Hai trong một - Bước chậm lại giữa dòng đời vội vã
Hai trong một - Bước chậm lại giữa dòng đời vội vã
Chúng ta có thể tiếp cận một lượng thông tin khổng lồ chỉ trong đơn vị thời gian tính bằng giây và không ít chúng ta đã có những kết luận và hành động mà thế giới mạng gọi là ‘tay nhanh hơn não’.

‘Ta nhìn sự vật không phải theo cách chúng vốn có mà theo cách của chính bản thân mình.’
Eric Butterworth

Cổ học tinh hoa có tích về Nhan Hồi, học trò của Khổng Tử, được giao việc nấu cơm. Một hôm, Khổng Tử nhìn xuống bếp và thấy Nhan Hồi cúi trên nồi cơm đang mở vung, lấy đũa xới một nắm, lén lút nhìn quanh rồi cho vào mồm. Khổng Tử rất giận và quyết định sẽ răn dạy Nhan Hồi trước tất cả học trò. Lúc mọi người tề tựu đông đủ trước giờ ăn, Khổng Tử hỏi liệu ông có nên xới cơm mang cúng không. Tất cả đều đồng thanh bảo có, riêng Nhan Hồi bảo không, rồi cúi đầu lí nhí xin lỗi Thầy, giải thích rằng trong lúc nấu cơm, một cơn gió thổi bồ hóng rớt vào nồi cơm đúng lúc Nhan Hồi mở nắp. Sợ Thầy và các bạn thiếu phần, Nhan Hồi không dám bỏ đi mà đã ăn trước phần cơm bẩn, vậy nên xin Thầy không xới cơm để cúng và cũng xin không ăn thêm nữa.

Nghe chuyện, Khổng Tử đã ngước mặt lên trời mà than rằng: “Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”

Một bậc đại trí như Khổng Tử mà cũng có lúc suýt phạm sai lầm vì những điều mắt thấy tai nghe nhưng trí chưa thấu đáo, vậy những người căn cơ còn thấp như chúng ta thì đã có bao lần ngẩng mặt lên than thở với trời và cúi xuống hổ thẹn với người?

Đa số chúng ta đã và đang ngất ngây trong cơn say bóng đá vì những thành quả vàng mà đội tuyển Việt Nam mang lại trong thời gian qua. Trong một lần vì công chuyện quan trọng mà bạn phải bỏ lỡ một trận đấu có đội tuyển Việt Nam, bạn đang lướt trên đường thì nghe tiếng la ‘Vào!!!!!!’ từ một quán ăn ven đường và đạp vào mắt bạn là những vũ điệu cuồng nhiệt của đồng bào trước màn ảnh truyền hình cỡ lớn. Thế là bạn cũng gào lên ‘Việt Nam vô địch! Việt Nam vô địch’ giữa đường phố đông người. Về nhà xem lại trận đấu, bạn nhận thấy bàn thắng mà bạn đã tung hô đến vỡ lồng ngực ấy thực ra đã được ghi sau khi trọng tài biên căng cờ việt vị. Bạn thở dài nuối tiếc, và tự hỏi không biết có người quen nào nhìn thấy bạn ở khoảnh khắc cuồng nhiệt lúc ấy không.

Có một lần tôi nhìn thấy chồng của người chị họ chở một cô gái thật xinh đi trên đường phố. Cô gái ngồi sau yên xe trông thật trẻ trung, dễ thương và rất thân mật với người đàn ông ấy. Hình ảnh tất bật, khổ sở của người chị họ vừa là quần áo cho chồng vừa đẩy vòng nôi ru đứa con út đang ốm sốt chợt hiện lên trong tâm trí của tôi. Tôi buồn và giận, định bụng sẽ tìm cách báo cho chị để ngăn ngừa hậu họa. May thay, tôi chưa có ‘cơ hội’ra tay nghĩa hiệp thì được biết cô gái trẻ ấy là em gái út của anh. Tôi giật mình mà tự nhủ từ nay xin chừa thói ‘mồm nhanh hơn não’.

Khổng Tử, bạn, và tôi trong những tình huống trên đều hành động dưới sự điều khiển của một hệ thống mà Daniel Kahneman (nhà tâm lý học đoạt giải Nobel) gọi là hệ thống tư duy nhanh của trí não.

Trong cuốn sách có nhan đề Tư Duy Nhanh và Chậm, Daniel Kahneman nêu quan điểm rằng bộ não của chúng ta lệ thuộc vào một hệ thống lõi kép để xử lý thông tin và ra quyết định. Ông gọi hệ thống thứ nhất là tự động (cảm xúc) và hệ thống thứ hai là kiểm soát (nhận thức). Hai quy trình này kết hợp với nhau để tạo thành nền tảng cho quá trình ra quyết định. Nếu hiểu cách vận hành của từng hệ thống, chúng ta có thể sử dụng kiến thức này để đưa ra những quyết định đúng đắn hơn và tác động đến những người quanh ta.

 

Tư duy nhanh và chậm

 

Hệ thống 1 (tư duy nhanh) có tính trực giác, tự động, và thường hoạt động dưới tầng ý thức. Đâu đó ẩn sâu trong tiềm thức của chúng ta là một biển cả mênh mông của giả định – những niềm tin của bản thân vốn không có, hoặc không đủ cơ sở xác đáng nhưng lại bám rễ thâm căn cố đế - khiến chúng ta vội vàng ‘nhảy’ ngay đến kết luận khi có một vài manh mối ban đầu. Tuy nhiên, những kết luận của cách tư duy nhanh không phải bao giờ cũng tiềm ẩn rủi ro hay gây xấu hổ như trường hợp mà Khổng Tử, bạn, hay tôi có thể hoặc đã gặp phải. Thực tế cho thấy trực giác đôi khi có sức mạnh đáng kinh ngạc, và khi tư duy của chúng ta được rèn luyện đến một mức độ cao thì hệ thống 1 sẽ được kích hoạt rất nhanh để chúng ta đi đến những kết luận chóng vánh nhưng hiệu quả. Một kỳ thủ cao cơ sau hàng nghìn giờ miệt mài luyện chước chỉ cần liếc qua bàn cờ trong nháy mắt là có thể kết thúc một cuộc đấu trí cam go.

Hệ thống 2 (tư duy chậm) có tính phân tích, cân nhắc và lý trí hơn, đòi hỏi nhiều công sức hơn,là cách thức chúng ta tư duy về thế giới. Chúng ta thường nghĩ rằng Hệ thống 2 đóng vai trò quyết định, nhưng về bản chất nó là một hệ thống ‘lười biếng’, có kiểm soát, thường xuất hiện khi các quy trình tự động của chúng ta bị gián đoạn. Hai hệ thống này liên tục kết nối, hỗ trợ lẫn nhau. Thông thường, hệ thống 1 liên tục tạo ra các cảm xúc, các cảm nhận trực giác và dự định mà nếu được Hệ thống 2 chấp nhận thì chúng sẽ biến thành niềm tin và hành động. Nói khác đi, đây là lúc hệ thống 1 ‘tối đa hóa hành động’ và hệ thống 2 ‘tối thiểu hóa nỗ lực’. Sự tác động qua lại giữa hai hệ thống này diễn ra suôn sẻ cho đến khi chúng ta gặp phải một điều gì đó trái với hiểu biết thông thường của ta về thế giới xung quanh. Khi đó, hệ thống 1 sẽ ‘tối thiếu hóa hành động’ và kêu gọi hệ thống 2 ‘tối đa hóa nỗ lực’ để đưa ra những kết luận có sự tham gia tích cực của ý thức.

Mặc dù chúng ta thường nghĩ mình lý trí, trên thực tế chính hệ thống tư duy nhanh và tự động của chúng ta lại đóng vai trò quyết định. Hệ thống 1 dựa vào nguyên tắc tự giải quyết vấn đề theo kinh nghiệm để giảm bớt độ phức tạp của thông tin thu nhận và tăng tốc độ ra những quyết định mà đa phần là có hiệu quả. Tuy nhiên, thiếu cách tiếp cận lý trí hơn của Hệ thống 2, các quy trình tự động của chúng ta có thể lệch lạc, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghệ số với cả thế giới nằm ở đầu ngón tay. Chúng ta đang sống rất nhanh khi các thiết bị thông minh có thể thay thế cả hai hệ thống trong một bộ não con người. Chúng ta có thể tiếp cận một lượng thông tin khổng lồ chỉ trong đơn vị thời gian tính bằng giây và không ít chúng ta đã có những kết luận và hành động mà thế giới mạng gọi là ‘tay nhanh hơn não’.

Vì lẽ đó, cuốn sách Tư Duy Nhanh và Chậm là một cẩm nang dành cho bạn, cho tôi, cho tất cả chúng ta, những ai đang muốn bước chậm lại giữa thế gian vội vã, để có những suy nghĩ và hành động hiệu quả và hợp lý. Bạn sẽ tìm thấy mình - cái tôi bản năng và cái tôi lý trí – trong rất nhiều ví dụ gần gũi lẫn cao siêu của Daniel Kahneman, thông qua cách dẫn dắt các câu chuyện thật uyển chuyển bằng cách liên tục kết nối hai thế thống tư duy nhanh và chậm.

Chúc bạn có một cuộc hành trình vui vẻ, thảnh thơi.

Tags: