Ở tuổi 21, Helly từng làm chủ chuỗi cửa hàng Heverly, hiện cô đang là người sáng lập và điều hành The Yên Concept, dự án tổng hợp 4 yếu tố bao gồm: nông nghiệp xanh, mỹ phẩm organic, yoga và sách; đồng thời sáng lập Yên and Space, một dự án về kiến trúc.
Bạn đến với sách như thế nào?
Tôi bắt đầu đọc nhiều sách hơn từ năm ngoái, đó là một điều tình cờ. Ngày xưa, lúc chưa đọc sách, tôi chưa hiểu rõ giá trị của sách. Nhưng sau khi đọc cuốn đầu tiên, tâm trí tôi như bừng tỉnh. Ngay lập tức, tôi đặt ra mục tiêu là mỗi tuần mình phải đọc xong một cuốn sách. Với những ai chưa có thói quen đọc sách, mục tiêu như vậy là “bất khả thi” nhưng tôi quyết tâm thực hiện và bây giờ thì tôi đã đọc được trên 20 cuốn. Tôi thấy đọc nhiều chưa chắc đã tốt, may mắn là những cuốn tôi chọn đều phù hợp với bản thân mình. Đọc xong mỗi cuốn, tôi đều cảm thấy hứng thú đọc thêm nữa.
Cuốn sách đầu tiên bạn đã nhắc đến ở trên là cuốn nào?
Đó là cuốn “Dốc hết trái tim” về Starbucks, tôi đọc bản dịch tiếng Việt.
Linh chọn sách theo tiêu chí nào?
Tôi lựa chọn sách viết về những chủ đề mà tôi yêu thích nhất như môi trường, vạn vật, con người, về thế giới. Đặc biệt tôi thích đọc sách về các nhân vật đã thay đổi thế giới, vì những người đó luôn có những mối quan tâm vĩ đại. Tôi thích thú mỗi khi phát hiện ra sự đồng điệu trong suy nghĩ của mình và những vĩ nhân đó.
Linh chia sẻ đã đọc được 20 cuốn sách trong năm vừa qua, vậy những cuốn sách nào mà bạn thích nhất?
Cuốn sách của tác giả Việt mà tôi rất là thích là cuốn “Đúng việc” của thầy Giản Tư Trung. Đối với sách Nhật thì tôi rất thích cuốn “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi, “Cuộc cách mạng một cọng rơm” của Mansanobu Fukuoka và “Thay đổi công thức của khát vọng” của Sakichi Toyoda và Toyota. Tôi vô cùng yêu thích những nhân vật trong các cuốn sách đó. Cuốn cuối cùng trong list sách yêu thích của tôi là “Năng đoạn kim cương” của tác giả Mỹ Michael Roach. Những cuốn sách này giúp tôi hiểu rõ hơn không chỉ về con người mà còn là những triết lý lớn lao hơn mà mọi người cứ cho là sâu xa nhưng thực ra lại rất gần gũi.
Helly Tống (Tống Khánh Linh) là người mẫu khá nổi tiếng nhưng cô đam mê kinh doanh theo triết lý riêng của mình và không muốn dấn sâu vào showbiz.
Có người nào đã ảnh hưởng đến sở thích đọc sách của bạn không?
Thật ra chuyện đó là do chữ “duyên”. Tôi biết đến cuốn “Dốc hết trái tim” khi đang đọc một tờ báo. Cuốn sách này năm trong list sách gồm 3 cuốn được một nữ doanh nhân thành đạt chia sẻ. Tại thời điểm đó tôi đang kinh doanh cafe, mà cuốn “Dốc hết trái tim” lại nói về Starbucks, nên trí tò mò của tôi đã được khơi gợi triệt để và tôi bắt đầu đọc cuốn sách này. Kể từ đó, luôn có một điều gì đó thôi thúc việc đọc của tôi. Trong cuộc sống, tôi nghĩ duyên là một từ rất thiêng liêng, nó không phải là sự sắp xếp, mà nó là sự kết hợp khi mọi sự việc cùng xảy ra vào một thời điểm . Hiện trong túi sách của tôi đang có cuốn sách nói về việc này, những gì về tự nhiên, vô thường, vì đối với tôi làm việc gì đó không có ức chế thì sẽ khiến bản thân mình hạnh phúc hơn.
Thông qua những cuốn như “Khuyến học” hay “Cuộc cách mạng một cọng rơm” thì có thể thấy Linh rất quan tâm đến triết lý cuộc sống. Linh cảm nhận gì về những triết lý ấy?
Bản thân tôi cũng đang làm trong mảng kiến trúc và tôi cũng muốn thông qua những công trình kiến trúc để chia sẻ với người khác những suy nghĩ và phong cách sống của người Nhật. Họ sống và suy nghĩ sâu sắc, biết đưa nghệ thuật vào không gian sống của mình, họ sống giao hòa giữa hiện đại và thiên nhiên. Điều đó thể hiện khá rõ ràng trong cuốn sách tôi đang đọc, tên là “Wabi-sabi”. Đó là một khái niệm chỉ quan điểm thẩm mỹ và thế giới quan của Nhật Bản, hướng về những vẻ đẹp không hoàn hảo và chóng tàn.
Wabi-sabi theo tôi là một thứ rất back-to-basic (trở về nguyên bản). Bởi bây giờ mọi người càng ngày càng bận hơn, con người càng ngày càng đông hơn, mọi người quên đi cái cảm giác một mình ở một nơi hoang vắng, tự cảm nhận và lắng nghe sự sống của thiên nhiên đang nói chuyện với mình. Mọi người bận rộn lắng nghe những gì mọi người xung quanh nói quá mà quên đi cái cảm giác một mình, cái cảm giác kiểu “thiền” ấy, bạn như không còn bị tác động bởi những thứ xung quanh. Điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và cân bằng. Điều lớn nhất mà Wabi-sabi dạy cho mình có lẽ là sự cân bằng.
Thông qua những cuốn sách mà tôi đọc, tôi dần hình thành chính kiến của mình và muốn hiện thực hóa nó qua tay những người nghệ nhân. Tôi muốn kế và chia sẻ những câu chuyện mình đọc được, học tập được từ sách. Nhưng ở Việt Nam, không phải bạn cứ nói là người ta sẽ tin, bạn cần đưa cho người ta một sản phẩm để cảm nhận nó. Khi tôi đủ chín chắn, tôi sẽ kể chuyện qua chính những sản phẩm của mình. Tôi và người đồng sáng lập Yên and Space đều muốn làm về Wabi-sabi .Đó là bỏ qua sự hoàn hảo để quay về và lắng nghe sự im lặng của thiên nhiên, bắt đầu của sự đơn giản nhưng không giản đơn.
Linh đọc sách tại một quán cafe ở Hà Nội
Vậy trong The Yên Concept bạn đã cụ thể hóa những hành động của mình như thế nào qua các sản phẩm?
Sản phẩm cuối cùng của Yên là một môi trường bởi vì tôi ngẫm từ bản thân mình, chúng ta luôn bị ảnh hưởng và tác động nhiều nhất bởi môi trường. Trong môi trường thì lại có sự vật và sự việc. Trong Yên của tôi, như câu slogan “Nơi cuộc sống thuộc về giá trị cân bằng” , những sản phẩm tôi khám phá được hay sáng tạo đều nâng cao đời sống tinh thần của con người, cũng như về mặt tâm hồn và thể chất đều tốt lên.
Khi tôi làm Yên, bản thân tôi không muốn nghĩ đến lợi nhuận nhiều. Với Yên, tôi không nghĩ là tôi đang bán một sản phẩm mà tôi đang bán một câu chuyện. Và trong cái câu chuyện đó, tôi đồng thời gián tiếp truyền cảm hứng. Tôi muốn làm một cái gì đó để truyền cảm hứng, vì ở Việt Nam thiếu một môi trường để giáo dục, để gián tiếp đưa nghệ thuật vào. Và Yên ra đời, để chia sẻ cái câu chuyện của tôi, để giúp mọi người thay đổi suy nghĩ và cân bằng hơn.
Đó là những gì mà tôi hướng tới. Tôi may mắn được đi nhiều nơi, đọc những cuốn sách hay và chạm đến được những giá trị tốt đẹp. Tôi có thể chia sẻ những nguồn cảm hứng đó, nhưng tốt hơn hết, tôi trở thành người tạo ra cảm hứng.
Mảng đầu tiên tôi thực hiện tại Yên là mảng nông nghiệp. Nếu như ai từng trồng cây thì sẽ biết được cảm giác chăm bẵm những cái cây rất là kì diệu. Bạn không đơn thuần trồng nó chỉ để có sản lượng. Trồng một cái cây giống như nuôi một con người vậy. Cũng như Masanobu Fukuoka nói trong sách “Cuộc cách mạng một cộng rơm” rằng “Mục đích tối thượng của việc làm nông không phải là trồng cây, mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người”. Tôi muốn mọi người đều được trải nghiệm điều đó. Không chỉ ở Việt Nam mà còn ở những nơi khác trên thế giới mọi người đang bị công nghệ hóa, mọi người thường chỉ quan tâm đến công nghệ, quan tâm đến kết quả công việc mà rút ngắn những khoảng thời gian rảnh rỗi để tìm kiếm bình yên cho bản thân mình. Rất nhiều người bị stress, mọi người không biết làm sao để an yên lại. Đồng thời, nhận biết vấn đề ô nhiễm môi trường, nơi là ngôi nhà chung của chúng ta đang dần mât đi những mảng xanh. Đó là một trong những lí do tôi lập ra The Yên Concept, tìm lại giá trị cân bằng.
Linh trong một chuyến đi Thái Lan
Linh là người hiểu rất rõ giá trị của việc ở một mình nhưng cũng là một người rất cởi mở quảng giao. Có điều gì mâu thuẫn giữa hai nét tính cách này không?
Đôi lúc tôi sẽ rất cởi mở và thích nói chuyện với mọi người xung quanh. Đôi lúc tôi lại thích ngồi một mình, và khoảng thời gian đó là khoảng thời gian tôi thích nhất. Khi được ngồi đối thoại với chính bản thân mình, tôi thấy như được “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” vậy. Còn khi nói chuyện với những người khác mà được nói về những chủ đề mà mình yêu thích tôi cũng sẽ rất cởi mở. Tôi chỉ không thích nói những câu chuyện thị phi showbiz hay cuộc sống xa xỉ, dù tôi lại làm một công việc trong ngành nghệ thuật. Vì thế nên trong giới showbiz, tôi có rất nhiều điểm khác biệt với hầu hết mọi người.
Bạn đã truyền cảm hứng từ những triết lý mà mình nhận được từ sách cho những bạn trẻ khác như thế nào?
Tôi nghĩ cái khó khăn nhất của tôi là hiểu được chính mình, và cái thành công lớn nhất của tôi cũng chính là hiểu được chính mình. Khi hiểu được bản thân, chúng ta sẽ có cuộc sống hạnh phúc bởi mình được nói lên chính kiến của mình và làm những điều mà mình cảm thấy đúng, đồng thời không gây hại đến ai cả. Việc tôi muốn truyền cảm hứng cho người khác không nhằm là giúp họ có được những đáp án, ngược lại, tôi muốn mỗi người đặt được ra cho bản thân một câu hỏi.
Tôi cho rằng, khi bạn 18 tuổi, về mặt pháp lý, bạn phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của chính mình rồi. Nếu như những sự lựa chọn bây giờ không phải của các bạn, thì sau này các bạn có thể hối hận và oán trách người khác. Khi chưa biết mình muốn gì, bạn phải dấn thân. Dấn thân là không chỉ dừng lại ở việc biết, mà còn phải hiểu nó, nghĩ đến nó, và có thể định nghĩa được nó là cái gì. Khi làm được như vậy, các bạn có thể biết mình thực sự muốn gì; chứ không chỉ làm việc một cách qua loa để “biết” hời hợt. Nếu không thực sự dấn thân, cái thu được chỉ là những nỗi hoang mang vô tận và không biết mình thực sự muốn gì. Hạnh phúc là khi mình biết mình thiếu cái gì và tìm cách học nó. Không chỉ học trên trường mà học ở mọi người, học ở những cuốn sách.
Linh cùng bạn bè đồng nghiệp
Việc “biết” đó gắn với việc đọc sách?
Đúng vậy. Công cụ nhanh nhất và tiết kiệm nhất để “biết” chính là đọc sách. Trước đây tôi cũng nghĩ là đi nhiều thì sẽ biết nhiều, nhưng bạn đi nhiều không quan tâm tìm hiểu cuộc sống xung quanh thì bạn cũng chẳng “biết” thêm nhiều đâu. Giống như là bạn đi một nước nào đó mà chỉ quan tâm đến giải trí thì cái bạn biết chỉ dừng lại ở giải trí thôi.
Sở thích của tôi là đi du lịch và trên những chuyến hành trình đó tôi mong muốn biết thêm về con người, văn hóa và sự phát triển của họ. Điều đó giúp tôi nhận được những kiến thức quý giá và chạm tới các giá trị đúng đắn, sâu sắc. Đồng thời, khi tôi đọc những cuốn sách về những nhân vật, về những điều mà mình quan tâm thì tôi sẽ có thêm nhiều góc nhìn và mở rộng tầm nhìn của mình đi xa hơn, không còn bó buộc trong vùng an toàn nữa.
Mọi người cứ bảo là sách đắt nhưng hóa ra lại rất rẻ bởi những gì nó mang lại, phải không?
Vì đó là giá trị vô hình, thế nên không phải ai cũng hiểu được điều này trừ khi chạm đến nó.
Cảm ơn Linh về những chia sẻ chân thành dành cho các bạn độc giả. Chúc bạn luôn thành công và hạnh phúc trên con đường sự nghiệp của mình và truyền cảm hứng sống tốt đẹp đến những người xung quanh.