NXB Trẻ ra mắt “Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ”
NXB Trẻ ra mắt “Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ”
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021), ngoài tái bản cuốn sách Hành trình theo chân Bác của tác giả Trần Đức Tuấn, NXB Trẻ còn ra mắt "Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ", được kế thừa từ chính tác phẩm trên

Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ là một tài liệu tái hiện quá trình lịch sử tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng của Bác Hồ từ ngày 5/6/1911 đến ngày 28/1/1941.

Cách biểu diễn hành trình và điểm đến được lấy cảm hứng từ bản đồ tàu điện ngầm, bản đồ xe buýt đô thị, và giải pháp ấy đã giúp giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật cho ấn phẩm độc đáo này. Toàn bộ hành trình 30 năm với các tuyến đường và điểm đến được thể hiện trên một bản đồ thế giới khổ 100x70cm. Ở phía dưới là đồ thị thể hiện các cột mốc và thời điểm, kèm dữ liệu lịch sử.

Bản tiêu chuẩn của bản đồ được in màu sắc nét trên giấy bìa cứng và dày, với kích thước 100x70cm. Tờ bản đồ được cuốn lại, để trong một ống carton cứng để chống gãy, bẹp. Bạn đọc có thể dán lên tường bằng băng keo hai mặt, gắn nẹp trên dưới hoặc lồng khung treo trang trọng trên tường phòng khách.

Bản đồ có kích thước ngang 1m, cao 70cm, được in màu tuyệt đẹp. 

Theo ông Dương Thành Truyền, Quyền Giám đốc NXB Trẻ, Bản đồ Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ như một công trình khoa học được nghiên cứu thực hiện và hoàn thành trong thời gian 3 tháng. Nội dung bản đồ tái hiện lịch sử bằng phương pháp thị giác, kế thừa tác phẩm Hành trình theo chân Bác của tác giả Trần Đức Tuấn.

Dấu ấn đặc sắc từ tấm bản đồ này là người xem sẽ dễ dàng hình dung, theo dõi, tra cứu về hành trình của Bác Hồ năm xưa trong mối liên hệ với bối cảnh địa chính trị hiện nay. Bản đồ chính trị thế giới có nhiều thay đổi trong 30 năm kể từ khi Bác ra tìm đường cứu nước đến khi Bác trở về, nhiều quốc gia đã biến mất và nhiều quốc gia đã ra đời. Đó là lý do NXB sử dụng bản đồ thế giới hiện nay để thể hiện hành trình xưa”, ông Dương Thành Truyền nói thêm.

Tấm bản đồ có thể được treo thích hợp và trang trọng tại các thư viện, văn phòng Đoàn, Hội, phòng hội họp các cơ quan đơn vị, Ban ngành đoàn thể… lẫn Phòng Hồ Chí Minh ở các đơn vị quân đội. Bản đồ cũng là một học liệu quý phục vụ công tác giảng dạy và học tập trong trường lớp”, ông Dương Thành Truyền tâm đắc nói thêm.

Tác giả Trần Đức Tuấn là tác giả kịch bản nhiều phóng sự truyền hình của Hãng phim TFS thuộc HTV, trong đó có hai bộ phim "Hồ Chí Minh - Một hành trình và Hành trình theo chân Bác" rất nổi tiếng. Ông cũng là tác giả của sách "Hành trình theo chân Bác" được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành lần đầu vào năm 2011, nhân kỷ niệm 110 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước.

Trạm Đọc tổng hợp

Tags: