Đung đưa trên những đám mây mang đậm màu sắc u hoài của tuổi trẻ. Ở đó mỗi người trẻ như Tôi, như Mimi… đều loay hoay với thế giới xúc cảm của riêng mình và hoàn toàn bất lực trong việc kết nối với thế giới bên ngoài.
Câu chuyện mở ra bằng một giọng văn nhẹ bẫng, vừa êm ái lại vừa buồn bã. Ở đó có cô bé mồ côi Mimi đã lớn lên cùng với cha nuôi và mẹ nuôi trong nỗi cô đơn trần trụi. Mimi bị lạm dụng từ khi bước vào tuổi mười ba. Từ đó cô sống trong trạng thái “đã chết”. Tưởng như mọi điều trong cuộc đời này đều trở nên vô nghĩa.
Mimi được miêu tả là một cô gái đầy những phức cảm bí ẩn. Ở cô vừa có sự đau đớn lại vừa có sự phấn khích, khi cô có thể gặp được người đem đến cho cô cảm giác yêu thương. Nhưng tình yêu nhiều như thế nào để có thể hàn gắn được những vết thương đã quá sâu trong trái tim cô. Cuộc đời Mimi hiện lên như một cơn mộng, nửa thực nửa hư. Sống ở đây là dường như không hề ở đây.
Khi được hỏi về nguyên mẫu của Mimi, tác giả đã nói: “Cô ấy là nỗi ám ảnh về tình yêu mà mỗi người trong đời ai cũng có, giống như tựa đề phiên bản tiếng Pháp của ca khúc “She” (tác giả Charles Aznavour, Herbert Kretzmer) đã được trích dẫn ở đầu truyện, đó là “Tous Les Visages De L’amour” (Muôn mặt tình yêu)”. Có lẽ bắt nguồn từ đó, nên Mimi đã hiện lên như một giấc mơ, ta có thể nhìn thấy rất rõ, nhưng không thể chạm vào. Đây là một nhân vật đầy ám ảnh.
Câu chuyện của Mimi đau đớn và bất an bao nhiêu thì cuộc đời của nhân vật kể chuyện, nhân vật Tôi cũng đầy những u buồn bấy nhiêu. Em sống trong một hạnh phúc giả tạo do chính cha mẹ tạo nên. Và bởi không muốn chứng kiến sự giả tạo ấy, em bắt đầu chạy trốn chính thực tế đời sống này. Em vùi mình trong những trang sách. Em sống cuộc đời của những nhân vật trong trang sách. Em tô vẽ cuộc đời em bằng những giấc mơ, những tưởng tượng và ngôn ngữ. Với em đó là những giây phút sống thực trong cuộc đời này. Còn khi bước vào cuộc đời thực sự, với những con người đang cười nói ở đây, ở kia em đều cảm thấy mình không tồn tại. Tiếng cười, tiếng nói, thậm chí là tiếng khóc chỉ như một điều gì đó thật xa lạ.
Hai nhân vật với những số phận khác nhau, ở cách xa nhau vạn dặm, nhưng sự đung đưa của những cơn mơ đã khiến họ chạm vào nhau, họ gặp gỡ nhau và cảm nhận tình yêu của nhau.
Người đọc được dẫn dắt từng chút vào câu chuyện của họ vừa đồng cảm vừa tha thiết. Chúng ta không thể cắt nghĩa được “tình yêu” mà hai cô gái ấy dành cho nhau. Nó có lẽ là thứ tình yêu trong cõi mơ. Ở đó chỉ có hai người họ hoàn toàn hoà quyện tâm tư vào trong nhau, cố gắng hàn gắn vết thương và lấp đầy những u buồn trong cuộc đời nhau.
“Nói đi nào,” chị ngoái lại và hỏi, “em đã từng yêu ai đó thật lòng chưa? Một ai đó mà chỉ cần họ mỉm cười hạnh phúc, thì em hạnh phúc ấy?”
“Gì cơ?” tôi ngẩng đầu lên, ngây ngô lớn giọng, “Những chuyện yêu đương dại đời như vậy làm sao mà em hiểu được? Em vẫn còn nhỏ mà.”
Những tiếng nói sau cùng của tôi bỗng dưng trở nên thầm thì như tiếng gió thoảng. Dưới ánh trăng vàng hôm ấy chị lại vượt lên trước rất xa, đang cúi đầu để ngắm nhìn một bông hoa cúc dại màu vàng nhỏ bé, chiếc bóng rất mờ, rung rinh dưới ánh sáng của những trụ đèn đường.
Thế nhưng hai tâm hồn dung chứa nỗi buồn quá lớn ấy liệu có thể chia sẻ với nhau? Không. Thật sự họ vẫn là hai thế giới triền miên song song, họ vẫn mải miết đi tìm, vẫn mải miết chiến đấu với những “thất lạc cõi người” của mình. Mimi đã không thể tiếp tục. Mimi đã buộc phải từ bỏ. Cuộc đời u buồn quá. Lối đi nào dành cho những người trẻ như thế?
“Tình yêu của em, tình yêu của mọi người… kỳ thực tình yêu là gì chứ? Tại sao những điều em cảm nhận đều thật xa khác với hầu hết mọi người? Em không biết nơi đâu là sự thật nữa, liệu có thể tin vào thứ gì đây? Có gì không đúng đắn khi em yêu một người con gái.”
Những trang văn đẫm chất thơ
Đung đưa trên những đám mây được viết khi tác giả Nguyễn Hoàng Mai mới 21 tuổi, nhưng ngôn ngữ của Nguyễn Hoàng Mai sắc sảo, uyển chuyển, tươi mới và gợi lên đầy chất nữ tính. Đọc tiểu thuyết Đung đưa trên những đám mây, tôi cảm thấy nó có một bầu không khí rất gần gũi với những tác phẩm văn học Nhật Bản hiện đại. Mimi hay nhân vật tôi khiến người đọc có thể liên tưởng ngay đến Naoko hay Midori, Toru… của Rừng Nauy. Nó là sự gặp gỡ thật thân mật. Họ đều là những người trẻ mất kết nối với xã hội nhưng vẫn khao khát yêu thương cuộc đời, sống trong cuộc đời bằng những khao khát và giấc mơ.
Viết về những vụn vỡ của tuổi trẻ vốn không phải là đề tài mới nhưng Nguyễn Hoàng Mai đã tạo nên được một thế giới riêng cho các nhân vật của mình. Bằng giọng văn đầy nữ tính, bằng không gian của giấc mơ, của sách vở, của âm nhạc… tác giả trẻ đã tạo nên một không gian tuyệt đẹp dành cho những nhân vật của mình. Dù không gian ấy chất chứa một nỗi buồn trải dài từ đầu đến cuối nhưng nó lại là nỗi buồn vô cùng quyến rũ. Nỗi buồn ấy là đặc quyền của tuổi trẻ.
Rồi càng lớn, em càng cảm giác rằng em không được giống với tất cả mọi người. Em không thể lớn giống như họ. Có một ngày em nghĩ rằng mình phải thực tế, phải trưởng thành mau thôi, thì bỗng chốc em nhận ra em không giống với chính mình nữa. Cuộc sống của em thậm chí còn tồi tệ hơn khi lột bỏ những mơ mộng điên rồ, niềm tin ảo tưởng. Tận sâu trong trái tim không ngừng mâu thuẫn, giằng xé. Không biết mình là ai, cứ kẹt lại mãi, ở một nơi chốn lưng chừng.
Trong tiểu thuyết của mình, Nguyễn Hoàng Mai cũng đã nhiều lần sử dụng thủ pháp dòng ký ức để miêu tả hành động và tâm lý của nhân vật. Việc biểu đạt câu chuyện thông qua ký ức đã tạo được chiều sâu cũng như sự phức tạp cần thiết cho mỗi nhân vật, cùng những câu chuyện của họ.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, tác giả trẻ Nguyễn Hoàng Mai đã chia sẻ: “Câu chuyện Đung đưa trên những đám mây, có phần ngẫu hứng loạng choạng giữa hiện thực và mơ, hiện tại và quá khứ. Tuổi trẻ này đôi lúc cũng thế, loạng choạng hoang hoải vấp ngã. Dẫu như thế nào, sự liêu xiêu của tuổi trẻ dường như đã thể hiện những cố gắng, sống như chính mình và sự cố gắng luôn có nhịp điệu riêng của nó, sẽ mang đến một kết quả nào đó”. Nó cũng chính là cách mà những người trẻ đã chọn. Dẫu chênh vênh ra sao, cuộc đời vẫn cứ tiếp diễn theo cách này và cách khác. Số phận người trẻ cũng sẽ rẽ về những phía khác nhau, và cách nào cũng thật đáng trân trọng, như các nhân vật trong Đung đưa trên những đám mây.
“Từ khi chào đời mọi thứ mà em thấy đều chỉ soi rọi qua lăng kính của riêng em. Cuộc sống này đây,” chị nhìn quanh, “em đã trải nghiệm bằng máu, bằng mồ hôi, và hơi thở, và đã trả giá biết bao cho sự trưởng thành.”
“Đó là cuộc sống của em. Không ai hiểu cuộc sống đó hơn chính em, và không ai xứng đáng có quyền quyết định nó hơn chính em được nữa.”
“Đôi khi em có thể viện nhờ đến sách vở, những bộ phim, những bản nhạc… nhưng rốt cuộc em phải tự mình cảm nhận thế giới, bằng đôi tay này, bằng trái tim này, và tự mình quyết định những điều em tin là đúng đắn. Những giọt nước mắt ấy, sự tổn thương, hay là máu… đang cố nói cùng em một điều gì có ý nghĩa.”
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Có hay không tình yêu "từ cái nhìn đầu tiên"?
Mặc dù gặp gỡ và quen biết nhiều người, nhưng bạn vẫn cảm thấy thiếu liên kết với con người
5 cuốn sách tư duy giúp bạn trở nên khác biệt & thành công vượt trội