Đọc “Trật tự Thế giới” của Herry Kissinger để hiểu vì sao Việt Nam không phải là người chơi chính trên bàn cờ thế giới
Đọc “Trật tự Thế giới” của Herry Kissinger để hiểu vì sao Việt Nam không phải là người chơi chính trên bàn cờ thế giới
Cuốn sách “Trật tự thế giới” của Henry Kissinger vừa ra mắt đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả, nhất là các nhà khoa học và chính khách trên thế giới. Tận dụng lợi thế vừa là một nhà nghiên cứu lại vừa là chính khách dày dặn kinh nghiệm, Kissinger viết tác phẩm này như là một cách để tổng hợp lại cách nhìn của ông về bức tranh địa chính trị thế giới.
Trật tự thế giới
(31 lượt)

Quan điểm của các nước về “trật tự thế giới”

Ngay từ những trang đầu của cuốn sách, tác giả đã dành một thời lượng đáng kể để nêu rõ quan điểm của các khu vực và quốc gia tiêu biểu về “trật tự thế giới”.

Chẳng hạn như, từ thế kỷ 17, ý tưởng về “trật tự thế giới” tại châu Âu đã được các chính khách áp dụng trong phạm vi địa lý mà họ biết. Do không có cách nào đo lường sức mạnh của các khu vực với nhau nên quốc gia nào ở Trung Âu cũng tự coi mình như là “khuôn mẫu cho mô hình chính danh của cả nhân loại và tưởng tượng rằng, bằng việc cai trị những gì bày ra trước mặt, họ đang sắp đặt trật tự thế giới”.

Khác với châu Âu, tại Trung Hoa, Hoàng đế tự xưng là thiên tử và là người nắm quyền cao nhất trong hệ thống tôn ti trật tự về chính trị và văn hoá. Người Trung Quốc coi mình là trung tâm của thế giới và sẽ định hình trật tự thế giới bằng nền văn hoá vĩ đại cùng nền kinh tế hùng mạnh của mình. Để thực hiện mục tiêu thống nhất thiên hạ, họ sẵn sàng khiến các xã hội khác cảm thấy kinh sợ.

Trong khi đó, với sức mạnh vô tiền khoáng hậu, từng thống nhất thế giới Ả-rập, tiếp quản tàn dư của Đế quốc La Mã, hợp nhất Đế quốc Ba Tư, cai trị Trung Đông, Bắc Phi, nhiều dải đất ở châu Á và một phần ở châu Âu, cách nhìn của Hồi giáo về trật tự thế giới là phải bành trướng khắp các vùng đất do dân vô thần cư trú, cho đến khi cả thế giới là một hệ thống đơn nhất, không thể chia tách.

Còn quan điểm của Mỹ về trật tự thế giới lại là “hoà bình và cân bằng sẽ diễn ra tự nhiên, những hận thù xa xưa sẽ được gạt qua một bên khi các quốc gia khác được trao quyền phát ngôn”. Vì thế, chính sách đối ngoại của Mỹ luôn hướng đến việc xây dựng những nguyên tắc chung. Qua thời gian, Mỹ trở thành nước bảo vệ cho trật tự thế giới mà châu Âu đã thiết kế. Tuy vậy, Mỹ lại không muốn làm theo hệ thống cân bằng quyền lực của châu Âu mà muốn đạt được hoà bình thông qua việc truyền bá các nguyên tắc dân chủ.

Riêng về phần mình, Kissinger vẫn ủng hộ quan điểm của châu Âu về trật tự thế giới được xây dựng dựa trên khuôn mẫu của Hoà ước Westphalia. Bản hoà ước này đề cập đến các nguyên tắc độc lập, dân tộc, vị thế quốc gia (không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau). Không những vậy, Kissinger cũng nhận định, việc các chính phủ cho rằng, họ tham gia vào liên minh là nhằm duy trì cán cân thăng bằng, chỉ là lời nguỵ biện mà thôi. Thực chất, bất kỳ hành động nào của mỗi chính phủ đều phục vụ cho lợi ích quốc gia của họ. Đây là lối tư duy dựa trên cơ sở “phần thắng luôn thuộc về kẻ mạnh”. Và đó cũng là lời cảnh báo cho các quốc gia, nhất là các quốc gia nhỏ bé, phải tự lực tự cường, nâng cao vị thế của mình so với các cường quốc khác.

Dưới con mắt của một chính trị gia lão luyện, Kissinge cho rằng, các nước lớn là chủ thể có vai trò tạo ra và chi phối “trật tự thế giới”. Còn các nước nhỏ, dù có chủ quyền độc lập đi chăng nữa, cũng không phải là người chơi chính trên bàn cờ thế giới. Qua đó, ta nhận thấy rằng, dù Trung Quốc và Mỹ quan niệm khác nhau về vai trò của mình trong cán cân quyền lực thế giới nhưng bởi hai siêu cường này có quyền lợi gắn bó chặt chẽ với nhau nên họ luôn tự nhận thấy cần tự kiềm chế và tránh đụng độ trực tiếp vì thiệt hại mà họ phải hứng chịu trong trường hợp xảy ra xung đột thật khôn lường.

Việt Nam chỉ là một tác nhân ảnh hưởng đến Mỹ, người chơi chính trên bàn cờ thế giới

Bàn về Việt Nam, Kissinger lại cho rằng, Việt Nam chỉ là một tác nhân ảnh hưởng đến Mỹ, một cường quốc tham gia vào trật tự thế giới. Trong chiến tranh lạnh, việc Mỹ quyết định can thiệp và ngày càng lún sâu vào cuộc chiến ở Việt Nam thực sự đã làm nảy sinh nhiều cuộc tranh luận nảy lửa ở Mỹ, khiến nội bộ nước này rơi vào tình trạng mâu thuẫn sâu sắc.

Kissinger viết: “Chính quyền Kennedy đã đi gần với việc tham chiến và chính quyền Johnson đã thực sự tham chiến vì tin rằng cuộc tấn công của Bắc Việt Nam vào Nam Việt Nam là mũi nhọn của Xô – Trung nhằm tiến tới sự thống trị toàn cầu và điều này cần phải bị quân đội Mỹ ngăn chặn, không để tất cả các nước Đông Nam Á rơi vào tay cộng sản”.

Trong khi đó, nhiều người lại cho rằng, chính Mỹ là nguyên nhân gây ra nỗi đau khổ cho người dân Đông Dương và cần phải nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến này.

Kissinger cũng kết luận rằng, “Mỹ đã lần đầu tiên thua trận và cũng đánh mất đi mối liên hệ với khái niệm của mình về trật tự thế giới”.

Các quan điểm trong cuốn sách “Trật tự thế giới” của Kissinger không chỉ xuất phát từ quan điểm cá nhân của một chính khách Mỹ mà ít nhiều thể hiện quan điểm của bản thân nước Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Vì vậy, cuốn sách tham khảo này thực sự có giá trị giúp ta hiểu hơn về bức tranh địa chính trị quốc tế trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

Tiến sĩ Henry Alfred Kissinger (sinh năm 1923) là người Mỹ, sinh tại Đức, gốc Do Thái. Ông từng là Ngoại trưởng Mỹ (nhiệm kỳ 1973-1977), Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ (nhiệm kỳ 1969-1975). Giải Nobel Hoà bình năm 1973 vì những đóng góp cho cuộc đàm phán chấm dứt sự can dự của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Kissinger đóng vai trò then chốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ giai đoạn 1969-1970, giúp giải toả bớt mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô; ông cũng là một trong những nhân vật chính tham gai nối lại quan hệ Trung – Mỹ.

Minh Phương

Tags: