“Không phải việc của tôi”
Khi bạn hành thiền, lắng Tâm nhìn cuộc đời, bạn dần nhận ra rằng nó hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Bất kể cái gì nằm ngoài tầm kiểm soát thì không phải là việc của bạn. Đó là câu chú tuyệt vời, ngắn gọn tôi áp dụng trong khi hành thiền, và tôi cũng khuyến khích người khác sử dụng câu niệm đấy. Bất kể bạn đang trải nghiệm cái gì, bất kể bạn đang tu tập ở trong thiền viện hay ở bất kỳ nơi nào, hãy nói: “Không phải việc của tôi”.
Bất kể điều gì xảy ra với nguồn nước, với chuyện người đến rồi đi, với thức ăn được cho, với thời tiết, hãy cứ nói: “Không phải việc của tôi”. Bạn không việc gì phải lo lắng ai làm gì và nói gì với bạn; đó là việc của họ, Nghiệp (kamma) của họ chẳng liên quan gì đến bạn.
Nếu bạn nhạy cảm với lời nói của người khác và cho phép họ làm tổn thương bạn hoặc bắt nạt bạn, hãy nhớ đến lời Đức Phật răn dạy con trai Rahula (La Hầu La): Hãy như Trái đất (MN 62.13). Chúng sinh tiểu tiện và đại tiện vào Trái đất; họ ói mửa vào Trái đất; họ đốt Trái đất. Chúng sinh xả xuống Trái đất đủ mọi thứ rác rưởi, nhưng Trái đất không bao giờ phàn nàn, mà chỉ đón nhận tất cả. Chúng sinh cũng làm biết bao điều tốt đẹp với Trái đất, họ trồng hoa, trồng vườn, thậm chí họ xây tu viện lên Trái đất, nhưng Trái đất không phản ứng – cho dù có chuyện gì xảy ra với nó chăng nữa.
Vậy, hãy giống như Trái đất. Bất kể người ta nói gì hay làm gì, cứ bất di bất dịch. Nếu người ta tâng bốc bạn hay chỉ trích bạn, đó là việc của họ. Bạn không cần phải bị ảnh hưởng bởi lời nói của người khác, dù là nói tốt hay xấu. Khi bạn có thái độ “Không phải việc của tôi”, nó sẽ không bao giờ làm cho bạn tức giận.
Tương tự như vậy đối với cơn đau thể xác và với bệnh tật. Khi bạn hành thiền, hãy tự nhắc bản thân đấy không phải là việc của bạn; đấy là việc của cơ thể – hãy để cơ thể tự chăm sóc chúng. Suy nghĩ như thế có uy lực rất mạnh mẽ, giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Thật lạ là ta càng lo lắng cho cơ thể thì nó càng rệu tệ đi. Nếu bạn thoát ly khỏi cơ thể – ngồi tĩnh lặng, cứ cho phép cơ thể biến mất – thì nó có khuynh hướng tự chữa lành.
Thông thường, khi ta cố kiểm soát và tổ chức sắp xếp mọi thứ thì chúng chỉ có tệ đi mà thôi. Với cơ thể ta cũng vậy, đôi khi bạn cứ bỏ mặc nó và thư giãn, cơ thể bạn sẽ trở nên khoan khoái, thoải mái và tự chữa lành. Vì vậy, hãy buông nó ra và quên nó đi.
Tôi biết nhiều vị chân tu có thể khiến cho bệnh tật biến mất qua uy lực của hành thiền. Lần đầu tiên tôi chứng kiến điều đó là với Ajahn Tate. Đó là lần đầu tiên tôi tới Thái Lan năm 1974, thầy nằm viện do bệnh ung thư không thể chữa khỏi. Các bác sĩ đã tận tình cứu chữa bằng những phương tiện tốt nhất, nhưng đều vô vọng, vì vậy họ gửi thầy về lại tu viện chờ chết. Và thầy lìa đời sau… 25 năm. Đó là một ví dụ về những gì xảy ra khi thầy tu “về lại tu viện chờ chết”. Họ trở về và sống lâu. Họ thoát ly mọi thứ – đạt tới Tuệ nibbidā, Tâm dứt bỏ. Khi Tâm đã nhận đủ, nó thậm chí không muốn nhìn vào vạn vật nữa, và ta thấy vạn vật biến dần đi.
Bạn sẽ đọc được về tiến trình này trong những lời răn dạy của Đức Phật. Theo đó, Tuệ nibbidā dẫn tới virāga (sự phai biến), vạn vật biến dần đi. Khi bạn xem cái gì đó “Không phải việc của tôi”, nó sẽ biến dần khỏi thế giới của bạn. Ý thức không nối kết với nó nữa – bạn không thấy, không nghe, không biết về nó. Phương thức vận hành của vạn vật trong vũ trụ giống như sau đây: Bất kể cái gì bạn dính líu, tham dự đều là những thứ bám chặt vào Tâm của bạn – Tâm là nơi ý thức bám rễ để mọc lên.
Bạn đang xây những dinh thự tinh thần trong Tâm. Ở cương vị một thiền sư, tôi thấy rõ ràng là chính ta gầy tạo nên thế giới của mình. Nhưng khi buông dứt, ta không còn việc gì ở thế gian nữa, và vì ta không quan tâm tới nó, tất cả mọi thứ sẽ biến mất khỏi ý thức. Khi ta đạt tới Tuệ nibbidā, ta thật sự “không tạo nên” thế gian của mình.
Giải quyết vấn đề gian khổ
Đã bao nhiêu lần bạn phải giải quyết “vấn đề khó khăn”? Bạn sẽ mãi mãi phải cố gắng giải quyết vấn đề cho đến khi bạn lìa đời, không những thế, bạn còn phải lo khắc phục khó khăn trong nhiều kiếp nữa. Thay vì thế, hãy hiểu rằng thế giới này là cuộc chơi của những giác quan. Đó là ngũ uẩn đang thực hiện công việc của chúng, nó chẳng việc gì đến bạn cả. Con người là con người, thế gian là thế gian – quả đúng như vậy.
Đôi lúc ở tu viện chỗ tôi, bạn trông thấy những bầy vẹt mào. Chúng ồn ào kinh khủng. Nhiều người nói họ không thích âm thanh của lũ vẹt mào tí nào, nhưng cho dù họ có thích hay không, chúng vẫn cứ phát ra tiếng ầm ĩ – thế thì tại sao họ không thoát ly khỏi chúng?
Là thiền sư, tôi từng tự nhủ: “Hà cớ gì để tiếng ồn ã kia gây xáo trộn cho mình?”. Cho dù là tiếng chim bên ngoài, tiếng ai đó đang ho, hay tiếng đóng sầm cánh cửa ở hành lang, tại sao mình phải nghe chúng? Tại sao mình không làm giống như đôi mắt của mình – khép mí lại – tức là “đậy” đôi tai mình lại? Thông qua việc chiêm nghiệm về âm thanh và hiểu cách vận hành của nó, thì rõ ràng lý do duy nhất tôi nghe thấy nó là bởi vì tôi hướng Tâm ra ngoài để lắng nghe nó. Có một sự kết nối chủ động với thế giới âm thanh. Chính vì thế mà nó gây xáo động cho bạn. Ajahn Chah từng nói: “Không phải âm thanh làm ta bất an mà chính ta đang gây bất an cho âm thanh”. Đó là câu nói thâm diệu, rất có ý nghĩa đối với tôi. Tôi đã sử dụng nó để hiểu bản chất tự nhiên của âm thanh và hiểu tại sao nó gây phiền não.
Khi ai đó rủa bạn là đồ con lợn, là tên ngốc, hay bất kể cái tên ngớ ngẩn nào, bạn không cần phải lắng nghe những lời ấy. Ta nghe thấy nó là vì ta quan tâm chú ý đến nó; ta tự buộc mình vào thế giới âm thanh và tự dán chặt mình vào nó. Nhưng khi nhận ra được rằng âm thanh xuất hiện là theo lẽ tự nhiên của nó, ta đạt tới Tuệ nibbidā. Có âm thanh êm tai, có âm thanh điên loạn. Về tiếng chim, có loài chim kêu thánh thót, có loài chim (như con quạ chẳng hạn) phát ra âm thanh chói tai. Đó không phải là lỗi của con quạ, đó là bản chất tự nhiên của chúng. Tương tự như vậy với tu viện, một số anagārika (thầy tu tập sự) giống như con quạ, một số giống như chim sơn ca; một số thầy tu nói lời chân thiện, một số phun lời quỷ dữ; đó là bản chất của họ, thế thôi. Không việc gì tới ta, vì vậy ta nên thoát ly khỏi họ.
Khi chúng ta thoát ly khỏi vạn vật thông qua Tuệ nibbidā, chúng sẽ biến đi. Bể khổ phai biến khi Nhân gây ra sầu khổ phai biến. Ý thức về thế gian bắt đầu biến đi khi chúng ta không băn khoăn đến việc thay đổi nó. Khi chúng ta buông dứt khỏi vạn vật thông qua Tuệ nibbidā, chúng ta ly khai khỏi nó và phớt lờ nó. Đó là bởi vì Tuệ nibbidā xuất phát từ việc nhìn nhận thế giới đúng như bản chất thật của nó. Như thế, chúng ta di chuyển theo hướng khác, ngược với phần còn lại của thế giới.
Những sứ giả của sự thật
Một cách nhìn khác về sự thoát ly thế giới là nhìn nhận nó như là một chuyển động vào Tâm, chốn tĩnh lặng nội tại. Đôi lúc bạn muốn nhìn xem thế giới của gia đình mình, thế giới của bạn bè mình như thế nào, thậm chí bạn muốn xem thế giới Phật giáo ra sao, khi ấy bạn đang thoát ly khỏi Tâm, nghĩa là tự lôi kéo bản thân ra khỏi cõi tĩnh lặng của bạn. Bạn có thể cảm nhận được sự căng níu đó. Con người chúng ta sẽ luôn bị căng níu như thế suốt đời. Vậy bạn đã từng bị níu kéo như thế chưa? Thường thì những người tu rời bỏ tu viện là vì họ bị hấp dẫn bởi chuyện tình cảm khác giới. Liệu điều đó có làm họ hạnh phúc?
Cách đây nhiều năm, có một bài báo đăng trên tạp chí Punch nhan đề Lời khuyên dành cho những ai sắp kết hôn. Cả bài báo chiếm trọn hai trang “đắc địa” đều rỗng tuếch, ngoại trừ bốn mẫu tự “ĐỪNG”. Bốn mẫu tự này đủ thể hiện sự thấu hiểu bể khổ của hôn nhân. Đừng nghĩ rằng bạn khác người ta, rằng bạn có thể thoát khỏi sầu khổ bởi bạn đặc biệt hơn hoặc thông thái hơn kẻ khác. Chỉ có thói kiêu ngạo của bản ngã mới nghĩ rằng ta giỏi hơn, ta khôn hơn người khác; rằng ta có thể tránh được những vấn đề khó khăn phức tạp mà những người khác đều phải đối mặt.
Khi còn trẻ, tôi đã từng huyễn hoặc bản thân như vậy. Tôi học cách ngăn không cho khó khăn tóm bắt được mình bằng cách lần mò tới tận cùng tính logic của chúng. Tôi nghĩ: “Sau đó rồi sao? Rồi sao nữa?”, và tôi sẽ không dừng lại cho đến khi tôi có được bức tranh toàn cảnh. Đối với chuyện ảo mộng như tình yêu, hôn nhân và cái kết đẹp đẽ “Họ sống hạnh phúc bên nhau trọn đời”, thì “Rồi sao nữa?” bóc gột hết niềm vui, bởi vì “Sau đó rồi sao?” sẽ chỉ là hư vô.
Vô sắc, không còn sự tươi sáng, không còn niềm vui hay hạnh phúc nữa, bởi vì “Sau đó rồi sao?” có thể là bất kỳ cái gì mà bất kỳ ai cũng có thể trải qua. Khi phần vui thú phai tàn và biến mất, bạn quay trở lại nơi bạn bắt đầu. Còn hơn thế, bạn vẫn chưa hiểu được bất kỳ điều gì về cuộc sống. Bạn đang cố đi qua cuộc đời, cố giành giật vài khoảnh khắc hạnh phúc và vui sướng. Rốt cuộc, bạn đang rướn người lấy đà nhảy về phía tuổi già và chia lìa những người mình yêu thương. Thế, điểm mấu chốt ở đây là gì? Đó là hãy đi theo lộ trình Tuệ nibbidā, tức là hành thiền tu tập trí tuệ thực sự. Bạn đã nếm đủ sầu khổ, điều đó có nghĩa là bạn đã tích đủ cơ sở dữ liệu xử lý. Hãy suy ngẫm về bể khổ khi bạn gặp gian khó và hãy rèn luyện Tuệ nibbidā.
Trong khóa tu tập hành thiền, sẽ có nhiều lúc bạn chán nản. Nếu bạn cảm thấy nhức chân cẳng, hoặc bạn ngồi đó mà chẳng biết làm gì – bạn không muốn tọa thiền, không muốn đi thiền, không muốn đọc sách, bạn chán rũ rượi – đó là lúc bạn cần tìm hiểu về sự chán nản. Nếu bạn tìm hiểu sự sầu khổ, bạn sẽ không tận dụng hết từng khoảnh khắc của khóa thiền, bạn cũng không khám phá và trau dồi tính cách cá nhân của bạn. Việc rèn Tâm không nằm ở sự kiểm soát vạn vật, mà nằm ở sự thông hiểu chúng. Hãy xem những khó khăn và thất vọng như là các devadӣta, sứ giả sự thật, đến để dạy ta giáo huấn Dhamma.
Đại sư Ajahn Chah hay gọi những sứ giả này là Kruba Ajahn – những bậc tôn sư. Những Kruba Ajahn này không sống trong tu viện lớn. Đó là những Kruba Ajahn trong tưởng tượng. Kruba Ajahn thật sự ở trong chính mái nhà của bạn, khi bạn tỉnh giấc lúc sáng sớm nhưng lại mệt đến độ không muốn cất mình ra khỏi giường. Những Kruba Ajahn này sẽ có mặt ngay tại nơi bạn ngồi thiền rất lâu mà chẳng đi được tới đâu.
Kruba Ajahn thật sự sẽ hiện hữu trong lúc bạn nhập thiền nhưng lại cứ đắn đo, tự hỏi còn lại bao nhiêu ngày nữa thì hết khóa tu. Khi ai đó không đặt thức ăn thích hợp vào bát của bạn, hoặc khi bạn sắp hành thiền sâu thì một con quạ kêu nháo lên. Tóm lại, bất cứ điều gì khiến bạn thật sự thất vọng hay điên tiết, đó đều là Kruba Ajahn – bậc thầy. Tất cả là hành thiền, lắng nghe, thẩm thấu và hiểu.
Trạm Đọc trích đăng | Nguồn ảnh: Sưu tầm