Đừng đọc Haruki Murakami lúc bạn đang cô đơn
Đừng đọc Haruki Murakami lúc bạn đang cô đơn
Tôi đã từng cố gắng thẩm thấu Kafka bên bờ biển, và giờ nhìn lại mới thấy việc đó thật vô nghĩa. Thay vào đó tôi lại phải lòng cuốn sách “Chạy” của Murakami.

 

Tôi đã nhầm tưởng về Murakami. Tôi đã đánh giá thấp, hiểu nhầm và trên hết – nhìn nhận ông không xứng đáng những gì ông đáng được hưởng. Tôi lao đầu vào mê cung Kafka bên bờ biển, hy vọng tìm thấy cái gì đó ẩn giấu giữa mê cung – và bực bội vì không có “ở giữa” nào cả ngoài một đường uốn lượn dẫn đến một lối thoát khác. Và vì mải tìm một thứ không tồn tại, tôi đã không chú tâm ngắm nhìn những đường cắt tỉa, những lối đi xếp đặt khéo léo và những cú lừa đường ngoạn mục.

Nhưng giờ thì tôi biết. Sau một tuần từ lần đọc đầu tiên và sau khi tham khảo loạt bài đăng thú vị trên hội đọc (Reading group), tôi nhận ra nếu không tìm nổi một lõi trung tâm thì cuốn tiểu thuyết vẫn còn rất nhiều tầng lớp khác để tận hưởng. Như một bạn trên hội đọc nói: “Tôi đang thấy, từng cánh từng cánh nhỏ, tác phẩm của Murakami bung nở từng chút một. Có nhiều khôn ngoan ẩn chứa trong nhiều tầng đan chặt nhau hơn tôi có thể tưởng tượng, hoặc tôi có thể tự hiểu được.”

Có rất nhiều thứ lần đầu tôi không hiểu, về Shinto, về thuyết duy ngã, về chuyện cố hình dung suy nghĩ trong đầu người khác, về giây phút đối mặt cái chết. Tôi cũng đã thay đổi cách nhìn nhận đối với một số mặt chuyên môn trong viết lách. Bài báo đầu tiên của tôi đã than phiền về những thứ tôi cho là phân tích quá đà, làm quá những ý nghĩa tàng ẩn của cuốn sách một cách không tinh tế. Giờ tôi thấy, rất nhiều trong số đó là một phần của cái nền trên thềm sách rộng lớn. Murakami có thể cho một nhân vật của ông giải thích kịch bản Oedipus Rex, có thể say sưa mô phỏng – một cách vụng về - cuộc đời nhân vật này với vở kịch. Nhưng những chi tiết được xây dựng rất nhọc công đó không dẫn ai đến đích. Những biển hiệu được thắp sáng rực rỡ - nhưng nực cười là, tốn điện là vậy, chúng không chỉ bạn đi đâu cụ thể. Giống như cuộc đời – không điểm nào là điểm cuối, không có câu trả lời nào là rõ ràng.

Tôi vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn. Tôi không nghĩ tôi sẽ có bao giờ hiểu được cuốn sách một cách tử tế. Tôi không chắc liệu việc đó có khả thi không nữa. Nhưng tôi sẵn sàng thú nhận, thực sự thì cuốn sách khá hấp dẫn. Tôi cũng hiểu rằng chọn Kafka bên bờ biển làm món khai vị trong bữa tiệc Murakami có lẽ là sai lầm.

 

Từ đó tôi đọc Rừng Na Uy, cuốn sách đã mở một vài cánh cửa đến thế giới Murakami. Xét trên bề mặt thì Rừng Na Uy rõ ràng hơn: ít còn những ma thuật, những thần thoại và tùy hứng. Trong đó có một câu chuyện người tìm cách chào đón cái chết, tìm cách trưởng thành và cuối cùng lạc lõng trong chính tâm trí của mình (một câu chuyện được kể rất khéo, trừ một vài chỗ tả tính dục các nhân vật nữ mà tôi nghĩ là được gõ bằng một tay). Nói cách khác: một câu chuyện rất giống Kafka bên bờ biển và giúp giải thích rất nhiều ý tưởng trong cuốn tiểu thuyết thứ hai. Ví dụ: một cách khác để tới ranh giới bờ sinh tử, góp phần soi sáng một vài điều trong Kafka bên bờ biển cũng về ranh giới sinh tử này.

 

Nên tôi thấy Murakami không phải là tiểu thuyết gia có tác phẩm nên đọc lúc cô đơn. Tôi thấy đồng cảm với ông hơn khi đã bắt đầu ngấm được điều ông muốn làm. Tôi càng thấy đồng cảm hơn nữa vì đã chọn đọc Tôi nói gì khi nói về chạy bộ. Murakami kể chuyện đời với tư cách là một người chạy bộ đường dài và cách ông trở thành nhà văn từ đó.

 

Đây là một trong những cuốn sách về thể thao hay nhất mà tôi từng đọc, đến mức tôi có thể tha thứ cho tác giả bất cứ chuyện gì. Murakami kể chuyện cố chạy từ Athens đến làng Marathon trong tháng Tám bỏng rẫy, “chết vì khát” nhưng không đủ sức đi uống nước. Đây là một trong những kì tích của sự rèn luyện và chịu đựng sống động, ấn tượng nhất tôi từng biết. Đến cuối, chúng ta có thêm một sự cảm động ngọt ngào – một người dân trong làng Marathon đưa tác giả mấy bông hoa từ một chậu cây, khen rằng “anh làm tốt lắm.”

Nhưng tôi yêu cuốn sách này còn vì nó trực tiếp chạm vào tim mình. “Có những thứ chỉ chạy bộ rồi mới hiểu và chia sẻ”, Murakami nói. Và chắc chắn tôi cảm thấy tôi biết ông đang nói về cái gì, vì bản thân tôi cũng dành rất nhiều thời gian chạy huỳnh huỵch trên vỉa hè.

“Một quý ông không nên khoe khoang mình đã tập luyện ra sao. Hoặc ít nhất là tôi thấy thế,” lời Murakami. Tôi cũng thấy vậy, và tôi thấy khá là xấu hổ để nói về điều này khi mà nó giúp tôi cảm thấy mối liên hệ với tác giả. Ông viết ông rất yêu thích chạy bộ, viết một cách tuyệt diệu. Một niềm khoái hoạt thỉnh thoảng có vẻ khó hiểu, giữa trời mưa lạnh, mệt rã rời và xa nhà hàng dặm. Niềm khoái hoạt mà mọi người khác đều không hiểu vì nó chẳng khác gì kẻ điên thích tự nện ngón chân xuống đường. Nhưng cũng đầy kiêu hãnh và vui vẻ đấy chứ. Murakami, một cách đầy kinh nghiệm, khơi gợi cảm giác khát khao thành tựu, cảm giác thỏa mãn khi chân bạn đang có cảm giác tích cực, cảm giác một mình, cô đơn rất gây nghiện: đơn giản là ở đâu đó và chạy.

Khi tôi chạy tôi bảo mình hãy nghĩ đến một dòng sông, và mây. Nhưng căn bản tôi không nghĩ gì cả. Tất cả những gì tôi làm là cứ chạy trong sự trống rỗng thân thiết của chính mình, sự yên lặng choáng ngợp tha hương của chính mình. Và điều đó rất tuyệt vời, mặc kệ người khác nói gì.”

Đúng vậy.

Murakami chạy xa và nhiều hơn tôi, nhưng ông vẫn khiến tôi thấy quen thuộc. Ông giải thích rất rõ tại sao đây là môn thể thao bạn có thể yêu thích dù không thực sự giỏi. Murakami hài lòng thừa nhận ông chạy không giỏi, ít ra là lúc chạy nhanh. Tôi cũng thế - và cũng giống ông, tôi hài lòng. Mục tiêu bây giờ của tôi là chạy 10km trong thời gian ít hơn 45 phút. Vì một vài lý do lần nào tôi cũng trượt mất mục tiêu dù chỉ vài giây, và tôi càng ngày càng khổ sở làm sao để đạt được nó. Tôi lo lúc tôi già đi, mục tiêu cũng sẽ khó hơn rất nhiều.

Nhưng một lần nữa Murakami lúc nào cũng ấm áp và đầy thiện chí. Cuốn sách không chỉ về chạy bộ - nó nói về già đi và lớn lên. “Với tôi – và có lẽ với mọi người khác”, phần đầu trong cuốn sách nói như vậy (“có lẽ” nghe thật thích đúng không?) “đây là lần đầu tôi biết cảm giác già đi, những cảm xúc bây giờ nữa, cũng là lần đầu cảm thấy.” Ông bao bọc những cảm xúc đó bằng một sự mạch lạc tốt đẹp và chân thật. Ông không run sợ trước chuyện sức khỏe yếu đi, nhưng ông cũng nói rất rõ tại sao ông tiếp tục cố gắng: “Lượng tôi có thể tập càng lúc càng đi xuống, hiệu quả cũng giảm sút, nhưng biết làm gì được?”

Có rất ít khi tôi thấy cảm động như khi Murakami chấp nhận, một cách buồn bã, nhịp sống dần chậm lại của ông, nhưng vẫn quyết tâm chạy từng đó như cũ không thay đổi. Tôi thậm chí có thể nói Tôi nói gì khi nói về chạy bộ dạy chúng ta một cách đối mặt với tương lai. Rất tích cực và truyền cảm hứng. Ngay khi tôi đọc xong cuốn sách, tôi liền đăng ký tham gia một đường chạy mới, và tôi khá chắc hàng nghìn độc giả cũng làm vậy rồi. Tôi ngờ rằng, giống tôi, họ cũng đã suy nghĩ nghiêm túc chuyện đi dài hơn xa hơn, và tiếp tục đi hàng năm tới nữa. Và không chỉ có vậy. Nếu tiền và thời gian không thành vấn đề, nhất định tôi sẽ đi tìm nơi Murakami sẽ chạy marathon tiếp theo. Ông kể chuyện ông chạy đua với sự khiêm tốn và dịu dàng dành cho tất cả những người đã cổ vũ cho ông, cho những người bạn cùng đua khác nữa. Vì lẽ đó, tôi rất muốn đi một chuyến và vỗ tay tặng ông một lần.

Trạm đọc

Theo The Guardian

Tags: