Đây cũng chính là thời kỳ đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) sắp kết thúc. Đảng Cộng sản Nga dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ V.I.Lênin đã dũng mãnh tiến hành cuộc cách mạng tháng Mười (24.10.1917 theo lịch cũ -7.11.1917 theo lịch mới) thắng lợi giành được chính quyền về tay nhân dân trên toàn nước Nga. Sau “10 ngày rung chuyển thế giới”, cuộc nội chiến nổ ra ác liệt kéo dài suốt 5 năm (1917-1921) tác động sâu sắc đến tận các gia đình nông dân làm đảo lộn cuộc sống thường ngày của hàng triệu người trên thảo nguyên bao la và ảnh hưởng sâu rộng khắp mọi miền đất nước Nga.
Vốn lớn lên giữa bão táp cách mạng tựa như một nhân chứng lịch sử, Solokhov muốn ghi lại tất cả những biến động long trời lở đất chốn quê hương từng gây ấn tượng mãnh liệt vào chính tâm hồn mình. Bắt nguồn từ cảm hứng chủ đạo ấy, lịch sử đời sống của nhân dân Kozak vùng sông Đông bước vào tiểu thuyết chiếm bình diện thứ nhất.
Những trang viết đầu tiên của tập I được đăng tải trên tạp chí Tháng Mười (tháng 1 đến 10.1928), phản ánh dòng sông êm đềm nên thơ từ bao đời hòa lẫn bầu trời bao la soi bóng xuống thảo nguyên gắn bó mật thiết với dân Kozak cùng đông đảo nhân dân Nga trước và sau cách mạng tháng Mười đến tận cuối cuộc nội chiến. Đó là những thành tố chủ yếu tạo nên tầm vóc sử thi hoành tráng của bộ tiểu thuyết nhiều tập này.
Xuyên suốt 4 tập, bước ngoặt lịch sử quan trọng của nước Nga rộng lớn mang tầm nhân loại hiện ra vô cùng rõ nét. Mạch chính của bộ tiểu thuyết bắt nguồn từ thôn Tarta bên sông Đông gắn liền với diễn tiến của hệ thống nhân vật chính như Grigori, Natalia, Acxinhia, Kosevoi cùng hàng trăm nhân vật thứ yếu; còn nhân dân là hình tượng trung tâm của bộ tiểu thuyets lịch sử đồ sộ này.
Kết cấu hoàn tráng của tác phẩm trước hết nhằm thực hiện hệ thống chủ đề khá phức tạp gắn liền với bức tranh rộng lớn về cuộc nội chiến, mà trung tâm là xung đột quyết liệt giữa một bên Hồng quân cùng nhân dân cách mạng, đối kháng với phía kẻ thù là bọn Bạch vệ cùng lớp đại quý tộc câu kết với bọn can thiệp nước ngoài và một bộ phận dân Kozak chậm tiến đứng về phe phản động chống lại chính quyền xô viết non trẻ. Phần đông nông dân Kozak tầm hiểu biết còn khá mơ hồ, dao động khi ngả về phía cách mạng, khi nghe theo phía kẻ thù xúi giục phỉnh nịnh. Hệ thống các nhân vật xuất hiện đan xen qua nhiều mối quan hệ chằng chịt, tiêu biểu cho nhiều hệ ý thức xã hội, nhiều xu hướng chính trị, tập quán lâu đời khác nhau, gắn liền với phong tục nếp sống địa phương muôn hình nghìn vẻ tựa như tấm gương khổng lồ phản chiếu cuộc đấu tranh nóng bỏng đầy màu sắc đang diễn ra cuồn cuộn trước mắt người đọc…
Tuy vậy, nếu chỉ đọc thoáng qua, hoặc xem phim thì người xem bước đầu đã có thể nhận biết được những nét đặc trưng của thể loại tiểu thuyết hư cấu qua bao câu chuyện xẩy ra giữa cuộc sống hàng ngày từ các gia đình sinh sống giữa thảo nguyên gắn kết với những chuyện tình yêu giữa các đôi lứa nam nữ, cưới hỏi theo phong tục tập quán dưới ánh sáng của tôn giáo. Giữ vị trí trung tâm của kết cấu tác phẩm là các nhân vật trong gia đình lão Pantêlây Mêlêkhov, một trung nông lao động giỏi, tha thiết yêu đất đai, hằng ôm ấp khát vọng sống yên lành giữa xóm thôn, một lòng kính Chúa và trung thành với Nga hoàng. Và Grigori là con trai thứ đã trở thành nhân vật trung tâm xuyên suốt tác phẩm. Anh chàng này bị chao đảo theo nhip sóng dồn dập thăng trầm của cuộc thế chiến thứ nhất và cao trào cách mạng. Cũng từ đấy chất sử thi hiển hiện ngày càng rõ nét. Số phận bi kịch của Grigori tràn đầy mâu thuẫn, phản ánh bước đường lịch sử của dân Kozak trước các tình huống xung đột với phong trào cách mạng; song mặt khác giữa họ với bọn phản cách mạng lại chứa đựng nhiều mâu thuẫn đậm tính giai cấp vừa gay gắt, vừa lâu dài. Nhưng cuối cùng, xuyên suốt tác phẩm là xu thế lịch sử tất yếu thời bấy giờ của đông đảo quần chúng vùng sông Đông qua thử thách nếm trải trước hiện thực cuộc sống, họ được giác ngộ đều hướng theo ngọn cờ giải phóng giai cấp nhằm vươn tới tự do để thoát khỏi quá khứ tăm tối chìm đắm trong cảnh bị bóc lột, đói nghèo và lạc hậu. Cũng vì thế, họ dân dần từng bước hướng theo chính thể mới, đồng tình đứng lên giành quyền sống cho chính họ. Thế là vang lên từ đấy âm điệu anh hùng ca lan tỏa từ đầu chí cuối tác phẩm. Và đó cũng là bức tranh của sự thật lịch sử nóng hổi tựa như đang “bốc khói mùi thuốc súng”.
Tác giả không kể chuyện chiến tranh mà khắc họa chân thực quá trình chuyển biến tính cách của hệ thống nhân vật, mà nổi bật nhất là hình tượng trung tâm Grigori. Rõ ràng nhà văn muốn thể hiện “trong Grigori khát vọng của một con người”, “Grigori mặc dù mắc sai lầm, đã chiếm được cảm tình trong trái tim hàng triệu độc giả” (Solokhov). Nhà văn không vẽ tả chàng là nhân vật tiêu cực, mà là con người xuất thân từ lao động, ẩn chứa tiềm tàng trong mình nhiều phẩm chất tốt đẹp của nhân dân, từng chăm chỉ cày cuốc, gắn bó máu thịt với mảnh đất quê hương. Mặt khác, Grigori tiêu biểu cho bao số phận nhân dân đấu tranh quyết liệt vượt gian khổ nhằm vươn tới ấm no, hạnh phúc. Hơn nữa, chàng ôm ấp khát vọng cháy bỏng về cuộc sống phóng khoáng tự do vùng vẫy theo cảm xúc của chính trái tim mình, mà không lệ thuộc vào tập quán xưa cũ cùng bao khuôn phép chặt chẽ của gia đình và xã hội. Chàng thanh niên kozak này không hề đơn điệu, mà đầy góc cạnh, nhưng vẫn giữ được nhiều nét đẹp tinh thần lẫn thể chất của người lao động, vừa trung thực, nhân hậu, yêu Chúa và dũng cảm đến liều lĩnh.Từng tham gia thế chiến thứ nhất, vốn là sĩ quan cấp đại úy quân đội Nga hoàng, Grigori thẳng thắn tỏ thái độ phản kháng tự phát đối với cuộc chém giết vô nghĩa của chiến tranh và ác cảm trước thói ngổ ngáo, thô lỗ tàn bạo của bọn sĩ quan lớp trên, mặc dầu chàng còn mơ hồ ngộ nhận trong việc chọn lựa con đường đi tới, do hoàn cảnh lịch sử phức tạp và trình độ nhận thức chi phối. Tính cách nhân vật trung tâm này được biến chuyển theo dòng thác cuồn cuộn của cuộc đấu tranh qua bao thử thách nghiệt ngã. Dù đứng ở góc độ nào cũng phải thừa nhận ngòi bút tài hoa của nhà văn đã xây dựng Grigori – một nhân vật vừa biểu hiện số phận con người bị đưa đẩy cuốn theo chiều gió, vừa mang ý nghĩa tìm kiếm chân lý theo truyền thống văn chương hiện thực cổ điển Nga thế kỷ XIX.
Qua Sông Đông êm đềm câu chuyện được tập trung vào đường đời chìm nổi của Grigori, tuy vậy không thể không nói đến số phận đắng cay bi thảm của hai nhân vật nữ Natalia và Acxinhia cùng gắn bó mật thiết với một chàng trai và bị chao đảo theo nhịp đập nội chiến hòa lẫn vào tiếng âm vang của súng đạn… Cuộc tình đắm say ấy không chỉ dừng lại ở cảm xúc lãng mạn giữa hai người, mà còn là một thách thức phản kháng của lớp trẻ đối với những tập quán lạc hậu tối tăm từ bao đời của dân Kozak… Rõ ràng câu chuyện mối tình tay ba ấy đậm chất tiểu thuyết. Không nghi ngờ gì nữa, tài năng của nhà văn được bộc lộ hết sức rõ nét không tách rời bối cảnh ngang trái của tiên trình lịch sử sống động đương thời.Tuy vậy sắc thái cá nhân mỗi người vẫn được khắc họa cụ thể, sinh động và hoàn chỉnh, đúng như thuôc tính cơ bản của chủ nghĩa hiện thực.
Quả là tình thế đấu tranh căng thẳng xô đẩy Grigori cùng Acxinhia dong ngựa trốn chạy khỏi mảnh đất đầy nghịch cảnh chết chóc. Những tưởng hướng tới một miền đất yên bình, họa may nơi đó họ có thể sống bên nhau tận hưởng hạnh phúc trọn đời. Nàng Acxinhia cũng là người phụ nữ đáng thương, mà không đáng trách. Nhưng đau đớn thay, tai họa đã ập xuống đầu họ: – một viên đạn vu vơ của đội thu thuế tuần tra trong đêm đen bắn đuổi xuyên vai, nàng ngã xuống ngựa, rồi tắt lịm ngay trên tay người tình. Giữa bình minh bên dòng sông Đông, Grigori dùng chiếc xẻng đi trận đào huyệt chôn nàng… Cảnh tượng đau lòng này xẩy ra bên dòng sông chứng tỏ dòng Sông Đông không còn nét êm đềm nữa, mà sôi sục theo dòng chảy lịch sử xung đột gay gắt giữa các thế lực chính trị ở nước Nga những năm đầu thế kỷ XX. Hình tượng mặt trời đen trùm xuống mộ nàng Acxinhia và trùm cả lên Grigori, đầu tối sầm, đau đớn, không còn nước mắt để khóc là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo; và thiên nhiên bầu trời mặt đất cũng hòa theo lòng người trước cảnh đạn lạc tên bay! Dòng sông quê hương tắm mát tuổi thơ của Grigori, giờ đây chứng giám tình huống bi đát khủng hoảng tột cùng của nhân vật trung tâm từng bị giằng xé theo sóng gió khôn lường của thời thế. Chẳng phải sau khi lặng lẽ vứt súng xuống dòng sông, Grigori lủi thủi trở về làng sống cô quạnh bên cạnh đứa con nhỏ trong ngôi nhà vắng vẻ nhìn ra dòng sông chẳng còn yên tĩnh…
Rõ ràng là gấp trang sách cuối của bộ tiểu thuyết, người đọc thấy hiển hiện trước mắt mình hàng trăm nhân vật từ cao cấp đến bình dân đan xen giữa hai phía địch ta đều bị chao đảo trước bão táp lịch sử nước Nga và châu Âu ở giai đoạn khủng hoảng gay gắt đầy kịch tính, lúc “mọi thứ đã bị đảo lộn và đang được sắp xếp lại ”.
Nhìn lại quá khứ, chẳng phải xã hội Nga đương thời không có “con đường thứ ba” để tạo đất cho “người hùng” này rong ruổi? Thực chất “nguồn gốc sai lầm của Grigori được xem xét trong những mâu thuẫn và lầm lẫn của bản thân lịch sử” (Serbina).Có thể diễn đạt cách khác là bức tranh lịch sử đất nước Nga đầu thế kỷ XX được khắc họa qua muôn hình nghìn vẻ của hàng loạt hệ thống nhân vật đan cài vào nhau. Ngòi bút tỉnh táo vừa gợi cảm của tác giả nói lên sự thật sinh động và nghiệt ngã của cuộc đấu tranh mất-còn giữa các thế lực ở thời điểm quyết liệt tạo nên giá trị lâu dài cho bộ sử thi.
Tin chắc rằng những thành công trong nghệ thuật của Solokhov vẫn là những kinh nghiệm qúy giá đối với giới cầm bút nước Nga và Việt Nam. Đạt tới thành công rực rỡ đó, chính tác giả từng bộc lô niềm may mắn là đã thừa hưởng được một kho tàng di sản đồ sộ của văn học cổ điển Nga, một suối nguồn phong phú dồi dào chất sử thi, mà sau đậm nét nhất là được thừa hưởng bài học qúy giá từ nghệ thuật biện chứng tâm hồn của đại văn hào Lev Tolstoi.
Ngay trên đất Mỹ, giáo sư D.Stuare cũng đánh giá rất cao: “Sông Đông êm đềm cũng như anh hùng ca Homer là sự phản ánh đời sống và nền văn hóa nhân dân, nó vừa là tác phẩm vĩ đại, vừa có tính nhân dân; những thành tố thẩm mỹ của nó không tách rời nhau, sự kết hợp này các nhà văn phương Tây ở thế kỷ XX như chưa bao giờ đạt được”. (tạp chí New Republic 18/8/1941)
Với tầm nhận thức sâu rộng và tài năng sắc sảo, Solokhov dành trọn đời mình để khắc họa đời sống nhân dân Nga qua từng “số phận con người” đầy kịch tính đậm chất thời sự. Chính vì thế nhà văn đã được thế giới văn chương tôn vinh Giải thưởng Nobel (1965) cùng nhiều giải thưởng văn học khác trên đất nước Nga. Có điểm đáng chú ý là bộ sử thi hoành tráng này đã được khởi thảo rất sớm (1925-1940) khi “lịch sử đang còn bốc khói” mùi thuốc súng của cuộc nội chiến vào lúc nhà văn mới bước vào tuổi hai mươi tràn đầy sức trẻ, chứ không chờ đợi phải có độ lùi dài dài của thời gian tuổi tác tích lũy trải nghiệm như quan niệm của một số nhà văn nước ta từng nêu lên.
Sông Đồng êm đềm đã được dựng thành bộ phim nổi tiếng cùng tên đầy hấp dẫn đối với hàng triệu triệu khán giả trên khắp hành tinh.
Bàn về tiểu thuyết lịch sử, thiết nghĩ các văn nghệ sĩ càn chú ý tham khảo thêm luận điểm khoa học xác đáng của Belinxki (1811-1848) – nhà lý luận mỹ học duy vật Nga lừng danh: “Tiểu thuyết lịch sử như là một điểm mà trong đó lịch sử với tư cách là một khoa học đã kết hợp với nghệ thuật”…
Theo PGS- TS NGUYỄN TRƯỜNG LỊCH - Van.vn