Bảy ước lệ để thành đạt
Bảy ước lệ để thành đạt
“Tâm tư là lãnh địa riêng của ta. Ta có thể biến nó thanh thiên đường hay địa ngục tùy ý”. – John Milton

Thế giới của ta do ta tự chọn cho mình, dù chọn một cách có ý thức hay vô thức. Nếu chọn hạnh phúc, đó là thứ ta sẽ có. Nếu chọn đau khổ, ta sẽ nhận lấy đau khổ. Chương trước có nói niềm tin là nền tảng của tài năng xuất sắc. Niềm tin của chúng ta là các phương pháp nhận thức có tổ chức và cụ thể. Niềm tin là lựa chọn quan trọng cách nhận thức và định hướng cho cuộc sống. Niềm tin là cách điều khiển não bộ. Vậy, bước đầu tiên để đến với tài năng ưu tú là tìm những niềm tin dẫn dắt chúng ta đến với kết quả như mong muốn.

Con đường đến với thành công bao gồm: tự biết mục tiêu, cách hành động và biết linh hoạt thay đổi cho tới khi thành công. Niềm tin cũng vậy. Phải tìm đúng niềm tin hỗ trợ cho tương lai. Tìm những niềm tin đưa ta đi bất cứ nơi đâu ta muốn. Nếu niềm tin đang có không làm được việc ấy, hãy từ bỏ chúng và tìm những niềm tin mới.

Đôi khi, người ta lảng tránh khi nghe nói về ước lệ thành công. Ai muốn sống với ước lệ cơ chứ? Thực ra, ý tôi là: thực ra ta không biết thế giới thực như thế nào. Không biết hình vẽ kia là lồi hay lõm. Không biết niềm tin của ta đúng hay sai. Nhưng ta biết đâu là niềm tin có hiệu quả, có nghĩa là ta biết niềm tin nào hỗ trợ cho ta, khiến cuộc sống phong phú hơn, làm ta thành người tốt hơn, giúp ta và giúp người khác đi đến thành công.

Chương này sử dụng từ “ước lệ” để luôn nhắc nhở độc giả rằng: không ai biết chính xác sự vật hiện tượng mang bản chất gì. Ví dụ, nếu biết hình vẽ trên là lồi, ta sẽ không coi nó là lõm nữa. Dùng từ “ước lệ” là cách hữu dụng để nhắc chúng ta rằng: ta tin ít hay nhiều không quan trọng. Hãy mở lòng đón nhận nhiều khả năng khác và học hỏi không ngừng. Bạn đọc hãy xem bảy niềm tin dưới đây và quyết định liệu chúng có hữu dụng với mình hay không.

Niềm tin thứ nhất: chuyện gì xảy ra đều có lý do, mục đích và đều có ích.

Hãy nhớ chuyện của Mitchell. Đâu là niềm tin cơ bản giúp anh vượt qua nghịch cảnh? Anh quyết định coi mọi chuyện đến với anh là bình thường. Bắt buộc nó phải phục vụ cho anh theo cách anh muốn. Tương tự, ai thành đạt cũng phi thường khi tập trung vào một vấn đề khả thi trong một hoàn cảnh nhất định và thành quả do hoàn cảnh mang lại. Dù cho phản hồi từ môi trường của họ có tiêu cực tới đâu, họ cũng suy nghĩ về những khả năng tích cực. Họ nghĩ rằng mọi việc xảy ra đều có lý do và họ đều tận dụng nó như một cơ hội. Họ tin mọi nghịch cảnh đều mang hạt giống của lợi ích to lớn. Lợi ích ấy không kém hoặc có khi còn lớn hơn những thiệt hại do nghịch cảnh mang lại.

Dành thời gian suy nghĩ về niềm tin của bạn. Nói chung, bạn mong chờ mọi chuyện diễn ra tốt đẹp hay diễn ra tồi tệ? Bạn trông đợi những nỗ lực lớn nhất của bạn sẽ đạt được tới thành công hay cho rằng những nỗ lực ấy cản đường bạn? Bạn có nhận thấy cơ hội tiềm tàng trong hoàn cảnh hay chỉ nhìn ra những chướng ngại do hoàn cảnh đưa đến cho mình? Nhiều người hay nghĩ về những gì tiêu cực hơn là tích cực. Bước đầu tiên để thay đổi là nhận ra đâu là mặt tích cực, đâu là mặt tiêu cực. Niềm tin vào giới hạn tạo ra những con người có năng lực hạn hẹp. Chìa khóa chính là: hãy tháo dỡ rào cản ấy và hành động với nghị lực lớn hơn nữa. Các lãnh tụ trong nền văn hóa Mỹ đều là những người thấy trước được cơ hội. Họ đến sa mạc nhưng đã thấy trước vùng đất khô cằn hoang vu tiềm ẩn một khu vườn hoa lá xum xuê. Nếu có niềm tin vững vàng vào khả năng, rất có thể bạn sẽ đạt được thành công.

Niềm tin thứ hai: không hề có thất hại. Chỉ có hệ quả.

Niềm tin này cũng quan trọng như niềm tin thứ nhất. Hầu ai cũng đều định hình nỗi lo sợ một thứ có tên gọi là thất hại. Ai cũng có lần muốn thứ này nhưng lại được thứ khác. Nào hỏng thi, nào thất tình. Hoặc thực hiện một kế hoạch kinh doanh nhưng mọi việc không như ý muốn. Tôi thường sử dụng từ kết quả và hệ quả trong cuốn sách này bởi vì đó chính là thứ những người thành đạt luôn nhìn nhận. Họ không mang khái niệm thất bại, họ không tin vào thất bại. Họ không tính đến thất bại.

Ai cũng thành công và dành được một loại hệ quả nhất định. Những người thành đạt lớn không phải là người không thất bại. Đơn giản họ biết rằng: nếu đã cố làm việc A nhưng lại có kết quả B, đó là lúc rút ra bài học kinh nghiệm. Họ tận dụng ngay bài học đó và đơn giản thử cách khác. Họ luôn có hành động mới mẻ và có thành quả mới mẻ.

Hãy nghĩ về điều này: ngày hôm nay bạn có tài sản gì, lợi ích gì hơn ngày hôm qua? Tất nhiên câu trả lời là kinh nghiệm. Người sợ thất bại sẽ hình dung việc không nên làm. Những hình ảnh từ cách hình dung ấy ngăn trở họ hành động, khiến họ không thể chắc chắn đạt được thành tựu như họ mong muốn. Bạn có sợ thất bại không? Bạn cảm nhận như thế nào về tiến trình học hỏi? Ta có thể học từ kinh nghiệm của mỗi người ta gặp. Như vậy, ta sẽ luôn thành công trong mỗi việc làm.

Mark Twain từng nói: “Không có gì buồn hơn tiếng thở dài của người còn trẻ mà đã bi quan!”. Ông nói đúng. Ai tin vào thất bại gần như đã cầm chắc một cuộc sống tầm thường. Thất bại là thứ người thành đạt không chấp nhận. Họ không ủ ê cả ngày, nghĩ về thất bại. Họ không nuôi những cảm xúc tiêu cực, một thứ không mang lại tác dụng gì.

Chúng ta còn có câu chuyện nổi tiếng về Thomas Edison. Khi thử đến lần 9999 vẫn không thể thiết kế thành công bóng đèn tròn, có người hỏi ông: “Liệu ông có chịu chấp nhận thất bại thứ 10.000 không?”. Ông đáp: “Tôi không thất bại. Tôi chỉ thấy có một cách khác chứng minh cho tôi thấy việc phát minh bóng đèn tròn của tôi chưa thành công mà thôi”. Ông chỉ khám phá ra một loạt những việc làm mang đến một kết quả khác với kết quả ông mong đợi.

Mỗi nghi ngờ là đoạn đường đầy phản trắc. Nghi ngờ khiến ta mất đi cơ hội nhờ đó lẽ ra sẽ thắng lợi. Bởi chính sự nghi ngờ khiến ta sợ nỗ lực”. – William Shakespeare

Kẻ chiến thắng, các nguyên thủ quốc gia và các bậc thầy, những người có năng lực cá nhân đều hiểu rằng: nếu thử cố làm một việc và không có được kết quả như mong muốn, đơn giản đó chỉ là sự phản hồi từ thực tại. Họ sử dụng thông tin phản hồi để trau dồi thêm khả năng của mình. Thông tin phản hồi (chứ không phải thất bại) cho ta biết cần phải làm gì để có được thành quả như mong đợi. Buckminster Fuller từng viết: “Những gì loài người biết đều là kết quả của trải nghiệm thử và sai. Loài người học hỏi nhờ sai lầm”. Có khi ta rút ra bài học kinh nghiệm từ sai lầm của mình, có khi từ sai lầm của người khác. Hãy dành một phút để nhớ lại năm thất bại lớn nhất trong cuộc đời bạn. Bạn đã học được gì trong thất bại này? Chúng chính là những bài học quí giá nhất mà bạn từng học được từ cuộc sống.

Tin vào thất bại là đầu độc tư tưởng. Khi cứ chất chứa những cảm xúc tiêu cực, bạn sẽ tác động đến tình trạng tâm lý, đến tiến trình suy tưởng và cả tâm trạng nữa. Một trong những rào cản lớn nhất đối với nhiều người là nỗi lo sợ thất bại. Tiến sĩ Robert Schuller thường truyền bá khái niệm về lối suy nghĩ giúp nắm bắt cơ hội, đã từng hỏi một câu rất hay: “Đâu là việc bạn phải nỗ lực làm nếu biết mình không thể thất bại?”. Riêng bạn, bạn sẽ trả lời ra sao? Nếu thực sự tin mình không thể thất bại, bạn sẽ có nhiều hành động mới và thành quả tuyệt vời. Bạn có muốn thử hành động chăng? Ngay bây giờ, hãy nhìn nhận trên đời không hề có thứ gì là thất bại. Chỉ có hệ quả. Ai mà chẳng tạo ra một hệ quả nào đó. Nếu đó không phải thứ mong muốn, bạn có thể thay đổi hành động và có được những hệ quả mới. Hãy gạch bỏ từ thất hại, khoanh tròn từ hệ quả và tự nhủ mình nên rút ra bài học kinh nghiệm từ bất cứ trải nghiệm nào.

Niềm tin thứ ba: dù bất cứ chuyện gì xảy ra hãy nhận trách nhiệm về mình.

Một nhân tố góp phần xây dựng nhân cách của những lãnh đạo vĩ đại và những người thành công là: hành động của họ xuất phát từ niềm tin rằng họ có thể tạo ra thế giới riêng của mình. Ta luôn nghe họ nhắc đi nhắc lại câu: “Tôi nhận việc này. Tôi sẽ quan tâm đến nó”.

Không phải ngẫu nhiên, quan điểm ấy là chung của mọi lãnh tụ và nguyên thủ quốc gia. Người thành đạt có xu hướng tin rằng: dù chuyện xảy ra có là gì, xấu hoặc tốt, họ tạo ra sự việc ấy. Nếu không là hành động trực tiếp, vậy là suy nghĩ họ từng có trong tâm tưởng. Dù chưa có khoa học gia nào có thể chứng minh rằng: tư tưởng tạo ra thực tiễn, nhưng đó là một ước lệ hữu dụng, một niềm tin mang lại sức mạnh cho ta. Đó chính là lý do tại sao tôi khuyên độc giả hãy tin vào nó. Ta cảm nhận mọi trải nghiệm trong đời (dù bằng hành động hay bằng suy nghĩ) và rút ra bài học kinh nghiệm từ những trải nghiệm ấy.

Nếu không tin chính ta tạo ra thế giới riêng của mình, dù thành công hay thất bại, bạn cũng đang phó mặc cho hoàn cảnh định đoạt. Ta cho rằng mọi chuyện đều tự nó xảy đến. Còn ta là đối tượng, không phải chủ thể. Nếu tôi cũng tin như vậy, tôi đã từ bỏ thế giới này và tìm kiếm một nền văn hóa khác, một thế giới khác, một hành tinh khác từ rất lâu rồi.

Nhận trách nhiệm về mình là một trong những đánh giá hữu dụng nhất về mức độ trưởng thành về năng lực của một con người. Đó cũng là một ví dụ về một niềm tin hỗ trợ cho mọi niềm tin, về khả năng hiệp lực của một hệ thống niềm tin thống nhất. Nếu không tin vào thất bại, nếu biết sẽ được kết quả như mong muốn, bạn không có gì phải mất. Mọi thứ đạt được đều do bạn chịu trách nhiệm. Nếu tự chủ, bạn sẽ thành công.

Tổng thông John Kennedy có niềm tin như vậy. Dan Rather có lần nói John Kennedy là nguyên thủ quốc gia đích thực bởi trong một sự kiện tai tiếng, ông đã xuất hiện trước công chúng Mỹ nói rằng: sự kiện này là một hành động tàn bạo và đáng lẽ không bao giờ được xảy ra. Sau đó, ông hoàn toàn nhận trách nhiệm về mình vì đã để xảy ra sự kiện ấy. Khi làm như vậy, ông đã chuyển đổi bản thân từ một chính trị gia trẻ tuổi có năng lực trở thành một nguyên thủ quốc gia thực thụ. Kennedy đã làm việc mà bất cứ nguyên thủ quốc gia vĩ đại nào từng làm. Người biết chịu trách nhiệm về mình là người có năng lực. Những ai lảng tránh trách nhiệm là không có năng lực.

Nguyên tắc về tinh thần trách nhiệm cũng đúng ở mức độ cá nhân. Ai cũng có lần cố bày tỏ cảm xúc tích cực với một người nào đó. Ta cố nói với họ rằng ta yêu mến họ, ta hiểu rắc rối họ phải gánh chịu. Thay vì hiểu đó là một thông điệp tích cực, họ lại chọn thông điệp tiêu cực: họ bực bội, cáu giận. Thông thường, ta có xu hướng trả đũa bằng sự tức tối rồi đổ lỗi cho họ và bắt họ phải chịu trách nhiệm về suy nghĩ ác ý của mình. Đó là cách dễ dàng nhưng không phải lúc nào cũng là cách thông minh nhất. Thực tế, giao tiếp cũng phải được định hướng: ta vẫn có thể có một cuộc giao tiếp như mong muốn nếu nhớ tới hệ quả: hành vi bạn muốn tạo ra. Mọi chuyện tùy thuộc vào bạn trong việc thay đổi hành vi, giọng nói, biểu hiện của nét mặt,v.v... Phản hồi là ý nghĩa của giao tiếp. Thay đổi hành động sẽ thay đổi tính chất của giao tiếp. Hãy luôn chịu trách nhiệm! Bạn sẽ giữ được năng lực thay đổi kết quả mình tạo ra.

Niềm tin thứ tư: không cần thiết hiểu mọi thứ, để có thể lợi dụng tất cả.

Nhiều người thành đạt sống bằng những niềm tin hữu dụng. Họ không tin rằng họ cần phải biết mọi thứ để tận khai thác thông tin mình biết. Họ biết tận dụng những gì là cốt yếu. Họ không cho rằng cần phải đi sâu vào từng chi tiết. Nếu nghiên cứu về những nhân vật có thế lực, bạn sẽ thấy họ có tri thức về rất nhiều lĩnh vực nhưng thông thường ít khi lão luyện về một lĩnh vực cụ thể. Họ không chú ý từng chi tiết trên con đường sự nghiệp của mình.

Trong chương đầu, ta nói học hỏi nhờ bắt chước có thể tiết kiệm một trong những nguồn lực không gì có thể thay thế được: thời gian. Khi quan sát người thành đạt để tìm những hoạt động cụ thể giúp họ có thành quả tốt, ta có thể bắt chước hành động của họ. Như vậy, ta sẽ có thành quả giống họ với lượng thời gian ít hơn. Thời gian là thứ chẳng ai cho ta được. Những người thành đạt luôn xứng danh là những kẻ keo kiệt về thời gian. Họ rút ra bản chất về tình huống, tìm lấy những gì mình cần và không bận tâm với những gì còn lại. Tất nhiên, nếu tò mò về một vấn đề cụ thể (ví dụ muốn hiểu cách một động cơ vận hành hoặc cách hình thành một loại sản phẩm nhất định) họ sẽ dành thêm thời gian nghiên cứu. Nhưng họ luôn ý thức về việc họ cần gì. Họ luôn biết điều gì là quan trọng, điều gì không.

Niềm tin thứ năm: con người là vốn quý nhất.

Những người ưu tú (người có được những thành quả xuất sắc) nói chung đều ý thức rất nhiều về việc tôn trọng và đề cao người khác. Họ có tinh thần đồng đội. Có tinh thần vì mục đích chung và tinh thần đoàn kết. Điểm chủ yếu của nhiều đầu sách về kinh doanh hiện nay như Đổi mới và tài kinh doanh, Tìm kiếm sự hoàn hảo, Một phút làm lãnh đạo... đang đề cập tới là: thành công sẽ không bền lâu nếu không biết tạo ra sự hòa hợp giữa mọi người. Cách để thành đạt chính là hình thành một đội ngũ nhân viên làm việc thành công và biết đoàn kết. Những bài báo thán phục các xí nghiệp tại Nhật Bản không hiếm. Ở Nhật, công nhân và giới quản lý đều ăn trưa trong cùng một căng tin. Họ cùng đóng góp vào quá trình đánh giá khả năng làm việc. Thành công của người Nhật đã phản ánh những ý tưởng quý báu mà bất cứ ai cũng có thể thực hành: hãy tôn trọng con người. Đừng cố thao túng họ.

Các tác giả của cuốn sách Tìm kiếm sự hoàn hảo (In Search of Excellence) đã chọn lọc các thành tố tạo nên những công ty thành đạt. Một trong những thành tố cơ bản là sự quan tâm đầy tình cảm đối với con người. “Thật khó có nhân tố nào tạo nên các công ty ưu tú lại hiệu quả hơn nhân tố tôn trọng con người”. Các công ty thành đạt đối xử với nhân viên với lòng tôn trọng và đề cao phẩm giá của họ. Họ coi nhân viên là đồng sự, không phải là công cụ. Nghiên cứu chỉ ra rằng: mười tám trong số hai mươi giám đốc điều hành của công ty Hewlett - Packard được phỏng vấn đều nói thành công của công ty phụ thuộc vào nét văn hóa coi trọng con người của Hewlett - Packard. Hewlett - Packard không phải là công ty bán lẻ, phục vụ khách hàng, làm

dâu trăm họ hay một công ty dịch vụ sống bằng sự tín nhiệm của khách hàng. Đó là công ty hoạt động trên một trận chiến phức tạp, thuộc lĩnh vực công nghệ hiện đại. Tuy nhiên công ty luôn coi việc chiêu hiền đãi sĩ là một nhân tố quan trọng hàng đầu.

Ở đâu cũng vậy, nói thường dễ hơn làm. Ai cũng có thể nói trơn tru về ý tưởng đối xử với con người bằng sự tôn trọng (dù trong gia đình hoặc trong doanh nghiệp). Nhưng làm không lúc nào dễ dàng. Mong độc giả hãy giữ trong tâm trí hình ảnh người cầm lái đưa tàu rẽ sóng đến bến bờ cuối cùng. Cuộc đời cũng vậy. Ta luôn phải sáng suốt, linh hoạt, tái thích ứng hành vi của mình với môi trường, tái xác định lại hành động của ta để chắc chắn ta đi đúng hướng mình mong muốn. Nói: “Tôi luôn tôn trọng con người” và làm được điều đó hoàn toàn không dễ như nhau. Những người thành đạt luôn biết hỏi ý kiến người khác. “Làm thế nào để làm việc này tốt hơn?”, “Làm thế nào để sửa chữa sai lầm này?”, “Làm thế nào ta có được thành quả tốt đẹp hơn?”. Họ biết rằng một cây làm chẳng nên non. Một người dù thông minh tới đâu cũng sẽ thấy rất khó khăn trong việc tập hợp những tài năng có tinh thần hợp tác, để lập thành một đội làm việc hiệu quả.

Niềm tin thứ sáu: làm như chơi.

Bạn có biết ai thành công to lớn bằng cách làm một việc họ căm ghét không? Tôi không biết ai như thế cả. Một trong những chìa khóa đến với thành công là tạo nên cuộc hôn nhân tốt đẹp giữa những gì bạn làm và những gì bạn yêu mến. Pablo Picasso từng nói: “Khi làm việc tôi thấy thoải mái. Ăn không ngồi rồi hay hầu chuyện khách khứa đều làm tôi mệt mỏi”.

Ta không vẽ giỏi như Picasso. Nhưng ta sẽ làm hết sức mình nếu hiểu rằng công việc mang lại sức sống và niềm vui cho ta. Ta có thể áp dụng mọi tính chất và thành tố của cuộc chơi vào công việc. Mark Twain từng nói: “Bí quyết để thành công là biến sự nghiệp của mình thành một kỳ nghỉ”. Dường như đó là việc mà người thành đạt thường làm.

Ngày nay, chúng ta nghe nói nhiều về người nghiện việc. Nhiều người hình như làm việc với nỗi ám ảnh không lành mạnh.

Các nhà nghiên cứu khám phá nhiều điều đáng ngạc nhiên về những người nghiện việc. Họ dường như là người tập trung hoàn toàn vào công việc, bởi vì họ thích việc mình làm. Công việc mang đến cho họ thử thách, niềm vui, làm cuộc sống của họ phong phú hơn. Với họ, làm giống người bình thường chơi. Làm việc là cách mở rộng kho kiến thức, giúp họ học thêm nhiều điều mới mẻ và khai phá những con đường mới.

Phải chăng có loại nghề nghiệp hấp dẫn hơn nhiều nghề nghiệp khác? Tất nhiên. Chìa khóa là phải tìm được những công việc như vậy. Nếu bạn tìm được những cách sáng tạo để làm tốt công việc của mình, nó sẽ giúp bạn làm việc tốt hơn. Nếu cho rằng công việc chỉ là một gánh nặng, là cách kiếm tiền, rất có thể thực tế sẽ đúng như vậy.

Trước đây chúng ta đã nói về tính chất hiệp lực của hệ tư tưởng thống nhất. Có niềm tin tích cực hỗ trợ cho các niềm tin tích cực khác. Sau đây là một ví dụ nữa. Không có công việc đưa ta vào tình trạng bế tắc. Chỉ có những người không còn nhận ra cơ hội, người quyết định sẽ không chịu trách nhiệm về việc mình làm, người chọn cách tin vào thất bại... mà thôi. Tôi không gợi ý bạn nên nghiện việc. Tôi cũng không cho rằng ta nên định hướng thế giới của mình chỉ xoay quanh công việc. Nhưng bạn sẽ làm cho thế giới của mình phong phú hơn, công việc của mình thú vị hơn nếu cũng tò mò, hình dung về công việc với những hình ảnh sống động như khi chơi đùa và khám phá.

Niềm tin thứ bảy: sẽ không có thành công vĩnh cửu nếu không có sự tận tụy.

Những ai thành đạt đều tin vào sức mạnh của lòng tận tụy. Nếu như có một niềm tin duy nhất không thể tách rời khỏi thành công đó chính là: thành công to lớn luôn đi cùng sự tận tụy. Quan sát những người thành đạt dù bất cứ lĩnh vực nào, bạn sẽ thấy: chưa chắc họ đã là người giỏi nhất hoặc thông minh nhất, nhanh nhẹn nhất hoặc mạnh mẽ nhất. Nhưng họ là những người tận tụy nhất. Nghệ sĩ balê nổi tiếng người Nga Anna Pavlova đã từng nói: “Chỉ theo một mục đích và không bao giờ dừng lại. Đó chính là bí quyết để thành công”. Đó không gì khác ngoài công thức thành công tối thượng: biết mục đích, học tập theo những tấm gương sáng, hành động, bồi dưỡng kỹ năng tinh nhạy trong việc biết mình sẽ đạt được kết quả gì và liên tục chọn lọc cho tới khi có được thứ mình muốn.

Tận tâm tận lực với công việc là một thành tố quan trọng để đạt tới thành công ở bất cứ lĩnh vực nào. Trước khi có được thời hoàng kim, Dan Rather đã là một huyền thoại về một phóng viên truyền hình làm việc chăm chỉ nhất tại Houston. Người ta vẫn còn kể cho nhau nghe câu chuyện anh kiên trì bám trụ hiện trường để viết bài, mặc cho cơn bão khủng khiếp đang gầm rú tiến về hướng miền duyên hải Texas. Ngày nay, nhiều người vẫn nói về Michael Jackson. Họ cho rằng Jackson đạt được thành công quá nhanh chóng. Nhanh chóng sao? Michael Jackson có tài năng tuyệt vời? Chắc chắn rồi. Nhưng anh cũng làm việc hết mình kể từ khi mới lên năm tuổi. Khi đó, anh đã làm việc trong ngành giải trí, luyện tập giọng hát, hoàn thiện kỹ năng múa và tự viết các bài hát cho mình. Chắc chắn anh có tài năng thiên bẩm. Anh cũng được nuôi dạy trong môi trường hỗ trợ cho anh rất nhiều. Anh phát triển hệ thống niềm tin đã nuôi dưỡng tài năng của anh. Anh có nhiều tấm gương thành công để noi theo. Anh có một gia đình nghệ sĩ định hướng cho nghề nghiệp của anh. Nhưng trên tất cả vẫn là: anh sẵn sàng trả giá để có thành công. Những người thành đạt sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có được thành công. Chính điều này quan trọng hơn tất cả. Nó đã tách biệt hẳn người thành công với người bình thường.

Còn niềm tin nào khác nuôi dưỡng cho tinh hoa? Chắc chắn là có. Khi nghĩ về những niềm tin ấy, bạn sẽ thấy vui vẻ hơn. Khi đọc hết cuốn sách này, bạn sẽ để tâm hơn khi tìm những đặc điểm khác thêm vào danh sách niềm tin nói trên. Hãy nhớ: thành công luôn để lại manh mối. Hãy nghiên cứu những tấm gương thành đạt. Tìm những niềm tin quan trọng của người thành đạt để nâng cao năng lực và hành động hiệu quả, không ngừng tạo ra những thành quả kỳ diệu. Bảy niềm tin nói trên đã làm nên điều kỳ diệu với những người trước bạn. Tôi tin rằng chúng cũng làm nên điều kỳ diệu nếu bạn tin tưởng vào chúng.

Nhiều người hỏi: Vậy phải làm gì với những niềm tin không hỗ trợ ta? Phải làm gì với những niềm tin tiêu cực? Làm thế nào thay đổi niềm tin? Bạn đã đi được bước đầu tiên trong giải pháp: ý thức về niềm tin. Bạn biết mình muốn gì. Bước thứ hai là hành động. Học cách kiểm soát niềm tin và những hình ảnh trong tâm tưởng. Học cách điều khiển não bộ.

Giờ đây tôi sẽ chia sẻ cùng độc giả những kĩ năng hữu hiệu để sử dụng những kiến thức từ các chương trước. Đã tới lúc chúng ta tìm hiểu.

Mua cuốn sách Đánh Thức Năng Lực Vô Hạn được giảm giá hấp dẫn tại Đây

Tags: