ĐỪNG THUÊ GIẤC MƠ, HÃY SỞ HỮU CHÚNG
ĐỪNG THUÊ GIẤC MƠ, HÃY SỞ HỮU CHÚNG
“Có một học thuyết đơn giản thế này: Ngoài tình yêu, điều thiêng liêng nhất mà một người có thể cho đi là khả năng lao động. Nhưng bằng cách nào đó, chúng ta thường quên mất điều ấy. Lao động là thứ vô cùng quý giá mà bạn có. Bất cứ khi nào kết hợp được lao động với tình yêu, bạn đã tạo ra được sự hợp nhất.” - James Carville trong phim The War Room (Phòng chiến tranh)

 

KHÔNG CHỈ ĐƠN THUẦN LÀ MỘT CÁCH KIẾM SỐNG

 

Công việc chúng ta chọn sẽ thể hiện con người chúng ta. Đó không nên chỉ là những nỗ lực nhỏ nhặt hay một lối thoát ngẫu nhiên. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận thực tế rằng hiện có quá nhiều người đang dành những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình để làm việc nhiều nhưng lại đạt được ít thành tựu hơn.

Ban ngày, chúng ta mắc kẹt trong sự nhàm chán của những công việc dở dang và có thể sẽ biến mất vào ngày mai. Khi đêm đến, chúng ta bị chôn vùi dưới áp lực của những khoản nợ trên thẻ tín dụng hay các khoản vay thời sinh viên. Chúng ta lãng phí nhiều năm cuộc đời trong một vòng xoáy nhọc nhằn của những luật lệ độc đoán và những nỗi sợ hãi phi lý. Chúng ta từ bỏ sự tự do của mình để chiều theo hệ thống 9-to-5 cũ kỹ do người khác kiểm soát. Nhưng chúng ta vẫn thấy có người tự nắm lấy vận mệnh của chính họ, sở hữu giấc mơ và trở nên giàu có – và, theo một cách nhỏ bé nào đó, biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Họ đã tìm ra điều mà nhiều người trong chúng ta bỏ qua. 

Trong thế kỷ XX, động lực làm việc là phần thưởng. Chúng ta làm việc quần quật để theo đuổi sự tự do của tầng lớp trung lưu. Chúng ta chấp nhận các quy tắc và hài lòng với mức lương làng nhàng, công việc ổn định, nhà đi thuê và cuộc sống tốt hơn bố mẹ mình trước đây. Nhưng thời nay, lòng trung thành không đồng nghĩa với thành công, và “chớp lấy cơ hội” không dẫn tới sự thỏa mãn. Khi phải chịu đựng gánh nặng ngày càng tăng với phần thưởng ngày càng giảm, chúng ta không còn được hứa hẹn sự an toàn, sự bảo vệ hay sự vững chãi mà mình vẫn thường dùng để đổi lấy việc bị xiềng xích vào kế hoạch của người khác. Trong khi chúng ta phủ nhận việc theo đuổi tự do chân chính, những người khác lại nắm bắt cơ hội thể hiện sự sáng tạo và khám phá công việc ưa thích, hỗ trợ cho tài năng của họ và đổi lại, tìm ra cuộc sống mà họ muốn. Họ sẽ làm mọi cách để đạt được mục đích và giấc mơ của mình. Và bạn cũng nên như vậy. 

[...]

 

 

SỞ HỮU GIẤC MƠ CỦA BẠN MANG LẠI LỢI THẾ VÔ HẠN

 

Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà người ta mua và sở hữu tài sản cá nhân nhiều hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử. Chúng ta có nhiều ô tô và điện thoại thông minh hơn; chúng  có tiền ảo; chúng ta có nhiều trang sức, quần áo hơn mức mình có thể sử dụng, nhiều đồ chơi nhựa hơn số lượng mà con trẻ có thể dành thời gian để chơi và nhiều món đồ lặt vặt hơn có thể hình dung.

Không giống như hàng núi đồ chơi bị vứt lăn lóc trong nhiều ngôi nhà trên khắp nước Mỹ (trong đó có nhà Patrick), những thứ dần mất giá và cuối cùng bị tống vào đống rác hoặc bãi phế liệu, giá trị của những giấc mơ chỉ có thể gia tăng. Chúng nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Chúng định hướng cho chúng ta. Chúng ta có thể bỏ phí nhiều năm tháng để chạy theo vật chất. Nhưng sở hữu giấc mơ là việc lâu dài. Vậy nên thật kỳ lạ khi chúng ta ưu tiên việc sở hữu những món thiết bị tối tân, xe đẹp hay đồ chơi thời thượng hơn việc sở hữu thứ khiến cuộc sống của mình trở nên có ý nghĩa.

Giấc mơ mà bạn đang theo đuổi có hướng về thứ mà bạn có thể sở hữu không? Có, nếu đó là điều bạn lựa chọn. Giấc mơ không cần phải quá phức tạp. Đó là ước mơ chủ quan, cá nhân mà bạn khao khát. Có lẽ là việc thức dậy vào buổi sáng và làm công việc khiến bạn cảm thấy mình được sống, một sứ mệnh mà bạn phải làm. Có lẽ chỉ đơn giản là khả năng làm việc từ xa và được chọn thời gian làm việc phù hợp với bạn. Có lẽ là xuất bản một cuốn sách hay tạo ra dòng thời trang của riêng mình hay bắt đầu sự nghiệp mới trong một lĩnh vực mà bạn luôn tò mò. Có lẽ là kiếm trao đi nhiều tiền hơn so với Bill và Melinda Gates nhằm mục đích cải thiện điều kiện y tế, xóa đói giảm nghèo, giáo dục trẻ em hay bất cứ thứ gì bạn quan tâm. Có lẽ lúc này bạn đang không theo đuổi ước mơ ấy, và vì thế chúng tôi ở đây để giúp bạn thay đổi.

[...]

 

DẤN THÂN VÌ GIẤC MƠ

 

Có một giấc mơ là chưa đủ, bạn còn phải tích cực theo đuổi nó. Hầu hết những người nói không ngừng về giấc mơ nhưng lại chẳng làm gì đều lựa chọn cách không lựa chọn và kết cục là họ phải sống một cuộc đời vô thừa nhận. Họ tự hỏi vì sao mình lại cảm thấy thất bại và ê chề như vậy, nhưng sâu trong lòng, họ biết rằng mình có thể có một lựa chọn khác.

Sự thật là, về dài hạn bạn chỉ có một lựa chọn tốt duy nhất: sở hữu giấc mơ của mình. Nếu từ chối, bạn sẽ trở thành khách trọ trong giấc mơ của người khác. Giấc mơ của họ trở thành thực tại của bạn. Cảm giác đó thế nào? 

Có người sẽ hỏi liệu có thể vừa thuê và vừa sở hữu giấc mơ không. Không. Bạn chỉ có thể là người sở hữu hoặc kẻ đi thuê. Đi thuê có thể cần thiết, nhưng đó chỉ là tạm thời. Nếu thuê giấc mơ, bạn sẽ không thể tạo dựng nền tảng của riêng mình. Bạn phải có một chiến lược rút lui mang lại cơ hội sở hữu giấc mơ riêng. Và đó chính xác là lý do bạn đang đọc cuốn sách này.

 

MƠ QUÁ MỨC

 

Nhiều năm trước khi trở thành “Nữ hoàng của khung giờ vàng” nổi danh (và rất lâu trước khi từ chị em bạn dì cho tới con mèo của bạn đều mê mẩn vì kẻ ngớ ngẩn biến thành Quý ngài Hoàn hảo Patrick Dempsey), Shonda Rhimes, người tạo ra những chương trình truyền hình như Grey’s Anatomy (Ca phẫu thuật của Grey) và Scandal (Bê bối) đã biết rằng ước mơ không đưa cô về phía trước, mà thay vào đó lại kìm chân cô. 

Rhimes đã kể lại chuyện này trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của sinh viên Đại học Dartmouth. “Tôi cứ mộng tưởng như rồ dại,” cô nói. “Tôi cứ mơ và mơ. Và trong lúc mơ mộng, tôi sống trong tầng hầm nhà chị gái. Kết cục của những kẻ mộng mơ là sống trong tầng hầm ở nhà người thân họ hàng, nói cho các bạn biết thế.” 

Mơ càng nhiều thì làm càng ít. Mơ ngày mơ đêm, công việc trong mơ, tình yêu trong mơ, chúng ta đạt đến trạng thái bất động vì mơ quá nhiều. Chúng ta mơ nhiều tới nỗi không thể bước một bước từ mộng tưởng hão huyền tới kết quả thực tế.

Bất cứ ai, ngay cả người bạn thân nhất của chúng tôi, chú chó Simon, cũng có thể mơ.

Đó không phải là vấn đề.

Rhimes lý luận rằng hành động, chứ không phải mơ mộng mới là thứ giúp bạn đạt được cảm giác hài lòng. “Đừng mơ hãy bắt tay vào hành động đi. Có thể bạn biết chính xác mình muốn trở thành người thế nào, hoặc bạn chết đứng vì chẳng biết đam mê của mình là gì. Sự thật là, điều đó không quan trọng. Bạn không cần phải biết. Chỉ cần tiến về phía trước thôi.”

Đó là lời khuyên rất khôn ngoan, và điều này trọng không kém, hãy nhớ rằng sở hữu giấc mơ nghĩa là không chỉ đơn thuần mơ. Nếu bạn thấy khó hiểu, đây là quy tắc đơn giản giúp bạn nhớ: Khi mơ là danh từ, tuyệt vời. Khi mơ là động từ không hay lắm.

Mục đích của bạn là sở hữu giấc mơ, chứ không phải là chỉ mơ thôi.

Bản đồ kho báu của cuộc sống, những cơ hội đang chờ phía trước, chỉ có thể thành hình khi chúng ta chuyển từ MQN (Mơ Quá Nhiều) sang NQM (Nắm Quyền sở hữu giấc Mơ). Điều này chỉ xảy ra khi chúng ta cam kết chuyển từ giấc mơ sang hành động. Khi đó, giấc mơ của chúng ta sẽ trở thành hiện thực. Sự khác biệt tinh vi nhưng quan trọng này dẫn chúng ta tới một kết luận đáng hoan nghênh, một lựa chọn quan trọng nhất: Chúng ta phải dấn thân.

Không ai nói với bạn điều này. Bí quyết để tiến lên là dựa trên những thay đổi nhỏ chứ không phải các biến động lớn. Không cần đến viên thuốc xanh đỏ nào cả. Điều tuyệt vời nhất là bạn có thể tự chọn cuộc phiêu lưu cho mình. Nó sẽ bắt đầu ngay khi bạn muốn, và miễn là bạn vẫn còn sống như khi đang đọc cuốn sách này, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu lại.

- Trích từ cuốn sách: Khát vọng dấn thân

Tags: