Ít người sáng tạo thực sự nào lại không phải là người mê đọc sách
Ít người sáng tạo thực sự nào lại không phải là người mê đọc sách
Chúng ta ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, nhưng sách lại cho chúng ta những cánh cửa thần kỳ để ghé thăm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cuộc đời khác. Mọi thứ mà loài người đã nhìn/nghe/sờ/nếm/nghiên cứu/trải nghiệm/tưởng tượng trên trái đất, từ cổ chí kim, đều được ghi chép/chắt lọc vào các cuốn sách.

Trạm Đọc trân trọng  giới thiệu đến các bạn đọc một chuyên mục mới đầy hấp dẫn và thú vị: “Café Sách”.

Trong những bài phỏng vấn ngắn, chúng tôi sẽ mang đến cho các bạn những chia sẻ về thói quen đọc cũng như những cuốn sách được lựa chọn bởi các nhân vật đã đạt được thành tựu nhất định trong nhiều lĩnh vực khác nhau và cũng là một người có đam mê với sách.  Hy vọng chuyên mục này sẽ giúp truyền cảm hứng và xây dựng thói quen đọc sách cho bạn đọc của Trạm.

Mời các bạn độc giả cùng đến với  “Café Sách” số đầu tiên với những chia sẻ từ anh Đỗ Hữu Chí - Họa sĩ Bút Chì, người được công chúng biết đến như một họa sĩ vẽ truyện tranh, vẽ minh họa bìa sách rất nổi tiếng ở Việt Nam. Sau khi hoàn thành khóa học Thạc sĩ chuyên ngành vẽ truyện tranh theo chương trình học bổng Fulbright tại Mỹ, anh quay về Việt Nam và sáng lập Tổ hợp Học tập Sáng tạo được rất nhiều người yêu thích hiện nay - Toa Tàu.

 

 

 

Anh Đỗ Hữu Chí - Họa sĩ Bút Chì  

 

Trong cuộc sống, sách có vai trò quan trọng như thế nào đối với bản thân anh? Anh có thể chia sẻ về một cuốn sách đã có ảnh hưởng lớn đến anh?

Sách là người bạn và người thầy của mình từ nhỏ. Mình không tưởng tượng được mình sẽ trưởng thành thế nào nếu không có sách.

 

 

Góc làm việc của anh Bút Chì cạnh giá sách được thiết kế độc đáo 

 

Hầu như mọi thứ mình làm đều liên quan đến sách: từ ước mơ trở thành hoạ sĩ truyện tranh do đọc Đô-rê-mon hồi học lớp 2, đến việc trở thành hoạ sĩ minh hoạ và thiết kế bìa sách lúc 20 tuổi và sau này là việc tạo ra một môi trường học tập lấy cảm hứng từ trường học Tô-mô-e làm bởi các toa tàu cũ trong cuốn “Tốt-tô-chan bên cửa sổ.”

Cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất đối với mình là cuốn “Alexis Zorba – con người hoan lạc” của Nikos Kazantzakis. Để kể hết về cuốn này có khi mình phải viết một cuốn sách khác… Nhưng tóm gọn lại thì từ cuốn sách này mình đã tìm thấy cách sống mà mình muốn sống: vừa như thể mình không bao giờ chết, vừa như thể mình có thể chết ngay ngày mai.

Tất nhiên là để thực hành cách sống ấy không dễ, nhưng thời điểm bạn chứng kiến một người sống như thế, cho dù người đó chỉ là nhân vật hư cấu (hư cấu là cách người sáng tạo dùng lời nói dối để nói lên sự thật), cũng đủ để khiến bạn hoàn toàn rúng động. Cho đến tận bây giờ, bất cứ lúc nào thấy buồn chán hoặc nản lòng, mình đều lấy cuốn Zorba ra, mở một đoạn bất kỳ và đọc. Lão già kỳ khôi đó chưa bao giờ làm mình thất vọng – lão luôn mới mẻ, sống động, luôn biết cách khiến người ta khao khát cuộc đời.

 

 

 

Là một người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, anh đánh giá như thế nào về vai trò của việc đọc đối với người sáng tạo?

Việc đọc, theo mình, trước tiên giúp người sáng tạo trau dồi chất liệu ngôn ngữ. Chúng ta giao tiếp và sáng tạo bằng ngôn ngữ, và ngôn ngữ viết là một trong các ngôn ngữ nền tảng nhất. Các khái niệm, thông tin, câu chuyện, cảm xúc... được diễn tả bằng chữ viết và được thu nhận thông qua việc đọc sẽ được tích luỹ và sử dụng làm chất liệu sáng tạo cho các ngôn ngữ khác (hội hoạ, âm nhạc, điện ảnh...) Dần dần, khi ngôn ngữ giàu có và nhạy cảm hơn, thì sáng tạo cũng tinh tế và đa dạng hơn. Việc đọc, vì thế, giống như việc tạo dựng một kho chất liệu nền tảng phục vụ cho sáng tạo.

Điều thứ hai mà việc đọc giúp cho người sáng tạo, đó là cung cấp thêm dữ liệu về đời sống. Chúng ta ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, nhưng sách lại cho chúng ta những cánh cửa thần kỳ để ghé thăm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cuộc đời khác. Mọi thứ mà loài người đã nhìn/nghe/sờ/nếm/nghiên cứu/trải nghiệm/tưởng tượng trên trái đất, từ cổ chí kim, đều được ghi chép/chắt lọc vào các cuốn sách. Các dữ liệu này là nền tảng của sự hiểu biết, của trí tưởng tượng, của sự đồng cảm. Không có các yếu tố này thì sự sáng tạo trở nên hẹp hòi, nông cạn, vô hồn. Có chúng thì sự sáng tạo mở ra sống động và dường như bất tận.

Điều thứ ba mà sách mang đến cho người sáng tạo, đó là sự tĩnh lặng. Để sáng tạo, chúng ta cần một khoảng không-thời gian yên tĩnh nhằm tập trung năng lượng, quan sát cảm xúc/ý tưởng và hình thành/thể hiện tác phẩm. Việc dọn cho mình một chỗ yên lặng và một khoảng thời gian trống để đọc sách, vì thế là hết sức quan trọng, nhất là trong một thế giới ngày càng huyên náo hơn, và luôn có một tỉ thứ rình rập để giành lấy sự chú ý của chúng ta.

Nói bao nhiêu nữa về lợi ích của việc đọc cũng đều được, vì nó nhiều lắm. Để cho gọn, mình nghĩ là ít người sáng tạo thực sự nào lại không phải là người mê đọc sách – hai việc này nhất định có một mối liên hệ tất yếu và mật thiết.

 

 

Anh Bút Chì coi sách là một người bạn, người thầy từ nhỏ

  

Sau khi đi du học về, anh bước chân vào lĩnh vực giáo dục với khởi đầu là lớp học "Vẽ kể chuyện", anh có thể chia sẻ một chút về quá trình hình thành ý tưởng và quan điểm từ góc nhìn của một nhà giáo dục về vai trò của việc đọc trong sự phát triển của mỗi cá nhân?

Có thể nói mình tạo ra “Vẽ Kể Chuyện” cũng là từ việc đọc. Chuyện hơi dài, cho phép mình kể đầu đuôi một chút.

Hồi nhỏ mình đọc truyện tranh là chủ yếu, mình đọc nhiều đến mức đọc được lưu loát tiếng Anh chỉ bằng cách đọc manga. Rồi từ những năm đầu đại học, mình bắt đầu chuyển sang đọc sách khoa học, và mở rộng sang nhóm sách triết học, chính trị, tôn giáo. Cả sách Việt Nam và sách nước ngoài. Mình có khoảng 10 năm đọc liên tục.

Việc tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng và kiến thức khiến mình nhận ra nhiều chỗ không ổn trong cách mà xã hội Việt Nam đang định nghĩa và vận hành “giáo dục”. Nó không ổn từ cách đặt mục tiêu, đề ra phương pháp và cách mà các giảng viên truyền đạt kiến thức. Nó không những không giúp kiến tạo những con người độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng, liên tục mài sắc và mở rộng nhận thức, mà còn tạo ra lực cản khiến cho các yếu tố đó bị cùn mòn đi.

Nói riêng trong lĩnh vực giáo dục sáng tạo và nghệ thuật, mình không tìm được một khoá học nào đi nắm bắt và truyền tải được yếu tính của sáng tạo, đánh thức được niềm vui, nguồn cảm hứng, sự nhạy cảm đối với cái đẹp của người học. Hầu hết các khóa học thường chỉ tập trung vào kỹ thuật (vẽ cái gì, vẽ như thế nào) – những thứ sau cùng thường dễ bị lãng quên và thay thế. Họ bỏ qua việc giúp người học sáng tạo vượt ra khỏi nỗi sợ hãi – áp lực lớn của việc tạo ra một kết quả “tốt” -  thứ thường khiến cho người ta hoàn toàn tê liệt trước khi có thể thực sự sáng tạo ra bất cứ gì. Đó là cách triệt tiêu niềm yêu thích sáng tạo, hay niềm vui học tập nói chung.

 

 

Một workshop thường ngày tại Toa Tàu 

 

Mình tạo ra khoá học “Vẽ Kể Chuyện” như một trải nghiệm thay thế cho phương pháp giáo dục sai lầm và cũ kỹ đó. Mình sử dụng tất cả những gì thu nhận được trong quá trình đọc/nghe/quan sát của mình để tạo ra một nền tảng sáng tạo thực sự. Ở đó người học sẽ nhờ niềm vui mà vượt qua nỗi sợ, đủ sự hào hứng để khám phá những tiềm năng còn đang ngủ yên bên trong và những điều xinh đẹp còn đang đợi được quan sát bên ngoài. Cuối cùng, vẽ hay kể chuyện rốt cuộc cũng chỉ là phương tiện ngôn ngữ để thực hiện điều quan trọng nhất là khai mở và chuyển hoá bên trong nhận thức của mỗi người. Qua quá trình sáng tạo, người học xây dựng được lòng tự tin và tìm được niềm vui thể nghiệm, gỡ bỏ được cảm giác mình bị tách rời với “sáng tạo” và “nghệ thuật” – đó là mục đích tối hậu của “Vẽ Kể Chuyện”.

Sau này, bọn mình xây dựng các khoá học khác của Toa Tàu cũng với triết lý và phương pháp tương tự: dù bạn viết, nhảy múa, chơi đàn, chụp ảnh hay làm phim, bạn sử dụng ngôn ngữ nào để truyền đạt và thể hiện ý tưởng/cảm xúc đều không quan trọng. Quan trọng là bạn kể ra câu chuyện của chính mình, bạn kết nối được với bản thân và kết nối được với thế giới thông qua việc kể chuyện.

Đã từng là một du học sinh theo học tại Mỹ, theo anh văn hóa đọc của nước bạn phát triển như thế nào? Chúng ta có thể học hỏi được gì để áp dụng cho Việt Nam?

Theo quan sát của mình thì người Mỹ, nhìn chung, cũng không ham đọc sách gì cho lắm. Ở trên tàu điện ngầm, hay quán cà phê, các nơi công cộng ít thấy ai ngồi đọc sách – họ cũng thích tán gẫu hay cắm đầu vào smartphone như ở Việt Nam. Nhưng họ có các thư viện công cộng ở khắp nơi, mở cửa cho tất cả mọi người, được thiết kế hiệu quả và phục vụ thân thiện. Họ bán sách qua Amazon rất nhiều, dễ tìm và dễ mua. Họ hầu như không kiểm duyệt sách, ai muốn xuất bản cũng được, ai muốn mua bán loại sách gì cũng được. Nếu Việt Nam cũng làm được những thứ như thế thì hay.

 

 

 

Anh Bút Chì trong một hoạt động về sách tại Mỹ 

 

Cuốn sách "Ra vườn Nhặt nắng" của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh do Toa tàu phối hợp cùng Lá Studio thiết kế và xuất bản đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng. Anh có thể chia sẻ câu chuyện làm nên ý tưởng thực hiện cuốn sách này?

Mình nghĩ Linh là một trong những nhà thơ đậm “chất thơ” nhất mà mình từng biết: trong trẻo, thông minh, sáng tạo, tinh tế, cực đoan, nhiều năng lượng, luôn “bay” phía trên đời sống một tầng và luôn tìm kiếm các thể nghiệm mới. Ra Vườn Nhặt Nắng (RVNN) là tập thơ dành riêng cho thiếu nhi đầu tiên của anh.

Tháng 6/2015, RVNN phiên bản 1.0 - khổ vuông 15x15cm (do anh Linh và một số bạn bè thực hiện) ra đời, được mọi người đón nhận khá hào hứng. Tuy nhiên, do hạn chế của hệ thống quảng bá và bán hàng đã khiến cho  doanh số sau 9 tháng ra mắt của phiên bản này là chưa đến 2000. 

“Xót ruột” vì một tập thơ hay đến thế lại ít người đọc, đầu năm 2016, mình đề xuất với anh Linh để Toa Tàu bắt tay vào dự án này. Bọn mình làm việc với Lá Studio để cho ra bộ tranh minh hoạ với cách thiết kế/trình bày hấp dẫn nhất, ra mắt website đặt sách trước ở ravuonnhatnang.toatau.com. Kết quả là tập thơ RVNN 2.0 do chúng mình thực hiện đã bán được hơn 2000 cuốn từ khi sách chưa in xong và trong vòng ba tháng đầu đã bán được gần 4000 cuốn.

Từ thành công bước đầu của tập thơ này, mình tin rằng người đọc ở Việt Nam có nhu cầu rất cao dành cho các tác phẩm chất lượng cao được sáng tạo bởi người Việt. Họ sẵn sàng trả một giá xứng đáng thậm chí chờ đợi 1-2 tháng để được sở hữu sách. Chia sẻ bọn mình nhận được nhiều nhất từ các đơn đặt sách là “mong Toa Tàu có thêm nhiều dự án hay/đẹp như thế này nữa”. Tất nhiên, sáng tạo thực sự cần sự dụng công tìm kiếm, chăm sóc, không thể là sản phẩm công nghiệp. Bọn mình ở Toa Tàu luôn cố gắng để hoàn thiện mình hơn như một nền tảng sáng tạo (creative platform) giúp cho những tác phẩm như RVNN được lan toả nhiều hơn.

 

 

Cuốn sách Ra vườn nhặt nắng nhận được sự yêu mến từ rất nhiều độc giả

 

Trạm Đọc xin chân thành cám ơn sự chia sẻ cởi mở của anh!

Một số tác giả và cuốn sách yêu thích của họa sĩ Bút Chì

Văn học: Atoine de Saint Éxupery, Nikos Kazantzakis, Henry Miller, Haruki Murakami

Giáo dục: J. J. Rousseau; John Dewey; Joseph Chilton Pearce; Rudolf Steiner.

Sáng tạo: “Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi” của Rainer Maria Rilke; “Con đường sáng tạo” do Nguyễn Hữu Hiệu tổng hợp và dịch.

Triết học/tâm linh: Osho; Hamvas Bela; Phạm Công Thiện

Websites: brainpickings.org

 

Thực hiện: Hải Quỳnh/Trạm Đọc 

(Ảnh do nhân vật trong bài cung cấp)

Tags: