"Sáng tạo và không ngừng đổi mới trong tư duy văn hóa công ty là cách tốt nhất để phát triển môi trường làm việc năng động, đầy cảm hứng sáng tạo trong việc làm sách tại Alpha Books"- ông Nguyễn Cảnh Bình (Chủ tịch HĐQT Alpha Books, Viện trưởng Viện Lãnh đạo ABG) chia sẻ trong buổi gặp gỡ khách mời tham quan tại không gian làm việc của Alpha Books.
Phong cách khác biệt của một nhà lãnh đạo
Không có thói quen sử dụng máy tính làm việc tại văn phòng, 10 năm nay trong phòng riêng của Chủ tịch HĐQT Alpha Books, ông Nguyễn Cảnh Bình chỉ có bộ sofa để tiếp khách, một chiếc kệ sách, không máy tính, không bàn làm việc như thông thường. Tất cả công việc tại văn phòng đều được ông Nguyễn Cảnh Bình xử lý trên chiếc điện thoại di động. Ông dành phần lớn thời gian để chia sẻ trực tiếp với đối tác, trao đổi với nhân viên và không phụ thuộc quá nhiều vào máy tính.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Cảnh Bình cho rằng: "Với quan điểm của tôi, đã là một người lãnh đạo thì cần tương tác, trò chuyện trực tiếp với nhân viên và khách hàng. Nếu đã sử dụng máy tính và internet tôi sẽ làm việc trực tuyến tại nhà, chỉ đạo và xử lý công việc từ xa chứ không nhất thiết phải đến văn phòng làm gì".
Văn hóa "đặt tên" và không gian mở
Văn phòng công ty Alpha Books được thiết kế mở, tất cả các phòng ban cùng chung một không gian làm việc, không chia cách bởi các phòng kín riêng biệt như thông thường. Điều này tạo nên sự tương tác trực tiếp, gắn kết, hỗ trợ hiệu quả lẫn nhau trong công việc.
Ông Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ, một trong những nét đặc trưng tại Alpha Books là văn hóa "đặt tên". Từng có dịp đặt chân đến quần đảo Trường Sa, ông Nguyễn Cảnh Bình đã có tình yêu rất lớn với quần đảo của đất nước. Khi thành lập văn phòng của Alpha Books, ông đã gọi tên là Alpha Island (Đảo Alpha) để thể hiện tình yêu lớn lao với biển đảo Việt Nam và đem lại tâm thế làm việc thoải mái cho cán bộ nhân viên trong công ty.
Không giống bất cứ một văn phòng làm việc thông thường, tại Công ty Cổ phần Sách Alpha, phòng Chủ tịch HĐQT sẽ gọi bằng cái tên khác lạ: Nam Yết (tên hòn đảo duy nhất có nước ngọt trên quần đảo Trường Sa), phòng họp chung có tên gọi là Trường Sa, phòng Sinh Tồn là tên gọi thay cho phòng phỏng vấn,... Điều này giúp xóa bỏ khoảng cách giữa nhân viên và nhà lãnh đạo. Tạo nên tính sáng tạo mới mẻ trong môi trường làm việc tại Alpha Books.
Không chỉ thế, tại Alpha Books còn có cả một "Từ điển Siêu Alpha học hài hước" với những định nghĩa được sử dụng trong nội bộ công ty: Alphis là từ chỉ nhân viên chính thức của Alpha Books; Alfun chỉ một nhóm khởi xướng các hoạt động văn hóa tại Alpha Book được tuyển chọn theo nhiệm kỳ 1 năm/ lần; Happy Room là cách gọi thay cho nhà vệ sinh; hay "Bão" là một từ lóng để nhân viên ngầm hiểu hôm nay tâm trạng sếp không vui,...
Bữa trưa kết nối
Bếp ăn chung cho toàn bộ cán bộ nhân viên Alpha Books ra mắt vào tháng 10/2010 với cái tên Alpha Bếp, đây là nơi mang lại những bữa trưa ngon miệng và ấm cúng cho các cán bộ, nhân viên trong công ty. Từ khi có Bếp, Alpha Books đã trở thành một ngôi nhà thật sự, không còn tình trạng các "Alphis" "tùy cư di tản", "thân ai nấy lo". Tất cả cán bộ nhân viên luôn rộn ràng tiếng cười vui vẻ bên những mâm cơm cùng đồng nghiệp.
Ông Nguyển Cảnh Bình cũng khởi xướng ra việc đặt tên bàn và tổ chức bốc thăm chọn chỗ để không khí bữa trưa không tẻ nhạt. Thứ 2,4,6 trong tuần, nhân viên được tùy chọn chỗ ngồi, có thể ăn chung theo phòng ban. Thứ 3,5 nhân viên được tổ chức bốc thăm để mọi người ở các phòng ban khác nhau được ngồi đan xen với mục đích tạo sự kết nối, tương tác trong nội bộ công ty.
"Tôi đặt nhiều cái tên hài hước, độc lạ cho bàn ăn như bàn "ăn tham", bàn "địa ngục"... Tôi luôn mặc định mình dùng bữa trưa tại bàn "địa ngục", nhân viên bốc thăm vào bàn này sẽ tự hiểu: "À! hôm nay được ăn cùng bàn với sếp". Đó là cách tôi tạo nên không khí vui vẻ và có cơ hội gần gũi với tất cả anh em trong công ty", ông Nguyễn Cảnh Bình cười nói.
"Đối với Alpha Books, ưu tiên hàng đầu là văn hóa công ty. Nếu phát triển được môi trường văn hóa tốt, những khía cạnh khác như chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng, mối quan hệ với đối tác, xây dựng thương hiệu và kết quả kinh doanh cũng sẽ tự nhiên đến.
Để làm được điều này, tôi luôn cố gắng để các thành viên hiểu được văn hóa công ty và trở thành một phần trong nền văn hóa đó. Còn nếu để gọi thành tên văn hóa công ty tại Alpha Books, tôi nghĩ rằng có thể sẽ là "cuộc sống và hơi thở". Đơn giản vì tôi nghĩ rằng, để làm việc hiệu quả và sáng tạo không ngừng hãy cứ coi công việc như chính cuộc sống, như hơi thở tự nhiên hàng ngày của mình", ông Bình nói.
Ngọc Linh | Dân Trí