Gốc rễ hành vi và cảm xúc: Chúng ta là những con bò sát?
Gốc rễ hành vi và cảm xúc: Chúng ta là những con bò sát?
Dựa trên cách thức hoạt động của hành vi và cảm xúc, não người được chia thành ba lớp từ trong ra ngoài với chức năng phức tạp dần cho thấy lịch sử tiến hóa từ động vật bậc thấp đến hình thái tiến hóa cao hơn là con người, mỗi phần phụ trách thể hiện các hành vi khác nhau. Các phân tầng này được gọi lần lượt là “não bò sát”, “não thú” và “não người”.
Thuật toán hành vi và cảm xúc
(50 lượt)

Theo các quan điểm sinh học hiện tại, chúng ta đã quá quen thuộc với kiến thức rằng não bộ con người được chia thành ba phần rõ rệt bao gồm: đại não (nơi quyết định tất cả nhận thức và hành vi con người), trung não, tiểu não và các dây thần kinh. Đó chỉ là một trong những hệ quy chiếu đơn giản nhất mà chúng ta có thể nhìn nhận về bộ não con người, nhưng hãy thử phân tích nó theo một hướng khác

Vào thập kỷ 60 thế kỷ XX, nhà thần kinh học Paul McLean đã đưa ra một lý thuyết chuyên sâu có sức ảnh hưởng rất lớn trong phân tích cơ chế hoạt động của bộ não đến cảm xúc và hành vi của con người. Ông đặt tên cho lý thuyết này là «mô hình não ba trong một”. Dựa trên cách thức hoạt động của hành vi và cảm xúc, não người được chia thành ba lớp từ trong ra ngoài với chức năng phức tạp dần cho thấy lịch sử tiến hóa từ động vật bậc thấp đến hình thái tiến hóa cao hơn là con người, mỗi phần phụ trách thể hiện các hành vi khác nhau. Các phân tầng này được gọi lần lượt là “não bò sát”, “não thú” và “não người”.

Tuy rằng học thuyết của Paul McLean hiện nay đang bị rất nhiều nhà khoa học phản biện, nhưng không thể phủ nhận rằng nghiên cứu này đã có đóng góp to lớn trong phân tích chuyên sâu về hành vi con người, với những giá trị quan trọng nhất định mà chúng ta có thể dựa vào khai thác, chứng minh gốc rễ hành vi và cảm xúc của xã hội.

  

Não bò sát: Kiểm soát những hành vi về bản năng  

 

Lớp trong cùng và cổ xưa nhất là “não bò sát”. Sở dĩ gọi vậy vì nó có cấu trúc và chức năng tương tự như ở não của các loài bò sát. Phần não này phụ trách các chức năng sống còn, sinh học của cơ thể như: nhịp tim, thở, nhiệt độ cơ thể, sự thăng bằng.

Não bò sát cũng chịu trách nhiệm cho những hành vi mang tính chất bản năng như hành vi không có tính phản kháng, các phản xạ không điều kiện nhằm bảo vệ chúng ta trước các tổn thương sinh lý, lựa chọn trong phản ánh hành vi của chúng ta chỉ có thể là “Chiến”, “Biến” hoặc “Liệt” (đấu tranh, chạy trốn hoặc không phản kháng). Các phản xạ này diễn ra ngay lập tức như một lập trình tạo sẵn mà không qua phân tích.

 

Não thú: Kiểm soát cảm xúc  

 

Phần não này phát triển mạnh ở các loài động vật có vú. Đây là trung khu cảm xúc của con người, và là bộ máy điều khiển hệ thống miễn dịch, hóoc-môn và giấc ngủ. Não thú có khả năng ghi nhớ lại các liên kết nhân-quả đã xảy ra trong quá khứ, và dùng các ký ức này để đánh giá tình huống hiện tại. Do đó, nó đóng vai trò như một van năng lượng, khi tiếp nhận thông tin và đánh giá (tốt hoặc xấu, vui hoặc buồn), não thú sẽ đẩy thông tin xuống “não bò sát”, hoặc đưa lên “não người”, tùy vào đánh giá để đưa ra hành vi phù hợp. Vì vậy, tùy vào kết quả đánh giá, nó sẽ sinh ra các cảm xúc tương ứng để chi phối hành vi con người.

 

Não người: Lý luận, tưởng tượng 

 

Đây là lớp ở ngoài cùng chiếm phần lớn thể tích não bộ, phát triển mạnh trên các loài động vật bậc cao, đặc biệt là con người. Phần này được chia thành hai bán cầu đại não, và chi chít các nếp nhăn. “Não người” là trung khu suy nghĩ, suy luận logic nhằm kết hợp thông tin và tạo ra thông tin mới để phát triển ngôn ngữ, lý luận, tư duy trừu tượng, tưởng tượng, ý thức và điều khiển hoạt động sáng tạo. Đây cũng là phần khiến con người chúng ta có khái niệm về tương lai, và là loài duy nhất nhận thức được rằng mình sẽ chết. Cũng chính nhờ có phần này mà những thứ tốt đẹp như ước mơ hay lòng nhân ái mới được hình thành.

Hiểu về phân tích cảm xúc và hành vi thông qua bộ não không có nghĩa chúng ta luôn luôn phản ứng đúng như thế trong mọi tình huống. Có nghĩa là khi thông tin đưa vào “não thú”, nếu chúng ta nhận định rằng đây là thông tin tốt, nó tốt nên sẽ được đưa lên “não người” để phân tích, xử lý và phản ứng. Ngược lại, nếu chúng ta cho rằng thông tin tiếp nhận là xấu thì năng lượng sẽ bị đẩy xuống “não bò sát” để cư xử theo bản năng. Nó tùy thuộc vào cách chúng ta lập trình thói quen trong cuộc sống.

Tôi lấy một ví dụ như thế này: bạn hãy thử nhắm mắt, tưởng tượng theo tình huống sau đây và suy nghĩ xem chúng ta sẽ dùng não nào trong ba loại để xử lý tình huống.

“Vào một ngày đẹp trời bạn lái chiếc xe máy mới mua của mình ra đường nhưng tình cờ một thằng bé chừng mười tuổi đàm phải bạn và "làm xước mất một đoạn sơn.” Bạn sẽ hành xử như thế nào?

Có hai tình huống khả năng sẽ xảy ra:

Một là, bản chất đen tối của bạn sẽ bộc lộ, kỹ năng ngôn từ “thăng hoa”, nào là: “ĐM, mày đi như thế à?” “Không có mắt hay sao?”, “Đền tiền xe mới cho bố mày đi”... hoặc nặng hơn sẽ là vung tay chân. Lúc này thông tin đã đi vào “não thú”, sau khi được đánh giá rằng đây là cảm xúc tiêu cực, thông tin sẽ đẩy xuống “não bò sát”, và hẳn là bạn đang chọn “chiến”.

Hai **, nhẹ nhàng hơn một chút với cách cư xử: “Em có sao không?”, “Có bị thương ở đâu không?”, “Lần sau cẩn thận hơn chút nhé”... Lúc này thông tin từ “não thứ” quyết định rằng đây tình huống có thể giải quyết vui vẻ, nên sẽ được đẩy lên trên, và dĩ nhiên thể hiện lòng nhân ái sẽ là cách ứng xử của não người.

Tôi lấy một ví dụ khác. Nếu thay đổi vị trí đứa bé nói trên là một thanh niên bặm trợn, cơ bắp vạm vỡ, xăm trổ kín người, thì hãy xem phản ứng tức thời mà không cần suy nghĩ của bạn như thế nào?

Một là, bạn tìm cách xin lỗi đủ đường, (mặc dù bạn chẳng sai tí nào), và tìm cách chuồn đi nhanh nhất có thể. Đó là “biến” – Phản ứng tức thời tự bảo vệ bản thân khỏi hiểm nguy.

Hai là, với cách đánh giá tình huống tích cực rằng “anh chàng đó nhìn vậy thôi chứ không có gì cả”, lúc đó bạn sẽ có cách cư xử như tình huống ban đầu, nhẹ nhàng và win-win.

Nhưng đôi khi tình huống “chiến” sẽ xảy ra xuất phát từ đối phương, thì bạn sẽ quay lại cách cư xử của tình huống ban đầu như ví dụ ở trên. Còn xử lý như thế nào thì tùy thuộc vào bạn đẩy van năng lượng xuống “não bò sát” hay “não người” nhé.

Hoặc, bạn sẽ có cách thức thứ ba là: ấp a ấp úng không biết xử lý thế nào, tay chân lạnh toát, sợ hãi. Đó gọi là “liệt”.

Điều tôi muốn nói ở đây là: việc chúng ta hành xử như thế nào, việc chọn loại não để xử lý tình huống là bản chất của con người, nó được hình thành qua quá trình trưởng thành, luyện tập và học hỏi từ những người xung quanh. Do đó, bạn bè và gia đình là yếu tố quan trọng để hình thành tính cách, cư xử và cảm xúc.

Nếu luôn suy nghĩ tích cực theo “não người” thì chúng ta sẽ có cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Hãy luôn có cảm xúc tích cực.

Bài viết được trích lược từ cuốn Thuật toán hành vi và cảm xúc của tác giả Nguyễn Xuân Thanh. Cuốn sách nằm trong tinh tuyển Tủ sách TƯ DUY - TÂM LÝ của Alpha Books. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm tại đây.

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

 
 
 
Tags: