VỀ TÁC PHẨM
Trong một phòng tranh ở Sydney, người đàn ông tình cờ bắt gặp bức tranh vẽ cô gái đã từng khiến ông sẵn sàng vứt bỏ hết thảy để rồi ngoạn mục biến khỏi đời ông. Sau đó, như từ bóng tối bước ra sân khấu, những nhân vật chính mắc kẹt trong cuộc tình tay bốn năm xưa đều xuất hiện. Họa sĩ nổi tiếng thế giới, nhà tài phiệt, và luật sư tái ngộ cùng cô gái trong tranh trên một bờ vịnh Úc, mong muốn giành lại thứ họ nghĩ phải thuộc về mình. Nhưng chuyện đời không đơn giản - đối với một tác phẩm nghệ thuật mà mọi bảo tàng thế giới đều săn lùng, cũng như đối với Irene mà cuộc đời có nhiều góc khuất, khi tuổi tác của tất cả họ đều đã về chiều, và định mệnh thì thường khắc nghiệt...
Với biệt tài mổ xẻ những ẩn ức tăm tối trong lòng người, Bernhard Schlink đã viết nên một tiểu thuyết về tình yêu thật cuốn hút, mê hoặc. Người đàn bà trên cầu thang cũng đồng thời khắc họa đậm nét hơn chân dung ông trong vai trò một nhà văn luôn nỗ lực khắc phục quá khứ đen tối của nước Đức, để khi lật đến hết trang cuối cùng, tâm trí độc giả sẽ mãi còn trầm tư sâu sắc về những cuộc đời người giữa biển lớn lịch sử.
"Hòa trộn tuyệt vời văn chương hư cấu với các vấn đề của thời đại. Một tiểu thuyết gay cấn, thông minh, và đầy suy tư." – Jens Frederiksen, Rhein-Main-Press
VỀ TÁC GIẢ
Bernhard Schlink (sinh 1944 ở Đức) là giáo sư Luật và thẩm phán Tòa án hiến pháp cấp bang, đã viết gần 20 tác phẩm, được trao nhiều giải thưởng văn học trong và ngoài nước Đức. Ông nổi tiếng với tiểu thuyết Người đọc (1995) - giải Prix Laure Bataillon cho văn học dịch của Pháp, giải Grinzane Cavour của Ý... Tiểu thuyết mới nhất Người đàn bà trên cầu thang vừa xuất bản đã lọt vào danh sách bestseller của tác chí Der Spiegel, và bán bản quyền dịch cho hơn 10 nước trên thế giới. Bernhard Schlink hiện đang sống ở Berkshire (Massachusetts) và Berlin.
"Đơn giản mà hoàn hảo. Bernhard Schlink là một bậc thầy... Hành văn dễ hiểu, trong trẻo và trí tuệ. Một cách tự nhiên, không cần nỗ lực, ông xây dựng loạt các nhân vật phức tạp, những tình tiết đan cài vào nhau, và đặt ra những nan đề đạo đức..." - Eckhard Fuhr, Die Welt
"Mọi tác phẩm của Schlink đều ngắn, rất ngắn, và sự cô đặc ấy thể hiện tài năng kiệt xuất của tác giả. Nếu 200 trang Người đọc bao quát nỗi vật vã của một thế hệ người Đức trong và sau Thế Chiến II, thì bốn nhân vật chính của Người đàn bà trên cầu thang dắt ta vào một chương hừng hực sức sống của lịch sử cận đại, vì họ đều thuộc về cái gọi là “thế hệ 68” mà Schlink thuộc như nằm lòng, bởi chính ông là sản phẩm lấp lánh của thời đó." – Marie Lee
Mời các bạn xem thêm chi tiết về sự kiện tại đây.