Từ năm 1997, dưới bút danh Shan Sa, cô từng bước chiếm lĩnh văn đàn Paris. Một số tác phẩm của cô từng được vinh danh tại các giải thưởng lớn, chẳng hạn như, “Thiếu nữ đánh cờ vây” đã giành được 4 giải văn học lớn của Pháp cùng với giải thưởng văn học Goncourt dành cho giới trẻ và trở thành một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất ở Pháp. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều tác phẩm khác của cô như “Nữ hoàng” cũng lọt vào top 10 sách bán chạy ở châu Âu vào năm 2000, tiểu thuyết “Thiên An Môn” đoạt giải Goncourt Pháp dành cho tác phẩm đầu tay và tiểu thuyết “Bốn kiếp thuỳ liễu” đoạt giải Cazes-Brasserie.
Phong cách viết của Sơn Táp mang đặc trưng của một ngòi bút tha hương (đang sinh sống ở Pháp) nhưng luôn hướng về quê nhà (Trung Quốc). Cô đã tận dụng lợi thế sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm nghiên cứu lịch sử văn hoá để biến đó trở thành lợi thế của riêng mình.
Dưới đây, Trạm Đọc xin giới thiệu 3 trong số những tác phẩm vô cùng thành công của cô: “Thiếu nữ đánh cờ vây”, “Đàn cổ cầm khoả thân” và “Nữ hoàng”.
“Thiếu nữ đánh cờ vây”
Lấy bối cảnh quân Nhật chiếm đóng vùng Đông Bắc Trung Quốc vào những năm 30 của thế kỷ XX, tác phẩm mở đầu bằng cuộc gặp tình cờ giữa một cô gái Trung Hoa với một sĩ quan Nhật Bản trên bàn cờ tại quảng trường Thiên Phong. Khi họ cùng chơi cờ với nhau, mỗi người đều nảy sinh trong tâm trí những mối liên hệ cá nhân. Cùng lúc ấy, cả hai đều đang đắm chìm trong một thế giới đầy những vấn đề và cờ vây trở thành sự giải toả và cứu rỗi họ.
“Thiếu nữ đánh cờ vây” cuốn hút độc giả bởi tình huống éo le khi hai con người ở hai đầu chiến tuyến đem lòng yêu thương nhau. Độc giả có thể cảm nhận được tâm trạng day dứt của chàng trai si tình: “Chiếc áo dài xanh lá của em, lúc nãy nhìn có vẻ buồn thảm, nay bỗng toát lên sức sống khi hoà lẫn trong màu cây xanh quanh em. Phải chăng đó là hình ảnh nước Trung Hoa của tôi, niềm say mê và mối căm thù của tôi? Khi gần em, nỗi khốn khổ của em khiến tôi thất vọng. Đứng xa em, nét duyên dáng của em ám ảnh tôi”.
Lần duy nhất họ có dịp được ở bên nhau thật gần, chàng trai vừa hạnh phúc vừa chua xót: “Tôi chết đi được vì thèm khát được ôm em vào lòng! Nếu như không được vòng tay quanh vai em, kéo đầu em ngả xuống ngực mình, tôi cũng sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc nếu được chạm vào các ngón tay em. Váy em phủ kín tận mắt cá chân. Lá khô rơi trên thân em biến tấm vải máu xanh tím, nhàu đi theo nét cong của cơ thể em thành một tấm khăn choàng lộng lẫy, với các nếp nhăn, các vũng sâu, các đường lượn sóng…”.
Điều đáng tiếc là mối tình e ấp, mãnh liệt ấy mãi mãi không thể cất lên thành lời. Dù họ có bất chấp mọi rào cản chủng tộc, giai cấp, chính trị thì chiến tranh cũng không buông tha họ. Chàng sĩ quan Nhật Bản đã tự tay bắn chết người con gái anh si mê để những tên lính Nhật không có cơ hội làm nhục nàng. Và sau đó, anh cũng tự sát theo cô gái. Đây là một cái kết bi thương nhưng cũng có thể xem là đoạn kết có hậu khi cả hai được chết bên nhau.
“Đàn cổ cầm khoả thân”
Trung Quốc vào những năm 420 – 585 là giai đoạn hỗn loạn về chính trị. Đất nước bị chia làm hai, những quý tộc Trung Quốc lưu vong đoàn kết xung quanh một vị hoàng đế và định cư tại phía nam sông Dương Tử, mở ra thời kỳ phân tranh Nam Bắc.
Mạch truyện tiếp tục đưa người đọc đến với câu chuyện về một cô gái xuất thân trong tầng lớp quý tộc, yêu nghệ thuật, thi ca, bị một người lính ở miền Nam Trung Quốc bắt cóc. Cô buộc phải đi theo người lính, chứng kiến những thắng lợi của anh. Dần dần, cô đem lòng yêu anh và mang thai đứa con của anh. Họ cùng nhau đến Tử Cấm Thành, vượt qua bao nhiêu thử thách, anh lính năm xưa trở thành hoàng đế Trung Hoa còn cô gái trở thành hoàng hậu.
Chất liêu trai thể hiện ở phần cuối tác phẩm khi gần 200 năm sau, linh hồn hoàng hậu trở về cùng với chiếc nắp quan tài bằng gỗ vốn bị Thẩm Phong, một người thợ làm đàn trẻ tuổi lấy trộm từ mộ nàng. Dường như Thẩm Phong và vị hoàng hậu sống cách anh hàng trăm năm lại là những người bạn tri âm tri kỷ vượt thời gian của nhau. Bởi chỉ có Thẩm Phong mới nghe được tiếng nhạc vang lên “trong veo như tiếng ngọc trai” ở lăng mộ còn người bạn đi cùng anh lại không nghe được bất cứ âm thanh nào.
Cây đàn và hoàng hậu tuy hai mà là một. Cả cây đàn và người phụ nữ đều giống nhau về hình dáng và gắn bó với khúc nhạc Quảng Lăng tán về người bạc mệnh.
"Nữ hoàng"
“Nữ hoàng” kể về cuộc đời của Võ Tắc Thiên, người phụ nữ duy nhất trở thành Hoàng đế Trung Hoa. Điều để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí độc giả là câu chuyện được kể bằng ngôi thứ nhất. Không phải nhà văn nào cũng thuần thục lối viết này vì thế để mang đến thành công cho tác phẩm “Nữ hoàng”, Sơn Táp đã phải tập trung cao độ và vận dụng linh hoạt trí tưởng tượng của mình.
Nhân vật chính là một người phụ nữ tham vọng. Và những tham vọng của nàng thay đổi theo thời gian. Khi cha mất, bị các anh khác mẹ ngược đãi, nàng mong muốn thoát khỏi cảnh sống bần cùng, bị coi thường ấy, vì thế, nàng hăm hở bước vào "cuộc hẹn hò với một người đàn ông vĩ đại" để thay đổi cuộc sống của bản thân, mẹ và em gái.
Tới khi bị đưa đi làm ni cô sau khi hoàng đế Thái Tông qua đời, nàng đặt hy vọng vào Tiểu Trĩ, vị quân vương mới hứa sẽ đem đến cho nàng một cuộc sống nàng hằng mong muốn. Nàng vươn lên vị trí hoàng hậu và quyền lực được trao vào tay nàng như một lẽ dĩ nhiên. Nàng đứng ra gánh vác việc triều đình thay cho phu quân rồi sau đó là đứa con vô năng. Triều đình thần phục nàng như một nữ thần. Nàng không nhắc tới những tham vọng của mình nhưng mỗi hành động của nàng đều xuất phát từ tham vọng.
Bản thân nàng chứa đầy mâu thuẫn. Nàng tiêu diệt kẻ thù của mình nhưng sau đó lại cất nhắc con cháu của kẻ thù. Nàng có thể tàn nhẫn hy sinh cả dòng tộc họ Võ, tuy nhiên, sau đó lại đưa dòng họ ấy lên tột đỉnh vinh quang.
Tất cả những bí ẩn chốn cung đình ấy đã được Sơn Táp chuyển tải qua giọng văn bình tĩnh nhưng cũng đầy chất suy tưởng.
Tác phẩm chính của Sơn Táp
- Porte de la paix céleste (Thiên An môn) (1997)
- Les quatre vies du saule (Bốn kiếp thuỳ liễu) (1999)
- La Joueuse de Go (Thiếu nữ đánh cờ vây) (2001)
- Impératrice (Empress) (Nữ hoàng) (2003), dựa trên cuộc đời của Võ Tắc Thiên
- Les conspirateurs (Conspirators) (Mưu phản) (2005)
- La cithare nue (The naked zither) (Đàn cổ cầm khỏa thân) (2010)
Minh Phương