Có hay không tình yêu
Có hay không tình yêu "từ cái nhìn đầu tiên"?
Những gì tình yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên thật sự có nghĩa …
Thật sự có một thứ gì như tình yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên hay không? Nhiều người sẽ nói là có, và họ đã từng trải nghiệm nó. Nhưng liệu đây có phải chỉ đơn thuần là một nhầm lẫn giữa sự cuốn hút giới tính và tình yêu? Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên có khả dĩ; và cái tính chất “từ cái nhìn đầu tiên” thật sự có nghĩa gì? Vậy, trước hết chúng ta hãy định nghĩa các thuật ngữ và xem xem chúng ta có thể làm sáng tỏ ý tưởng này hay không.

Trên thực tế, “tình yêu từ cái nhìn đầu tiên” có vẻ như là một thuật ngữ sai bởi vì chúng ta không thể hiểu nó theo nghĩa đen.

 

Bởi vì chỉ đơn thuần nhìn thấy một ai đó không thể nào đủ để biết được bản chất của một người.

 

Ví dụ như, nhìn thấy Brad Pitt hay Gwyneth Palthrow trong bộ phim mới đây nhất của họ không phải là cơ sở để yêu thích họ. Thật ra, các nhân vật xuất hiện trên màn hình không phải thực sự là con người của các diễn viên, một sự thật mà một nhóm hâm mộ cuồng nhiệt dường như không thể thấy. Những fan này có thể cảm thấy cuốn hút về mặt giới tính, hay cảm thấy mê mẩn, đối với các diễn viên này nhưng họ không thể được xem là yêu họ bởi vì họ không hiểu tí gì về con người của các diễn viên này dù họ có thể biết được một số thông tin (ví dụ như từ các tạp chí hay các cuộc tán gẫu). Tương tự như thế, bằng việc chỉ nhìn thấy người khác mà không có cơ hội để hiểu về họ, chúng ta không thể nào, một cách có lý, nói là yêu họ. Trong một vài trường hợp, khi chúng ta hiểu về con người của một số người mà ta cảm thấy ngưỡng mộ lúc còn lạ lẫm, chúng ta có thể xem họ rất rất đáng tởm!

Cuốn sách "Yêu em từ cái nhìn đầu tiên" của Cố Mạn được chuyển thể thành cả phim truyền hình và phim điện ảnh

Tuy nhiên, một số người tin rằng có thể có một sự liên kết kỳ diệu nào đó ngay sau khi ta nhìn thấy người ta yêu lần đầu tiên. Có lẽ cảm giác deja vu được kích hoạt bởi việc đã biết người này ở kiếp trước. Có lẽ từ cái nhìn đầu tiên, một nửa kia của bạn kéo bạn tới gần anh ấy như hai cực trái dấu của một nam châm. Vì vậy, Plato quan niệm rằng, khi linh hồn của chúng ta hạ thế từ thiên đường, chúng đã bị chia ra, để rồi khi ta gặp người bạn đời của mình “lần đầu tiên” trong cuộc đời, đó chính là một sự tái hợp.

Tuy nhiên cần chú ý rằng, những cách giải thích siêu hình này về tình yêu từ cái nhìn đầu tiên cũng có ẩn chứa một sự trải nghiệm trực tiếp với người còn lại [đã gặp ở tiền kiếp, hay là hai nửa của một thực thể, tức luôn có một mối liên kết nào đó giữa hai người trước đó, bất kể là ở dạng linh hồn hay tiền kiếp – ND]. Như thế, thậm chí nếu chấp nhận những cách giải thích đó đi chăng nữa, chúng ta phải thừa nhận rằng tình yêu từ cái nhìn đầu tiên không thật sự là “cái nhìn đầu tiên”. Có một sự thân quen nào đó; chúng ta không thể chỉ thấy ai đó rồi sau đó, tự động yêu họ. Có một thứ mà Betrand Russell đã gọi là “tri thức của cảm giác thân quen” (“knowledge by acquaintance”). Chúng ta phải trực tiếp quen biết người khác theo một cách nào đó trước khi chúng ta có tình cảm với họ.

Cảm giác quen thuộc đó có thể thuộc về nhận thức (những gì cô ấy nói với bạn, và những cảm xúc và thái độ mà cô ấy thể hiện); thính giác (giọng điệu của cô ta); cử chỉ điệu bộ (cách cô ấy di chuyển); khứu giác (mùi hương của cô ta); xúc giác (chẳng hạn như cảm giác khi ôm cô ấy); và thậm chí vị giác (như “vị” của nụ hôn đầu tiên). Điều này không có nghĩa là tất cả các thể loại của “sự quen biết” kể trên là tiền đề của “tình yêu từ cái nhìn đầu tiên”; tuy nhiên, những tri thức [trong “tri thức bởi cảm giác quen thuộc” – ND] này không nhất thiết phải giới hạn chỉ bởi cảm nhận thị giác mà thôi.

 

Vì vậy, tình yêu từ cái nhìn đầu tiên hoá ra cần nhiều hơn rất nhiều những gì mà con mắt thấy được lần đầu gặp gỡ!

 

Và thế nên, chúng ta lúc nào cũng đánh giá các yếu tố của cảm giác quên thuộc đối với người yêu khả dĩ. Anh ta có hài hước (theo quan điểm của bạn) hay không? Anh ta nói năng rõ ràng lưu loát hay không? Âm giọng của anh ta có “cộng hưởng” tốt với bạn hay không? Hay như đức hạnh của cô ta, như được thể hiện, có phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của bạn (chẳng hạn như cô ấy phản đối việc chăn nuôi kiểu “công xưởng” – kiểu chăn nuôi làm nhiều người cảm thấy như ngược đãi động vật – và bạn cũng thấy thế)? Những thông điệp gì mà cô ta truyền tải tới bạn thông qua ngôn ngữ cơ thể và bạn cảm thấy thoải mái với điều đó hay không? Cô ta nói gì với bạn qua ánh mắt của cô ấy? Ở đây, tất cả các đánh giá về cảm giác thân quen đó có vẻ diễn ra ở mức độ trực giác. Một người không thể phân tích cẩn thận và thiết lập các lập luận chặt chẽ để bảo vệ đánh giá của người đó. Ở lần gặp gỡ đầu, một người chỉ hành động cảm tính, có phần phản xạ. Và điều đó cũng là lý do cho sự hình tượng hoá “tình yêu vốn mù quáng”.

Tất nhiên, sự cuốn hút về mặt giới tính đối với một người nào đó là một phần của “sự liên kết” và thêm vào gia vị của nó đối với tổng thể của quá trình tâm lý này, nhưng nó không phải là “nguyên liệu” duy nhất cho tình yêu từ cái nhìn đầu tiên. Loại “tình dược” này dường như khá phức tạp, một hỗn hợp của các biến số “đã phơi khô” của các giác quan và sự đánh giá về mặt trực giác từ “bụng dạ”, bao gồm cả các “nguyên liệu” về mặt nhận thức. Tất cả những thông tin “nguyên liệu”này được “trộn lẫn” (chế biến bằng tinh thần) thành một thể thống nhất, và thể thống nhất này mạnh mẽ hơn một phép cộng đơn giản của các phần của nó.

Rõ ràng là, một phần không nhỏ của quá trình xử lý thông tin này được thực hiện trong một khoảng thời gian khá ngắn, chẳng hạn như, trong buổi hẹn hò đầu tiên hay thậm chí là gặp một ai đó lần đầu tiên, một cách tình cờ, ở tiệm rau cải; và chính quá trình xử lý thông tin đó là cần thiết để hiểu được ý nghĩa của “tình yêu từ cái nhìn đầu tiên”. Thật vậy, những yếu tố của cảm giác thân quen và sự đánh giá trực giác dường như là nguyên nhân tạo nên sự kết nối giữa hai người. Vì thế, bỏ qua các quan niệm siêu hình về sự quen biết từ kiếp trước, có lẽ chúng ta nên gọi là “tình yêu từ cảm giác quen thuộc đầu tiên” thì hợp lý hơn; bởi vì sự gán ghép với “cái nhìn” trong cụm từ làm lu mờ sự thật là cảm nhận thị giác không phải là yếu tố duy nhất của một tình yêu như thế. Vậy, có hay không tình yêu từ cảm giác quen thuộc lần đầu? Thật sự, câu hỏi ở mức khái quát hơn này mới là những gì mà người ta có ý muốn hỏi trong câu “có hay không tình yêu từ cái nhìn đầu tiên”.

Nhưng, phía sau câu hỏi khái quát này là một câu hỏi còn nhức nhối hơn: Làm sao để bạn có thể phân biệt giữa thích và yêu từ cảm giác quen thuộc lần đầu?

 

Và, thích một ai đó, cho dù thích rất nhiều, cũng không giống với yêu một người.

 

Vì thế, trong khi chắc chắn là bạn có thể thích ai đó từ cảm giác thân quen lúc đầu, có chắc là ta có thể yêu dựa trên cảm giác thân quen đó hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu được thế nào là yêu một người.

Theo quan điểm của tôi, yêu là một hoạt động liên quan đến một hệ các hành động quan tâm, bao gồm sự chung thuỷ, sự kiên định, tính trung thực, đáng tin cậy, tinh tế, đồng cảm, sự chịu đựng, và có mặt bên cạnh người đó lúc cần. Trên quan điểm đó, tôi cho rằng “yêu là một hoạt động cá nhân, mật thiết, nhằm tìm kiếm sự vui vẻ, hạnh phúc, đủ đày và an toàn cho một ai đó”. Trong trường hợp yêu từ cảm giác quen thuộc lần đầu, một dạng của tình yêu đôi lứa, cũng có sự cuốn hút giới tính đối với người kia, và điều này thường không có trong những loại tình yêu khác như tình yêu của cha mẹ cho con cái. Mặt khác, cảm giác quan tâm sâu sắc dành cho người khác thường gặp ở những mối quan hệ “tình yêu” dường như vắng mặt trong “tình yêu từ cảm giác quen thuộc lần đầu”, bởi vì thời gian cần thiết để vun đắp cảm giác quan tâm yêu thương cũng vắng bóng. Như vậy, có phải quan niệm về tình yêu này có nghĩa là tình yêu từ cảm giác quen thuộc lần đầu không tồn tại?


Thật ra, tình yêu cần có thời gian để vun đắp, và trong trường hợp “yêu từ cảm giác quen thuộc đầu tiên”, không có đủ thời gian để bất kỳ hành động yêu thương nào đem lại kết quả. Nhưng chúng ta cũng đừng vội vàng rũ bỏ khái niệm này; vì vẫn có chỗ cho tiền đề của một tình yêu thực thụ. Và tiền đề đó thường được biết đến như cảm giác “rơi vào tình yêu” (fallingin love). Vậy có hay không trạng thái “rơi vào tình yêu” từ cảm giác quen thuộc lần đầu?

Ở đây, sự hình tượng “rơi” khá hữu dụng. Trong trạng thái “rơi”, một người vẫn đang trong một “quá trình”. Nó không phải là một “việc đã rồi”. “Quá trình rơi vào tình yêu” bắt đầu và theo thời gian có thể “hoàn toàn” thành hiện thực đến mức độ cao nhất mà bất kỳ cái gì trong thế giới không toàn vẹn này có thể thành hiện thực. Trong trường hợp tình yêu từ cảm giác quen thuộc đầu tiên, dường như có một khao khát được chung thuỷ, kiên định, thành thực, được tin cậy, trở nên tinh tế, đồng cảm, chịu đựng, và có mặt bên cạnh ai đó khi họ cần. Cũng có thể có khuynh hướng theo hướng như thế, và điều đó có thể “đơm hoa kết quả” khi mối quan hệ ngày càng trở nên khắn khít.

Theo đó, có một ý nghĩa rõ ràng đối với khái niệm “rơi vào tình yêu từ cảm giác quen thuộc lần đầu”. Đây chính là nơi mà sau cuộc gặp gỡ đầu tiên, bạn cảm thấy say mê và hết sức hạnh phúc nói với bản thân “Đây là người mà tôi muốn dành trọn phần đời còn lại của mình với anh/cô ta; đây là người mà tôi sẽ luôn trân trọng, và dõi theo; đây là người mà tôi sẽ chia sẻ những bí mật sâu thẳm nhất của mình, và là người mà những bí mật của anh/cô ta sẽ luôn an toàn với tôi.” Nếu cảm giác đó không phải là nguỵ tạo mà hết sức chân thành, không phải đơn thuần là sự cuốn hút giới tính hay sự si mê, nó có thể là khởi đầu của một mối cam kết trọn đời.

Tất nhiên, mọi thứ đều có thể thay đổi. Suy cho cùng, người ta có thể “rơi vào” cũng như “rơi ra khỏi” tình yêu; và hiển nhiên một số người lầm lẫn sự cuốn hút giới tính với tình yêu và không bao giờ thật sự “rơi vào tình yêu”. Nhưng, yêu, cũng như bao mối quan hệ mật thiết khác có chứa đựng sự quan tâm sâu sắc cho một ai đều có khởi đầu, cũng bắt đầu từ những cảm giác quen thuộc đầu tiên, hay cảm giác quen thuộc lần thứ hai, thứ ba, hay lần thứ n sau nhiều năm quen biết.

“Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên” như đã phân tích ở đầu bài, chỉ là một trường hợp cụ thể, đặc biệt của hiện tượng “tình yêu từ cảm giác quen thuộc đầu tiên” (bao gồm “tình yêu từ mùi hương đầu tiên” hay “tình yêu từ giọng nói buổi đầu”, v.v.). Trong giới hạn của những gì thật sự là “tình yêu từ cái nhìn đầu tiên” thì nó hoàn toàn có thể, và không có lý do gì để cố phủ nhận nó. Tất nhiên, những ai đã từng trải qua cảm giác “yêu từ cảm giác quen thuộc lần đầu” biết rõ nó có nghĩa gì. Tôi có thể đảm bảo từ kinh nghiệm bản thân. Bạn nghĩ thế nào?

 

Trạm Đọc

Theo Elliot D. Cohen Ph.D./Psychology Today

Trần Đình Tuấn dịch/Theo Chiecnon

Tags: