Nhiều người không muốn nói tới cái chết, dường như hy vọng rằng không nhắc tới nó thì nó sẽ quên ta đi. Tôi muốn chọn cách tiếp cận ngược lại. Tôi muốn lấy khỏi cái chết sự lạ lẫm của nó, muốn nhìn thẳng vào nó, để làm quen, và cuối cùng, chấp nhận nó, sống với nó một cách bình thản. Đó là lý do tôi tìm tới những người cận tử, xin phép họ cho tôi đi cùng trong những năm tháng cuối cùng của đời họ.
Ý thức về cái chết trước mặt khiến tôi ý thức rõ ràng hơn về thời gian tôi còn lại trong tay, về những may mắn mà tôi đang được hưởng, về vẻ đẹp của vũ trụ. Tưởng chừng như mâu thuẫn, nhưng đối mặt và suy ngẫm về cái chết khiến tôi trân trọng cuộc sống hơn, sống có chánh niệm hơn, loại bỏ dễ dàng hơn những điều phù phiếm, tầm phào và tập trung vào những điều quan trọng với tôi.
“Khi cuối cùng chúng ta biết là chúng ta sẽ chết, và mọi sinh linh khác cũng sẽ chết cùng ta, ta bắt đầu có một cảm giác cháy bỏng, gần như khiến trái tim thổn thức, rằng mọi khoảnh khắc mới mong manh và quý báu làm sao”, thiền sư Sogyal Rinpoche viết trong cuốn “Tạng như sống chết”. “Và từ cảm giác đó, trỗi dậy một lòng tắc ẩn sâu sắc, sáng tỏ và vô hạn, hướng tới vạn vật.” Sau khi tôi gần gũi với những người gần đất xa trời và người thân của họ, những dòng trên không hiện ra như những câu lý thuyết trừu tượng hay khô khan nữa. Những người cận tử mà tôi đã gặp, nhiều người ở thời điểm này đã qua đời, đã xác nhận điều Rinpoche viết bằng những cách giản dị mà sâu sắc nhất. Tôi hy vọng những trải nghiệm của họ sẽ phần nào giúp độc giả sống một cuộc sống có ý nghĩa và an lạc, như họ đã giúp tôi.
- Trích Lời tác giả của cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời” của tác giả Đặng Hoàng Giang
- Ảnh: le.beytit.bookery