Giữa một kho tàng tác phẩm đồ sộ với những Rừng Na Uy lừng lẫy hay Kafka bên bờ biển giàu sức nặng, Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương dễ dàng lẩn quất và trở nên nhạt nhòa. Cũng bởi vì có nguyên bản là một truyện ngắn (theo lời Murakami), cốt truyện của Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương cũng nhẹ nhàng và gọn ghẽ trong hơn 200 trang sách. Mình đọc cuốn này với không quá nhiều kì vọng, trong bối cảnh không có quá nhiều sự lựa chọn (trong số những cuốn của Haruki mình chưa đọc và những cuốn mình có thể mua trên Tiki). Và nó đã làm mình bất ngờ.
Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương kể về Tazaki Tsukuru – một thanh niên Nhật sống giữa những u uất và trăn trở về bản thân và thời cuộc – một kiểu nhân vật không quá xa lạ trong các tác phẩm của Haruki.
Những dấu hiệu đổ vỡ
Cái biệt danh “không màu” của anh được xuất hiện từ thời Cấp 3, khi Tsukuru có một tình bạn keo sơn khắng khít với 4 người khác – tạo thành một nhóm 5 người được miêu tả là một “vòng tròn khép kín”. Và thật tình cờ (hoặc không), Tsukuru là người duy nhất trong nhóm mà trong tên lại không xuất hiện một “màu sắc”. 4 người còn lại là Akamatsu - Đỏ, Oumi – Xanh, Shirane - Trắng và Kurono – Đen. Cả 5 người – 3 nam, 2 nữ đều ý thức được tình bạn giữa họ là một điều vô cùng đặc biệt và thiêng liêng, và luôn ra sức để bảo vệ sự thiêng liêng ấy. Những dấu hiệu đổ vỡ bắt đầu khi họ bước vào ngưỡng cửa Đại học: Tsukuru quyết định lên Tokyo theo học ngành chế tạo ga tàu, trong khi 4 người còn lại quyết định ở lại quê nhà Nagoya.
Trở lại với câu chuyện về những dấu hiệu đổ vỡ - nó không chỉ là dấu hiệu nữa mà đã trở thành sự thực: Tsukuru bị loại ra khỏi nhóm – với một kịch bản mà không ai có thể nghĩ ra… (Mình tưởng tượng, nếu mình là Tsukuru thì mình không thể vượt qua cú sốc ấy được). Mà quả thực là Tsukuru không dễ dàng gì để vượt qua – đã có những thời điểm anh cận kề với cái chết. Ở những đoạn miêu tả tâm lý nhân vật này, Murakami luôn làm tốt với khả năng sử dụng ngôn ngữ nhuần nhuyễn đề hữu hình hóa những cái trừu tượng.
“Tớ thực sự thích cậu, Midori à. Thích lắm.”
“Lắm là bao nhiêu?”
“Là như một chú gấu mùa xuân,” tôi nói.
Và Murakami đã mô tả về cái cách mà Tsukuru bị “xóa sổ” khỏi nhóm như thế này: “bị thả từ boong tàu xuống biển đêm mà không ai biết”. Đến tận 20 năm sau đó – khi đã trở thành một người đàn ông trung niên sống một cuộc đời bình thường tẻ nhạt, anh mới có đủ can đảm để quay trở lại nơi mọi mâu thuẫn bắt đầu và tìm ra nguồn cơn của sự thật.
Những chi tiết ẩn dụ sâu sắc và đầy tính triết lý
Văn Murakami luôn ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa với những chi tiết ẩn dụ sâu sắc và đầy tính triết lý. Trong “Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương”, không có những cơn mưa cá từ trên trời rơi xuống hay nhân vật Cừu biết nói – nhưng những ẩn dụ của nó về sự đau thương, sự trưởng thành, về mối quan hệ giữa người với người cũng rất đáng suy ngẫm.
Một trong những chi tiết mình khá tâm đắc là sự biến chuyển về tính cách của cả nhóm bạn khi Tsukuru gặp lại họ - sau gần 20 năm. Suốt một thời gian dài cắt đứt liên lạc, tất cả những gì Tsukuru nhớ về họ vẫn là những hình ảnh tươi đẹp của một thuở thanh xuân vườn trường: Xanh cao lớn, cục mịch - là đội trưởng đội bóng bầu dục của trường; Đỏ bác học; Đen mũm mĩm ấm áp và là cây hài của cả nhóm; Trắng mong manh, thuần khiết, xinh đẹp. Nhưng tất cả đã chỉ là quá khứ: sự tàn nhẫn của thời gian đã khiến họ không thể trở thành (hoặc thậm chí là đi ngược lại) với những điều mà họ muốn (hoặc nghĩ) mình sẽ trở thành trong tương lai. Cái "vòng tròn khép kín" hoàn hảo của họ cũng dần bị bóp méo, rồi đứt gãy, không bao giờ có thể liền lại. Phải chăng, đó chính là cái giá của sự trưởng thành?
“Lòng người và lòng người không bao giờ gắn kết với nhau chỉ bởi sự hài hòa. Mà trái lại, gắn kết với nhau sâu sắc bởi tổn thương và tổn thương. Nối liền với nhau bởi niềm đau và niềm đau, bởi mong manh và mong manh. Không có sự tĩnh lặng nào mà không chứa đựng những tiếng kêu bi thống, không có sự dung thứ nào mà không đổ máu trên mặt đất, không có sự chấp nhận nào mà không phải vượt qua những mất mát đau thương. Đó là thứ nằm trong căn đế của sự hài hòa đích thực.”
Theo N.Thuận