Không phải một thế giới nhân bản vô tính quy củ và nề nếp đến mức đáng sợ như “Thế giới mới tươi đẹp” của Aldous Huxley, Kazuo Ishiguro kể về một thế giới giả tưởng với sự nhân bản vô tính có vẻ nhẹ nhàng và bình thản hơn rất nhiều trong cuốn tiểu thuyết “Mãi đừng xa tôi” (Tựa gốc: "Never let me go"). Những cô, cậu bé sinh ra trong ống nghiệm, không có mẹ cha, không thể sinh đẻ nhưng vẫn được học tập trong một môi trường tử tế tại Hailsham, được đọc viết, được vẽ tranh, làm thơ, được kết bạn, yêu đương như những học sinh bình thường khác. Với góc nhìn từ ngôi thứ nhất, đời sống sinh hoạt hằng ngày, những xúc cảm cá nhân của những học sinh đặc biệt được khắc họa rõ nét và người đọc khó lòng nhận ra có gì khác biệt giữa những học sinh Hailsham và ngay cả chính chúng ta. Có chăng, ta chỉ tưởng như đó là một ngôi trường nội trú dành cho học sinh đặc biệt, mồ côi hay có hoàn cảnh khó khăn nào đó. Học sinh Hailsham. cả về mặt thể chất lẫn tinh thần - họ giống y như chúng ta.
Không ai trong các em sẽ sang Mỹ cả, không ai trong các em sẽ thành ngôi sao màn bạc cả. Và không ai trong các em sẽ làm việc trong siêu thị như cô nghe một số em dự định hôm nọ. Cuộc đời các em đã được định sẵn cho các em rồi. Các em sẽ thành người lớn, thế rồi trước khi các em già đi, thậm chí trước khi các em đến tuổi trung niên, các em sẽ bắt đầu hiến những cơ quan nội tạng trọng yếu của các em. Mỗi người trong các em đều được tạo ra để làm việc đó. Các em không giống những diễn viên mà các em xem trong băng video, thậm chí các em cũng không giống như cô. Các em được mang đến thế giới này với một mục đích, và tương lai của các em, tất cả các em, đã được định đoạt.
Và bi kịch là ở chỗ, dù cho có một thể chất và trí tuệ không có gì khác biệt với người bình thường, những học sinh nhân bản lại gần như chấp nhận số phận đó. Việc được sinh ra, lớn lớn và hiến tạng rồi chết đi ở lứa tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất cũng vì thế mà trở thành lẽ dĩ nhiên, không ai thắc mắc hay phản đối, không ai muốn đứng lên, không ai cần trăn trở. Họ chỉ là những con tốt thí trên bàn cờ cuộc đời - những con tốt thí không bao giờ có khả năng phong Hậu.
Có chăng, những con tốt thí học tại Hailsham như Kath, Tommy và Ruth chỉ là những con tốt may mắn hơn. May mắn hơn bởi thay vì phải chịu đựng những sự khắc nghiệt bạo tàn dành cho người nhân bản ngoài kia, họ được sống và lớn lên tại Hailsham - nơi coi họ như những con người bình thường. Dù chẳng có cha mẹ hay người thân, họ vẫn khao khát đi tìm “nguyên mẫu” của chính mình, vẫn luôn trăn trở mình là ai, vẫn khát khao được sống và được yêu. Cái sự vùng vẫy và chống đối của Kath, Tommy và Ruth có thể chỉ như muối bỏ biển, nhưng trong sâu thẳm họ vẫn không ngừng vùng vẫy, không ngừng ngụp lặn giữa đại dương tàn độc, những mong được một lần vươn lên mặt biển để hít hà thứ không khí trong lành thực sự, để được sống như một con người. Dù đó không phải là cả cuộc đời, dù cho đó chỉ là một năm, ba năm được hoãn cái số mệnh trớ trêu lúc nào cũng treo trên đầu họ thì họ vẫn chiến đấu, vẫn bền bỉ theo đuổi, vẫn không thôi hy vọng.
Thú vị lắm. Nhưng hồi đó tôi cũng chẳng đọc được tâm tư người khác hơn gì bây giờ. Tôi khóc vì một lý do khác. Khi tôi quan sát em múa lần đó, tôi thấy một điều khác. Tôi thấy một thế giới mới đang đến nhanh chóng. Khoa học hơn, hiệu quả hơn, thì đúng. Nhiều cách chữa hơn cho những căn bệnh trước kia. Hay lắm. Nhưng là một thế giới nghiệt ngã, độc ác. Còn đây tôi thấy một cô bé, mắt nhắm tịt, ghì chặt vào ngực mình cái thế giới tử tế và nhân hậu trước kia, cái thế giới mà trong thâm tâm cô biết rằng không thể còn lại nữa, cho nên cô ghì chặt nó vào lòng, cầu xin đừng bao giờ để cô xa nó…
Ngòi bút của Kazuo Ishiguro tưởng như bình lặng nhưng thật sự lại cứa sâu. Những nhân vật tưởng như chấp nhận thực ra lại khát khao trì hoãn. Cuốn sách không chỉ là những day dứt về một kiếp sống, mà còn là day dứt về những ký ức không thể nào níu lại.
Anh cứ nghĩ mãi về một dòng sông ở nơi nào đó, nước chảy rất xiết. Rồi có hai người đang ở dưới nước, cố ôm chặt nhau, ôm riết nhau hết sức bình sinh, nhưng rốt cuộc cũng không giữ nổi. Dòng nước quá mạnh. Họ đành rời nhau ra, trôi mỗi người một ngả. Anh nghĩ về chúng mình như vậy đó. Thật đáng tiếc, Kath ạ, bởi chúng mình đã yêu nhau suốt đời. Nhưng rốt cuộc chúng mình cũng không thể ở bên nhau mãi mãi.
Cứ thế, tác giả vẽ nên bức tranh đa sắc về những số phận trớ trêu. Trong trang sách cuối cùng, người ta thấy Kath đứng giữa vùng đồng cỏ mênh mông hoang hoải, nơi chẳng có gì ngoài hàng rào dây kẽm gai và vài ba ngọn cây vương đầy rác rưởi. Chẳng có gì còn lại nữa. Ruth đã xong hẳn, Tommy rồi cũng ra đi, Hailsham thì đã đóng cửa. Những thứ giăng mắc kia phải chăng chính là những gì Kath đã đánh mất? Tuy chẳng còn lại gì, nhưng những kỷ niệm thì sẽ chẳng bao giờ mất đi. Nước mắt cô rơi, nhưng cô không khóc, từ đầu đến cuối chỉ là một sự tĩnh lặng đầy trớ trêu.
Bạn cũng sẽ không khóc, không tức giận hay phẫn nộ khi đọc “Mãi đừng xa tôi”. Bạn chỉ buồn, buồn một nỗi buồn trùng điệp và ám ảnh mãi về sau về số phận và giá trị thực sự của con người nơi thế giới giả tưởng mà như là hiện thực kia. Kazuo Ishiguro đã vượt lên trên những giả lập thông thường để viết lên một tác phẩm xứng tầm Nobel với những triết lý nhân sinh sâu sắc, mà như ông nói:
“Đây là một tin kỳ diệu và bất ngờ dành cho tôi. Nó đến vào thời điểm khi thế giới này đang dần trở nên bất ổn. Tôi hy vọng niềm vinh dự lớn lao dành cho tối sẽ góp phần nhỏ bé mang lại những thiện chí và bình an cho thế giới.”
Phanh.
Trạm Đọc