Film Book: Hành Trình Thay Đổi Thói Quen Đọc Của Người Việt
Film Book: Hành Trình Thay Đổi Thói Quen Đọc Của Người Việt
Nếu đã từng mơ ước được sống trong thế giới kỳ diệu của những tác phẩm điện ảnh đặc sắc, thì Film Book: Khi chúng ta là nhân vật chính của Bùi Dũng là cuốn sách dành riêng cho bạn!

Là một trong những người đầu tiên cầm trên tay cuốn sách độc lạ ấy khi đến dự sự kiện về công nghệ thực tế ảo tại L’Espace, Film Book: Khi chúng ta là nhân vật chính đã đưa tôi đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác – đặc biệt là khi cuốn sách bắt đầu bằng rất nhiều lời khen ngợi từ những nhân vật nổi tiếng, từ những người trong giới chuyên môn (như đạo diễn Đặng Nhật Minh, đạo diễn Trần Văn Thủy, đạo diễn Việt Tú…), đến những nghệ sĩ (như nhạc sĩ Dương Thụ, diễn viên Thanh Trúc, ca sĩ Giang Trang,) và không ít những người viết chuyên nghiệp (nhà văn Khải Đơn, nhà báo Mi Ly, nhà thơ Trần Lê Sơn Ý)... “Cơn mưa lời khen” này làm dấy lên trong tôi tò mò, cuốn sách này, có gì đặc biệt đến vậy?

Film Book là tập hợp những bài cảm nhận, bình luận của một chuyên gia “ăn phim, ngủ phim, chơi phim” về gần 60 bộ phim từ hàn lâm, kinh điển cho đến đại chúng, thị trường, từ phim chính kịch đến hài kịch, từ phim tình cảm đến siêu anh hùng, và từ hoạt hình đến... công nghệ thực tế ảo và tranh 4D!

Tác giả Bùi Dũng đã tiến một bước đi cần nhiều can đảm khi mang tham vọng truyền cảm hứng vào một cuốn sách viết về phim. Với bốn phần chính: Cảm hứng sống, Cảm hứng yêu, Cảm hứng nghề nghiệp, Mở cửa điện ảnh – Bước ra thế giới và có đến 4 cái list xem phim theo mùa, cùng một phần Gợi ý nhỏ về những bộ phim lớn, cuốn sách dày hơn 200 trang của anh đã thâu tóm gần như toàn bộ nền điện ảnh thế giới.

Bạn có thể tìm thấy thước phim đen trắng của thập kỷ 60 trong Soy Cuba, nhưng cũng dễ dàng bắt gặp thế giới ngập tràn niềm vui và màu sắc trong Coco hay Wonder. Thành thật mà nói, tôi khá bất ngờ khi thấy 1 cuốn sách ra mắt vào tháng 1/2018 nhưng đã có bài về những bộ phim đã và đang làm mưa làm gió gần đây như Bad Genius, Coco, Wonder – điều này đã thể hiện sự nhanh nhạy của một người làm báo như Bùi Dũng. Anh viết về những tác phẩm điện ảnh kinh điển nhưng cũng không quên bắt kịp xu hướng. Chính vì thế, Film Book không nặng nề, không hoài cổ, không lí thuyết suông, quan trọng nhất là không khiến người ta buồn ngủ!

Đọc Film Book: Khi chúng ta là nhân vật chính, bạn sẽ hiểu xem phim vốn không phải chỉ là loại hình giải trí đơn thuần. Người ta xem phim là để suy tư về nhân tình thế thái; để các nhân vật, khung hình, mỗi đoạn âm thanh, màu sắc không chỉ là thước phim thoáng qua, mà trở thành một thứ mật mã cần mỗi người tự thu nhặt, tự hình dung, tự đưa ra giải đáp. Xem phim trở thành hành trình khám phá những bí mật ẩn giấu sau từng tác phẩm nghệ thuật, cuối cùng là khám phá và giải mã chính bản thân mình.

Một điểm khác khác khiến tôi ấn tượng với cuốn sách này chính là hình thức. Được trình bày như một cuốn phim với đầy đủ teaser, trailer, nội dung, cho đến after credit, tông đen – trắng chủ đạo, Film Book đưa người đọc trở về với ký ức điện ảnh từ thuở sơ khai. Nếu bạn đã quen với những hình đen trắng trong hàng loạt cuốn sách đang có mặt trên thị trường, thì bạn sẽ phải bất ngờ với minh họa của Film Book. Không đen trắng, không đổ màu. Các hình trong Film Book chỉ đơn giản là được đi nét lại, dựng thành khuôn hình cơ bản để ai đọc xong cũng có thể tô màu lên (nếu thích!). Chính vì thế nên sách mới được truyền thông thành “Cuốn sách tương tác nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam”.

Tôi vốn không ưa sách tô màu lắm, nhưng cá nhân mà nói, tôi thích ủng hộ những bước khởi đầu, nhất là khởi đầu của một loại hình nghệ thuật giải trí mới. Với Film Book, bạn có thể vừa đọc sách, vừa tìm gợi ý phim, vừa tô màu vào những bức hình được trình bày riêng trong từng trang giấy trắng.

 

Thế công nghệ thực tế ảo và tranh 4D nằm ở đâu?

 

Còn gì thú vị bằng việc bạn có thể trải nghiệm… xem phim ngay trên những bức hình tô màu bằng cách cài app Film Book ở App Store hoặc CH Play. Cách làm này khiến tôi liên tưởng đến bộ phim The Wind Rises của bố già Ghibli Hayao Miyazaki, người làm tất cả phim hoạt hình bằng những tranh vẽ tay, tô màu trực tiếp trên giấy. Phải chăng đây chính là bộ phim truyền cảm hứng để tác giả (và bên làm sách) lựa chọn cách tích hợp công nghệ này, bởi “cảm hứng mở ra tương lai, công nghệ theo đó mà tiến tới”.

Tuy nhiên, vẫn có một vài điểm của Film Book khiến tôi hơi… nuối tiếc. Bởi tôi nghĩ, Film Book sẽ tiến xa hơn nữa nếu tác giả chọn lồng thêm vào trong bài viết của mình những điểm nhìn cá nhân hơn, hoặc “kể” cho người đọc nhiều hơn về thế giới đằng sau màn ảnh – nơi mà những câu chuyện có thể còn bi hài và hấp dẫn hơn những điều người ta mới chỉ biết trên phim (mà những “thâm cung bí sử này, chắc chắn không thể làm khó những “chuyên gia” phim ảnh như Bùi Dũng).

Tóm lại thì, Film Book không phải là một cuốn sách hướng dẫn ứng xử, không dạy làm giàu, không chỉ cho bạn cách làm thế nào để trở thành con người vĩ đại. Film Book chỉ đưa bạn đến thế giới của nghệ thuật, hội họa, âm nhạc, điện ảnh, để bạn thưởng thức và tận hưởng! Đặc biệt, nó cũng gợi mở cho bạn con đường. Đó là con đường ĐỌC – SÁNG TẠO, ĐỌC – TƯƠNG TÁC. Khát vọng thay đổi thói quen đọc sách thường ngày thì ai cũng có, nhưng để hiện thực hóa nó lại không phải chuyện dễ. Film Book đã làm được, dù bước đầu có phần chập chững, nhưng rất đáng hoan nghênh.

Dương Hoàng

Tags: