“Dave, dừng lại. Dừng lại, được không? Dừng lại đi Dave. Làm ơn hãy dừng tay, Dave.” Đó là lời van xin thống thiết từ siêu máy tính HAL trước hành động không hề nao núng của phi hành gia Dave Bowman trong một cảnh quay nổi tiếng cuối bộ phim 2001: A Space Odyssey của Stanley Kubrick. Bowman, vừa thoát khỏi cái chết ngoài vũ trụ gây ra do sai lầm của cỗ máy, đang bình tĩnh, lạnh lùng ngắt kết nối mạch điện khỏi bộ não nhân tạo của nó. “Dave, tâm trí tôi đang biến mất,” HAL van xin đầy đau đớn. “Tôi có thể cảm thấy nó! Tôi có thể cảm nhận được
Những năm gần đây tôi cũng thường có cảm giác khó chịu này: thấy như ai hoặc thứ gì đó đang táy máy với não mình, sắp xếp lại mạng lưới neuron, và lập trình lại trí nhớ của tôi. Tâm trí tôi không bị ai cướp mất, nhưng ít nhất tôi biết nó đang thay đổi. Tôi không còn suy nghĩ như cái cách tôi vẫn từng suy nghĩ, đặc biệt là những khi đọc. Đắm chìm bản thân trong một quyển sách hay một bài luận dài với tôi từng là việc đơn giản. Tôi nhập tâm vào từng nhân vật, vào từng lý lẽ lập luận của tác giả, tôi dành hàng giờ trầm ngâm trong những câu văn. Nhưng mọi thứ không còn như trước nữa. Giờ đây tôi bắt đầu mất tập trung chỉ sau hai hay ba trang giấy. Tôi bồn chồn, đứng ngồi không yên, lạc mất mạch tư duy, và ngó ngang tìm việc khác để làm. Lúc nào tôi cũng phải đấu tranh để kéo bộ não bướng bỉnh của mình về với trang giấy. Đọc sâu, thứ vốn dĩ vô cùng tự nhiên với chúng ta, cuối cùng lại trở thành một cuộc vật lộn.
Thực ra tôi biết điều gì đang xảy ra. Hơn một thập kỷ vừa rồi, tôi dành phần lớn thời gian lên mạng, tra cứu, lướt web, và thậm chí còn viết lách để bổ sung thêm cho kho dữ liệu vốn đã dồi dào của Internet. Internet trở thành một cứu cánh, một món quà trời cho đối với một nhà văn như tôi. Việc nghiên cứu mà khi xưa mất của chúng ta nhiều ngày tìm kiếm giữa các văn thư chồng chất trong thư viện, giờ đây có thể thực hiện chỉ với vài phút. Một vài tìm kiếm trên Google, vài cú bấm nhanh vào các đường link và tôi đã có ngay trong tay những thứ mình cần. Ngay cả khi không làm việc, tôi cũng luôn tìm tòi các mẩu thông tin ngắn trên các trang web, viết email, lướt qua các tiêu đề của các bài báo và blog, xem video và nghe podcast, hoặc đơn giản chỉ là dạo qua hết link này đến link khác. (Không như những ghi chú ở cuối sách, các đường link không đơn thuần chỉ dẫn bạn đến những thứ liên quan, chúng lôi kéo và cám dỗ bạn bấm vào những thứ đó.)
Đối với tôi, và với tất cả ai khác, Internet đã trở thành một phương tiện phổ thông - thứ kết nối chúng ta với phần lớn thông tin chúng ta có. Lợi ích của khả năng kết nối với trữ lượng thông tin khổng lồ mọi lúc mọi nơi như vậy là vô cùng lớn lao và không thể phủ nhận. Cho đến nay chúng ta vẫn không ngừng tán dương tiến bộ vĩ đại này.
Nhưng món quà đó có cái giá của nó. Như nhà lý thuyết học truyền thông Marshall MacLuhan đã chỉ ra những năm 1960, truyền thông kĩ thuật số không chỉ là những kênh đưa tin bị động. Chúng cung cấp nguyên liệu cho tư duy, nhưng đồng thời cũng định hình cách chúng ta nghĩ. Và có vẻ như những gì Internet đang làm là cướp mất khả năng tập trung và tư duy của tôi. Tâm trí tôi giờ đây đã được lập trình để tiếp thu những thông tin theo cách mà Internet phân bổ: trong một dòng chảy không ngừng của những thông tin phân mảnh đứt đoạn. Trước đây tôi từng là một thợ lặn cừ khôi trong đại dương của những con chữ. Giờ thì tôi trượt trên bề mặt của nó như một gã trên chiếc tàu lượn Jet Ski.
Tôi không phải người duy nhất. Khi tôi nói về vấn đề đọc của mình với bạn bè và người thân - phần lớn cũng đều là những người thích đọc - rất nhiều người đồng tình rằng họ cũng trải qua điều tương tự. Càng lướt web nhiều, họ càng vất vả đấu tranh để có thể giữ tập trung khi đọc những bài viết dài. Một vài blogger tôi theo dõi cũng bắt đầu đề cập về hiện tượng này. Scott Karp, chủ của một blog về truyền thông trực tuyến (online media), tự thú gần đây rằng anh đã gần như dừng việc đọc sách. “Tôi theo học văn học hồi còn học đại học, và đã từng là một kẻ đọc sách ngấu nghiến,” anh viết. “Điều gì đã xảy ra?” Anh dò đoán bằng một câu trả lời: “Có lẽ tôi không thể đọc nhiều vì cách đọc của tôi đã thay đổi; đồng nghĩa với việc tôi chỉ luôn đi tìm sự thoải mái, cách tôi NGHĨ đã thay đổi."
Bruce Friedman, một người viết blog về ứng dụng của máy tính trong y khoa, cũng miêu tả về việc Internet đã thay đổi thói quen tư duy của ông như thế nào. “Tôi giờ đây gần như đã mất khả năng đọc và hiểu một bài viết dài ngay kể cả trên máy tính hay giấy in.” Friedman đã và đang là một nhà nghiên cứu bệnh học nhiều năm ở khoa Y trường Đại học Michigan. Vậy mà giờ đây, ông chia sẻ qua một cuộc nói chuyện điện thoại với tôi, suy nghĩ của ông trở nên ngắt quãng như cái cách mà ông thường lướt qua các đoạn viết ngắn trên mạng. “Tôi không thể đọc Chiến tranh và Hoà bình nữa,” ông thú nhận. “Tôi đã mất khả năng để đọc những cuốn sách dài như thế. Ngay kể cả một bài blog dài hơn 3 đến 4 đoạn văn là quá nhiều để tôi có thể tiếp thu. Tôi sẽ chỉ lướt qua nó thôi."
Những câu chuyện vặt thường không chứng minh được điều gì. Và chúng ta vẫn đợi những thí nghiệm về tâm lý và thần kinh đưa ra một bằng chứng xem Internet thực sự đã ảnh hưởng thế nào đến nhận thức của chúng ta. Nhưng một nghiên cứu gần đây về thói quen tra cứu online được thực hiện bởi Đại học London gợi ý rằng chúng ta đang đứng giữa một sự thay đổi lớn lao về cách đọc và tư duy. Trong vòng 4 năm, các nhà nghiên cứu đã thu thập và nghiên cứu thái độ người dùng từ 2 trang web nghiên cứu nổi tiếng của thư viện và hiệp hội giáo dục Anh Quốc, nơi cung cấp các bài báo khoa học, sách điện tử, v.v. Họ nhận ra rằng những người dùng thường thể hiện xu hướng đọc lướt nhanh, chuyển liên tục từ bài này sang bài khác và hiếm khi quay lại những bài viết họ đã từng ghé qua. Họ thường không đọc quá một hay hai trang của một bài báo hay một quyển sách trước khi nhảy sang một trang web khác. Đôi khi họ có lưu lại những bài luận dài, nhưng không có bằng chứng gì cho thấy họ sẽ quay lại và thực sự đọc nó. Những tác giả của bài nghiên cứu đã báo cáo rằng:
Rõ ràng là người dùng không còn đọc theo cách đọc truyền thống; thực chất có những dấu hiệu cho thấy những cách “đọc” mới đang xuất hiện khi người dùng phát triển khả năng "lướt siêu phàm" qua các tiêu đề, các trang viết, bài báo nhằm thu được một kết quả nhanh chóng. Có vẻ như họ lên mạng để tránh việc phải đọc theo cái cách ông cha ta vẫn hay đọc.
Nhờ vào sự xuất hiện mọi lúc mọi nơi của các thông tin trên mạng Internet, ngày nay chúng ta có lẽ còn đọc nhiều hơn so với hồi những năm 70 - 80 khi mà tivi vẫn còn chưa phổ biến. Song, nó là một kiểu đọc khác hẳn, và đằng sau nó ẩn giấu một kiểu tư duy cũng hoàn toàn khác - thậm chí có lẽ là một kiểu người hoàn toàn khác. Maryanne Wolf, nhà tâm lý học của Đại học Tuft và tác giả của Proust and the Squid: The Story and Science of the Reading Brain nói: “Không chỉ những gì chúng ta đọc sẽ định hình chúng ta là ai,... mà cách chúng ta đọc cũng như vậy.”
Wolf lo lắng rằng thói quen đọc mới được thúc đẩy bởi Internet - cái cách mà đặt “hiệu suất” và “sự tức thời” lên trên tất cả thứ khác - sẽ làm suy yếu khả năng đọc sâu chúng ta đã hình thành khi thứ công nghệ trước đó - máy in - thành công trong việc phổ biến những văn bản dài và phức tạp. Khi ta đọc trên mạng, bà nói, ta thường giống như một “nhà giải mã thông tin” hơn là một người đọc. Khả năng đọc hiểu văn bản và tạo ra những kết nối phong phú về trí tuệ khi ta đọc sâu mà không bị sao nhãng, đã gần như biến mất.
Đọc, Wolf giải thích, không phải là một bản năng của con người. Nó không được cài trong mã gene của chúng ta. Chúng ta phải tự rèn luyện trí não mình để chuyển những biểu tượng chúng ta thấy thành thứ ngôn ngữ chúng ta hiểu được. Và các phương tiện công nghệ chúng ta dùng trong việc học, viết và đọc có vai trò vô cùng quan trọng trong định hình các liên kết neuron trong não chúng ta. Nhiều thí nghiệm đã chứng minh rằng những người dùng chữ tượng hình, chẳng hạn như tiếng Trung Quốc, phát triển những liên kết trí tuệ và nhận thức trong việc đọc khác hẳn so với những người dùng chữ cái latin như chúng ta. Sự khác biệt thể hiện ở rất nhiều nơi trong bộ não, trong đó có cả những nơi điều khiển các chức năng nhận thức cơ bản như ghi nhớ và khả năng nghe nhìn. Do vậy, chúng ta có thể nhận ra rằng các liên kết được hình thành khi chúng ta sử dụng Internet sẽ rất khác so với chúng được hình thành khi ta đọc sách và các văn bản in ấn khác.
Vào khoảng năm 1882, Friedrich Nietzsche mua một máy đánh chữ của hãng Malling-Hansen Writing Ball. Trước đó, thị lực của ông rất kém, giữ cho mắt tập trung trên một trang giấy trở nên vô cùng mệt nhọc và khó chịu, thường còn kéo theo vài cơn đau đầu. Ông buộc phải viết ít đi, và vô cùng lo lắng sợ hãi rằng không sớm thì muộn ông sẽ phải từ bỏ nghiệp viết. Chiếc máy đánh chữ đã cứu ông. Khi đã có thể gõ thành thạo, Nietzsche có thể viết mà không cần nhìn, chỉ đơn giản là sử dụng các đầu ngón tay của mình để gõ phím.
Thế nhưng chiếc máy lại tạo ra một sự thay đổi nhỏ trong các tác phẩm của ông. Một người bạn của Nietzsche - một nhà soạn nhạc - nhận ra sự thay đổi trong cách mà ông viết. Những câu văn vốn đã ngắn gọn của ông giờ lại còn trở nên ngắn gọn và vắn tắt gấp bội phần. “Có lẽ qua cái "nhạc cụ" mới này cậu lại tạo ra cả một phong cách viết mới í chứ,” người bạn viết qua một bức thư, nhấn mạnh rằng, “những tư duy trong âm nhạc và ngôn ngữ của mình thường phụ thuộc vào chất lượng của bút và giấy."
“Cậu nói đúng,” Nietzsche trả lời, “công cụ viết lách của chúng ta có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình cách chúng ta nghĩ.” Dưới cái thời thống trị của máy đánh chữ, một học giả người Đức Friedrick A. Kittler đã viết rằng: “Những tác phẩm của Nietzsche biến từ các lý lẽ thành các nhận định, từ các suy tư thành sự chơi chữ, từ phong cách hùng biện thành phong cách điện tử."
Não chúng ta quả là thứ dễ bị chi phối, định hình, và ảnh hưởng. Nhiều người vẫn nghĩ rằng mạng lưới trí óc của chúng ta, những liên kết dày đặc của hơn 100 tỉ neuron, đã được cố định vào cái lúc mà chúng ta bước vào tuổi trưởng thành. Nhưng các nhà nghiên cứu não bộ đã khám phá ra rằng đó không phải sự thật. Jame Olds, một giáo sư khoa học thần kinh, giám đốc của Viện Nghiên cứu Cấp cao Krashnow thuộc trường đại học George Mason, nói rằng ngay cả bộ óc của người trưởng thành cũng vẫn “rất mềm dẻo và dễ uốn nắn.” Các tế bào thần kinh thường phá bỏ các liên kết cũ và liên tục hình thành các liên kết mới. “Bộ não,” theo Olds, “có khả năng để lập trình lại chính nó khi chúng ta thay đổi cách nó hoạt động."
Khi chúng ta sử dụng các “công nghệ thông minh” - các công cụ phục vụ chúng ta những nhu cầu tinh thần chứ không phải thể chất - chúng ta chịu ảnh hưởng bởi chúng. Ví dụ điển hình là chiếc đồng hồ cơ học xuất hiện và trở nên phổ biến từ thế kỷ thứ 14. Trong tờ Kỹ thuật và Văn minh (Technics and Civilization), nhà phê bình lịch sử văn hoá Lewis Mumford miêu tả cái cách mà đồng hồ “tách biệt thời gian khỏi các sự kiện của con người và hình thành một niềm tin về một thế giới biệt lập của các chuỗi thời gian đo lường được chính xác bằng toán học.” “Một thứ khái niệm trừu tượng như thời gian đã trở thành một thứ tham khảo hợp lý cho cả các hoạt động và suy nghĩ của chúng ta."
Nhịp gõ tích tắc đều đặn chuẩn xác của đồng hồ góp phần tạo ra tư duy khoa học và con người khoa học. Song, như những gì Joseph Weizenbaum - nhà khoa học máy tính của MIT - quan sát được từ quyển sách Sức mạnh máy tính và Lý lẽ của con người: Từ phán xét đến tính toán (Computer Power and Human Reason: From Judgment to Calculation), "nhận thức về thế giới kể từ sự xâm lăng của các dụng cụ đếm giờ hoá ra lại trở nên vô cùng nghèo nàn, khi nó phủ nhận những kinh nghiệm cũ đã định hình lên thói quen và cuộc sống của chúng ta trước khi có đồng hồ.” Giờ đây khi đứng trước quyết định ăn, làm việc, ngủ và dậy khi nào, chúng ta dừng việc lắng nghe cơ thể mình để tuân theo chiếc đồng hồ.
Quá trình thích ứng với các công nghệ thông minh phản ánh ngay cả trên sự thay đổi của nhận thức con người. Từ lúc xuất hiện đồng hồ cơ học, con người bắt đầu nghĩ về bộ óc của mình hoạt động như "những chiếc đồng hồ". Ngày nay, kỷ nguyên của các phần mềm, chúng ta lại nghĩ rằng não hoạt động như "những chiếc máy tính”. Thực ra, những thay đổi xuất hiện còn sâu xa hơn cả các phép ẩn dụ - các nhà khoa học thần kinh cho biết. Nhờ vào sự mềm dẻo của não bộ chúng ta (brain’s plasticity), sự thích ứng còn xảy ra cả trên cấp độ sinh học.
Internet hứa hẹn tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng về nhận thức của con người. Trong một báo cáo xuất bản năm 1935, nhà toán học người Anh Alan Turing chứng minh rằng một chiếc máy tính, mà thời đó vẫn chỉ tồn tại trên lý thuyết, có thể được lập trình để trình diễn các chức năng của bất cứ thiết bị xử lý thông tin nào. Và đó chính xác là những gì chúng ta đang thấy ngày nay. Mạng Internet - hệ thống máy tính đầy quyền năng - là phép cộng của tất cả các công nghệ thông minh khác chúng ta đang có. Nó có thể là bản đồ, là đồng hồ, là chiếc máy gõ chữ và là cả tờ báo của chúng ta, là máy tính toán và điện thoại, đài radio và TV. Nó có thể biểu diễn bất cứ chức năng thông tin nào.
Khi Internet tích hợp một phương tiện, phương tiện đó được tái tạo lại trong bức tranh của Internet. Nó cài vào trong nội dung của phương tiện những đường link, quảng cáo, và nhiều thứ sản phẩm số hoá linh tinh khác. Một bức thư điện tử chẳng hạn, có thể nhảy ra thông báo vào cái lúc mà chúng ta đang lướt qua những tin tức mới nhất trên một trang báo. Hệ quả là chúng ta bị phân tán bởi quá nhiều thông tin và nội dung, kéo theo khả năng tập trung giảm sút.
Tác động của Internet không chỉ dừng lại ở màn hình máy tính. Khi tâm trí chúng ta đã quá quen với tốc độ điên cuồng của Internet, các phương tiện truyền thống khác cũng phải thích ứng với nhu cầu và mong muốn của khán giả. Chương trình tivi liên tục cài thêm những dòng thông tin chạy ngang hay các quảng cáo chớp nhoáng, các tạp chí và các tờ báo làm ngắn bài viết của họ lại, giới thiệu bằng những đoạn tóm tắt, và làm đầy tờ báo của mình bằng các mẩu thông tin vụn vặt dễ đọc. Trong khi đó, Tờ New York Times quyết định dành trang 2 và trang 3 của mỗi số cho những đoạn tóm tắt, trích dẫn của các bài viết; giám đốc thiết kế Tom Bodkin của tờ báo giải thích rằng, “những lối đi tắt này” có thể giúp những người đọc bận rộn có được một cái nhìn nhanh về tin tức trong ngày, họ sẽ đỡ phải dở từng trang và đọc cả bài báo - một phương pháp “hiệu suất thấp” ngày nay đã không còn phù hợp. Các phương tiện truyền thông cũ không có cách nào khác ngoài tuân theo luật chơi của thứ phương tiện mới - Internet.
Cùng lúc với khi Nietzsche bắt đầu sử dụng máy đánh chữ, một chàng trai trẻ tuổi tên là Frederick Winslow Taylor mang chiếc đồng hồ bấm giờ tới nhà máy Midvale Steel ở Philadelphia và bắt đầu một chuỗi các thí nghiệm nhằm cải thiện hiệu suất của các thợ máy. Với sự đồng tình của những người chủ của Midvale, anh tuyển mộ một nhóm các công nhân nhà máy, cho họ làm việc trên các loại máy khác nhau, rồi ghi chép và bấm giờ từng hành động của họ cũng như quá trình hoạt động của máy móc. Bằng cách phân tích mỗi công việc thành những bước nhỏ riêng rẽ và thử những cách biểu diễn khác nhau, Taylor tạo ra một tập hợp các chỉ dẫn ngắn gọn - một “thuật toán”, như chúng ta thường nói ngày nay - về cách mà mỗi công nhân nên làm việc. Kể từ đó, các công nhân nhà máy Midvale liên tục ca thán về chế độ mới quá ngặt nghèo, cho rằng họ đang bị đối xử không hơn gì những cỗ máy, vậy mà công suất của nhà máy quả thật tăng lên đáng kể.
Hơn một trăm năm sau khi phát minh ra động cơ hơi nước, Cách mạng công nghiệp đã tìm thấy triết học và triết gia của nó. Sự sắp đặt chặt chẽ và công nghiệp của Taylor - “hệ thống” của Taylor, nói theo cách anh vẫn hay gọi - đã được ngợi ca bởi các chủ xí nghiệp khắp cả nước và trên thế giới. Nhằm đạt được tốc độ tối đa, hiệu suất tối đa, và đầu ra tốt nhất, các chủ nhà máy sử dụng lý thuyết về thời gian-và-chuyển động của Taylor để tổ chức nhà máy và định hình công việc cho các công nhân. Mục tiêu, như Taylor định nghĩa trong luận án của ông - Nguyên tắc của Quản lý khoa học (The Principles of Scientific Management), là nhằm xác định và chọn ra “phương pháp tốt nhất” cho mỗi công việc, và nhờ đó tác động lên “sự thay thế của khoa học theo quy tắc đặt ra trên nền tảng nghệ thuật cơ học.”
Vào lúc hệ thống của anh được ứng dụng rộng khắp trên tất cả hoạt động lao động của con người, Taylor quả quyết, nó sẽ đem đến một mô hình mới không chỉ với nền công nghiệp mà là cả xã hội, tạo ra một địa đàng trần gian của hiệu suất hoàn hảo. “Trong quá khứ con người là trên hết,” ông tuyên bố; “trong tương lai hệ thống phải được đặt trên hết."
Hệ thống của Taylor vẫn tồn tại và ảnh hưởng cho đến ngày nay; nó đã trở thành triết lý của nền công nghiệp. Giờ đây, nhờ sức mạnh gia tăng của các kỹ sư máy tính và các lập trình viên phần mềm đang nắm giữ, triết lý của Taylor bắt đầu lan ra và thống trị ngay cả thế giới của trí tuệ. Internet là cỗ máy tạo ra dựa trên tập hợp, sự vận chuyển và quản lý thông tin một cách hiệu quả và tự động; đội quân lập trình viên đang ngày đêm ra sức tìm kiếm “phương pháp tốt nhất” - thuật toán hoàn hảo - để giúp nó biểu diễn mọi hoạt động trí não mà chúng ta vẫn gọi là “sản phẩm trí tuệ”.
Tổng hành dinh của Google tại Mountain View, California - Googleplex - là giáo đường của Internet, và thứ tôn giáo đang được thực hành trong đó chính là Taylor giáo (Taylorism). Google, theo CEO Eric Schmidt nói, là “một công ty được lập ra dựa trên nền tảng của khoa học đo đạc,” và nó đang cố gắng để “hệ thống hoá tất cả mọi thứ” nó làm. Với hàng terabyte các dữ liệu hành vi Google thu thập được qua phương tiện tra cứu của nó và nhiều trang khác, nó đang thực hiện hàng ngàn thí nghiệm mỗi ngày, theo như tờ Havard Business Review, Google dùng những kết quả đó để tạo ra những thuật toán mà ngày càng chi phối cách con người tìm kiếm và xử lý thông tin.
Nó hướng tới phát triển “phương tiện tra cứu hoàn hảo,” được định nghĩa như là “thứ có thể hiểu chính xác bạn cần gì và cho bạn đúng thứ bạn muốn.” Dưới cách nhìn của Google, thông tin trở thành một thứ hàng hoá, một nguồn tài nguyên mà có thể đào lên và xử lý với hiệu suất công nghiệp. Càng nhiều thông tin chúng ta có thể truy cập và càng nhanh chóng chúng ta có thể chắt lọc thông điệp của nó ra, hiệu suất càng cao.
Điều này sẽ đi đến đâu? Sergey Brin và Larry Page, những con người tài năng trẻ trung sáng lập nên Google khi vẫn còn đang làm luận án tiến sĩ ngành khoa học máy tính ở Stanford, nói rất nhiều về tham vọng của họ để biến công cụ tra cứu của họ thành một trí tuệ nhân tạo, một chiếc máy như là HAL, mà có thể kết nối trực tiếp tới bộ não chúng ta. “Công cụ tra cứu tối ưu này là thứ có trí thông minh ngang con người, hoặc thậm chí còn thông minh hơn.” Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Newsweek, Brin nói, “Nếu bạn có tất cả dữ liệu và thông tin của toàn thế giới gắn vào não bạn, hoặc một bộ não nhân tạo thông minh hơn cả não bạn, hãy tưởng tượng xem bạn sẽ được lợi như thế nào.” Page nói với các nhà khoa học rằng “Google đang cố tạo ra một trí tuệ nhân tạo và làm nó với quy mô lớn."
Tham vọng đó là tự nhiên, thâm chí là đáng ngưỡng mộ, với một cặp thiên tài toán học nắm trong tay một số tiền khổng lồ và một đạo quân nhỏ tập hợp những nhà khoa học máy tính. Là một công ty thành lập trên cơ sở khoa học, Google được thúc đẩy bởi tham vọng sử dụng công nghệ, như Eric Schmidt nói, “để giải quyết các vấn đề chưa từng giải quyết được trước đây,” và trí tuệ nhân tạo là vấn đề nan giải nhất. Có lí do gì mà Brin và Page không muốn trở thành những người đầu tiên gỡ rối được vấn đề này cơ chứ?
Song, giả thiết ngây thơ của họ rằng chúng ta đều sẽ “được lợi” khi não chúng ta được bổ sung hỗ trợ, hay thậm chí là thay thế bởi một trí tuệ nhân tạo thật quả là đáng lo. Nó thể hiện một niềm tin rằng trí thông minh là sản phẩm của một quá trình cơ học, một chuỗi các bước riêng biệt mà có thể phân tách, đo đạc, và tối ưu hoá. Trong thế giới của Google, thế giới mà chúng ta truy cập khi chúng ta online, không gian của những chiêm nghiệm ngẫm nghĩ và những mơ hồ là rất ít. Sự mơ hồ, trong thế giới đó, không phải là cánh cửa mở ra cho tri thức và khám phá, mà là một sai sót cần được khắc phục. Đối với họ, bộ não con người là một chiếc máy tính lỗi thời cần một bộ vi xử lý nhanh hơn và một bộ nhớ lớn hơn.
Ý tưởng rằng đầu óc chúng ta nên hoạt động được như những cỗ máy với bộ xử lý dữ liệu siêu nhanh không chỉ được thúc đẩy dựa trên sự phát triển của Internet, mà còn có ý nghĩa và giá trị cho mô hình kinh doanh của các công ty công nghệ. Chúng ta lướt web càng nhanh - click vào các link và lướt qua các trang càng nhiều - càng gia tăng cơ hội cho Google và các công ty khác thu thập thông tin của chúng ta và cho chúng ta xem thật nhiều quảng cáo. Phần lớn các chủ sở hữu của các hoạt động thương mại trên Internet đều thu lời từ việc thu thập các dữ liệu chúng ta để lại mỗi khi chúng ta lướt từ link này sang link khác - càng nhiều dữ liệu, càng có lợi cho họ. Những công ty này sẽ chẳng bao giờ muốn khuyến thích việc đọc chậm và thư thái, hoặc khả năng suy nghĩ tập trung của người dùng. Thúc đẩy chúng ta mất tập trung nhiều hơn vào các đường dẫn và quảng cáo là quyền lợi tài chính của họ.
Có lẽ tôi chỉ là một kẻ hay quá thích lo xa. Giống như xu hướng ngợi ca sự phát triển và ý nghĩa công nghệ, cũng có một xu hướng đối lập lo lắng và băn khoăn về những điều tệ nhất có thể xảy ra. Trong tác phẩm Phaedrus của Plato, Socrates trăn trở về sự phát triển của chữ viết. Ông sợ rằng, khi con người trở nên quá phụ thuộc vào những gì được viết xuống như là bộ nhớ ngoài thay thế cho những kiến thức họ vẫn thường lưu giữ trong đầu, họ sẽ “ngừng việc rèn luyện trí nhớ và trở nên hay quên.” Và bởi vì “họ thu nhận một lượng lớn thông tin mà không có sự chỉ bảo đúng đắn, họ sẽ nghĩ mình hiểu biết lắm dù thực ra họ cực kỳ ngu ngốc. Họ sẽ bị lấp đầy bởi những ảo tưởng về trí tuệ chứ không phải trí tuệ thực sự.” Socrates không sai - thứ công nghệ mới đó đúng là đã gây ra nhiều tác động mà ông lo sợ - nhưng ông đã nhìn không đủ xa. Ông không thấy trước được những cái cách mà việc đọc và viết có thể lan truyền thông tin, khích lệ các ý tưởng, và mở rộng kiến thức của con người (kể cả khi nó không phải trí tuệ).
Với sự xuất hiện của máy in Gutenberg, vào thế kỷ thứ 15, lại một lần nữa có vài tiếng nghiến răng lo lắng. Nhà nhân văn người Ý Hieronimo Squarciafico lo lắng rằng sự dễ dàng sẵn có của sách có thể kéo theo sự lười biếng về trí tuệ, làm cho con người “ít ham học” hơn và suy yếu tư duy của họ. Những người khác lập luận rằng sách in giá rẻ sẽ đe doạ quyền lực của tôn giáo, hạ thấp giá trị của các học giả và người chép kinh, thúc đẩy các cuộc nổi loạn và sự tha hoá bại hoại của nhân phẩm. Giáo sư đại học New York nhấn mạnh rằng, “Phần lớn các lý lẽ phản đối việc in ấn là đúng.” Nhưng, một lần nữa, những người dự báo điềm gở này không có khả năng nhìn thấy phúc lành còn to lớn hơn ngàn vạn lần mà máy in có thể đem lại.
Cho nên, đúng là ta nên hoài nghi ngay chính chủ nghĩa hoài nghi. Có lẽ những ai gạt bỏ những phê phán về Internet, coi đó như là những kẻ lạc hậu luyến tiếc quá khứ sẽ đúng: và những bộ não mới siêu nhanh, siêu hoạt động, chứa đựng đầy các dữ liệu của chúng ta sẽ là khởi nguyên của một thời đại hoàng kim của những phát kiến tri thức và trí tuệ vũ trụ. Cũng lại có lẽ, Internet không phải là bảng chữ cái, và dù nó có thể thay thế sách giấy, nó đang làm mất một thứ vô cùng quan trọng. Việc đọc sâu và đắm chìm trong các trang giấy in không chỉ có ý nghĩa trong việc cho chúng ta kiến thức, nó còn là những rung động đầy trí tuệ hằn lên tâm trí chúng ta. Trong không gian tĩnh lặng, không sao lãng, đọc một quyển sách hay làm bất cứ hoạt động gì của suy tư và chiêm nghiệm, chúng ta tạo nên sự liên tưởng của riêng chúng ta, vẽ lên những suy luận và so sánh của riêng chúng ta, nuôi dưỡng những ý tưởng của riêng chúng ta. Đọc sâu, như Maryanne Wolf lập luận, cũng tương tự như nghĩ sâu vậy.
Nếu chúng ta đánh mất những không gian tĩnh lặng như thế, làm đầy nó với “số lượng”, chúng ta sẽ hy sinh thứ vô cùng quan trọng không chỉ với bản thân chúng ta, mà là cả một nền văn hoá. Trong một bài luận gần gây, nhà soạn kịch Richard Foreman đã miêu tả đầy xúc động về hiểm nguy này:
Tôi đến từ nền văn hoá truyền thống Tây phương, nơi mà lý tưởng (của tôi) về một nhân cách có học vẫn còn phức tạp, dày đặc và mang hơi hướng nhà thờ - một con người mang trong mình một sự hoá thân độc đáo và cá nhân của tất cả những văn minh Tây phương. Nhưng giờ đây, tôi nhìn thấy trong chúng ta (kể cả tôi) sự thay thế những dày đặc nội tâm phức tạp như thế bằng một kiểu cái tôi mới - tiến hoá dưới áp lực của quá tải thông tin và thứ công nghệ đồ ăn nhanh “liên tục có sẵn”.
Khi chúng ta đang bòn rút “sự giàu có của nội tâm chúng ta”, Foreman kết luận, chúng ta biến thành “'người bánh kếp' (pancake people) - những kẻ biết rộng nhưng mỏng - khi chúng ta kết nối với mạng lưới thông tin rộng lớn với chỉ một nút bấm."
Tôi cảm thấy ám ảnh với cảnh quay cuối trong 2001. Thứ làm nó cảm động đến chua cay, và kỳ quặc, chính là phản ứng đầy xúc cảm của chiếc máy tính khi nó bị tháo bỏ bộ não của mình: nỗi tuyệt vọng của nó khi hết kết nối này đến kết nối khác bị ngắt, tiếng kêu gào van xin tha thiết của nó với phi hành gia - “Tôi có thể cảm thấy nó! Tôi có thể cảm nhận được. Tôi sợ lắm.” Cảm xúc dạt dào của HAL đối lập hoàn toàn với sự vô cảm lạnh lùng đeo trên nét mặt của các nhân vật con người trong bộ phim, những ai vẫn ngày ngày đi làm với hiệu suất của một con robot. Suy nghĩ và cảm xúc của họ như thể đã được lên kịch bản, như thể họ đang đi theo tiến trình của một thuật toán. Trong thế giới của 2001, con người trở nên máy móc hoá đến nối nhân vật mang tính người nhất lại là một cỗ máy. Đó chính là điều cốt lõi trong lời tiên tri tăm tối của Kubrick: khi chúng ta càng phụ thuộc vào máy móc để hiểu thế giới, chính trí thông minh của chúng ta đang tự dát mỏng để biến thành một trí thông minh nhân tạo.
Theo The Atlantic
Trạm Đọc