Kì nghỉ hè là khoảng thời gian dành cho đọc sách, và bạn bè thường gặp tôi hỏi mượn sách bởi vì tôi có nhiều sách hơn đa số mọi người. Trong tâm trí ngây thơ của mình thì họ không biết được tôi sẽ trải qua những gì khi cho mượn một quyển sách.
Họ không hiểu rằng tôi nghĩ mình như đang dâng cho họ tình yêu, chân lí, cái đẹp, minh triết, và niềm an ủi chống lại cái chết. Họ cũng không hồ nghi rằng cảm giác của tôi khi cho mượn sách cũng giống như cảm giác của những ông bố khi để con gái họ sống chung với một gã nào đó mà chẳng cưới xin gì cả.
Nói vậy không có nghĩa là ta không có niềm vui thích nào khi cho mượn sách. Mỗi người đều mang trong người một chút chất truyền giáo, khi cuốn sách làm tôi xúc động thì tôi muốn nhét nó vào túi áo từng người. Nếu cuốn sách như vậy được nhiều người tìm đọc thì thế giới này hẳn sẽ trở thành nơi tốt đẹp và đáng yêu hơn. Nhưng người ta lại không hỏi mượn mấy cuốn sách dạng này. Liệu có bao nhiêu người bạn từng hỏi mượn cuốn The Collected Poems of Elizabeth Bishop (Tuyển tập thơ của Elizabeth Bishop), hay cuốn The Waning of the Middle Ages (Sự suy yếu của thời trung đại) của Johan Huizinga?
Một động cơ ít cao quý hơn khi cho mượn sách chính là đơn giản tò mò muốn xem chuyện gì sẽ xảy ra, tựa như đứa trẻ tò mò muốn biết điều gì xảy ra khi cho mấy món đồ chơi đụng nhau. Ấn một quyển sách đầy uy lực vào tay ai đó cũng giống như cho một vị khách trong bữa tối thưởng thức một thứ rượu mạnh có thể làm cho họ cư xử hoặc ngu ngơ hoặc rất chi là hoan hỉ. Một số độc giả thậm chí “ngất đi” sau khi hấp thụ một quyển sách như vậy: họ gạt bỏ cái trải nghiệm đó bởi vì họ không thể xử lí nổi nó.
Thỉnh thoảng có người nhờ tôi, như thể tôi là bác sĩ vậy, kê đơn cho họ một cuốn sách tuỳ theo hoàn cảnh đặc biệt nào đó – chẳng hạn như dành cho một người vừa li dị hay một người mắc phải chứng trầm cảm. Loại sách nào mà người vừa li dị hoặc người trầm cảm có thể đọc được quả là một câu hỏi hay: Liệu nó sẽ xoa dịu hay khẳng định niềm tin của họ rằng mọi sự tan biến và đầu não vô quyền?[1]Tại sao người ta không nhờ tôi gợi ý sách dành cho người đang yêu?
Thật khó chịu khi nghĩ rằng người khác xem chuyện đọc là một hoạt động nhàn nhã trong mấy ngày nghỉ. Họ tận hưởng những cuộc giao hoan phút chốc với sách vở, còn tôi ăn nằm với chúng.
Bằng lối chung chạ không ngừng nghỉ ấy, họ chỉ hỏi tôi về những quyển sách mới, trong khi tôi cảm thấy họ không có quyền đến với tác phẩm mới nhất của Leonard Michaels cho đến khi họ kinh qua được Chaucer và Rabelais. Họ hoài niệm về mọi thứ trừ sách vở.
Ý nghĩ về chuyện người ta đọc sách dưới ánh mặt trời, ngoài bãi biển, đã xúi giục tôi giới thiệu mấy cuốn sách tăm tối, được viết dưới bóng phủ của nỗi cô đơn, tuyệt vọng và cái chết. Hãy để những tay ăn chơi rộn ràng này cảm thấy rùng mình khi họ nằm ườn ra trên miếng khăn tắm. Hãy để “chiếc cánh của cơn điên” (wing of madness) của Baudelaire lướt ngang qua đầu họ giống như con mòng biển chuyên rỉa thịt xác chết.
Có những lúc người ta sẽ yêu cầu một quyển đặc biệt, và tôi sẽ cố xua họ ra xa cuốn sách ấy bởi sợ rằng họ sẽ không đối đãi với nó thật xứng đáng.
Helen Vendler có nói rằng I. A. Richards, một trong những nhà phê bình thơ vĩ đại, lúc nào cũng cố gắng bảo vệ những tác phẩm ưa thích của mình chống lại những diễn giải sai lệch của đám đông cẩu thả. Mallarmé từng có thái độ gay gắt đối với vấn đề tương tự. Ông ta bảo rằng “nếu một người với trí tuệ bình thường và không trang bị đủ kiến thức văn chương lại tình cờ may rủi sao đó mở trúng một trong những cuốn sách của tôi và vờ thưởng thức nó, thì sẽ có sai lầm xảy ra. Mọi thứ phải được trả về vị trí của chúng.”
Trong số bạn bè tôi không có nhiều người nghèo, thế là nảy sinh câu hỏi:
Nếu bạn thực sự muốn đọc quyển sách này, nếu bạn nghiêm túc, thế sao không ra ngoài mua nó đi? Sao bạn không dâng tặng lên văn chương giống như cách bạn thực hiện với những việc làm chính nghĩa khác?
Trong cuốn tiểu thuyết Loitering with Intent (Lượn lờ có mục đích), nữ nhân vật chính của Muriel Spark nhận định rằng những người ở cõi khác hay cư xử như thể sách vở là thứ khó có được một cách bí ẩn . Đối với những kẻ yêu mê mẩn sách vở, thì ý tưởng đọc một cuốn sách mượn là điều kinh tởm, một thói quen bẩn thỉu chẳng khác gì hành vi nhìn trộm.
Đôi lúc tôi bắt gặp một quyển sách quá phi thường đến mức tôi muốn giữ trải nghiệm đó cho riêng mình. Một quyển sách như vậy dường như trao cho ta một lợi thế vô cùng to lớn, nó làm cho người đọc trở nên hấp dẫn hơn, hóm hỉnh hơn, hoặc sâu sắc hơn những người không đọc nó. Cho mượn cuốn sách như vậy, từ bỏ một lợi thế quí giá đến vậy trong thế giới cạnh tranh nhau dữ dội như thế này, ắt hẳn là điều xuẩn ngốc. Những bí mật trong một cuốn sách như thế này phải được để dành cho mai sau, phòng cho tình trạng khẩn cấp tế nhị nào đó.
Thời điểm cuốn sách được cho mượn đi, tôi bắt đầu nhớ nó. Theo T. S. Eliot, mỗi cuốn sách mới được viết ra sẽ thay đổi mọi cuốn trước đó. Cũng tương tự vậy, mỗi cuốn sách vắng mặt sẽ thay đổi những cuốn vẫn còn trên kệ sách nhà tôi. Cái cục diện của thư viện nhà tôi, cái hình thức mỏng manh đó, sẽ tiêu tan. Tâm trí tôi rơi vào khoảng trống như người ta đưa lưỡi vào chỗ hốc răng vậy. Sự an toàn của tôi bị chọc thủng, trạng thái cân bằng của tôi trở nên chông chênh, tình cảm của tôi trở nên lộn xộn, những rào chắn của tôi chống lại sự hỗn loạn bị tiêu biến đi. Trước khi cuốn sách trở lại, tôi cứ cảm giác như một vị phụ huynh giữa đêm khuya ngồi chờ con mình trở về nhà từ một bữa tiệc nào đó. Trong cuốn tiểu thuyết Zuckerman Unbound [của Philip Roth], anh trai của Zuckerman cưới một cô gái như là cách duy nhất để tái sở hữu cuốn sách mà anh ta đã cho cô nàng mượn. Một số kẻ mê sách thà cho cuốn sách luôn còn hơn phải chịu đựng cảm giác âu lo khôn cùng khi cho người ta mượn nó.
Đoạn nguy hiểm nhất của câu chuyện cho mượn sách nằm ở phần trở về. Vào những lúc như thế, tình bạn như ngàn cân treo sợi tóc vậy. Tôi trông chờ nỗi đau đớn hay cảm xúc mê li, trông chờ những giọt nước mắt, sự cải biến hình tượng, đôi bàn tay run run, một giọng nói đứt quãng – nhưng điều mà người mượn sách thường nói là, “Tôi đọc thấy thích lắm”.
Tôi đọc thấy thích lắm – như thể đó là điều sách vở hướng tới vậy.
Trạm Đọc
Theo Anatole Broyard
Duy Đoàn chuyển ngữ / Chiecnon
Chú thích (của người dịch)
[1] Mọi sự tan biến, đầu não vô quyền (things fall apart; the centre cannot hold): đây là câu trích từ khổ đầu bài thơ “The Second Coming” của nhà thơ Ireland William Butler Yeats. Bản dịch câu thơ này lấy từ phần chuyển ngữ của Trọng Yên trên trang mạng kinhthanhvn.org.
Sau đây là nguyên văn khổ đầu bài thơ “The Second Coming”:
Turning and turning in the widening gyre
The falcon cannot hear the falconer;
Things fall apart; the centre cannot hold;
Mere anarchy is loosed upon the world,
The blood-dimmed tide is loosed, and everywhere
The ceremony of innocence is drowned;
The best lack all conviction, while the worst
Are full of passionate intensity.