9 thói quen để làm chủ cuộc sống: Bí mật hạnh phúc giản đơn
9 thói quen để làm chủ cuộc sống: Bí mật hạnh phúc giản đơn
Tại sao chúng ta chứng kiến rất nhiều người luôn sống vui vẻ lạc quan và dường như may mắn lúc nào cũng mỉm cười với họ? Tuy vậy, không ít người lại luôn chịu sự đeo bám của những rủi ro, sầu muộn? Bạn sẽ có được câu trả lời tường tận khi dành thời gian đọc cuốn sách “Tôi trồng cỏ bốn lá – 9 thói quen kiến tạo vận may” của Akira Uenishi.


9 thói quen tạo ra vận may bất ngờ

Qua nhiều năm dày công nghiên cứu, Tiến sĩ tâm lý học người Nhật, Akira Uenishi đã đi đến kết luận rằng:

 

“Những điều tốt hay xấu xảy ra xung quanh chúng ta có mối liên hệ chặt chẽ với thứ gọi là “vận khí”.

 

Bạn càng tích trữ được nhiều “vận khí”, cuộc sống của bạn càng có chiều hướng đi lên. Vậy làm thế nào để thu nhận được nhiều “vận khí”.

Theo tác giả Akira Uenishi, những người có vận mệnh tốt và thành đạt thường có 9 thói quen sau và nếu bạn áp dụng các bí quyết này vào cuộc sống hàng ngày thì sớm muộn gì bạn cũng đạt được điều bạn mong muốn.

Thói quen 1: Sống có khát vọng

Thói quen 2: Giữ niềm tin “mình có thể làm được”

Thói quen 3: Luôn hành động tích cực

Thói quen 4: Suy nghĩ lạc quan trong mọi vấn đề, trước mọi hoàn cảnh

Thói quen 5: Tôn trọng bản thân

Thói quen 6: Luôn thể hiện vẻ thư thái, tinh thần vui vẻ

Thói quen 7: Tôn trọng mọi người

Thói quen 8: Mang niềm vui đến mọi người

Thói quen 9: Đối đãi tận tình với mọi người


Hành thiện tích đức: Con đường ngắn nhất để tích trữ “vận khí”

Khi cầm trên tay cuốn sách này, bạn không phải đọc theo thứ tự mà có thể xem bất cứ chương nào bạn thích. Và một trong những phần đáng đọc nhất của sách “Tôi trồng cỏ bốn lá – 9 thói quen kiến tạo vận may” là chương sách cuối cùng, mang nhan đề “Tận tâm với người khác”.

Theo lý giải của tác giả, nếu bạn luôn ở tâm thế sẵn sàng cống hiến cho xã hội thì những điều bạn làm sẽ trở thành tài sản tích luỹ, gửi thẳng vào “ngân hàng vũ trụ” (một loại ngân hàng khác với ngân hàng chúng ta thường thấy) rồi chuyển thành “vận khí” trong bạn. Và do vậy, bạn càng chân thành, tận tuỵ vì người khác bao nhiêu, “vận khí” của bạn sẽ càng tăng lên bấy nhiêu. Đến một lúc nào đó, thời cơ, may mắn sẽ giúp bạn đạt được thành công.

Vì thế, điều đầu tiên bạn có thể thử sức mình là cố gắng làm được một việc tốt nào đó. Có thể nói, đây chính là biểu tượng của tình cảm và lòng nhân hậu. Nếu hàng ngày bạn có thể duy trì được thói quen này thì sau khi đạt được 1.000 việc tốt, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn rất nhiều.

Nếu bạn vẫn còn mông lung khi không biết phải đối xử tốt với mọi người ra sao thì bạn có thể làm theo những gợi ý mà tác giả đưa ra như sau:

Thứ nhất, sẵn lòng giúp đỡ ai đó khi họ cần là việc dễ thấy nhất. Chẳng hạn như, nếu ai đó yêu cầu bạn giúp họ chuyển nhà, bạn hãy tới và sắp xếp đồ cùng họ. Bạn chỉ cần dành chút thời gian cho ai đó cần đến bạn, như vậy, bạn đã có một lượng tài sản phúc đức gửi vào “ngân hàng vũ trụ” của mình rồi đó.

Thứ hai, bạn hãy làm nhiều hơn mọi người một chút. Tác giả lấy ví dụ về một trường luyện thi. Ngoài việc giảng dạy, các giáo viên ở đây còn là những chuyên gia tâm lý và sẵn sàng đưa học sinh về nhà nếu các em sợ trời tối. Nhờ những việc làm tưởng chừng như “thừa thãi” đó, nhà trường đã thu hút ngày càng nhiều học sinh và kết quả kinh doanh của họ tăng lên đáng kể chỉ sau một năm hoạt động.

Điều quan trọng có thể rút ra ở đây là: “Khi bạn làm một việc, thực chất bạn có thể làm thêm hai, ba việc khác nữa”.

Thứ ba, đó là việc mang thông tin, tri thức đến với người khác. Chẳng hạn như, người nông dân nắm được cách trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao thì anh ta có thể truyền kinh nghiệm cho những người khác cùng biết. Hoặc bạn là một đầu bếp giỏi làm bánh, bạn có thể chỉ cách tạo ra những chiếc bánh thơm ngon, hảo hạng cho bất cứ bà nội trợ nào…

Giống như lời dạy của Đức Phật, “An ủi lớn nhất của đời người là bố thí”. Hạnh bố thí không chỉ là hành động hiến tặng vật chất, tiền tài mà còn là việc bạn chia sẻ hiểu biết, thông tin với người khác. Nếu bạn làm công việc này như một thói quen, bạn không chỉ nhận được lời cảm ơn chân thành từ người bạn hướng dẫn mà biết đâu, bạn lại gặp được quý nhân giúp đỡ khi bạn lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Không những vậy, tích cực chia sẻ kiến thức với mọi người còn là cách giúp “vận khí” của bạn dần tăng lên.

Đôi khi, việc giúp đỡ người khác cũng không nhất thiết phải là hành động cụ thể. Dù bạn không làm gì đặc biệt, chỉ ngồi bên những người đang trải qua cảm giác cô đơn, chán nản cũng đủ khiến tâm hồn đang đắm chìm trong khổ đau của họ được xoa dịu. Và cũng chỉ bằng việc làm tưởng chừng như “không có gì” đó đã đem lại cho bạn một lượng “vận khí” đáng kể.

Để minh hoạ cho nhận định trên, tác giả đưa ra câu chuyện về một cụ già bị mất nhà cửa sau trận động đất lớn ở phía Đông Nhật Bản. Mang tâm trạng chán nản, âu sầu, bà đến sống cùng vợ chồng người con trai. Nhưng hầu hết thời gian, bà lại ở nhà một mình vì các con của bà phải đi làm cả ngày. Biết được câu chuyện này, cậu học sinh trung học ở gần nhà thường đến thăm và trò chuyện với bà. Kể từ đó, bà đã lấy lại được tinh thần và không còn buồn rầu như trước. May mắn cậu học sinh đó nhận được sau thời gian thường xuyên ghé thăm cụ già là cậu đã đỗ đại học ngay khi vẫn còn là học sinh cấp 3.

Cố gắng thực hiện những thói quen được trình bày trong cuốn sách này sẽ giúp độc giả vượt qua khó khăn, có thêm niềm tin vào cuộc sống và tự dẫn dắt vận mệnh của bản thân theo hướng mình mong muốn. Đó cũng là động lực thúc đẩy tác giả hoàn thành cuốn sách này. Có thể trước mắt, bạn chưa nhận được sự đền đáp cho những gì bạn bỏ ra nhưng chắc chắn sẽ đến một ngày nào đó, bạn nhận lại những gì xứng đáng với nỗ lực của bạn.

Minh Phương

Tags: