Nghịch lý thay, thiên tài không chờ đợi được huấn luyện và sự vĩ đại không đến từ mẫu số chung. Cuộc đời, con người, và những cống hiến đồ sộ của Einstein là minh chứng rõ nhất cho điều đó.
Có thể bạn sẵn sàng bằng lòng với thực tại của mình, rằng đâu cần phải trở thành một phiên bản của Einstein để chấn động cả thế giới. Thế nhưng, nắm bắt và áp dụng lối tư duy của ông lại giúp bạn giải quyết những vấn đề của cuộc sống thường ngày theo cách đơn giản, thú vị và ấn tượng hơn rất nhiều.
Như Steve Jobs đã từng chiêm nghiệm về triết lý làm nên thương hiệu Innovation (cách tân) của Apple: “Bạn không cần là người làm ra đầu tiên, bạn chỉ cần là người làm nó tốt nhất”. Sự dễ dàng trong công nghệ sao chép khiến thành công chưa hẳn đã mỉm cười với người khởi xướng nhưng chắc chắn sẽ gõ cửa những ai dám vượt qua lối chơi sẵn áp đặt và cách tân theo dấu ấn của riêng mình.
Là một trong số các nhà khoa học nhưng Einstein nổi bật vì ông làm khoa học theo một cách rất riêng: phá bỏ mọi hình mẫu, thách thức những chân lý, tìm kiếm sự điên rồ và bền bỉ nuôi dưỡng cả ý tưởng sơ khai.
Sai lầm mà chúng ta thường mắc phải đó là học theo quy trình, làm theo số đông và phục tùng thông lệ. Chính tâm thế hạ mình trước “chân lý” đã đóng khung nhãn quan và khuôn mẫu hóa tư duy của chúng ta. Nếu ai trên thế giới cũng giống vậy, liệu nhân loại có tồn tại những phát hiện như “thuyết tương đối”?
Hàng trăm năm trước Isaac Newton đã tuyên bố thời gian là tuyệt đối. Thời gian không đi nhanh hơn hay chậm hơn. Nó là hằng số của vũ trụ. Lý lẽ của Newton có lý đến mức các nhà khoa học sau không tưởng tượng ra việc phá bỏ nguyên tắc “thời gian tuyệt đối”. Einstein thì lật lại vấn đề một cách đơn giản: thời gian có thể nhanh với vật này nhưng chậm với vật khác. Nhờ phá bỏ một nguyên tắc “tường thành” mà ông đã tìm ra lời giải cho vấn đề hóc búa nhất của khoa học và tiến bước trên con đường cách mạng hóa thế giới của mình.
Khác với các cuốn sách thông thường viết về vĩ nhân này, “Tư duy như Einstein” không sa vào ca ngợi thành tựu mà tập trung vào phân tích cả nốt thăng và nốt trầm trong sự nghiệp nghiên cứu của Einstein, từ đó giải mã xuất sắc những hạt giống bí ẩn làm nên tầm vóc của thiên tài. Bất kỳ ai đều có thể tôi luyện tư duy đậm chất Einstein với tấm bản đồ được lược hóa trong 4 chặng: xác định đúng vấn đề, phá bỏ các hình mẫu, phá bỏ các nguyên tắc và tìm kiếm giải pháp.
Nếu tôi chả tìm được “vấn đề” để thay đổi thì sao?
Đó là vì xác định trọng tâm vấn đề là bước mà chúng ta thường quá tự tin vào khả năng phán đoán của mình. Thói quen phổ biển là lao thẳng vào tung xới mổ xẻ vấn đề mà chưa làm rõ đâu mới là cái mình thực sự cần giải quyết hoặc bỏ qua vấn đề đó vì thoáng nghĩ giải pháp đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, những giải pháp tàm tạm và thái độ “nếu nó không hỏng thì chẳng việc gì phải sửa” thường ngăn cản bạn xem xét các giải pháp tốt hơn.
Nhưng có lẽ, bạn sẽ sốc với vế còn lại trong câu trả lời của Einstein: Nếu không tìm được “vấn đề” để thay đổi, hãy thử “lười” hơn xem sao! Chính ước muốn tối giản hóa cuộc sống thôi thúc trí óc ta thiết kể lại vấn đề theo cách thức đơn giản hơn: phát minh ra điều khiển từ xa để đỡ phải di chuyển, phát minh ra máy hút bụi để khỏi phải nhọc công lau chùi.
Tóm lại, cuốn sách không chỉ là tấm bản đồ đưa bạn gần hơn tới mạch ngầm suy nghĩ của thiên tài thế giới, mà còn lý giải nguồn ngốc của sự vật quanh ta – những phát minh thuộc mọi góc cạnh của đời sống và trải dài mọi giai đoạn của lịch sử, nhưng đều xuất phát từ cội rễ của tư duy đậm chất Einstein. Bạn có thể cho rằng sự xuất chúng là lựa chọn của thời đại, nhưng Einstein chứng minh rằng, nó lại là sản phẩm của tư duy.
Nếu bạn đang ấp ủ một ý tưởng sơ khởi mà ngô nghê, đừng vội buồn vì bị người đời cười chê. Hãy nghiền ngẫm cuốn sách này và thực hiện hành trình cách mạng hóa thế giới của riêng bạn!