Thế nhưng Lư Tô Vỹ, vốn có chỉ số IQ chỉ có 70, đã chứng minh là điều đó không đúng.
Người đàn ông Đài Loan này sinh ra và lớn lên ở một khu khai thác mỏ nghèo, heo hút. Kể từ khi còn trong bụng mẹ cho tới lúc sinh ra và suốt tuổi thơ, anh đã phải trải qua điều kiện sống khắc nghiệt, do mẹ quá nghèo, bố bị án tù oan. Chưa đầy 10 tuổi anh mắc bệnh viêm não Nhật bản nặng, rất may mắn được cứu sống nhưng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng và mất khả năng ghi nhớ. Sau khi thoát cửa tử, bác sĩ bảo với bố Vỹ: “Thằng bé này sống được là tốt rồi, đừng kỳ vọng rằng nó có thể học được cái gì, cùng lắm có thể sống được thêm ba năm mà thôi”.
Và Lư Tô Vỹ không chỉ sống hơn nhiều lần 3 năm ấy, cho tới tận bây giờ, mà anh còn là giảng viên đại học, là tác giả cuốn sách bán chạy hàng đầu ở Đài Loan: “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác”. Toàn bộ cuốn sách kể lại hành trình nỗ lực học tập tới mức tưởng chừng như vô vọng của anh – để đạt tới thành công như ngày hôm nay.
Mẹ của Vỹ, vốn không biết chữ, đã theo anh tới trường, cùng học để về dạy con mỗi tối. Chị Vỹ, từ bỏ trường đại học danh giá để theo học ngành sư phạm nhằm giúp dạy dỗ em trai. Bố Vỹ, luôn mỉm cười, luôn thương yêu và động viên con mình, dẫu mỗi ngày con chỉ đem về một điểm 0 tròn trĩnh, vẫn nói: “Ồ Vỹ giỏi quá, con cũng có điểm rồi”. Gia đình, với tình yêu vô bờ bến, đã giúp Vỹ bình tâm từng bước nhỏ xíu, nhỏ xíu, tưởng chừng dài vô tận – để đến với thành công.
Anh viết:
Tình yêu là gì?
Trên chặng đường trưởng thành, tình yêu luôn hiện diện bên trong chúng ta, nhưng chúng ta thường không nhận thấy sự hiến dâng và dụng tâm của thầy cô, cha mẹ cũng như người thân. Nhưng tình yêu mà chúng ta được trải nghiệm sẽ luôn chảy trong thẳm sâu cuộc đời ta vào một thời gian và không gian khác...
Cuộc sống khó khăn, hoàn cảnh gia đình vất vả, cộng với bệnh tật cá nhân, tất cả có thể là nản lòng người khác nhưng lại giúp Vỹ cố gắng hơn nữa. Cuốn sách có nhiều đoạn rất xúc động mà cũng rất hài hước khi kể lại nỗ lực của anh để hiểu biết, học tập, kết bạn. Không biết là may hay không may khi anh không hề có ý thức tự ti về sự kém cỏi của mình, không cảm thấy mình bị chê cười hay khinh miệt – dù chuyện đó rất thường xảy ra xung quanh anh.
Lư Tô Vỹ luôn hồn nhiên đón nhận mọi sự tấn công với một thái độ vui vẻ, không hề tức giận, và chính vì thế mà anh đi qua tất cả khó khăn một cách bình thường.
Anh viết:
“Tôi quả thật may mắn…
Sự may mắn đến từ việc chúng ta suy nghĩ một cách tích cực, nuôi dưỡng thói quen luôn hướng về phía mặt trời. Khi hướng về mặt trời, bóng tối tự khắc sẽ ở sau lưng. Sự việc không có tốt xấu, chỉ có những cách nghĩ khác nhau mà thôi, tại sao phải nguyền rủa chính bản thân mình? Sự thất bại tới từ việc ta tập trung chú ý vào những gì ta không cần và những gì đã mất đi, còn thành tựu là khi nhìn thấy sự nỗ lực và những gì chính mình đã đạt được. Tại sao không bắt đầu mọi việc từ số 0 và cảm nhận niềm vụ và hạnh phúc khi đạt được từng điểm số một?”
Nếu như cuộc đời có thể quay lại từ đầu, bạn có lựa chọn khác đi không? Và với lựa chọn đó, cuộc đời bạn có chắc sẽ không phải hối tiếc hay không?
Tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta muốn “làm lại”. Thế nhưng, với một người như Lư Tô Vỹ, có xuất phát điểm và quá khứ gần như zero, thì việc trở lại của anh không có ý nghĩa gì nhiều, vì với anh, sống nhiều hơn ba năm ở cái độ tuổi còn bé xíu ấy – đã là một sự may mắn tột cùng.
Tôi tin rằng cuộc đời là món quà quý giá. Quá khứ không thể thay đổi, tương lai cũng không thể xác định, vậy tại sao không tận hưởng hết những gì thuộc về hiện tại?
Cuộc đời là những món quà liên tục được mở ra, hãy chúc mừng cho mỗi kết quả mà chúng ta nhận được. Vẻ đẹp cuộc sống không ở việc nhận thức được nhiều hay chiếm hữu được gì, mà ở việc ta biết trân trọng những gì mình từng có.
Lư Tô Vỹ đã học hành chật vật, vất vả suốt nhiều năm ròng, chiến đấu mỗi ngày để có thể vào đại học. Thế nhưng, ngay trong năm đầu đại học, một thầy giáo có con mắt xanh đã nhận ra khả năng nhận thức khác biệt của anh và hướng dẫn anh một phương pháp học thích hợp – từ đó, anh trở thành học sinh dẫn đầu trong lớp.
Đó là lúc Vỹ nhận ra rằng: “Mình không ngốc, mình chỉ thông minh theo một cách khác so với mọi người”.
Cuốn sách này là lời tri ân của Vỹ với những người đã dìu dắt dạy dỗ, yêu thương động viên anh. Cuốn sách cũng là câu chuyện của anh về hành trình trưởng thành của chính mình, nhằm khích lệ mỗi cá nhân hãy coi trọng chính mình, để có thể phát hiện ra thiên tài trong chính mình.
Với tôi, đây là cuốn sách cực kỳ đáng đọc.