Đọc để “bồi dưỡng tinh thần” và “trau dồi nhân cách”
Đọc để “bồi dưỡng tinh thần” và “trau dồi nhân cách”
Đến với Café Sách số thứ 5, Trạm Đọc trò chuyện với một cô gái vô cùng tài năng với ước mơ trở thành “Nhà ngoại giao nhân dân” – Nguyễn Thị Vân Anh, nguyên chuyên gia truyền thông Chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Hiện nay, Vân Anh đang là du học sinh bậc Thạc sỹ ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia.

Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1990, tốt nghiệp học Học viện Ngoại giao, hiện đang theo học bậc Thạc sỹ ngành Quan hệ Quốc tế - Đại học Columbia, Hoa Kỳ.

Chị từng là Trưởng ban tổ chức và marketing CLB Ngoại giao và tranh biện, Đại học Columbia; Chuyên gia Truyền thông - Chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc UN Volunteers tại Việt Nam; Giảng viên chương trình tập huấn "Thanh niên hành động xoá bỏ bạo lực giới" của UN Women tại Việt Nam; Cựu Đại sứ Hội nghị lãnh đạo trẻ 2014 thuộc Dự án quan hệ quốc tế của Đại học Havard tại châu Á.

 

Chị từng chia sẻ ước mơ trở thành " một nhà ngoại giao nhân dân, một nhà hoạt động tích cực trong lĩnh vực phát triển", để thực hiện giấc mơ này chắc hẳn sẽ phải trở thành một người có kiến thức uyên bác. Theo chị, việc đọc có vai trò như thế nào trong việc tiếp cận tri thức?

 

Mình nghĩ rằng việc đọc có tầm quan trọng rất lớn, không những trong việc tiếp cận, nâng cao tri thức của mỗi cá nhân mà còn cả trong việc bồi dưỡng tinh thần và trau dồi nhân cách.

 

Tuy nhiên để việc đọc diễn ra một cách lành mạnh, hiệu quả và có trọng tâm; điều cần đặc biệt chú trọng là nội dung và phương pháp đọc, hay nói cách khác là đọc cái gì và đọc như thế nào. Trong thời buổi ngày nay khi mà việc tiếp cận thông tin đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết và nội dung truyền tải ngày một đa dạng, người đọc càng phải lưu tâm hai vấn đề nói trên.  Đối với tinh thần, hiểu biết và trí lực con người, những nội dung mà chúng ta  tiếp cận và thu nạp thông qua việc đọc cùng với phương pháp đọc cũng có vai trò giống như thức ăn đối với cơ thể sinh học của mỗi người. Muốn cơ thể khoẻ mạnh thì phải ăn uống đủ chất, hợp vệ sinh và thói quen ăn uống phải khoa học. Tinh thần có lạc quan hay không, vốn hiểu biết có phong phú hay không, trí lực có mạnh mẽ hay không phụ thuộc rất nhiều vào thói quen đọc sách cũng như sự đa dạng, lành mạnh của những nội dung mà ta đọc hàng ngày.

 

 

Vân Anh chụp cùng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia tại Hội nghị Nữ lãnh đạo trẻ Asean – Malaysia

 

Chị thường đọc những loại sách gì?

 

Mình thường đọc các sách  về lịch sử, chính trị, ngoại giao, tâm lý. Tiểu thuyết cũng là một thể loại yêu thích của mình khi mình muốn đọc để thư giãn. Các tác giả trong nước mà mình tâm đắc là Bảo Ninh, Nguyễn Ngọc Tư, Hồ Anh Thái; ngoài nước thì có Mạc Ngôn và Chimamanda Ngozi Adichie.

 

Trong những sách đã đọc đó, cuốn sách nào khiến chị cảm thấy tâm đắc nhất?

 

Một trong những cuốn sách mà mình luôn cảm thấy tâm đắc là "Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger" của tác giả Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ. Bản thân mình học được rất nhiều điều từ cuốn sách này, từ lịch sử chống Mỹ của dân tộc, sự hóc búa trong việc vận dụng chiến lược vừa đánh vừa đàm trong chiến tranh cho tới nghệ thuật đàm phán nhằm  bảo vệ lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia.

 

Có một nhận định trong cuốn sách mà mình luôn ghi nhớ và tâm đắc, đó là "Cái gốc của vấn đề không phải là có hay không có cơ hội hoà bình, là chấp nhận hay khước từ cơ hội, mà là tôn trọng hay không tôn trọng chủ quyền của nhau, là sử dụng hay không sử dụng vũ lực trong quan hệ với nhau, đơn giản là tôn trọng hay không tôn trọng hoà bình, an ninh thế giới."

 

Mình nghĩ rằng nhận định này mang ý nghĩa và giá trị thời đại không chỉ trong bối cảnh đàm phán hoà bình chấm dứt chiến tranh những năm 1970, mà ngay cả trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông hiện nay. 

 

Chị từng tham gia điều phối chương trình “He for She” mà đại sứ toàn cầu của chương trình này - Emma Watson cũng là một "mọt sách xinh đẹp", những cuốn sách nào gợi cảm hứng cho chị về phong trào "bình đắng giới"

 

Có hai cuốn sách gợi lên cho mình nhiều trăn trở cũng như cảm hứng về bình đẳng giới, đó là "Kiêu hãnh và định kiến" của Jane Austen và "We should all be feminists" của tác giả người Nigeria - Chimamanda Ngozi Adichie. Mình đọc "Kiêu hãnh và định kiến" khi còn học cấp ba và cuốn sách này đã sớm để lại cho mình rất nhiều ưu tư về những rào cản, định kiến về hôn nhân và những khuôn mẫu giới cản trở phụ nữ trong việc đi tìm hạnh phúc, khẳng đinh bản ngã và cái tôi của mình.

 

Cuốn sách thứ hai, "We should all be feminist", mang đến một cách tiếp cận hết sức chân thành, thẳng thắn và cấp tiến về bình đẳng giới: "Vấn đề về giới (gender) nằm ở chỗ nó mô tả hình mẫu mà xã hội kỳ vọng về mỗi cá nhân, thay vì mô tả chúng ta như những gì chúng ta vốn có".

 

 

Vân Anh trong chuyến thực tập tại tổ chức Sáng kiến Liên hiệp Phụ nữ châu Phi ở Ghana

 

Là sinh viên của một trong những trường nhóm Ivy League, cuộc sống của chị có lẽ rất phong phú nhưng không kém phần căng thẳng và bận rộn, chị đã duy trì thói quen đọc của mình như thế nào?

 

Trong môi trường học tập hiện tại của mình, sinh viên được yêu cầu đọc rất nhiều tài liệu, tin tức mỗi ngày nhưng thường thì những tài liệu đó là để phục vụ cho các môn học và nội dung không phải lúc nào cũng thú vị. Do vậy để cân bằng, mình thường dành thời gian các buổi tối cuối tuần để đọc những cuốn sách mà mình yêu thích.

 

Ngoài ra, do ở New York phải thường xuyên di chuyển bằng tàu điện ngầm nên mình thường xuyên mang theo một cuốn sách bên mình để tranh thủ đọc trong khi di chuyển hoặc lúc chờ tàu.

 

Về vấn đề ngoại giao và lĩnh vực phát triển, chị có thể chia sẻ với độc giả một số cuốn sách mà chị cho rằng "phải đọc"?

 

Nói là "phải đọc" thì có vẻ hơi to tát, vì mình cho rằng con đường chinh phục kiến thức rất rộng mở và ai cũng nên tự tìm cho mình những đầu sách tâm đắc nhất, vừa ý nhất và phù hợp nhất với trình độ, sở thích và mục đích của mình.

 

Do vậy thay vì nói là "phải đọc", mình chỉ xin "gợi ý" cuốn sách  "The Post American world" (Thế giới hậu Mỹ) của nhà báo - nhà phân tích chính trị của kênh truyền hình CNN Fareed Zakaria. Trong cuốn sách này Fareed Zakaria phác hoạ một cách chân thực với rất nhiều  số liệu thống kê, thông tin đa chiều về một cục diện thế giới mà trong đó Mỹ không còn là siêu cường duy nhất,  sự nổi lên hết sức mạnh mẽ của Trung Quốc và Ấn Độ cũng như viễn cảnh trở thành siêu cường của hai nước này. Với lối viết mang đậm chất báo chí của mình, Fareed Zakaria thẳng thắn phân tích tầm ảnh hưởng không thể chối bỏ của các nước Hồi giáo, sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương trong quan hệ quốc tế và vai trò của các yếu tố văn hoá, tôn giáo, nhân sinh quan và chiến lược phát triển của mỗi đất nước trong việc tạo thế đứng trên trường quốc tế.

 

Mình ấn tượng đặc biệt với cuốn sách này vì ngoài nêu vấn đề, tác giả còn đưa ra những "gợi ý hành động" cho các quốc gia trong việc tham gia vào chính trị thế giới nhằm đạt được mục tiêu của mình.

 

 

 Ngoài việc học ở trường, Vân Anh còn tham gia với tư cách đại biểu và hỗ trợ điều phối các cuộc họp dành cho lãnh đạo thanh niên tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York

 

Từ khi còn là sinh viên, chị đã tham gia nhiều chương trình hội thảo quốc tế trong nước cũng như nước ngoài, chị đã rèn luyện như thế nào để có vốn kiến thức và khả năng ngoại ngữ tốt như vậy?

 

Cảm ơn Trạm đọc đã dành tặng lời khen. Theo mình, việc trau dồi kiến thức và vốn ngoại ngữ là một quá trình lâu dài, bền bỉ đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của bản thân. Từ ngày còn học phổ thông, trong mình đã luôn ấp ủ niềm say mê với chính trị thế giới - quan hệ quốc tế và bản thân cũng ý thức được rằng để có thể phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực này, khả năng giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Anh là điều kiện không thể thiếu.

 

Bên cạnh việc thu nhận kiến thức và kỹ năng tiếng Anh từ nhà trường, mình chủ động tựtrau dồi thêm bằng việc tìm đọc những ấn phẩm, sách báo, xem video trên Youtube với chủ đề đa dạng bằng tiếng Anh. Điều quan trọng ở đây là tự tạo ra môi trường học tập thoải mái, tiếp cận các nhóm chủ đề mà bản thân đặc biệt quan tâm và thấy hứng thú để việc học trở nên dễ dàng và không mang tính khiên cưỡng.

 

Ngoài ra mình cũng chủ động trau dồi thêm vốn ngoại ngữ khi tham gia các chương trình giao lưu, hội thảo quốc tế. Trong bất cứ môi trường nào dù lớn hay nhỏ, trong nước hay nước ngoài, mình luôn nhắc nhở bản thân phải giữ thái độ cầu thị để không ngừng học hỏi từ bạn bè khắp năm châu.

 

Cảm ơn chị Vân Anh về những chia sẻ chân thành dành cho các bạn độc giả. Chúc chị luôn thành công và hạnh phúc trên con đường sự nghiệp của mình và sớm hoàn thành ước mơ trở thành “Nhà ngoại giao nhân dân” trong tương lai.

 

Thực hiện: Hải Quỳnh/Trạm Đọc

Tags: