Trước nay, tôi chúa ghét mọi loại sách du kí, sách viết về hành trình đi đây đi đó, khám phá chỗ nọ chỗ kia, nói về việc bản thân mình đã thay đổi như thế nào sau quãng thời gian ấy. Thực ra không có lí do nào cụ thể, chỉ đơn giản “không thích” là “không thích” (như cách tôi không thích sách self-help và dạy làm giàu dù hàng vạn người phát cuồng vì chúng). Tôi cảm thấy những cuốn sách đó ngập tràn màu sắc cá nhân, những trải nghiệm hấp dẫn và mới lạ với họ nhưng đôi khi thật nhàm chán với tôi, lối hành văn cũ kĩ, những bài học thậm chí có phần khiên cưỡng và như thể được áp vào câu chuyện cho thêm phần sâu sắc. Và buồn thay, văn học Việt Nam lại nhiều sách như vậy quá.
Tuy nhiên, do tính chất công việc mà tôi phải đọc kha khá nhiều loại sách khác nhau, trong đó có cả ở chủ đề này. Thường thì tôi chẳng thể chăm chú đọc nổi quá 50 trang, đa số là đọc lướt để nắm được nội dung chính và văn phong của tác giả.
Dẫu vậy, đối với văn học Việt, cũng có một số (ít) những cuốn sách thuộc phạm trù này tạo nên cho tôi những ấn tượng tốt đẹp, gần đây là cuốn “Chuyện ở vịnh Tokyo” của tác giả Đinh Lê Hương.Về mặt tổng quan, “Chuyện ở vịnh Tokyo” không khác gì nhiều so với những cuốn sách khác cùng thể loại. Hai trăm trang sách là câu chuyện về cô tiếp viên hàng không quyết định đi theo sự nghiệp công chức và quyết tâm săn tìm học bổng du học. Từ việc bước chân đến Nhật Bản để học tập, nơi mà thậm chí trước đây tác giả còn không có mấy thiện cảm bởi người Nhật sao nguyên tắc quá, tỉ mỉ quá, thời trang ở Nhật lại chẳng phải gu của cô, nơi mà cô phải lựa chọn sau khi vuột mất cơ hội đến một nơi khác. Vậy mà cuối cùng một năm ở đây trở thành một năm không thể quên được trong đời.
Nội dung cuốn sách không hàm chứa những điều mới lạ và kì thú về Nhật Bản, hoặc ít nhất với tôi đó cũng đều là những điều tôi đã biết: có quá nhiều người già ở Nhật, giới trẻ ở đây nghiện xem sex nhưng lại lười biếng sex, hệ thống tàu điện đông đúc và phức tạp, đường xá chật cứng người và những cửa hàng bé tí hin, những câu chuyện xung quanh việc học hành và các mối quan hệ thầy trò, bạn bè, đồng hương,... Tóm lại, tất cả nội dung trong cuốn sách này tôi cho rằng có thể bắt gặp trong bất kì một cuốn sách nào khác được viết ra bởi du học sinh.
Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt trong “Chuyện ở vịnh Tokyo” lại không nằm ở mặt nội dung. Không có những câu chuyện giật gân, những tình tiết lí thú hiếu kì, không có những trải nghiệm mang tính sống còn thay đổi cả suy nghĩ của con người và cuộc đời, và cực ít những bài học mang tính “chiêm nghiệm” hay “dạy đời”, có chăng cũng chỉ là đôi ba dòng cảm nhận của cá nhân Đinh Lê Hương, về việc cô suy nghĩ sao về con người và sự việc ấy.
Đinh Lê Hương mô tả vẻ đẹp của Tokyo qua lăng kính cá nhân, trải nghiệm cá nhân, suy nghĩ và đánh giá cá nhân, sau biến chúng trở thành những câu chuyện thủ thỉ tâm tình như những dòng nhật ký. Ấn tượng nhất trong cuốn sách không phải nằm ở mặt nội dung mà là cách hành văn và lối kể chuyện của tác giả. Chính cô cũng nói rằng mình thường được đánh giá là một người có năng khiếu kể chuyện. Góc độ tiếp cận và thuật lại câu chuyện của cô rất khác. Chúng giản đơn, trực diện, đi thẳng vào vấn đề cô quan tâm mà không hề vòng vo hay cố gắng làm màu trong câu chữ.
Như tôi đã nói, câu chuyện của Hương không có gì quá mới lạ hay đặc sắc. Nhưng cô đã biến sự quen thuộc ấy trở thành cánh tay đắc lực để hấp dẫn người đọc. Cô chinh phục độc giả bằng sự giản dị, chân thành, bằng những mẩu chuyện mà cô đã tự mình trải qua và thuật lại như những người bạn kể chuyện cho nhau nghe: Về chương trình học, thầy giáo, bạn bè trường lớp, đôi ba mẩu chuyện nhỏ ấn tương, một chút đánh giá cá nhân về chuyện nọ chuyện kia,.. Cuốn sách khắc họa một Đinh Lê Hương rất trẻ, rất tươi vui, một “công chức” mà chẳng hề “công chức”, dành công sức du học nhưng vẫn không bỏ quên suy nghĩ: “Ở đây có một năm thôi, phải tranh thủ mà tận hưởng càng nhiều càng tốt”. Rất khó giải thích, tôi đã bị hấp dẫn bởi lối dẫn dắt của Hương, như đứa trẻ háo hức nghe người lớn kể chuyện.
Có lẽ với những bạn tìm kiếm một câu chuyện tỉ mỉ về hành trình từ khi xin học bổng đến khi du học, về một tấm gương cần cù vượt khó chăm chỉ giỏi giang, những khó khăn vất vả buồn tủi khi ở xứ người hay những câu chuyện thấm đẫm triết lí, “Chuyện ở vịnh Tokyo” sẽ làm bạn thất vọng. Còn nếu bạn tìm kiếm những điều nhẹ nhàng giản đơn để nhâm nhi bên tách trà chiều, một câu chuyện vui tươi, nữ tính, ngọt ngào để mơ mộng về những miền đất xa xôi, “Chuyện ở vịnh Tokyo” sẽ là một gợi ý không tồi trong những ngày tết sắp tới.
Phanh
Trạm Đọc.