Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên:
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên: "Niềm hứng thú được biết lớn lao hơn sự mệt mỏi!"
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên (sinh năm 1979) có tới 5 đầu sách viết về Đà Lạt, gồm bộ ba biên khảo “Đà Lạt, một thời hương xa” (2016), “Đà Lạt, bên dưới sương mù” (2019), “Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ” (2020), tiểu thuyết “Ký ức của ký ức” (2019) và trước đó là tản văn “Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách” (2014)...

Nguyễn Vĩnh Nguyên trò chuyện cùng bạn đọc Lao Động Cuối tuần về những chuyến du hành về quá khứ để tái tạo thành phố theo cách riêng của anh.

Một loạt biên khảo xuất hiện gần đây đã xác tín trong tâm trí bạn đọc một tác giả, nhà biên khảo Nguyễn Vĩnh Nguyên gắn liền với Đà Lạt. Điều gì khiến anh phải đắm mình trong các kho lưu trữ, thư viện để lật giở một thành phố trong quá khứ như vậy?

- Trong một giai đoạn, tôi đã tự hỏi vì sao mình (và nhiều người như mình) cảm thấy chịu một lực hấp dẫn của Đà Lạt; thậm chí, ít nhiều được chi phối, ảnh hưởng bởi các giá trị tinh thần của Đà Lạt dù đang sống tại Đà Lạt hay nơi khác. Theo lẽ thường, sự lãng mạn, thậm chí cường điệu hóa cảm xúc qua các thêu dệt huyền thoại và tụng ca tình yêu Đà Lạt có màu sắc thi vị thì sẽ khá dễ dàng tìm được sự đồng điệu. Nhưng cá nhân tôi thì lại thấy mình thích hợp với một lối đi khác. Tôi thử xác định, hệ thống, sắp xếp lại các tài liệu để “giải mã” Đà Lạt theo cách riêng.

Việc tìm cách tự trả lời các câu hỏi về mối quan hệ của mình với một nơi chốn cũng có nghĩa là mở một đường hầm đi vào những bí mật của nơi chốn đó. Tóm lại, nói một cách dễ gây thất vọng rằng: Không có gì thôi thúc tôi ngoài việc tự trả lời các câu hỏi mà chính mình đã đặt ra.

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên. Ảnh: NVCC

Công việc này chắc chắn rất mệt mỏi theo cái nghĩa trí não liên tục phải trở đi trở về giữa ký ức và hiện tại?

- Việc di chuyển, thời gian làm việc với tài liệu, những trở lực mà bất kỳ người viết biên khảo độc lập nào cũng có thể trải qua... thì đúng là có lúc gây mệt mỏi (nhất là với một kẻ có xu hướng ưa thích sự nhàn nhã hơn làm việc như tôi). Nhưng như tôi đã nói, bởi đây là thứ công việc mà mình tự đặt ra chứ không bởi ai ép sai khiến gì, nên nếu không tìm thấy hứng thú thì tôi đã không thể hoàn thành. Vậy, niềm hứng thú được biết, được trình bày cái biết theo cách của mình thì lớn lao hơn sự mệt mỏi. Trí não tôi cũng dễ dãi với chuyện bị dẫn dắt về ký ức, nên tôi thấy việc sao lục, xử lý tài liệu là phù hợp với mình nhất cho đến thời điểm này. Có lúc tôi đã ước chi cuộc sống không đặt ra các áp lực “thực tế”, để mình chỉ sống toàn thời gian trong các văn khố...

Một nhà biên khảo phải đi xuyên qua khối tư liệu đồ sộ thế nào để không bỏ lỡ mà cũng không tham lam?

- Một khi xác định được một phương pháp biên khảo, kể chuyện riêng và làm chủ được ngôn ngữ của mình thì việc kiểm soát cấu trúc nội dung không khó khăn. Khi các cuốn sách được xuất bản, nhiều người Đà Lạt xưa hoặc từng gắn bó với Đà Lạt cũng có phản hồi thắc mắc với tôi rằng sao không “kể thêm” chuyện ông nọ, bà kia, sự kiện nọ, sự việc kia (mà với họ là quan trọng không thể thiếu)... Tôi chỉ biết nói với họ rằng, dù sống nhiều cuộc đời nữa để viết, tôi cũng không sao kể hết mọi thứ về Đà Lạt trong quá khứ. Đơn giản, tôi đang nói về thành phố đó bằng phương pháp và hệ thống nội dung của riêng tôi.

Tôi đã gặp và trò chuyện với nhà nghiên cứu về Đà Lạt Nguyễn Hữu Tranh. Trước đó hẳn cũng đã có nhiều người theo đuổi việc “chinh phục” thành phố này từ tâm thế của người làm khoa học. Anh thì có thêm sự say đắm của kẻ lãng du trong ngòi bút. Nhưng họ - các nhà nghiên cứu đi trước có vai trò thế nào với biên khảo của anh?

- Tôi kính trọng những nhà nghiên cứu thế hệ trước. Bao giờ cũng vậy, sự kế thừa trong việc làm tài liệu là rất quan trọng. Nhưng thách đố đặt ra cho mỗi thời mỗi khác nhau. Tôi nghĩ ngoài việc trình bày tài liệu thì một ngôn ngữ, cụ thể, một văn phong cho câu chuyện Đà Lạt là yếu tố cần thiết. Làm sao để yếu tố “văn chương” tạo nên sự hấp dẫn, nhưng không làm xao lãng mục đích hướng đến tính chính xác của tài liệu... đó là thách thức với cá nhân tôi.

Anh đối xử với Đà Lạt như với một thực thể phong phú về tâm hồn-nơi hình thành sống động đời sống thị dân. Từ câu chuyện Đà Lạt, anh nghĩ có thể làm gì để giữ gìn và nuôi dưỡng “căn tính” cho những thành phố nói chung?

- Câu hỏi quá lớn lao so với khả năng nhận thức của tôi. Tôi chỉ nghĩ rằng, chúng ta cần trở lại với câu hỏi: Điều gì làm nên linh hồn của một thành phố? Và cái gọi là linh hồn thì có cần hay không đối với sự phát triển của một thành phố hiện đại?

Tiểu thuyết “Ký ức của ký ức” như một ảo ảnh đẹp, quyến rũ. Giọng điệu vừa phiêu lãng vừa mạch lạc, điềm tĩnh trong suy tưởng... Đây là lựa chọn của anh để tái tạo thành phố theo một cách khác?

-Tôi nhớ rằng cuốn tiểu thuyết này mình viết trong một chặng nghỉ giữa các dự án biên khảo. Rất nhiều văn bản, hình ảnh và hồ sơ đã đi vào không gian hư cấu phi tuyến tính. Chỉ có thể nói rằng, ở các biên khảo, tôi chú ý tới lối văn bay bổng để mở ra không gian quyến rũ nhằm chuyển tải các tài liệu chính xác thì trong cuốn tiểu thuyết này, sự xuất hiện của các tài liệu lại trở thành một bầu không khí tuyệt mật để phá vỡ những mặc định phi thực của chúng ta về tác phẩm hư cấu. Nhìn lại lịch sử đô thị, Đà Lạt mang đậm yếu tố địa-lý-quyết-định. Nhưng biết đâu trong văn hóa nói chung, thành phố ấy lại bị chi phối bởi một lịch sử của hoài niệm, một bối cảnh “ký-ức-quyết-định”.

Những chồng lớp của quá khứ, ký ức làm nên sức hấp dẫn của Đà Lạt. Nghe nói vì sách của anh mà có bạn trẻ tìm đến và lập nghiệp ở Đà Lạt?

- Tôi không chắc điều này. Và nếu có thật như vậy thì không biết nên vui hay nên buồn.

Tác phẩm sắp tới anh vẫn viết về Đà Lạt?

- Tôi chưa có dự định gì và đang cảm thấy yên ổn vì điều đó.

Chân thành cảm ơn anh và xin chúc cho những yên ổn sẽ cùng anh đi tiếp!

Theo Báo Lao Động

Tags: