộ độc rượu và phải nằm viện vài tuần.

Khi được cậu con trai chở về nhà sau thời gian dưỡng bệnh bắt buộc, Fosse tự nhỉ: “Đủ rồi đấy Jon!” và không bao giờ uống rượu nữa. Ngay sau đó, ông cũng chuyển sang đạo Công giáo. Fosse nói, việc tham dự thánh lễ “có thể đưa bạn ra khỏi chính mình đến một nơi nào đó, đến một nơi khác”. Ông nói thêm, cảm giác đó tương tự như cảm giác mà ông có được khi viết - hoặc uống rượu. 

Một năm sau lần nằm viện ấy, Fosse bắt đầu được nhắc đến như một ứng cử viên đoạt giải Nobel, mặc dù ông đã không trở thành người đoạt giải trong một thập kỷ sau đó. Vào thời điểm được thông báo, ông đã viết xong “Septology”, cuốn tiểu thuyết gồm nhiều cảm xúc, lúc lãng mạn, lúc khác hiện sinh, trong đó nhân vật chính, Asle, một họa sĩ, nhìn lại những trải nghiệm đặc biệt giống với một số trải nghiệm trong cuộc đời của Fosse.

- Theo The New York Times



Tags: