Chủ trì hội nghị, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nói Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động phải đổi lịch. Dự kiến lễ trao giải diễn ra vào trung tuần tháng 11, nếu dịch bệnh không có diễn biến phức tạp hơn.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo đề nghị các thành viên Hội đồng Chung khảo chấm giải phải dựa trên kết quả của Hội đồng Sơ khảo, đánh giá của các thành viên ở Hội đồng Chung khảo. Các lựa chọn “chính xác, tìm ra sách giá trị để tôn vinh”.
Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nói trong cơ cấu giải thưởng có giải đặc biệt, nhưng vài năm nay chưa tìm ra sách xứng tầm để trao, hy vọng năm nay có giải này.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo cũng lưu ý các thành viên về tiêu chí chấm giải. Sách đi vào vòng sau đều là những cuốn giá trị, nhất là sách khoa học mang giá trị chuyên sâu. Bên cạnh việc tìm ra sách hay cũng cần tôn vinh những cuốn có chất lượng cao và mang tính phổ quát, đại chúng.
Các thành viên Hội đồng Chung khảo đã thảo luận, làm việc nghiêm túc, tìm ra những cuốn sách giá trị để gửi lên Hội đồng Sách quốc gia.
Tại hội nghị, ông Hoàng Phong Hà - Phó chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam - báo cáo kết quả chấm vòng sơ khảo. Có 284 tên sách và bộ sách (bao gồm 365 cuốn) của 47 nhà xuất bản gửi chấm giải.
Hội đồng Sơ khảo chia ra 5 tiểu ban gồm: Sách chính trị, kinh tế; Khoa học xã hội và Nhân văn; Khoa học tự nhiên và Công nghệ; Văn hóa, văn học và nghệ thuật, Thiếu nhi.
“Kết quả chấm của các tiểu ban chuyên ngành Hội đồng Sơ khảo và các thành viên Hội đồng Chung khảo cho thấy những cuốn sách được đề xuất xét trao giải đều bảo đảm chất lượng nội dung và hình thức”, ông Hoàng Phong Hà nhận xét.
Để tìm ra những cuốn sách chất lượng, mang giá trị thực tiễn, các nhà khoa học, chuyên gia thuộc hội đồng xét giải đã làm việc nghiêm túc.
GS Nguyễn Khoa Sơn - Phó chủ tịch Hội Hàng không Vũ trụ, Trưởng tiểu ban sách Khoa học tự nhiên và công nghệ, Giải thưởng Sách quốc gia - cho biết các thành viên chấm giải theo đúng quy trình.
“Qua nhiều năm thực hiện, hội đồng giải thưởng đã đưa ra những tiêu chí, quy trình chấm phù hợp, chặt chẽ”, GS Nguyễn Khoa Sơn nói.
Qua nhiều năm thực hiện, Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia đã đưa ra những tiêu chí, quy trình chấm giải phù hợp, chặt chẽ.
GS Nguyễn Khoa Sơn
PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - Ủy viên Hội đồng Chung khảo, Trưởng Tiểu ban sách Khoa học xã hội và Nhân văn - nhận xét năm qua, mặc dù dịch bệnh làm cho nhiều hoạt động hạn chế, công tác xuất bản vẫn được duy trì, đẩy mạnh. Bởi vậy, số sách gửi về dự giải nhiều, gần 300 đầu sách, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Về hội đồng và quá trình xét giải, PGS.TS Trần Đức Cường cho hay vài năm gần đây, Hội Xuất bản Việt Nam mời được nhiều nhà chuyên môn đúng theo lĩnh vực, nội dung, chia ra các tiểu ban, chọn đúng người đúng việc.
“Các thành viên hội đồng đều nhiệt tình, tận tâm, thận trọng. Mỗi tiểu ban như vậy phân công người đọc theo đúng lĩnh vực chuyên môn mà họ nắm chắc”, PGS Cường nói.
Quá trình đọc xét giải, có những cuốn sách phải đọc đi đọc lại, hai người đọc chéo, sau đó đi đến thảo luận, chấm điểm, nhận xét.
“Tôi nghĩ sách mà các tiểu ban chọn ra đều giá trị. Có những cuốn thiên về lý luận, có những sách đi vào vấn đề cụ thể của thế giới, Việt Nam. Nhìn vào sách đang được chấm ở mùa giải năm nay, tôi rất mừng vì có sự kết hợp giữa lý luận và giá trị thực tiễn này”, PGS Cường đánh giá.
Theo Zing News