Antigone là vở kịch trong bộ ba câu chuyện thành Thebes (Vua Oedipus, Oedipus ở Colonus và Antigone) của tác gia Sophocles. Tác phẩm được sáng tác năm 443 trước Công nguyên, trở thành một trong những tác phẩm được đề cập nhiều nhất trong lịch sử triết học phương Tây.
Chủ đề về nhân vật nàng Antigone đã thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều nhà nghiên cứu, lý thuyết gia. Trong đó, Judith Butler, một học giả quan trọng, có ảnh hưởng của ngành nghiên cứu nhân văn hiện nay, viết công trình Yêu sách của Antigone: Thân tộc giữa sự sống và cái chết (Yêu sách của Antigone).
Ấn bản tiếng Việt của cuốn sách mới được phát hành, tạo sự chú ý trong cộng đồng học thuật Việt. Một buổi tọa đàm về Yêu sách của Antigone được tổ chức sáng 25/12 với hình thức trực tuyến.
Yêu sách của Antigone là cuốn sách cô đúc những bài giảng của Judith Butler tại các trường ở Mỹ như: Đại học California, Cornell, Princeton năm 1998. Trong cuốn sách, Butler cho rằng cần phải chất vấn lại những cách đọc Antigone và có một cái nhìn khác về nhân vật nữ này.
Ngoài các bài giảng của Judith Butler, bản tiếng Việt có thêm hai phụ lục: Một tiểu luận của Judith Butler về lý thuyết nữ quyền; một trích dịch tiểu luận của Jaques Lacan bàn về nhân vật Antigone.
Người dịch Yêu sách của Antigone cùng phụ lục là tiến sĩ Nguyễn Thị Minh (giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TP.HCM). Tại tọa đàm, TS Minh cho biết từ lâu, nhân vật Antigone của Sophocles thường được cho là hình ảnh của nữ giới, đại diện cho gia đình và thân tộc.
Tuy nhiên, Judith Butler đặt lại vấn đề này. Bà cho rằng Antigone là nhân vật hư cấu, khó có thể đưa ra làm hình mẫu mà không rơi vào phi thực tế. Antigone khó lòng là đại diện tiêu biểu cho nữ quyền, vì chính nàng cũng dính vào quyền lực mà nữ quyền đang chống lại.
Bản thân Antigone không phải hình mẫu phụ nữ thuần túy: Nàng không hành động, nói năng như nữ giới, không lấy chồng, sinh con. Antigone cũng khó lòng đại diện cho thân tộc, vì những rắc rối, lệch chuẩn của gia tộc nàng.
Triết gia Hegel và nhà phân tâm học Lacan là hai nhà tư tưởng có cách đọc Antigone ảnh hưởng nhất từ trước đến nay. Tác giả Judith Butler đã sử dụng quan điểm của Hegel và Lacan để phản biện lại chính họ; đồng thời tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu phân tâm học lấy Antigone, thay vì Oedipus, làm xuất phát điểm của mình?”.
Qua cuốn sách, Judith Butler chứng minh Antigone là nhân vật có khả năng mở rộng ranh giới của những chuẩn mực tưởng chừng bất di bất dịch trong lịch sử cũng như trong đời sống.
Theo nhận xét của nhà nghiên cứu John Seery, Yêu sách của Antigone là “một trong những tác phẩm quan trọng nhất của giới học thuật trong 50 năm qua” và là một cách đọc văn bản cổ độc đáo.
Là công trình ý nghĩa trong giới học thuật song Yêu sách của Antigone không dễ tiếp cận đông đảo bạn đọc. Công trình được Judith Butler viết với văn phong khó, dùng nhiều danh từ học thuật.
Yêu sách của Antigone được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành bản tiếng Việt. Đơn vị này thực hiện “Phụ nữ tùng thư” - tủ sách giới và phát triển - trong 5 năm nay.
Nhà xuất bản đã làm tốt những đầu sách biên khảo đầu thế kỷ 20 về vấn đề phụ nữ, tinh tuyển tác phẩm của tác gia nữ. Một hướng khác mà Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đang khai thác chính là dịch thuật các công trình về giới, nữ quyền trên thế giới về Việt Nam. Yêu sách của Antigone là cuốn quan trọng trong mảng dịch thuật của tủ sách “Phụ nữ tùng thư”.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - cho biết khi thực hiện cuốn này, nhà xuất bản đã băn khoăn làm sao để khi ra mắt, sách đến được với nhiều độc giả, đặc biệt là giới trí thức. Nhà xuất bản đã tổ chức các cuộc họp với hội đồng đề tài, bộ phận kinh doanh, truyền thông để cuốn sách ý nghĩa này có được công chúng.
“Chúng tôi cố gắng để tủ sách có những công trình nghiên cứu về phụ nữ ý nghĩa, mang tính vấn đề về giới, thu hút được các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên đại học”, bà Phượng nói.
Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, hiện nay, nhiều chương trình, dự án về giới, bình đẳng giới. Nhưng khi triển khai, các chương trình này thường gặp khó do nhận thức. Đó là lý do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam duy trì tủ sách “Phụ nữ tùng thư”, các ấn phẩm về tư tưởng tuy khó nhưng cần thiết cho sự thay đổi nhận thức giới.
Bà Phượng cho biết sau Yêu sách của Antigone, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tiếp tục thực hiện các cuốn sách về giới, tư tưởng nữ quyền như: Bí ẩn nữ tính (một tác phẩm quan trọng về giới của Betty Friedan), Rắc rối giới (Judith Butler), một số sách khác về giới sẽ ra mắt vào tháng 3/2022.
Đáp lại nỗ lực của người làm sách, Yêu sách của Antigone được cộng đồng học thuật đón nhận. Dịch giả Nguyễn Thị Minh, đồng sáng lập “The Ladder - Không gian học thuật cho cộng đồng”, bày tỏ niềm vui khi công trình lọt top 5 sách lý luận - phê bình văn học bán chạy của một trang phát hành sách lớn hiện nay.
Nhà nghiên cứu văn học Trần Ngọc Hiếu đánh giá nỗ lực của dịch giả và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trong việc xuất bản Yêu sách của Antigone.
“Đây là minh chứng cho tinh thần tiên phong, khai phá vào những mảnh đất thuộc về học thuật của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam”, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hiếu nói.
Theo Zing News