Isaacson là tác giả viết tiểu sử giàu kinh nghiệm với những tác phẩm về cuộc đời của Einstein, Benjamin Franklin, Leonardo da Vinci, Jennifer Doudna và Steve Jobs. Trong cuốn tiểu sử mới nhất do ông thực hiện - tiểu sử Elon Musk - khiến mọi người tự hỏi rằng liệu có thể tách bạch hành vi cá nhân tồi tệ với động lực không ngừng đã giúp anh ta thành công hay không?
Musk thích những bài đăng trên Twitter đến mức mua lại hẳn công ty này (đây có thể là quyết định tệ nhất mà anh ta từng đưa ra). Và chính chứng nghiện mạng xã hội đó đã định hình nhận thức của công chúng về Musk, khiến mọi người và cả giới truyền thông thuần túy coi anh như một kẻ khốn nạn và bỏ qua những thành tựu đáng chú ý của Musk.
Thành tựu ấy là gì? Như khi giới thiệu bản thân với khán giả của Saturday Night Live, Musk đã nói rằng: “Đối với bất kỳ ai mà tôi đã xúc phạm, tôi chỉ muốn nói rằng tôi đã phát minh lại ô tô điện và tôi đang đưa mọi người lên sao Hỏa bằng tên lửa. Bạn có nghĩ tôi sẽ dễ dãi không hả người bình thường?”
Có thể tóm tắt những thành tựu của Musk như sau: PayPal (đồng sáng lập), Tesla, SpaceX, Starlink (hiện cung cấp liên kết internet cho lực lượng Ukraine), Neuralink, Boring Company (một công ty quy mô lớn với hoạt động chủ yếu là đào hầm) và một công ty AI mới có tên xAI. Trong số này, hoạt động kinh doanh tẻ nhạt duy nhất là công ty đào hầm.
Một trong những giá trị của cuốn sách của Isaacson là cách ông đi sâu vào cách thức hình thành những tổ chức hoành tráng này. Từ những lời tường thuật, có thể thấy sẽ không có gì trong số những thành tựu ấy được tạo ra nếu không có sự kết hợp đặc biệt giữa tầm nhìn, quyết tâm điên cuồng, cam kết cá nhân và cả sự tàn nhẫn của Musk.
Chẳng hạn, bất cứ ai nghĩ rằng việc sản xuất hàng loạt ô tô là dễ dàng đều chưa từng làm việc trong ngành này. Và trước sự chế nhạo khinh thường của ngành công nghiệp ô tô, công ty của Musk hiện là một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.
Tương tự, SpaceX là một thành tựu đáng kinh ngạc: những thách thức kỹ thuật trong việc chế tạo tên lửa đáng tin cậy và có thể tái sử dụng đã là “quá ghê gớm”. Nhưng làm được điều này với ngân sách chỉ bằng một phần ngân sách mà các gã khổng lồ hàng không vũ trụ Mỹ, những người đã quen với các hợp đồng “chi phí phát sinh”, cũng đáng chú ý không kém.
Ví dụ, việc thiết bị của Nasa vận hành trên tên lửa của SpaceX là lý do chính giúp Hoa Kỳ vẫn tham gia vào cuộc đua vào vũ trụ. Isaacson viết: “Năm 2014, Nasa trao cho SpaceX hợp đồng chế tạo tên lửa đưa các phi hành gia lên trạm vũ trụ, và cùng ngày, họ cũng trao cho Boeing một hợp đồng, với nguồn tài trợ nhiều hơn đến 40%. Vào thời điểm SpaceX thành công năm 2020, Boeing thậm chí còn chưa thể thực hiện được chuyến bay thử nghiệm không người lái đến trạm vũ trụ”.
Phần lớn thành công của Musk đến từ sự chú ý không ngừng nghỉ đến từng chi tiết kỹ thuật và sự sẵn sàng lật ngược các tập quán đã được coi là ‘thánh kinh’ trong các ngành này. Anh ta là người tin tưởng vào “liên kết theo chiều dọc” (vertical integration) - chẳng hạn như tự mình làm mọi việc thay vì thuê người khác làm. Vì vậy, Tesla đã tự viết tất cả phần mềm của riêng mình trong khi các nhà sản xuất ô tô khác giao phần mềm của họ cho những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon. Với Musk, không được có rào cản giữa thiết kế và sản xuất: bàn làm việc của các nhà thiết kế phải gần với dây chuyền sản xuất. Anh ta tin rằng khi thiết kế lại nhiều quy trình công nghiệp, tự động hóa là điều cuối cùng nên làm chứ không phải điều đầu tiên. Vì vậy, giống như Henry Ford được nhớ đến không phải vì Model T, mà là nhờ dây chuyền sản xuất ra nó; Musk cũng có thể sẽ được tôn vinh vì nỗi ám ảnh với “cỗ máy chế tạo ra cỗ máy”.
Tuy nhiên, có một mặt tối đối với sự sáng tạo công nghiệp này. Theo lời kể của Isaacson, cách Musk điều hành các doanh nghiệp tiên phong của mình là rất “tàn bạo”. Bản thân là một người cuồng nhiệt, anh ta không quan tâm đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của nhân viên. Musk tin rằng nếu mọi người muốn ưu tiên sự thoải mái và thư giãn thì họ nên nghỉ việc. Anh ta gửi email cho nhân viên để nhắc nhở họ rằng “cảm giác cấp bách điên cuồng là nguyên tắc hoạt động của chúng ta”. Công trình nghiên cứu của Isaacson về phong cách quản lý của Musk cho thấy đầy rẫy sự sa thải đột ngột, những quyết định thất thường và sự thờ ơ rõ ràng đối với cảm xúc của người khác. Như một người bạn lâu năm của Musk ở trường đại học đã nói: hoặc là làm bạn, hoặc là làm việc với Musk, chứ không thể đồng thời là cả hai.
Và ít nhất một số nhân viên của Musk cũng coi anh ta là một nhân vật truyền cảm hứng. Điều này có thể là do các mục tiêu và khát vọng của anh ta luôn đầy tham vọng và táo bạo (đôi khi khá lập dị). Hoặc nó có thể liên quan đến thực tế là trong cơn khủng hoảng, anh ta sẽ hết lòng dấn thân. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng sản xuất những chiếc Tesla Model 3 đời đầu, người ta nói rằng anh ta đã ngủ lại bên dây chuyền sản xuất trong vài tuần. (Điều này, cùng với những điều khác, chắc hẳn đã khiến Musk trở thành tỷ phú kỳ quặc nhất từ trước đến nay.)
Điều gì đã hình thành nên cá nhân phi thường này? Isaacson tìm kiếm lời giải thích trong thời thơ ấu của Musk - một cậu bé rất thông minh mắc chứng Asperger chưa được chẩn đoán, bị bắt nạt ở trường và có một người cha mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội, Errol. Errol là “một nhân vật Jekyll-and-Hyde” (một thuật ngữ trong tâm lý học dùng để chỉ một người có hai nhân cách tách biệt và mô tả cuộc đấu tranh giữa tốt và xấu trong nội tâm con người - ND), người thường xuyên lao vào “hành hạ ít nhất trong một tiếng đồng hồ” đứa con trai nhỏ của mình. Isaacson tự hỏi liệu tâm trạng thay đổi thất thường của Elon lúc trưởng thành - tươi sáng và u tối, dữ dội và ngốc nghếch, tách biệt và đa cảm, thỉnh thoảng bật chế độ “quỷ dữ” - phải chăng là sản phẩm của quá trình nuôi dạy đầy đau thương này hay không.
Từ đó,chúng ta quay trở lại câu hỏi: liệu hành vi tồi tệ có liên quan đến thành công hay không, có đúng là người tử tế là người về đích cuối cùng hay không?
- Nguồn: The Guardian